Phục trang phim dã sử Việt: Đi tìm thước đo chuẩn mực

29/09/2020 15:15

(VHNT) - Mới đây, khi những hình ảnh đầu tiên giới thiệu bộ phim dã sử "Quỳnh Hoa nhất dạ" của đạo diện Lý Minh Thắng công bố đã tạo ra "cơn địa chấn" tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội về trang phục, tạo hình nhân vật trong phim. Điều này cho thấy vấn đề phục trang trong phim lịch sử, dã sử Việt một lần nữa được dư luận quan tâm.

Dự án phim cổ trang dã sử Quỳnh Hoa Nhất Dạ đang là tâm điểm bàn tán của khán giả yêu phim Việt trong thời gian vừa qua. Hiện tại, bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện của Thái hậu Dương Vân Nga có thật trong lịch sử đang gây tranh cãi mạnh mẽ trên mạng xã hội. Lý do là ở một ảnh hậu trường, nữ chính Thanh Hằng đã diện một bộ trang phục được cho là có hơi hướng cung đình Mãn Thanh.

Trang phục Việt hao hao kiểu Tàu

Khi hình ảnh một số trang phục của nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga (Thanh Hằng đóng) trong phim dã sử Quỳnh Hoa nhất dạ xuất hiện đã gây tranh cãi dữ dội trên các diễn đàn về cổ phong và trong giới nghiên cứu lịch sử, cổ phục với nghi vấn: “Thái hậu triều Đinh - Tiền Lê sử dụng trang phục Mãn Thanh (Trung Quốc)?”. Một số khán giả đã phát hiện ra trang phục màu đỏ của diễn viên Thanh Hằng mặc có kiểu dáng theo hơi hướm thời Thanh của Trung Quốc với tà áo kéo từ trái qua phải và giữ lại bằng hàng nút tàu - một dạng thức trang phục quá xa lạ so với người Việt vì áo giao lĩnh của VN có thiết kế và cách mặc khác. Đáng nói, nhân vật lịch sử Dương Vân Nga sống ở thế kỷ 10, trong khi thời Thanh vốn ở thế kỷ 17.

Sân khấu - Điện ảnh - Phục trang phim dã sử Việt: Đi tìm thước đo chuẩn mực

Trang phục của phim Quỳnh Hoa nhất dạ bị cho là giống thời Mãn Thanh

Khi nhận được ý kiến trái chiều từ dư luận, ekip của Quỳnh Hoa nhất dạ đã đưa ra lời giải thích, cụ thể, nhà thiết kế (NTK) Thuỷ Nguyễn phụ trách mảng phục trang của Quỳnh Hoa Nhất Dạ chia sẻ: "Đúng là chiếc nút áo trong bộ trang phục được làm hơi hướng mẫu nút áo của thời sau này. Chúng tôi đã có thể thiết kế 1 chiếc nút áo không giống kiểu nút áo mà mọi người cho rằng 'mang âm hưởng Mãn Thanh' nhưng chúng tôi chọn kiểu nút áo này vì sự hài hòa của nó với bộ trang phục". Đây là câu trả lời ban đầu sau khi một số khán giả chỉ ra chiếc nút áo của trang phục khá giống với những trang phục khi xưa của nữ nhân thời nhà Thanh ở Trung Quốc.

Thuỷ Nguyễn cũng cho biết thêm: "Chiếc nút áo như một yếu tố trang trí làm hoàn thiện một bộ trang phục, nó là một chi tiết tuy nhỏ nhưng làm cho bố cục của bộ trang phục không bị lỏng lẻo. Nếu chúng tôi dùng một sợ dây thắt nút giản dị thay vì chiếc nút áo hiện tại thì chắc chắn bộ trang phục sẽ không có được sự trang trọng cần có của một bộ trang phục của một vị hoàng hậu".

Thực tế, đây không phải lần đầu phục trang của các bộ phim cổ trang, phim lấy cảm hứng từ nhân vật lịch sử có thật hoặc liên quan đến lịch sử,... trở thành đề tài tranh cãi. Quay đi, quay lại vẫn chỉ là những chuyện “muôn năm cũ”, trang phục phim nếu không na ná của Trung Quốc, lại biến tấu, cách tân quá đà, sai lệch với nguyên gốc. Trong đó, hứng nhiều “gạch đá” và chỉ trích nhất có lẽ là bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long. Là tác phẩm đầu tư kinh phí lớn, nhưng cuối cùng bộ phim này bị hủy chiếu... vì trang phục quá giống Trung Quốc.

Đồng ý rằng làm phim cổ trang ở Việt Nam chưa bao giờ là dễ dàng, phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về mặt tài liệu lịch sử qua các triều đại xưa. Mốc thời gian càng đẩy sâu về quá khứ, dữ liệu lịch sử càng ít ỏi. Thực tế, ngoài trang phục triều Nguyễn ra, chúng ta tìm được rất ít tư liệu về các triều đại trước đó như: Lê, Trần, Lý... nên việc phân định tính đúng-sai của trang phục vẫn là “bài toán” chưa có lời giải.

Đúng mà vẫn đẹp

Đối với một bộ phim cổ trang, người xem luôn đòi hỏi bối cảnh, trang phục của diễn viên phải đem lại cảm giác như thật, đồng thời vẫn phải thỏa mãn được yêu cầu về thẩm mỹ. Nhưng đôi khi các nhà làm phim buộc phải chọn giữa đúng và đẹp. Từng kết hợp làm một số bộ phim như Lều chõng, Trò đời..., đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (thiết kế mỹ thuật), họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (thiết kế trang phục) đều nói rằng họ chú trọng trên hết đến yếu tố thuần Việt và vẻ đẹp nghệ thuật chứ không phải trung thành với sự thật lịch sử, vì như thế sẽ gây ra những cuộc tranh cãi không bao giờ dứt. Ai có đủ khả năng để kết luận bộ trang phục đó chính là thứ người xưa vẫn mặc?

Sân khấu - Điện ảnh - Phục trang phim dã sử Việt: Đi tìm thước đo chuẩn mực (Hình 2).

Trang phục trong phim Phượng Khấu nhận được tán dương khi bám sát cứ liệu lịch sử

Trong bối cảnh đó, cách làm của nhà sản xuất phim Phượng Khấu cho thấy tín hiệu lạc quan. Ở thời điểm mới ra mắt những tập đầu song bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời của Từ Dụ thái hậu, người giữ vai trò quan trọng trong triều đình phong kiến thời nhà Nguyễn, đã nhận được lời ngợi khen về trang phục dù rằng lời thoại hay kịch bản vẫn còn nhiều điều để bàn. Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, trang phục là điểm đáng tự hào nhất ở bộ phim này, bởi Phượng Khấu là dự án có nghiên cứu trang phục thời Nguyễn để đưa vào sử dụng trong phim. Tổng số trang phục trong phim gồm gần 300 bộ, chiếm gần 1/3 kinh phí làm phim.

Dù chỉ là một phim web drama (phim dài tập chiếu trên mạng) nhưng nhà sản xuất đã làm rất kỹ khâu trang phục, trong đó có việc tổ chức các buổi tọa đàm lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, chuyên gia. Toàn bộ phần nghiên cứu, thiết kế và thực hiện đều được thực hiện bởi Ỷ Vân Hiên - đơn vị chuyên phục dựng trang phục cổ. Để có những bộ trang phục vương triều lộng lẫy, Ỷ Vân Hiên đã nghiên cứu, thiết kế, chế tác, sử dụng các loại chất liệu cao cấp, hàng thêu thủ công... Nghệ nhân Vũ Kim Lộc đã nhận lời phục dựng một số loại mũ mão triều Nguyễn chưa từng thực hiện trước đây để sử dụng cho phim. Sau khi phim ra mắt, nhiều khán giả đã so sánh với những bức ảnh chụp trang phục thời nhà Nguyễn và khẳng định trang phục trong phim bám sát cứ liệu lịch sử.

Xin được dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tác giả cuốn sách Ngàn năm áo mũ để kết thúc bài viết này: “Với phục trang, tôi cho rằng có thể cùng lúc vừa làm đúng vừa làm đẹp được, thậm chí nhiều trường hợp chỉ cần làm cho đúng thôi cũng đã đủ đẹp rồi. Đơn cử như trang phục cung đình thời Nguyễn chẳng hạn. Làm không đẹp thì phải trách con mắt thẩm mỹ của nhà làm phim. Nếu có thẩm mỹ tốt, thì ngay cả việc đưa răng đen vào phim, trông vẫn đẹp, như các nhà làm phim Nhật Bản, Thái Lan từng làm”.

Thái Gia Khánh (tổng hợp)

 

Bạn đang đọc bài viết "Phục trang phim dã sử Việt: Đi tìm thước đo chuẩn mực" tại chuyên mục ĐỐI THOẠI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).