Những bản Tuyên ngôn đi vào lịch sử thế giới

02/09/2020 22:38

(VHNT) - Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp,.... là những văn bản chính trị có ý nghĩa to lớn.

Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam

Ngày 19/8/1945, chính quyền ở Hà Nội đã về tay nhân dân. Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Người soạn thảo bản “Tuyên ngôn độc lập” tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang. Ngày 02/09/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”.

Thế giới - Những bản Tuyên ngôn đi vào lịch sử thế giới

2/9/1945, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam năm 1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuyên ngôn độc lập khẳng định ý chí sắt đá không có gì có thể lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Bác Hồ tìm ra tư tưởng cốt lõi đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Ngày 4/7/1776, bản Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ra đời. Đây là văn bản chính trị có ý nghĩa lịch sử tuyên bố 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ ly khai khỏi Vương quốc Anh. Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ do Tổng thống Thomas Jefferson soạn thảo được tuyên bố ngày 4/7/1776.

Thế giới - Những bản Tuyên ngôn đi vào lịch sử thế giới (Hình 2).

Bức tranh nổi tiếng của John Trumbull thường được xác định là mô tả về việc ký Tuyên ngôn

Bản tuyên ngôn đã được mở đầu bằng đoạn văn nổi tiếng:

Trong tiến trình phát triển của nhân loại, khi một dân tộc nào đó cần thiết phải xóa bỏ những mối liên kết chính trị giữa họ với một dân tộc khác và khẳng định trước các lực lượng trên toàn trái đất vị thế độc lập và bình đẳng mà các qui luật của tự nhiên và thượng đế đã ban cho họ, thì sự tôn trọng đầy đủ đối với các quan điểm của nhân loại đòi hỏi họ phải tuyên bố những nguyên do dẫn họ đến sự biệt lập đó.

Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp

Năm 1789, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp ra đời. Văn bản chính trị này do hầu tước Marquis Lafayette soạn thảo. Ngày 26/8/1789, Quốc hội Lập hiến thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền.

Thế giới - Những bản Tuyên ngôn đi vào lịch sử thế giới (Hình 3).

Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp ra đời năm 1789

Trong bản tuyên ngôn này có tất cả 17 điều khoản, điều 1 và điều 2 là nổi tiếng nhất và được trích dẫn nhiều nhất: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng và quyền lợi. Sự khác biệt xã hội chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở lợi ích chung” và “Mục đích của mọi tổ chức chính trị là việc bảo toàn các nguồn lợi thiên nhiên và bảo toàn các quyền con người không thể bị tước bỏ. Các quyền đó là tự do, tài sản, sự an toàn, và quyền được chống lại mọi sự áp bức”.

Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản của Đức

Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản của Đức năm 1848 là văn bản chính trị do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo. Bản tuyên ngôn này đã trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản của Đức đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác bao gồm ba bộ phận: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Thế giới - Những bản Tuyên ngôn đi vào lịch sử thế giới (Hình 4).

C.Mác và Ph.Ăngghen (Ảnh: Tư liệu)

Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định, cuộc cách mạng xã hội do giai cấp vô sản và chính đảng cách mạng của nó thực hiện, khi đã giành được thắng lợi hoàn toàn, sẽ vĩnh viễn chấm dứt tình trạng người bóc lột người, chấm dứt mọi hình thức nô dịch xã hội và tình trạng “những người lao động thì không được hưởng, mà những kẻ được hưởng lại không lao động”. Nó cũng sẽ thủ tiêu hoàn toàn ách áp bức dân tộc, nô dịch thuộc địa và những cuộc chiến tranh đẫm máu.

Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ năm 1863

Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ năm 1863 đã đặt nền móng cho Bản Hiến pháp Sửa đổi lần thứ 13 năm 1865, giải phóng 4 triệu nô lệ Mỹ.

Mặc dù bản tuyên ngôn không xóa bỏ chế độ nô lệ khi chỉ giải phóng cho 20.000 nô lệ nhưng văn bản trên vẫn có ý nghĩa lịch sử to lớn.

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 tại Paris, Pháp. Văn bản chính trị này đã được dịch ra 375 ngôn ngữ.

Đây là tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên trên thế giới, trong đó thúc đẩy các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tôn trọng quyền cơ bản của con người.

Ngọc Bích (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Những bản Tuyên ngôn đi vào lịch sử thế giới" tại chuyên mục VIDEO. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).