Nhà văn Vũ Tú Nam và chuyến đi trở về nơi chốn tuổi thơ

28/09/2020 13:44

(VHNT) - Đầu năm 1978, khi chuyển công tác về làm việc tại Nhà xuất bản Tác phẩm Mới được chừng dăm tháng, tôi đã có lần được tham gia chuyến “đi thực tế sáng tác” cùng Nhà văn, Giám đốc Vũ Tú Nam.

Chúng tôi khởi hành vào một ngày ngoài rằm tháng giêng. Trên xe, anh Nam mới nói về dự  kiến chuyến đi. Xe theo đường đi Hà Đông,  dừng lại chỗ vườn hoa thị xã vào Sở Văn hóa, anh Nam  vào gặp Phó Giám đốc Sở. Ở chừng 12 - 20 phút sau  đó cùng Phó Giám đốc Sở tiễn chúng tôi. Anh định đi  Hòa Bình, lúc này sắp trở thành đại công trường thủy  điện lớn nhất nước. Anh đã ở thị xã này gần như suốt  nhiều năm tuổi thơ cùng gia đình; anh muốn thăm lại,  và dự kiến sẽ trở lại thêm nữa nếu có thể, để quan sát  chiêm nghiệm thay đổi của một vùng đất và con người  theo thời gian. Ông phó giám đốc mà anh vừa gặp,  cũng tên là Nam, chính là một trong những bạn thời  nhỏ của anh Vũ Tú Nam ở Hòa Bình. Ông Nam vừa từ  Sở Văn hóa Hòa Bình chuyển về sở mới (hợp nhất Hà  Tây với Hòa Bình) đặt tại Hà Đông, lúc này đã thành  thủ phủ của tỉnh mới Hà Sơn Bình. Ngồi trên xe tôi nhớ đến cuốn sách mỏng tôi đọc lúc  7-8 tuổi khi gia đình tôi còn đang tản cư ở Bình Lục, Hà  Nam. Ấy là cuốn “Giành lấy tương lai”, tên tác giả ở bìa  là Vũ Tú Nam. Thế nên, lúc anh Túc dừng xe nghỉ giữa  đường, vừa bước xuống xe tôi đã đi gần lại anh Nam và  nói: Cuốn sách đầu tiên mà em đọc của anh Nam là cuốn  “Giành lấy tương lai”…! Chợt thấy anh Nam đỏ bừng mặt  lên và cười gượng: Quyển ấy mình viết hồi còn ấu trĩ… 

Văn  - Nhà văn Vũ Tú Nam và chuyến đi trở về nơi chốn tuổi thơ

Nhà văn Vũ Tú Nam thời trẻ. Ảnh Tư liệu

Dạo ấy đường số 6 còn rất vắng, khoảng 11 giờ trưa  thì xe chúng tôi tới thị xã. 

Buổi chiều, anh Nam rủ tôi đi bộ vòng quanh thị  xã. Nhìn sang bên kia sông, anh chỉ một điểm trong  các dãy núi và bảo: Cái núi kia, hồi bé bọn mình gọi nó  là núi Ô-tô. Rồi anh đến gần một người trung niên hẳn  là dân thị xã hỏi chuyện; người ấy cũng nói tên ngọn  núi như thế! Anh cười: hóa ra từ ấy đến giờ người ta  vẫn gọi núi ấy như bọn trẻ chúng mình đã gọi!  

Hồi ấy các chuyên gia và thợ kỹ thuật từ Liên Xô  hầu như chưa ở lại đây, nên người Hòa Bình còn khá  nhạy với những nét giống Tây. Anh Nam vóc dáng cao  lớn, da dẻ hồng hào, rất dễ bị coi là Tây. Anh nghe được  những xì xầm của họ với nhau rồi bảo: Tôi đi với Ân,  dân họ nói chắc là cán bộ ta đưa “ông Liên Xô” đi xem  phố Hòa Bình!  

Gần đây, tìm trong thư mục thư viện quốc gia, trong  số trên 200 tên sách có gắn với tác giả Vũ Tú Nam, tôi  thấy trên một nửa là sách cho thiếu nhi. Anh Nam là tác  giả rất chăm viết cho thiếu nhi, từ truyện do chính anh  viết, đến truyện dịch, thơ dịch. Anh thường được Nhà Xuất bản Kim Đồng nhờ soạn phần lời cho các cuốn  truyện tranh; phần lớn diện tích trang sách dành cho tranh vẽ, phần lời chỉ gói trong vài ba chục từ đặt thành  dăm bảy dòng ở chân trang; soạn thế nào để họa sĩ nhìn vào đó mà vẽ, người đọc đọc qua là hiểu diễn biến câu  chuyện, đấy là việc của một tay nghề già dặn.  

Từ hiệu sách chúng tôi trở về nhà khách. 

Đầu giờ chiều hôm thứ hai, chúng tôi dự nghe một  cán bộ trong nhóm kỹ thuật nói chuyện về dự án xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Đà tại Hòa Bình. Hóa ra dọc theo con sông này, Hòa Bình chỉ là một  trong số các bậc thủy điện; phía trên trạm này sẽ còn các bậc Tạ Bú, Lai Châu. Lúc ấy tại miền Bắc chỉ mới có  một nhà máy thủy điện tương đối lớn là Thác Bà. Mãi  sau này tôi mới có dịp đến Thác Bà nên lúc ấy thậm chí  nghe thuyết trình cũng không hiểu được mấy.  

Hôm sau, ăn sáng xong, chúng tôi lên xe đi vào làng  Mường! Có lẽ từ Hà Đông ông Phó Giám đốc Sở văn  hóa đã ghi đường đi cho anh Nam. Xe lên dốc Cun,  rồi rẽ theo một ngả đường nào đó, hình như chính là  đường số 12 (con đường thành tên tác phẩm của Vũ  Tú Nam), tìm dần tới địa chỉ đã báo trước.  

Đến đây chúng tôi mới biết rõ hơn, thời những năm  1930-40 ấy, cụ thân sinh anh Vũ Tú Nam làm viên chức  bưu điện ở thị xã này (lúc ấy gọi là sở dây thép!), cụ thân sinh anh Nam - Phó Giám đốc Sở là nhân viên tạp  vụ cũng ở bưu điện Hòa Bình. Cụ có nhà ở trong quê  nhưng cũng có nhà ở ngoài thị xã cho mấy cậu con ra  đây ở và đi học, vì thế, bọn trẻ hai nhà quen biết nhau,  có chung nhau những ngày tuổi thơ tại thị xã Hòa Bình.  Sang thời ta, ngoài ông Nam làm cán bộ nhà nước, còn  mấy anh em khác vẫn ở trong quê. Ông Nam rât muốn  anh Vũ Tú Nam ít ra có một lần về tận làng mình, tuy  ông không thể về cùng.

Trưa hôm ấy chúng tôi trở ra thị xã Hòa Bình, về  lại nhà khách. Buổi chiều, chúng tôi đi xe tới nhà riêng  ông phó giám đốc Nam, cũng ở trong khu vực Phương  Lâm; ông vừa từ Hà Đông về, như đã hẹn với anh Vũ  Tú Nam. Hôm ấy, bà vợ ông trong trang phục phụ nữ  Mường, làm đầu bếp thết đãi anh Vũ Tú Nam và đoàn  chúng tôi. Ngoài những chuyện về vùng đất Hòa Bình  xưa kia thời các ông còn sống với bố mẹ, và những dự  kiến đổi khác nay mai vì có nhà máy thủy điện, tôi thấy  hai ông cùng tên Nam còn nói nhỏ với nhau một vài  việc khác nữa. Có lẽ ông phó giám đốc cũng có những  bận tâm riêng, từ chuyện công tác đến việc nhà cửa, con  cái. Một cô con gái ông bà lúc này đang học tại trường  văn hóa Tây Bắc, nay mai ra trường chắc cần tìm chỗ  công tác thích hợp.  

Sáng hôm sau, chúng tôi lên xe trở về Hà Nội, rồi  ngày ngày lại tới cơ quan ngồi với những bản thảo  các loại.  

Khoảng vài năm sau, một lần nữa anh Vũ Tú Nam  lại bảo tôi cùng anh đi Hòa Bình. Lần ấy chúng tôi đi xe  của công trường, trên xe ngoài anh Nam và tôi, còn có  anh Thái Bá Lợi, lúc ấy đang học khóa đầu trường Viết  văn Nguyễn Du. Nhà xuất bản chúng tôi lúc ấy còn có  anh Trần Vũ Mai, được “cắm” tại công trường như đi  thực tế dài ngày. Trước mắt chúng tôi, vùng Hòa Bình  đã là một công trường lớn; bên Phố Đúng cũ là hàng  loạt hạng mục đang xây dựng. Ban chỉ huy công trường  dành thời gian tiếp chuyện anh Nam. Tôi và Thái Bá Lợi thích đi ra ngoài các khu vực nửa lán trại nửa công  trường, xem bất cứ thứ gì có thể xem. Trần Vũ Mai còn  biết cách nghe chuyện đơn giản hơn nữa. Chừng hơn 5 giờ chiều, anh rủ chúng tôi ra chỗ mấy quán nước  ven đường, ngồi đấy có thể thấy những kíp thợ tan  ca vừa uống chén chè vừa kháo với nhau các việc, từ  việc ông trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Bagachenko  nhận xét hóm hỉnh về tiến độ công việc, đến việc các  tay lái tracteur tìm cách bán phần xăng nhớt thừa sau  mỗi ca máy. Bọn tôi ngồi đấy đến gần 9 giờ, lúc vừa về  phòng chuẩn bị đi ngủ thì nhận được điện anh Ngô  Xuân Lộc báo tin sẽ đưa anh Nam và chúng tôi đi ngay  vào xem đường hầm sẽ đặt các máy phát điện, lúc ấy  mới khoan sâu vào lòng núi chừng vài trăm mét. Ấn  tượng về một nhà máy đặt trong lòng núi, từ lần ấy, rõ  lên và đậm lên dần trong ghi nhớ của chúng tôi.  

Rất gần đây, nói chuyện với nữ nhà văn Lê Phương  Liên, tôi mới được biết, chuyện trải nghiệm tuổi thơ ở  thị xã Hòa Bình, điều mà anh Vũ Tú Nam muốn tìm  lại trong chuyến rủ tôi đi cùng hồi 1978, anh Nam đã  viết thành truyện, một truyện kể cho tuổi thiếu niên,  chừng trên dưới trăm trang, cũng đã in tại nhà xuất bản  Kim Đồng. Chị Liên không nhớ chính xác tên sách.  Tôi thì chưa biết anh Nam có cuốn sách ấy. Nếu đã đọc  qua cuốn ấy, có lẽ bài hồi ức này của tôi sẽ được giúp  nhiều chi tiết hơn. Bốn chục năm đi qua rồi còn gì? ■ 

Lại Nguyên Ân

Bạn đang đọc bài viết "Nhà văn Vũ Tú Nam và chuyến đi trở về nơi chốn tuổi thơ" tại chuyên mục XÃ HỘI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).