Nhà văn và thời đại

23/08/2020 01:26

(VHNT)- Đầu thế kỷ trước, thi sĩ Tản Đà đã thốt lên: Văn chương hạ giới rẻ như bèo!. Vậy chắc ở thiên đình văn chương được giá chăng? Ai mà biết được. Bởi nửa sau của thế kỷ XX loài người mới bay được vào vũ trụ. Mà từ khi ấy đến nay cũng chưa nghe thấy nhà du hành nào nói trên ấy có văn chương không, và nếu có thì đắt hay rẻ?

Nhà thơ nhà văn sướng hay khổ?

Cuối thế kỷ trước, khi tôi còn công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Hưng, một tác giả thơ trong tỉnh, anh Đàm Đức Lợi có viết hai câu thơ: Nghe đồn ở dưới âm cung/ Người cầm bút được ăn cùng với vua. Vâng, cũng chỉ là nghe đồn vậy thôi. Trong các truyện dân gian của ta, rồi truyện nôm khuyết danh Phạm Tải Ngọc Hoa, đến Tây du ký của Trung Quốc… có nói về âm cung, cả thủy cung nữa, nhưng cũng không thấy nói đến văn chương và những người cầm bút ở các nơi ấy!

Tôi đồ rằng đó chỉ là khát vọng của các thi sĩ ở trần gian. Khát vọng chỉ xuất hiện khi người ta chưa được thỏa mãn. ở đầu thế kỷ XX, khát vọng ấy được nhiều thi sĩ nói đến. Nguyễn Bính đã chua chát dặn con: Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con!. Vũ Hoàng Chương thì giận đời: Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ. Xuân Diệu xót xa giận dỗi: Cơm áo không đùa với khách thơ!. Vâng đầu thế kỷ trước nước ta còn nghèo, chưa đủ bánh mỳ ăn thì ai nghĩ tới hoa hồng!

Tôi đi tìm giá trị của văn chương ở các nơi khác trong cùng hành tinh chúng ta qua các thời kỳ lịch sử. Thì thấy một cách khái quát rằng cũng có khi được trân trọng, được đề cao, được đắt giá, nhưng rất ít. Đến như thi tiên Lý Bạch được vua Đường trọng dụng, nhưng cũng chỉ coi như một thứ để mua vui. Mặt trời của thi ca nước Nga cuối thế kỷ XIX A. Puskin tuy được các tầng lớp trong xã hội hâm mộ nhưng rồi cũng phải chết một cách bi đát trong một cuộc đấu súng tầm thường mà đến nay vụ án vẫn chưa có đáp số chính xác.

Thi hào Nadim Hitmét của Thổ Nhĩ Kỳ, người đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ như nhận định của nhà thơ Tố Hữu thì cũng bị trục xuất khỏi đất nước, suốt đời lưu vong và phải đau khổ thốt lên: Đi đày là một cái nghề gay lắm!… Có chăng chỉ nhà văn Côlômbia Mackét là giàu có không cần đến tiền. Ông đã không đồng ý để cho chuyển thể tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của mình lên phim với giá một triệu đô la vì sợ họ làm hỏng hình tượng nhân vật chính trong tác phẩm của mình.

Nhìn chung, giá của văn chương và vị thế của nhà văn lúc lên lúc xuống khá thất thường theo thời tiết xã hội. Có những họa sĩ đương thời cực khổ nghèo đói, đời sau mỗi bức tranh của họ lại có giá nhiều chục triệu đô la… Thì các nhà văn ơi, chớ nên than thở! Hãy lấy bất biến ứng vạn biến. Nhà văn đích thực quả là những người sung sướng, tạo hóa đã ưu đãi họ hơn hẳn những người thường. Nếu ý thức được sự sung sướng thì sự sung sướng sẽ được nâng lên gấp nhiều lần.

Góc nhìn - Nhà văn và thời đại

 

Có nên hy sinh vì nghiệp văn?

Sự nghiệp văn chương của một đời người là cao quý. Tôi đã từng khuyên ai đi theo nghiệp này thì phải sống hết mình với nó. Nhưng tôi cũng chưa khuyên ai hãy hy sinh vì nó.

Để thể hiện sự phụng sự hết mình cho văn chương, nhiều người viết đã nói quá lên rằng mình hiến thân cho văn chương, văn chương là mục đích sống duy nhất của đời mình, đó là thứ cuối cùng còn lại với tôi. Nghe ghê quá! Nhà văn Ma Văn Kháng trong một truyện ngắn của mình ở tập Trăng soi sân nhỏ có kể về một người viết văn chỉ chú ý việc viết, để cho đàn con đông khỏi nheo nhóc đói khát. Trong chiếc chum ở góc buồng thì không có một hột thóc, chỉ có những tập bản thảo đã úa vàng vì không có đâu chịu in.

Ca ngợi những người sống hết mình với văn chương, nhưng không nên ca ngợi những người vì văn chương mà quên những việc khác. Cuộc đời cao hơn văn chương. Hãy sống vì cuộc đời gồm cuộc sống riêng và lý tưởng chung, còn văn chương có đến đâu thì thể hiện đến đấy. Chứ sự mất thăng bằng trong cuộc sống chắc gì đã đem lại những điều hay cho nghiệp văn?

Nguyễn Du cứ làm quan và vẫn có Truyện Kiều. Nếu tiên sinh lại không làm quan làm sao nuôi nổi vợ con, thì chắc gì Truyện Kiều đã có! Nguyễn Khuyến cũng vậy, nếu ông không làm quan va đập cuộc đời mà cứ ở quê từ hồi còn trẻ thì chắc gì đã nghe thấy tiếng ngỗng trên không trong đêm khuya, tiếng cá đớp chân bèo buổi chiều thu ao nhà? Nguyễn Duy nếu không đa tình sống với cuộc đời mà chỉ biết có thơ thì làm sao viết được Đà Lạt một lần trăng và Sông Thao tài hoa?... Hãy sống hết mình với cuộc đời sau đó hãy nghĩ đến văn chương, chứ đừng làm ngược lại.

Nếu ai đó có nói: viết văn làm thơ là để chơi thôi cũng không sao! Để chơi vẫn có thể hết mình, vì Nghề chơi cũng lắm công phu mà. Hết mình với nghiệp văn là tâm huyết với nó, trút cả tâm tư suy nghĩ vào từng trang viết, để trang viết không bợt bạc. Việc đó là tự nhiên, chứ không phải là chết cho nó mới là hết mình.

Còn tôi, coi việc viết văn làm thơ là một việc bình thường sau khi đã hoàn thành những công việc mà cuộc đời giao cho. Không có tài thì hãy viết những trang văn có ích. Ai muốn lên đỉnh thi sơn, chiếm lĩnh lâu đài văn chương thì tôi nhường lối. Tôi chỉ sớm tối với công việc, với gia đình, cảm hứng đến thì viết, không thì thôi. Từ hai chục năm trước, tôi đã viết trong bài thơ Những niềm vui, những nỗi buồn đúng với tâm trạng này: Biết đâu đời ngắn đêm dài/ Lo chi tạc những tượng đài, người ơi! Những người chỉ chăm chăm lo dựng tượng đài cho mình thì tượng đài ấy rất dễ sụp đổ.

Viết để trả nợ cuộc đời, cũng là một cách nói. Maiacôpxki có viết: Tôi mắc nợ những khoảng trời Batđat/ Nợ giăng đèn khu phố Brôtuây/ Những thiếu nữ đẹp như hoa anh đào Nhật Bản/ Tôi mắc nợ những gì chưa nói được bằng thơ... Cảm giác mắc nợ và phải trả có một ý nghĩa tích cực. Nhưng đây là sự hiến dâng cho cuộc đời, cho con người bằng nghệ thuật, chứ không phải là hy sinh cho văn chương bằng cả cuộc đời mình.

Viết như thể ngày mai không còn sống nữa

Đấy là cảm giác khi nhà văn nhìn lại, chứ khi viết nhà văn chỉ chú ý vào việc viết thôi. Nhà văn nào khi viết lại tỉnh táo, tính toán rằng những chi tiết này, những sự việc nọ nên để cho cuốn sách sau, thì tôi tin rằng nhà văn ấy sẽ chẳng có cuốn nào hay cả. Khi viết nhà văn phải tập trung cao độ trí tuệ và tình cảm, huy động toàn bộ vốn liếng vào trang viết. Nên khi viết xong nhà văn thường cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát. Cũng có người cảm giác như trút được gánh nặng bấy lâu.

Thường thì, nhà văn thở phào nhẹ nhõm vì mình đã làm được điều mà mình muốn. Còn có người kể, khi viết xong nhà văn hẫng hụt đến phát ốm? Có phải vậy mà một số người lại ví viết văn với một công việc nặng nhọc, vất vả! Theo tôi, sự nặng nhọc vất vả không đồng nghĩa với giá trị của công việc. Người tài năng là phải làm được những công việc lớn một cách nhẹ nhàng.

Khi viết nhà văn trút tất cả suy nghĩ và tâm hồn vào từng trang, từng dòng. Viết như thể viết lần cuối cùng, nói hết với đời. Đừng sợ rằng sau đó không còn gì để viết. Nhà văn đích thực giống như một cơ thể khỏe mạnh, vắt cạn kiệt cho con giọt sữa cuối cùng, nhưng ngày hôm sau bầu sữa lại đầy thôi. Muốn vậy, nhà văn phải vừa viết vừa sống bình thường. Tất nhiên là có thời gian đóng cửa để viết và cũng phải có thời gian mở cửa để sống. Đó là sự trao đổi chất, tuần hoàn một cách điều hòa.

Với nhà văn tài năng, vốn sống của nhà văn biến ảo rất ghê. Chỉ một sự việc, nó có thể xuất hiện nhiều lần trong nhiều câu chuyện, mỗi lần mang một sắc thái khác, góc cạnh khác. Chứ nếu vốn sống của nhà văn chỉ được sử dụng một lần là hết thì nhà văn sẽ cạn kiệt rất nhanh. Thực tế thì nhà văn lại hồi sinh rất nhanh sau mỗi lần hóa thân vào trang viết. Nên họ có thể lập nên những tác phẩm hay liên tiếp. Nhà văn Nga L.Tônxtôi có tới ba kiệt tác Phục sinh, Anna Karenina, Chiến tranh và hòa bình.

Vũ Trọng Phụng cũng sòn sòn đẻ ra những trái núi Vỡ đê, Giông tố, Số đỏ. Nhà thơ Tố Hữu thì hết Từ ấy đến Việt Bắc rồi Gió lộng và Máu và hoa, Một tiếng đờn... Nhà văn Tô Hoài thì đến gần chín chục tuổi, những đứa con tinh thần của ông ra đời đều đều vẫn khỏe mạnh.

Viết như thể ngày mai không còn sống nữa! Đó là phương châm của nhà báo Phuxích khi viết dưới giá treo cổ. Tức là dồn hết tâm huyết cho từng trang viết. Theo tôi, đó cũng là phương châm cho mỗi nhà văn nhà thơ đã xác định nhiệm vụ cao cả của văn chương là làm sao có được những tác phẩm hay cho mọi người, cho cuộc đời. Không dồn hết tâm huyết không thể có tác phẩm hay. Nhưng điều này khác hẳn với việc đánh vật với từng con chữ. Dồn hết tâm huyết mà vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, như người dạo chơi, như người ngắm hoa, mới là phong cách của những tài năng. Còn phải đánh vật với từng con chữ chỉ là kiểu cách của những người thợ vụng.

Đinh Quang Tốn

Bạn đang đọc bài viết "Nhà văn và thời đại " tại chuyên mục ÂM NHẠC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).