Nghệ nhân Xuân Bách - Trao truyền nghệ thuật then đến thế hệ trẻ

14/08/2020 14:00

(VHNT) - Gần 20 năm gắn bó với nghệ thuật Then, nghệ nhân Xuân Bách luôn trăn trở về việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc độc đáo này.

Tiếp nối nghệ thuật then

Về cơ duyên đến với then, nghệ nhân Xuân Bách tâm sự: “Cái duyên đến với then có lẽ là nhân duyên trời ban. Được sinh ra tại quê hương của then, lại là người con của Tày, Nùng nên tôi được gắn bó với then từ bé”.
Với niềm đam mê, yêu thích loại hình âm nhạc dân tộc, nghệ nhân Xuân Bách luôn cố gắng tự tìm tòi và nghiên cứu.

Ông may mắn được mẹ là Nghệ sĩ Triệu Thị Thạc – Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn truyền lại đam mê với then, cùng anh trai là nghệ sỹ Đức Tùng hướng dẫn các bước cơ bản để sử dụng đàn tính.

Sau này, nghệ nhân Xuân Bách lại được Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bông, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Quang cùng nhiều giảng viên trường Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc chỉ dạy khi ông theo học tại trường. Sau khi tốt nghiệp, ông cũng được giữ lại làm giảng viên.

Cho tới chặng đường trao truyền

Nghệ nhân Xuân Bách luôn tâm niệm rằng: “Tôi đã có mối lương duyên với then, nhờ then tôi mới được như ngày hôm nay nên tự thấy cần phải có trách nhiệm chung tay để bảo tồn và phát huy”.

Sân khấu - Điện ảnh - Nghệ nhân Xuân Bách - Trao truyền nghệ thuật then đến thế hệ trẻ

Nghệ nhân Xuân Bách luôn trăn trở làm sao để trao truyền nghệ thuật hát then tới các bạn trẻ

Chính bởi điều tâm niệm ấy nên nghệ nhân luôn cố gắng trao truyền nghệ thuật then tới thế hệ trẻ.

“Để có thể truyền tải nghệ thuật then tới các bạn trẻ thì phải áp dụng nhiều phương pháp, vừa phải dùng phương pháp giảng dạy âm nhạc chuyên nghiệp nhưng cũng phải dùng cả phương pháp truyền khẩu dân gian. Vừa phải dạy đàn lại vừa phải dạy hát. Ngoài ra còn phải dạy các bạn ấy tiếng dân tộc nữa", ông chia sẻ.

Nghệ thuật then còn phải đi kèm với tín ngưỡng then. “Nghệ thuật chỉ là phương tiện truyền tải tín ngưỡng. Then là cả đời sống tinh thần của người dân Tày, Nùng, Thái”, nghệ nhân Xuân Bách nhấn mạnh.

Ngoài việc giảng dạy then tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, ông còn tham gia dạy then tại câu lạc bộ Cẩu Pung, do hai người thầy của ông là nghệ nhân Đoàn Bích Khê và Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bông sáng lập tại quê nhà Tràng Định, Lạng Sơn.

Trong quá trình giảng dạy về then ông luôn gửi gắm tới các học trò thông điệp phải trân trọng, gìn giữ nghệ thuật của cha ông.

Nói về những kỷ niệm trong quá trình trao truyền nghệ thuật then, nghệ nhân Xuân Bách chia sẻ rằng có nhiều bạn có tình yêu với then, đi học chỉ vì yêu quý nó. Cũng có nhiều bạn không phải là người dân tộc Tày, Nùng, Thái tham gia học.

Chia sẻ về việc bảo tồn, giữ gìn nghệ thuật then, nghệ nhân Xuân Bách cho rằng muốn các bạn trẻ có tình yêu với then thì cần phải bắt đầu từ chính môi trường quanh các bạn trẻ.

Ông cho rằng có nhiều bạn trẻ người Tày, Nùng hay Thái không hề biết đến then mà chỉ biết đến các dòng nhạc hiện đại, chính điều đó làm then khó lan tỏa trong cộng đồng.

Nghệ nhân Xuân Bách chia sẻ: “Trong lớp học của tôi cũng có những bạn ban đầu khi tham gia học cũng không thấy hứng thú, vì các bạn chưa được tiếp xúc với then nhiều. Sau khi học và hiểu hơn về then thì lại yêu then, đắm đuối với then”.

Quang Minh

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân Xuân Bách - Trao truyền nghệ thuật then đến thế hệ trẻ" tại chuyên mục SÂN KHẤU - ĐIỆN ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).