Lý do hãng bay không phát dù cho khách

22/08/2020 16:21

Ngay cả khi được huấn luyện bài bản, hành khách vẫn khó bảo toàn mạng sống nếu thoát hiểm bằng dù từ một chiếc máy bay đang rơi.

Dù di chuyển bằng đường hàng không ngày nay có an toàn đến mức nào, không ít hành khách vẫn lo lắng trong từng giây máy bay lảo đảo, hạ đột cao đột ngột hay chỉ một tiếng "ding" vang lên. Họ lập tức thắt chặt đai an toàn, bám chắc vào thành ghế - hoặc đôi khi vô tình nắm tay người lạ ngồi cạnh mình. Họ lần tới áo phao bên dưới ghế, và tự hỏi: "Này, tại sao không có dù trên máy bay nhỉ?".

Câu trả lời rõ ràng nhất chính là hành khách thông thường không được huấn luyện thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp hay biết cách hạ cánh bằng dù. Ngay cả trong những cú nhảy dù "cơ bản" nhất, đội ngũ dưới mặt đất cũng phải chuẩn bị từ trước khi một người cất cánh trên dù đôi với thầy hướng dẫn. Với một cú nhảy dù tầm thấp với dây cố định gắn vào một đầu máy bay (static line), người nhảy cũng phải trải qua ít nhất 4 đến 5 giờ huấn luyện.

Tuy nhiên, Jim Crouch, giám đốc an toàn và đào tạo của Hiệp hội Nhảy dù Mỹ (USPA) nhận định ngay cả khi hành khách có đầy đủ kỹ năng cơ bản, thoát hiểm bằng dù vẫn là điều bất khả thi. Bởi, điều kiện trên và xung quanh một chiếc máy bay đang ở độ cao hơn 10.000 m không cho phép một người bình thường có thể nhảy khỏi đó và bung dù, hạ cánh an toàn.

"Độ cao trên 5.000 m vô cùng nguy hiểm cho bất kỳ ai nhảy khỏi máy bay và bung dù ngay lập tức", Crouch nói. "Vận động viên nhảy dù cần thở bằng bình dưỡng khí từ khoảng 4.500 m khi ở trên máy bay, vì những máy bay chuyên dụng cho nhảy dù không có hệ thống thông khí để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho hành khách ở áp suất như trên mặt đất. Do đó có khả năng vận động viên nhảy dù sẽ bất tỉnh trên độ cao này, cho đến khi hạ xuống độ cao thấp hơn".

Bên cạnh đó, chuyên gia này chỉ ra rằng nhiệt độ ngoài trời ở độ cao 10.000 m - gấp ba lần độ cao của một cú nhảy dù thông thường - vô cùng khắc nghiệt. Không khí có thể ở mức -34,4 °C hoặc thấp hơn, đó là chưa kể đến gió lạnh. Nếu cơ thể con người đột ngột rơi vào môi trường như vậy, mắt, mũi, miệng sẽ lập tức đóng băng; hai lá phổi cũng bị phồng ra nhanh đến mức có thể nổ tung, theo Popular Science.

Thậm chí, ngay cả trong trường hợp hy hữu - trời không quá lạnh, người nhảy dù từ máy bay thương mại khó có thể sống sót. Nếu phi cơ bay quá 240 km/h, tốc độ này đã đủ gây ra thương vong do ngoại lực tác động lên quá trình mở dù. Nhưng thực tế, ngay cả khi ổn định độ cao, máy bay thương mại vẫn đạt vận tốc khoảng 800 km/h - nghĩa là cơ hội hạ cánh an toàn bằng dù của hành khách vẫn bằng 0.

Theo VNE

Bạn đang đọc bài viết "Lý do hãng bay không phát dù cho khách" tại chuyên mục GIẢI TRÍ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).