Lo ngại về thời tiết sắp tới có thể làm gia tăng nguy cơ dịch chồng dịch

21/09/2020 21:42

(VHNT) - Thời tiết theo mùa sắp tới rất thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, nguy cơ dịch chồng dịch là rất cao. Trong lúc đó, hiện nay, cùng với dịch COVID-19, các dịch: Sốt xuất huyết, bạch hầu… cũng đang có nguy cơ lan rộng.

Nhiều bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch

Đánh giá tại Hội nghi trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Sắp tới là mùa Đông Xuân với thời tiết rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển; trong khi nhiều bệnh truyền nhiễm vẫn đang ghi nhận các ổ dịch rải rác, dễ bùng phát thành dịch. Nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch, rất dễ xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch”.

Tại Việt Nam, kết quả giám sát chủ động ngành thú y cho thấy virus cúm A/H5N1 đang lưu hành trên đàn gia cầm và không có sự biến đổi về độc lực gây bệnh. Tuy nhiên, do các điều kiện như thời tiết biến đổi bất lợi, tổng đàn vật nuôi lớn, việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật và con người gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới là rất cao. Thêm vào đó, hiện nay đã bắt đầu bước vào “mùa” của sốt xuất huyết (SXH) nên nhiệm vụ đối với ngành y tế vẫn nặng nề.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 198 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 4 ca tử vong (Đắk Nông 2 ca, Gia Lai 1 ca, Kon Tum 1 ca); các ca bệnh tập trung chủ yếu ở 3 khu vực chính là: Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam. Đặc biệt từ tháng 6 đến nay, số ca bệnh tại khu vực Tây Nguyên đã tăng nhanh rõ rệt, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, chủ yếu là những người không rõ tiền sử tiêm chủng hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin bạch hầu.

Hiện cả nước cũng đang ghi nhận gia tăng số người mắc sốt xuất huyết. Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc đang có xu hướng tăng lên đã gần với ngưỡng cảnh báo dịch. Cụ thể, tích luỹ tuần 37 năm 2020, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 70.585 ca mắc sốt xuất huyết, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (năm 2019 là 200.426 ca). Các ca bệnh tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam như: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Kon Tum, Khánh Hoà, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… Tuy nhiên hiện chưa có bất thường về diễn biến dịch, xu hướng gia tăng ca mắc vẫn theo chu kỳ như hàng năm.

Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 là giai đoạn “nóng” của dịch sốt xuất huyết khi thời tiết vào mùa mưa, khi hậu rất thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Trong khi đó, hiện ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, tốc độ đô thị hoá, di biến động dân cư làm tăng nguy cơ lan rộng dịch bệnh và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo phòng chống dịch. Hiện chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, nhưng cùng với đó cũng không được lơ là với các dịch bệnh khác. Việt Nam quyết tâm không để một địa phương nào xảy ra dịch chồng dịch. Các cấp, các ngành và nhất là người dân không được lơ là, chủ quan với các dịch bệnh. Đồng thời, phải tập trung công tác ngăn chặn nguồn lây hiệu quả.

Theo đó, nguy cơ bùng phát dịch tại mỗi khu vực, vùng miền là khác nhau, vì vậy, ngành y tế cần đánh giá kỹ lưỡng tình hình và yếu tố nguy cơ bùng phát dịch tại từng khu vực, từng thành phố và làm rõ những tồn tại, vứng mắc, nguyên nhân tiềm ẩn bùng phát dịch trong thời gian qua để có biện pháp phòng chống phù hợp. Trên cơ sở phân tích này, ngành y tế sẽ đề xuất các hoạt động, biện pháp trọng tâm trong phòng dịch để nâng cao hiệu quả chống dịch.

Phát huy các tổ chống dịch cộng đồng

Việc chủ động trong giám sát ca bệnh, thực hiện các biện pháp phòng dịch, sát sao đến từng người dân là biện pháp pháp quan trọng trong ngăn chặn các dịch bệnh bùng phát.

“Cuộc chiến chống COVID-19 đã cho thấy, tầm quan trọng của việc giám sát và phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng, truy vết và dập dịch. Đây cũng là chiến lược trong phòng, chống và ứng phó các dịch bệnh khác. Bên cạnh đó, việc duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng và đảm bảo an toàn tiêm chủng phòng bệnh cũng vô cùng quan trọng”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định.

Theo đó, với các dịch bệnh đã có vắc xin, công tác tiêm chủng được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu để phòng bệnh. Như vừa qua, dịch bạch hầu xảy ra ở một số địa phương đa số là ở “vùng lõm tiêm chủng”. Do vậy, vấn đề đặt ra là các biện pháp duy trì tỷ lệ tiêm chủng và nâng cao tỷ lệ này đặc biệt tại các “vùng lõm”.

Để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức tiêm bù cho các trẻ chưa được tiêm đầy đủ, tổ chức tiêm vét cho các địa phương bị hoãn tiêm do dịch COVID-19. Hiện theo lịch, các trạm đã tổ chức 2 lần trong 1 tháng, vì vậy những trẻ hoãn tiêm nên tiêm bổ sung ngay trong tháng để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh. Đặc biệt, mũi vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu cũng đang được nỗ lực triển khai tại 35 tỉnh thành phố.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Đối với các bệnh truyền nhiễm, việc tiến hành khoanh vùng, dập dịch càng sớm càng tốt; trong vòng 24 giờ khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, cần phải cách ly ngay, điều tra, xét nghiệm, triển khai ngay các biện pháp phòng dịch.

Khi có ca bệnh truyền nhiễm xuất hiện, các địa phương phải có hệ thống giám sát, tăng cường cắm chốt ngay tại ổ dịch chứ không chỉ qua điện thoại. Qua kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 cho thấy, hoạt động của các tổ chống dịch cộng đồng cực kỳ hiệu quả. Đây là cầu nối đến từng hộ gia đình, giúp người dân yên tâm tin tưởng thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Việc thành lập các tổ cộng đồng mà nòng cốt chính là người dân ngay tại cộng đồng giúp cho việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giám sát chủ động các người nghi ngờ để có các biện pháp phòng dịch ngay lập tức. Vì vậy, những nơi nào đã các tổ phòng dịch cộng đồng cần tiếp tục phát huy, áp dụng trong các dịch bệnh có nguy cơ hiện nay”.

Đối với dịch sốt xuất huyết, các chuyên gia cũng khuyến cáo quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức tự phòng bệnh của người dân tại các hộ gia đình, đẩy mạnh chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng để cắt nguồn truyền bệnh là muỗi vằn. Cần tổ chức chiến dịch theo quy mô lớn, duy trì hoạt động diệt bọ gậy hàng tuần ở các khu vực có nguy cơ cao và hàng ngày tại các khu vực.

Cảnh giác với cúm gia cầm

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A/H5N1 bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chúng ta không được chủ quan mà cần hết sức cảnh giác.

Y tế - Lo ngại về thời tiết sắp tới có thể làm gia tăng nguy cơ dịch chồng dịch

Ngoài COVID-19, cần cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết đã đến mùa

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch COVID-19 hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ nên ngành chăn nuôi không được lơ là, chủ quan để bùng phát dịch cúm gia cầm bởi cảnh dịch chồng dịch sẽ vô cùng phức tạp và áp lực. Theo ngành nông nghiệp, với tổng đàn gia cầm cả nước hiện gần 500 triệu con, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số điểm nên phải tiêu hủy trên 100 nghìn con so với gần 500 triệu con, tỷ lệ không đáng kể và không ảnh hưởng tới nguồn cung gia cầm tại Việt Nam hiện nay.

Thực tế, dịch cúm gia cầm vẫn bùng phát lẻ tẻ tại một số địa phương trong nhiều năm qua, chủ yếu do người dân lơ là, chủ quan không tiêm phòng. Nhưng về cơ bản các ổ dịch cúm gia cầm nhỏ lẻ từ năm 2014 đến nay đều được khoanh vùng, khống chế thành công, không để lây lan trên diện rộng.

Theo Công văn số 1654 Bộ NN-PTNT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 43 ổ dịch cúm gia cầm, bao gồm 38 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1.

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Y tế phải chỉ đạo, giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1) và các loại cúm gia cầm khác trên người, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan. Một mặt cần đảm bảo đủ cơ số trang bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến.

Không chủ quan với SXH

Tại Hà Nội, theo quy luật hằng năm, thời điểm hiện nay đã bắt đầu xuất hiện SXH, lãnh đạo thành phố yêu cầu cần tiếp tục công tác phòng ngừa và phun thuốc diệt muỗi phòng SXH. Tiếp tục tuyên truyền người dân không để các thiết bị, vật dụng tạo môi trường cho muỗi phát triển; đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, dịch bệnh SXH và cúm gia cầm, quyết tâm không để dịch chồng dịch.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 27/4 đến 6/5, trên địa bàn ghi nhận 2 trường hợp mắc SXH. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 104 ca mắc SXH, chưa có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố giảm 55%. Thời điểm hiện tại, khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các địa phương bắt đầu tăng cường triển khai chiến dịch phòng chống SXH.

Tại các tỉnh phía Bắc, dịch bệnh SXH thường phát triển mạnh nhất vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm. Còn ở các tỉnh phía Nam, dịch có thể xảy ra quanh năm. BS. Đoàn Thị Anh Đào, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, BVĐK Thanh Nhàn, Hà Nội thông tin, từ đầu năm đến nay tại khoa chưa tiếp nhận trường hợp mắc SXH. Tuy nhiên, bệnh viện đã sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân SXHt vào mùa mưa sắp tới. BS. Đào cũng cho hay, do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp, nên một người có thể mắc SXH đến lần thứ 2 hoặc thứ 3, lần mắc sau thường nặng hơn lần trước.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, các quận, huyện, thị xã cần thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh SXH, nhất là giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên. Cùng với đó, quyết liệt triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh. Tại khu vực có bệnh nhân, thực hiện phương châm vào từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn, giám sát hoạt động diệt bọ gậy...

Ðể chủ động phòng ngừa, ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát, lây lan gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại về kinh tế, ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ chăn nuôi gia cầm cảnh giác, không được chủ quan, phải thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn gia cầm, thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, mua bán gia cầm có nguồn gốc rõ ràng;

Tăng cường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phát quang cây cỏ, bụi rậm xung quanh chuồng trại và khu vực chăn nuôi, vệ sinh cống rãnh, chất thải, bảo đảm chuồng trại khô ráo, thoáng mát ban ngày và ấm về ban đêm; Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết đột ngột phải báo ngay cho cán bộ thú y xã hoặc trưởng ấp, khu phố hoặc báo ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, thực hiện nghiêm “5 không”:

Không nuôi thả rông gia cầm, không mua, bán gia cầm bị bệnh, không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi; Hạn chế đến mức thấp nhất người và động vật ra, vào khu vực chăn nuôi; Chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm H5N1 cho gia cầm.

Ông Hoàng Ðức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ: Chúng tôi mong muốn mỗi người dân sẽ trở thành một cộng tác viên của ngành y tế, tự biết cách phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Mỗi người, mỗi tuần bỏ ra 10-15 phút để kiểm tra trong khuôn viên gia đình, nhằm phát hiện các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và loại bỏ chúng. Sự chung tay của toàn xã hội sẽ là chìa khóa của sự thành công trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung.

T/H

Bạn đang đọc bài viết "Lo ngại về thời tiết sắp tới có thể làm gia tăng nguy cơ dịch chồng dịch" tại chuyên mục NHIẾP ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).