Họa sĩ Văn Dương Thành (Bài 2): “Cầu nối” hội họa Bùi Xuân Phái qua ba thế hệ

13/10/2020 18:14

(VHNT) - Cho đến nay khi trở thành một họa sĩ tài danh, có tranh tại 16 bảo tàng Mỹ thuật quốc tế, Văn Dương Thành vẫn tiếp tục truyền đi tình yêu, sự trân trọng người họa sĩ bậc thầy đến với học trò của mình viết lên hành trình ảnh hưởng hội họa Bùi Xuân Phái trải dài qua ba thế hệ.

Mỹ thuật - Họa sĩ Văn Dương Thành (Bài 2): “Cầu nối” hội họa Bùi Xuân Phái qua ba thế hệ

Tranh chân dung Bùi Xuân Phái do họa sĩ Văn Dương Thành vẽ kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Bùi Xuân Phái

Với Bùi Xuân Phái “vẽ là thở, thở là vẽ, vẽ đến khi tắt thở”

Đối đãi với danh họa Bùi Xuân Phái bằng một tình cảm trân quý, nhiều hơn chính là sự kính trọng, nể phục, họa sĩ Văn Dương Thành là một trong số ít người có nhiều chứng kiến về cuộc sống và hành trình sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Bùi Xuân Phái trong quãng thời gian lắm những khốn khổ. Nhớ lại những năm tháng vô cùng khó khăn, khổ cực của danh họa, nữ họa sĩ kể: “Ở vào thời kỳ chiến tranh, thời kỳ mà quê hương đang khốn khó nhất, chẳng ai có thể nghĩ đến nghệ thuật, chẳng ai nghĩa còn sống đến ngày mai không? Thế nhưng bác Phái vẫn vẽ ở dưới tiếng bom, điện tắt hết, thắp đèn dầu lên để vẽ trong nhà, có những bức tranh vẽ dưới đèn dầu, vẽ dưới tiếng bom. Một người mảnh khảnh, yếu đuối về thể chất nhưng rất can đảm, rất bình tĩnh, trong tất cả mọi sự khó khăn. Một tâm hồn cao đẹp, một thái độ sống cao quý, yêu vợ, thương con, quý bạn, một người bố đầy tình cảm, một người thầy vô cùng đáng kính trọng, một người bạn chân thành, chung thủy và thân thiết đối các họa sĩ, nhà văn như Nguyễn Tư Nghiêm, Kim Lân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên,… Đó một con người kỳ diệu.

Trong người họa sĩ Bùi Xuân Phái mang bệnh, cuộc đời rất thiệt thòi, cuộc sống của 7 người gia đình trong một căn phòng có 25m2 nhưng ông đã vẽ lên hàng chục nghìn bức tranh thì đó là một kỳ tích của một họa sĩ Việt Nam. Khác biệt so với những họa sĩ nước ngoài có xưởng họa lớn “mênh mông, bát ngát”, họ có điều kiện toan sơn, họ bán tranh, họ có vật liệu còn bác Phái thì vẽ trên bất kể thứ gì mà có thể vẽ: vẽ trên chiếc quạt nan, vẽ trên cái quạt rách, vẽ trên vỏ bao diêm, trên lọ thủy tinh chai rượu, trên cốc uống nước, trên mảnh tờ báo. Điều này cho thấy sức sống mãnh liệt của một người Việt qua hội họa”.

“Trong Bùi Xuân Phái có rất nhiều hình ảnh của Van Gogh, của Gauguin, của các đại danh họa châu Âu cũng trải qua những thời kỳ khó khăn và đã trở thành những tên tuổi bất hủ đem lại cho nhân loại những tác phẩm tỏa sáng mãi mãi. Riêng Bùi Xuân Phái có phần thiệt thòi vì các vật liệu để vẽ sơn dầu rất quý, rất hiếm. Tôi từng nhớ khi hai bác cháu đang ngồi chơi trên phố thấy bà buôn đồng nát gánh qua một số cuốn sách nhỏ nhỏ là những cuốn sổ tay thì đã mua theo cân. Sau đó bóc bìa ra để vẽ sơn dầu lên, một thời gian sau màu bị hút vào giấy. Khi ấy điều kiện không có, chỉ có 2 – 3 màu thì làm sao có thể làm những bức tranh hàng mét như là các danh họa thế giới?

Thế nhưng chính trong những hoàn cảnh đó, mới thấy được những ý chí, nghị lực và tình yêu vô bờ với hội họa của ông, có thể nói là sẽ bất tử. Trái ngược với khi ông còn sống người ta chưa biết đến nhưng khi ông mất đi càng ngày người ta càng biết đến ông nhiều hơn chính nhờ rất nhiều những tấm lòng kính trọng và yêu mến ông của bạn bè, của học trò, của con cái bạn bè ông. Tâm hồn cao đẹp của ông sẽ cứ tỏa sáng mãi, sức ảnh hưởng của ông trong trẻo vô cùng trong nền hội họa Việt Nam sẽ còn mãi. Và có thể nói 100 năm nữa cũng sẽ không có một Bùi Xuân Phái thứ hai.

Chính họa sĩ Bùi Xuân Phái là người lặng lẽ, mày mò đưa ra “Phố Phái Hà Nội”, đưa phố Hà Nội ra đến vang dội ở Pháp, ở Mỹ, ở Thụy Điển,… Qua các bức tranh của ông thôi mà hàng bao nhiêu lượt nghìn người đến thăm Hà Nội, thăm phố cổ Hà Nội. Bản thân sống họa sĩ Bùi Xuân Phái không nghĩ sẽ làm một điều to tát, sẽ đóng góp cái nọ cái kia, ông chỉ vì một nhu cầu không thể không làm được là phải vẽ “vẽ là thở, thở là vẽ, vẽ cho đến khi tắt thở”, ông vẽ ngay cả trên giường bệnh ít phút trước khi qua đời. 

Một thiên tài trong hoàn cảnh chiến tranh và khó khăn nhất nhưng đã làm lên những tác phẩm vĩ đại mà kích thước rất nhỏ nhưng có chiều sâu rộng và chứa đựng mức độ vĩ đại cho nên các viện bảo tàng quốc gia của nhiều nước rất trân trọng. Đó là niềm tự hào cho hội họa Việt Nam, cho quê hương Việt Nam” – họa sĩ Văn Dương Thành bày tỏ.

Sứ mệnh “cầu nối” ảnh hưởng hội họa Bùi Xuân Phái qua ba thế hệ

Năm 2000, có một triển lãm của danh họa Bùi Xuân Phái tại Thụy Điển. Triển lãm đã tạo ra một tiếng vang lớn khi thu hút hàng nghìn người ở Bắc Âu trong khi trước đó ở Bắc Âu, hội họa Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi. Người tạo ra thành công của triển lãm đó phải kể đến họa sĩ Văn Dương Thành – người được mời đến cùng Ban tổ chức thẩm định và lựa chọn tranh Bùi Xuân Phái trưng bày tại triển lãm.

Mỹ thuật - Họa sĩ Văn Dương Thành (Bài 2): “Cầu nối” hội họa Bùi Xuân Phái qua ba thế hệ (Hình 2).

Lớp họa của họa sĩ Văn Dương Thành dạy vẽ cho các em nhỏ từ 10 - 15 tuổi

Luôn mong muốn người thầy của mình được biết đến nhiều hơn trên thế giới cũng như khẳng định giá trị của hội họa Việt Nam, họa sĩ Văn Dương Thành bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng họa sĩ Bùi Xuân Phái được biết đến và được yêu mến tại Việt Nam nhưng tôi luôn muốn rằng một họa sĩ Việt Nam cũng bước chân ra toàn cầu, cũng được thế giới biết đến. Ngay từ đầu, tôi đối với bác Phái không có bất cứ điều gì vụ lợi. Tôi chỉ nghĩ rằng, đưa vật liệu cho bác vẽ, cho bác sáng tác, cho bác có thể có điều kiện để bộc lộ tâm hồn và tài năng của mình. Khi có điều kiện tôi bao giờ cũng giới thiệu bác với bạn bè quốc tế ngay khi bác còn sống, giới thiệu tranh của bác cho Thụy Điển, cho Pháp. Khi bác Phái mất, năm nào tôi cũng tâm niệm sẽ có một sự kiện để kỷ niệm để nhắc nhớ mọi người nhớ đến Bùi Xuân Phái, nhắc nhớ đến họa sĩ tài năng hội họa của đất nước. Như một thói quen, năm nào tôi cũng vẽ bác Phái, mỗi năm ít nhất năm đến mười bức chân dung, vẽ họa sĩ Bùi Xuân Phái đến bây giờ đã vẽ hàng trăm bức tranh”.

Bùi Xuân Phái vẽ Văn Dương Thành nay Văn Dương Thành vẽ Bùi Xuân Phái – một sự tương giao hiếm thấy trong nghệ thuật. Khi vẽ chân dung Bùi Xuân Phái, họa sĩ Văn Dương Thành cho biết “chẳng có gì khó khăn cả”. Bởi với nữ họa sĩ: “Khi vẽ một người đã nghiên cứu rất lâu, hàng bao nhiêu năm nhìn thấy gương mặt của ông, đôi mắt của ông, con người của ông, hiểu tâm tính của ông, sự sáng tạo của ông thì khi đó tôi chỉ việc thể hiện giống như việc viết sách nếu có đầy đủ tư liệu và trải nghiệm sẽ có thể viết mãi, viết mãi được mà không cạn”.

Theo họa sĩ Văn Dương Thành, cô còn học ở họa sĩ Bùi Xuân Phái cách nhìn khai thác ở một người mẫu mà có thể vẽ ra hàng trăm hình thái khác nhau, trạng thái khác nhau, gam màu khác nhau, tư thế, bố cục khác nhau. Đến bây giờ cứ đặt bút là vẽ được danh họa. “Vẽ ông nghiêng, vẽ ông cúi xuống, vẽ ông hút thuốc, vẽ ông đang vẽ, vẽ ông suy tư, vẽ ông đội mũ hoặc vẽ ông với phố, vẽ ông ngồi uống trà,…” Vì thế mà vẽ Bùi Xuân Phái với họa sĩ Văn Dương Thanh không bao giờ vơi cạn.

Ngoài làm triển lãm, viết sách hay vẽ tranh về danh họa Bùi Xuân Phái, họa sĩ Văn Dương Thành đang trong hành trình nỗ lực hết mình để thực hiện sứ mệnh tiếp nối, quảng bá những giá trị của Bùi Xuân Phái đến với thế hệ nối tiếp mình. “Do nhân duyên từ nhỏ đã sưu tập tranh của Bùi Xuân Phái. Tôi đem hết tâm đức và sức lực của mình để tôn vinh được một bậc thầy và tiếp nối cho các thế hệ học sinh của tôi, cũng tiếp nối sự kính thầy, yêu bạn, uống nước nhớ nguồn và trân trọng nền hội họa của quê nhà dù nhỏ bé nhưng có giá trị. Đó sự khởi phát tự nhiên để tôi làm. Tôi nghĩ một người làm nghệ thuật đầu tiên là tấm lòng, nếu không có một tấm lòng nhân đạo, bao dung chia sẻ thì nghệ thuật của mình cũng chỉ cho mình, làm mất đi ý nghĩa của nghệ thuật. Bởi nghệ thuật là sự chia sẻ, chia sẻ cái đẹp, chia sẻ cảm xúc của mình, chia sẻ ý tưởng của mình, kể cả chia sẻ đồng tiền của mình”.

Mỹ thuật - Họa sĩ Văn Dương Thành (Bài 2): “Cầu nối” hội họa Bùi Xuân Phái qua ba thế hệ (Hình 3).

Thế hệ học trò của học sĩ Văn Dương Thành vẽ Bùi Xuân Phái, tranh của họa sĩ nhí Nguyễn Linh Chi (trái) và Nguyễn Quang Minh

Luôn coi việc được gặp gỡ những bậc tiền bối là những bậc thầy về hội họa, văn học là duyên, là phúc nên với họa sĩ Văn Dương Thành không thể “làm lơ” với những bậc thầy mà mình dành sự kính ngưỡng. Nữ họa sĩ tâm niệm: “Tôi làm hết tất cả, tôi cống hiến thời gian, tiền bạc, cả công sức của mình để tôn vinh các thầy. Tôi cảm thấy vinh dự và vui chứ không có bất kể mục đích nào. Tôi thấy các người thầy của quê hương rất đáng trân trọng, đáng được giới thiệu”. Quan trọng hơn hết, với họa sĩ Văn Dương Thành là tiếp nối và lan tỏa những giá trị nghệ thuật của đất nước đến với những ai không biết hoặc chưa biết đến, đặc biệt là những đứa trẻ sống trong điều kiện đủ đầy của thời hiện đại mà không biết rằng các thế hệ đi trước đã phải sáng tạo nghệ thuật trong một điều kiện khổ sở đến nhường nào nhưng vượt lên vẫn là ý chí, nghị lực và tài năng nội tại.

Chính tâm niệm mong muốn và lan tỏa những giá trị nghệ thuật của các thế hệ đi trước mà họa sĩ Văn Dương Thành xem việc dạy vẽ cho thế hệ học sinh của mình như việc truyền nghề tại chính xưởng vẽ của mình. “Hiện nay tôi đang làm sứ mệnh “cầu nối” của mình theo một cách tình nguyện. Tôi đang dạy cho các em học sinh ở thế hệ sau, từ 10 tuổi cho đến 15 tuổi vẽ Bùi Xuân Phái để nhớ đến bậc thầy của hội họa Việt Nam” – họa sĩ Văn Dương Thành chia sẻ. Cũng theo nữ họa sĩ, vẽ tại xưởng là cách vẽ hiệu quả và học rất nhanh. “Những đứa trẻ, chưa từng biết về họa sĩ Bùi Xuân Phái nhưng có thể vẽ được danh họa rất giống, rất đẹp và có hồn”. Có lẽ làm được điều đó là nhờ ảnh tư liệu, nhờ tài liệu sách báo và cả nhờ những câu chuyện kể về danh họa mà “nàng thơ” trong tranh Bùi Xuân Phái sẽ chẳng thể nào quên.

Và đúng như nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân từng đưa ra nhận xét: Văn Dương Thành là “cầu nối” cho các thế hệ bậc thầy Đông Dương đến với thế hệ trẻ Việt Nam và nước ngoài.

Thái Gia Khánh

Bạn đang đọc bài viết "Họa sĩ Văn Dương Thành (Bài 2): “Cầu nối” hội họa Bùi Xuân Phái qua ba thế hệ" tại chuyên mục XÃ HỘI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).