Du lịch Quảng Ninh cần sự hỗ trợ vượt qua đại dịch

15/08/2020 23:37

Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Du lịch là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 và Quảng Ninh không ngoại lệ. Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng Du lịch Quảng Ninh vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ để vượt qua khó khăn trước mắt.

Nhiều khó khăn, thử thách

Vào những ngày cuối tuần giữa tháng 8/2020, trên các tuyến đường ở trung tâm du lịch Bãi Cháy, Tuần Châu, Hạ Long còn rất ít khách du lịch. Các nhà hàng, khách sạn ở Bãi Cháy hầu hết đều đóng cửa. Giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long Phan Văn Hiệp cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới khách đi du lịch Hạ Long.

Sau khi hết giãn cách xã hội, thời điểm tháng 6, 7/2020, khách du lịch nội địa đã tăng dần, cao điểm có tới 10.000 khách/ngày. Tuy nhiên, sau khi dịch bùng phát trở lại, lượng khách giảm đáng kể. Hiện chỉ có trung bình từ 100-200 khách/ngày, chủ yếu là khách lưu trú, ngủ đêm trên tàu.

Dù Quảng Ninh vẫn là điểm đến an toàn và mở cửa đón khách, nhưng các chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã đồng loạt xin dừng hoạt động vì không có khách. Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh tại Cảng du lịch Tuần Châu cho biết, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát trở lại, ngày thường vịnh Hạ Long đón trên 1 vạn khách, ngày cuối tuần từ 2-3 vạn, cao hơn cả thời điểm chưa có dịch COVID-19.

Du lịch - Du lịch Quảng Ninh cần sự hỗ trợ vượt qua đại dịch

Trong vòng 2 tuần nay, mỗi ngày vịnh Hạ Long với trên 500 tàu chỉ đón khoảng 200 khách. Hàng trăm tàu, mỗi ngày chỉ có vài tàu xuất bến. Theo thống kê, hiện có hơn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long với hàng nghìn nhân viên trực tiếp làm việc. Chỉ tính riêng 173 tàu lưu trú đã có gần 2.000 nhân viên.

Chị Hoàng Thị Kim - Chủ tàu Thành Đạt, Hạ Long cho biết, “gia đình có 3 tàu sắt, trung bình mỗi tàu chở 40 khách, ngày chạy 2-3 chuyến. Khi chưa có dịch, cuộc sống cũng tạm ổn, trả lương cho người lao động từ 10-11 triệu đồng/tháng.

Khi dịch tái bùng phát, không có khách, tàu nằm ở bến phải trả tiền neo đậu, bến bãi trong khi vẫn phải thực hiện việc chăm sóc máy móc, 3 tháng sơn tàu/lần, trung bình hết 30 triệu đồng/tàu. Bây giờ, không có khách, gia đình phải vay tiền Ngân hàng để lo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chờ hết dịch”.

Cùng với các chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn ở Hạ Long cũng gặp không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh vì vắng khách.

Tổng Giám đốc Công ty Sen Á Đông Đoàn Văn Dũng chia sẻ, ngoài kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long, Công ty còn cung cấp các dịch vụ nhà hàng, xe điện, trải nghiệm làng quê Yên Đức, vận chuyển khách Hạ Long - Hà Nội, lữ hành… “COVID-19 tái bùng phát trở lại ảnh hưởng nặng nề.

Công ty phải giảm đến 70% số lượng cán bộ, nhân viên, chỉ đủ khả năng duy trì một số lượng nhân lực nhất định để thực hiện công việc văn phòng, xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến, bảo dưỡng cơ sở vật chất, tàu thuyền… Dù đã tiết kiệm, mỗi tháng Công ty vẫn phải chi 1,5 tỷ đồng cho chi phí các hoạt động để duy trì, tôi thấy khó khăn thực sự”, ông Dũng chia sẻ.

Cần có sự hỗ trợ, chia sẻ

Bà Nguyễn Thị Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cho biết, để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, thu hút khách đến với Quảng Ninh, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã có chính sách giảm giá vé đi tham quan, vé ngủ đêm trên vịnh Hạ Long; tổ chức nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá tại nhiều địa phương trong nước. Trong tháng 6, 7/2020, lượng khách đến Hạ Long tăng lên đáng kể nhưng đến nay đã giảm mạnh.

Du lịch - Du lịch Quảng Ninh cần sự hỗ trợ vượt qua đại dịch (Hình 2).

Nhà chờ Cản tàu khách quốc tế Hạ Long

Do không có khách, không chỉ các chủ tàu trên vịnh Hạ Long mà một số khách sạn ở Hạ Long cũng xin tạm dừng kinh doanh. Hiệp hội đã phối hợp với Sở Du lịch và các ngành liên quan kiến nghị, đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh. Theo bà Bảo, để doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19 rất cần sự hỗ trợ trong việc giảm giá tiền điện, giãn thời gian nộp tiền thuê đất, tiền thuế… cũng như có các cơ chế từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, thu hút khách đến với Quảng Ninh.

Đồng quan điểm với bà Bảo, ông Phan Văn Hiệp cho rằng, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với du lịch Quảng Ninh là rất lớn. Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm phí tham quan thắng cảnh, tham quan vịnh, lưu trú; cho vay vốn với mức ưu đãi để có điều kiện trả lương cho người lao động, giúp người lao động yên tâm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó.

Theo ông Đoàn Văn Dũng, ngành Du lịch nói chung và với những vùng du lịch trọng điểm như Quảng Ninh nói riêng cần triển khai mạnh mẽ các gói kích cầu, các chính sách ưu đãi đối với khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, quảng bá điểm đến, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm mới hướng đến dòng nghỉ dưỡng hạng sang. “Để chuẩn bị đón khách quốc tế, cần chuẩn bị về nội dung tuyên truyền về một Việt Nam đẹp, mến khách, an toàn, thân thiện để thêm yêu Việt Nam.

Không phải chờ hết dịch, ngay từ bây giờ rất cần sự vào cuộc, đi trước của truyền thông, tạo hiệu ứng, thu hút khách đến khám phá, trải nghiệm Quảng Ninh - Di sản thế giới, điểm đến an toàn, hấp dẫn”, ông Dũng đề xuất.

Theo báo Du lịch

Bạn đang đọc bài viết "Du lịch Quảng Ninh cần sự hỗ trợ vượt qua đại dịch" tại chuyên mục PHÁP LUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).