ĐBQH Phạm Phú Quốc sở hữu quốc tịch CH Síp nhờ bảo lãnh của gia đình có đúng theo quy định?

26/08/2020 03:03

(VHNT) - Chiều 25/8, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TP.HCM) trong một cuộc phỏng vấn khẳng định thông tin ông “mua” quốc tịch Cộng Hòa Síp (Cyprus) là không chính xác, và việc ông sở hữu quốc tịch của quốc gia này là do gia đình bảo lãnh, chứ không có chuyện bỏ ra 2,5 triệu USD để sở hữu nó.

Ông Phạm Phú Quốc cho biết thêm, thời điểm mình ứng cử ĐBQH khóa XIV năm 2016 thì chưa có quốc tịch CH Síp. Đến giữa năm 2018, gia đình ông Quốc, cụ thể là vợ và con ông đã có quốc tịch CH Síp, đề nghị và thực hiện các thủ tục bảo lãnh để xin cấp quốc tịch CH Síp cho ông nhằm thuận lợi trong việc đi lại, chăm sóc gia đình sau khi nghỉ hưu.

Ông Quốc cũng khẳng định bản thân đang thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này (sở hữu quốc tịch Síp - PV) cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Theo quy định tại Điều 17 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam: Công dân nước CHXHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam; và Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam: Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Như vậy, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Nếu công dân Việt Nam nào muốn đăng ký một quốc tịch khác thì phải làm thủ tục (đã được quy định rõ tại Mục 2, từ Điều 27 đến Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam về thôi quốc tịch Việt Nam).

Xã hội  - ĐBQH Phạm Phú Quốc sở hữu quốc tịch CH Síp nhờ bảo lãnh của gia đình có đúng theo quy định?

Ông Phạm Phú Quốc (bìa trái) khẳng định mình có quốc tịch CH Síp do gia đình bảo lãnh

Còn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) thì Đại biểu Quốc hội cũng chỉ được có một quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, về tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội, để đảm bảo tính chất chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử Đại biểu Quốc hội, Luật mới đã bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch. Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung, Đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (khoản 1a Điều 22).

Mặc dù ngày 24-6-2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch cho phép một số công dân được mang 2 quốc tịch. Cụ thể là các trường hợp người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.

Tuy nhiên, Đại biểu Phạm Phú Quốc không thuộc các trường hợp này và trước đây Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) từng không được công nhận tư cách ĐBQH khoá 14 (dù đã trúng cử), khi bà sở hữu quốc tịch Malta đồng thời với quốc tịch Việt Nam.

Linh Sơn

Bạn đang đọc bài viết "ĐBQH Phạm Phú Quốc sở hữu quốc tịch CH Síp nhờ bảo lãnh của gia đình có đúng theo quy định?" tại chuyên mục GIẢI TRÍ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).