Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc với văn học nghệ thuật

29/09/2020 21:18

(VHNT) - Nói đến ông Kim Ngọc là người ta nghĩ ngay đến một cán bộ Đảng đã sớm khởi xướng và ủng hộ công cuộc đổi mới kinh tế đất nước do Đảng và Nhà nước ta chủ động tiến hành khi ông Ngọc làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú.

Nhưng với những nhà văn, nhà báo từng hoạt động nghề nghiệp tại nơi đây vào thời gian này, trực tiếp viết về việc khoán hộ của ông Kim Ngọc, trong đó có nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, thì nỗi nhớ ông Kim Ngọc lại còn gắn liền với những điều cụ thể, sâu sát, có cả niềm vui và nỗi buồn.

người mê văn chương nên khi nghe tin ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy có quyết định thành lập Hội văn nghệ tỉnh chúng tôi mừng lắm. Rồi ngay sau đó tôi được điều về cơ quan thường trực Ban vận động, thành lập Hội văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú. Khi có được gian nhà lá dài làm trụ sở thì tôi được ở đây và tối tối ông Trần Quốc Phi - Trưởng Ban vận động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về đây nghỉ tranh thủ giải quyết công việc của Hội. Anh Trần Quốc Vượng cho vợ con cùng sang ở hai gian đầu nhà.

Văn  - Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc với văn học nghệ thuật

Cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc

Công tác quản lý văn hóa ngỡ là nặng nề nhưng anh làm việc ấy như chơi. Thỉnh thoảng lại có anh Trưởng phòng Ty Văn hóa sang xin chữ ký của anh. Anh ký xong giục như đuổi họ đi còn quay lại bàn việc văn nghệ với chúng tôi. Anh hay nói vui:

- Phải học phong cách làm việc của anh Kim Ngọc. Lấy kết quả công việc làm trọng, mọi cái rườm rà hình thức bỏ hết.

Những ngày ấy chúng tôi thường xuyên được đón các văn nghệ sĩ lớn ở các tỉnh, thành phố lên thăm tỉnh mình.

Dạo ấy trong văn nghệ nói chung, nhất là trong văn học ta bị ảnh hưởng bởi các ý kiến, người ta hay bắt bẻ quy kết cho tác giả có tư tưởng nọ kia. Tôi mới cho in cái truyện đồng thoại Cối xay, cối giã của Phan Đăng Chẩm. Bị cán bộ an ninh truy hỏi, Chẩm sợ đổ hết tội cho tôi. Tôi bị báo cáo sang tỉnh. Tôi nói: Đúng là tôi chữa thì truyện ấy mới in được. Vì hai anh Cối xay, Cối giã bị bỏ xó từ khi có máy xát thay thế. Nhưng khi mất điện Cối xay, Cối giã lại được dùng và anh nào cũng cậy công nhờ có mình vỏ trấu, vỏ cám mới được bóc ra. Thế là họ quy kết tôi có tư tưởng chống Đảng.

Tôi nghe anh Quốc Phi cho biết Giám đốc Công an báo cáo về việc này, anh Kim Ngọc lắc đầu bảo: Cánh văn nghệ họ chỉ hướng đến cái đẹp. Viết về cái xấu để cảnh cáo cũng nhằm đề cao cái đẹp. Các cậu đừng có suy diễn để thấy cái gì cũng nghĩ họ là sai để làm thui chột các ngòi bút văn chương của anh em.

Tôi thầm cảm ơn ông Kim Ngọc.

Ngày ấy tôi thường đi thâm nhập thực tế ở các huyện miền Đông tỉnh như Lập Thạch, Yên Lạc, Tam Dương v.v… ở đâu cũng thấy dân chúng giàu có hơn ở Phú Thọ do Phú Thọ quản lý chặt. Một tỉnh mà hai chính sách. Ở Phú Thọ dân truyền tai nhau những câu ca: “Một người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài mua xe” hay “mỗi người làm việc bằng ba, để cho cán bộ xây nhà xây sân”. Ở Vĩnh Phúc dân ít truyền tai nhau những câu đó. Về sau tôi mới biết dân miền Đông tỉnh giàu nhờ chủ trương “khoán hộ” của ông Kim Ngọc.

Chuyện này sau đó bị lộ vì cán bộ miền Tây xuống Vĩnh Phú phát hiện ra. Họ báo cáo lên Trung ương là tại ông Kim Ngọc làm sai.

Dạo ấy, Vĩnh Phú nổi lên một HTX điển hình Hợp Thịnh. Hợp Thịnh do ông Lê Bùi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy về làm Bí thư và Chủ nhiệm HTX toàn xã. Thời đó, ông Kim Ngọc biết rõ Lê Bùi giỏi về kinh tế nông nghiệp. Khi thấy tình hình nông thôn bế tắc, HTX lãnh đạo khô cứng. Nạn dong công phóng điểm xảy ra ở khắp các HTX nông nghiệp. Hai ông bàn bạc tìm ra cơ chế “khoán hộ”. Thế là ông Bùi đang phụ trách Ban Nông nghiệp Tỉnh ủy được điều về làm Bí thư huyện Lập Thạch để chỉ đạo làm thử “khoán hộ”. Khi làm “khoán hộ” kết quả họ ngấm ngầm phổ biến cho cả các huyện miền Đông, cho cả Hải Phòng, Hưng Yên làm theo. Còn ở Vĩnh Phú sau đó mấy năm thì ông Kim Ngọc bị quy tội, chịu kỷ luật về vườn. Ông Lê Bùi cùng chịu tội phải điều sang nơi khác công tác. Hai năm sau trở về ông xin về Hợp Thịnh quê mình trực tiếp làm Bí thư và Chủ nhiệm HTX toàn xã. Hợp Thịnh tiến bộ vượt bậc về mọi mặt. Toàn quốc đổ về tham quan Hợp Thịnh. Tôi cũng về viết một bài báo dài in trên báo Quân đội nhân dân ca ngợi Hợp Thịnh. Tôi còn viết hẳn một cuốn tiểu thuyết Làng Cói Hạ toàn ghi việc thật, người thật. Nhà văn Ma Văn Kháng viết thư bảo tôi cho một cuốn tiểu thuyết Làng Cói Hạ để gửi sang Nhật vì họ xin. Tôi biết người Nhật xin sách không phải để dịch mà họ muốn xem xã Hợp Thịnh xây dựng cộng sản ra sao. Nhiều cán bộ cũng đã từng truyền tay nhau đọc, sau đó cuốn tiểu thuyết được lưu giữ cùng với số văn bản khác làm cơ sở để tiến hành công cuộc đổi mới.

Ấy thế nhưng ở Vĩnh Phú lúc ấy thì từ lãnh đạo đến cán bộ phóng viên báo chí cả văn nghệ sĩ thuộc cánh miền Tây tẩy chay Hợp Thịnh, không ưa gì cuốn tiểu thuyết trên. Một hôm có việc tạt vào cơ quan Ủy ban tỉnh thấy anh Hoặc và anh Tô, Chánh Phó Văn phòng Ủy ban nói “Hay quá anh Nhàn ạ, hôm trước thì ông A Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy sang bảo “Các cậu có biết thằng Nhàn nó viết nhân vật lão Rán trong Làng Cói Hạ là viết về ông B. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đấy. Hôm sau lại ông B. Phó Chủ tịch Thường trực đến bảo “Các cậu có biết nhân vật lão Rán trong Làng Cói Hạ là nó viết về ông A. Phó Bí thư không?”.

“Kệ - anh Hoặc nói - Anh viết rất đúng, viết nữa cho chúng tôi đọc”. Bây giờ ngồi nghĩ lại những chuyện trên tôi lại nhớ về thời ông Kim Ngọc.

Nguyễn Hữu Nhàn

Bạn đang đọc bài viết "Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc với văn học nghệ thuật" tại chuyên mục XÃ HỘI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).