Vẽ minh họa: Làn gió mới cho tác phẩm văn chương kinh điển

01/09/2020 00:22

(VHNT) - Để làm rõ hơn vai trò của vẽ minh họa trong sáng tạo và làm mới các tác phẩm văn chương kinh điển Việt Nam, Đông A cùng Trạm Radio tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Vẽ minh họa – Làm mới tác phẩm kinh điển Việt Nam”

Đồng sáng tạo với tác phẩm văn chương

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đều cho rằng các tác phẩm minh họa không chỉ làm rõ ý nghĩa cho tác phẩm văn chương, hơn thế, các họa sĩ là người đồng sáng tạo cùng nhà văn trong việc xây dựng tác phẩm văn chương.

Nhà nghiên cứu văn học Mai Anh Tuấn cho rằng: “Việc vẽ minh họa là một đóng góp để văn chương và mỹ thuật tới gần hơn tới công chúng”

TS. Mai Anh Tuấn nhấn mạnh: Minh hoạ tác phẩm văn chương không phải sự vẽ và mô tả đúng cái nội dung của tác phẩm. Mà theo tôi, để có thể vẽ minh hoạ văn chương họa sĩ phải có 2 phẩm chất quan trọng là người hoạ sĩ phải đọc, hiểu được các lớp nghĩa của tác phẩm văn học. Hai là người họa sĩ phải có khả năng đồng sáng tạo cùng nhà văn

Do đó, nhà phê bình Mai Anh Tuấn coi những tác phẩm minh họa trong văn chương là kết quả của quá trình sáng tạo thực sự, có vai trò đồng sáng tạo với văn chương. Người họa sĩ và nhà văn cùng tạo ra giá trị trong tác phẩm. Chúng ta không nên xem nó là sản phẩm đi sau văn chương.

Là họa sĩ đã có kinh nghiệm trong việc vẽ bìa và minh họa cho các tác phẩm văn chương, họa sĩ Kim Duẩn cho rằng tùy từng tác phẩm văn chương, họa sĩ có thể chọn cách vẽ lại đúng như mô tả của nhà văn hay thêm những sáng tạo của bản thân vào bức tranh.

Dù minh họa các tác phẩm dành cho người lớn, hay truyện thiếu nhi, người họa sĩ đều phải đọc kỹ tác phẩm và phân bổ số lượng tranh minh họa sao cho hợp lý, không để các phần minh họa ở quá gần hoặc quá xa nhau. Họa sĩ còn phải lựa chọn các đoạn hoặc tình tiết đặc sắc để minh họa.

Văn  - Vẽ minh họa: Làn gió mới cho tác phẩm văn chương kinh điển

Các diễn giả tại buổi tọa đàm.

Tranh minh họa có làm “méo mó” tác phẩm văn học?

Có ý kiến cho rằng việc có thể việc minh họa các tác phẩm văn chương dễ đóng đinh hình ảnh trong đầu độc giả và làm đi khả năng kích thích trí tưởng tượng của văn bản gốc. Ngoài ra việc vẽ minh họa đôi khi có rủi ro bóp méo tác phẩm gốc.

TS. Mai Anh Tuấn chia sẻ: “Không chỉ hội hoạ mà phim ảnh đôi khi cũng làm cho độc giả bắt vít vào hình tượng nhân vật. Những nghệ thuật tạo hình bao giờ cũng thế.”

Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng hội hoạ có vai trò rất quan trọng khơi gợi trí tưởng tượng của chúng ta về những bối cảnh văn hoá xã hội ở thời kỳ lịch sử cách xa chúng ta. Sự đóng đinh hình tượng trong đầu có ý nghĩa nhất định của nó. Nghệ thuật tạo hình giúp chúng ta có những kiến thức về văn hoá lịch sử, đặc biệt ở những thời kỳ rất xa.

Các diễn giả đều cho rằng việc vẽ minh họa cho các tác phẩm kinh điển đòi hỏi người họa sĩ phải khả năng sáng tạo lớn vì những tác phẩm này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong độc giả nên họa sĩ phải làm sao truyền tải được tinh thần của tác phẩm. Hai diễn giả đánh giá cao phiên bản tiểu thuyết Số đỏ do họa sĩ Thành Phong vẽ minh họa vừa được Đông A xuất bản trong thời gian gần đây.

Văn  - Vẽ minh họa: Làn gió mới cho tác phẩm văn chương kinh điển (Hình 2).

Họa sĩ Thành Phong được cho rằng đã truyền tải thành công tính trào phúng qua việc minh họa tác phẩm Số đỏ

Nên phát triển việc minh họa cho tác phẩm văn chương

Các  diễn giả thống nhất rằng việc vẽ minh họa cho văn chương đã có lịch sử lâu dài ở Việt Nam. Có những tác giả luôn thu hút các họa sĩ lớn vẽ minh họa cho tác phẩm của họ như Nguyễn Huy Thiệp hay tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều. Việc minh họa các tác phẩm kinh điển giúp cho người đọc có thêm cảm hứng về văn chương. Các diễn giả cũng cho rằng cần phát triển việc minh họa cho các tác phẩm văn chương. Họa sĩ Kim Duẩn cho rằng các họa sĩ nên coi việc vẽ minh họa như một công việc thực sự, không nên coi đó chỉ là nghề “tay trái”.

Văn  - Vẽ minh họa: Làn gió mới cho tác phẩm văn chương kinh điển (Hình 3).

Tranh minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương trong Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Chia sẻ về khó khăn lớn nhất khi vẽ minh họa cho tác phẩm văn chương, họa sĩ Kim Duẩn nói: “Đối với tôi, khó khăn lớn nhất là sự lặp lại bản thân mình. Nhiều khi tôi thấy chán chính nét vẽ của tôi, bức tranh của tôi. Mình phải có thay đổi, khác biệt đi một chút. Còn khó khăn bề nổi, tôi nghĩ rằng với nhưng ai bắt đầu vẽ minh hoạ có thể vẽ không đẹp lắm, cần tích luỹ kinh nghiệm, tuỳ vào khả năng sẽ có được tác phẩm.”

Chương trình diễn ra vào 19h ngày 29/08 tại Nhà sách Cá Chép, 115 Nguyễn Thái Học Hà Nội với sự tham gia của nhà phê bình văn học TS. Mai Anh Tuấn, họa sĩ Kim Duẩn với sự điều phối của MC Hà Trang.

Quang Minh

Bạn đang đọc bài viết "Vẽ minh họa: Làn gió mới cho tác phẩm văn chương kinh điển" tại chuyên mục VĂN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).