Vũ Trọng Phụng của hôm nay Kỳ 1

04/11/2020 20:21

(Arttimes) - Nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20/10/1912 tại Hà Nội. Ông quê gốc ở Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Thân sinh ông là cụ Vũ Văn Lân, làm thợ điện. Mẹ là cụ Phạm Thị Khách, quê ở làng Vẽ, huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ, nay thuộc thủ đô Hà Nội. Mới được 7 tháng tuổi, Vũ Trọng Phụng mồ côi cha. Mẹ ông lúc đó mới 24 tuổi ở vậy suốt đời, phải làm nghề khâu vá thuê để phụng dưỡng mẹ chồng và nuôi con khôn lớn.

Vũ Trọng Phụng có nhiều năng khiếu nghệ thuật ngay từ lúc nhỏ tuổi. Vẽ giỏi, thích đánh đàn nguyệt, soạn bài hát cải lương và làm thơ. Tốt nghiệp cấp một với một học lực sáng sủa, nhưng ông hỏng thi vào trường sơ cấp sư phạm. Mới 15, 16 tuổi, Vũ Trọng Phụng bị quăng ra đời để kiếm sống, chống chọi với cái nghèo. Với một người bình thường, việc ấy có thể xem là một bất hạnh. Nhưng với một nhà văn, trong cái hoạ xem chừng còn có một cái phúc. Cái phúc ấy, theo Ngô Tất Tố thì, “cái nghèo cũng là cái trường đúc nên văn sĩ. Vậy là riêng ở Phương Đông đã có đạo nhất định: “Phú quý thì không thể làm nhà văn. Đã làm nhà văn thì đừng mong gì phú quý”. Vũ Trọng Phụng chưa từng ôm mộng phú quý. Ông chỉ mong kiếm một chỗ làm để nuôi thân và phụ đỡ mẹ, cũng không xong. Trong suốt một cuộc đời ngắn ngủi, ông chỉ được làm người làm thuê có đồng lương ổn định trong 2 năm, một là làm thư ký cho nhà hàng Gôđa và sau đó làm nhân viên đánh máy cho nhà in Viễn Đông. Từ đó cho cuối đời ông sống bằng nghề cầm bút.

Văn  - Vũ Trọng Phụng của hôm nay Kỳ 1

Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng 

Bị quăng vào đời sớm, với một thiên bẩm đặc biệt, Vũ Trọng Phụng là một trong những người nghe rõ nhất tiếng gào rú man dại của con vật lạ, đến từ trờ Tây. Nó có tên gọi là cơ chế thị trường. Với cơ chế thị trường, người ta thực sự chứng kiến một cuộc xâm lăng văn hóa, tấn công vào mọi thành trì của tinh thần Việt. Trong cuộc Công thành mới này, đồng tiền thay thế vai trò của xe tăng và trọng pháo, làm sụp đổ nền tảng đạo đức truyền thống. Người ta ghét tiền nhưng người ta vẫn cần đến nó. Đó là một đại bi kịch. Một lần tâm sự với Lan Khai, Vũ Trọng Phụng nói:

- Ở đâu mà đồng tiền lọt đến, sự tốt đẹp sẽ không còn. Theo dõi hành tung của đồng tiền, trên bãi chiến trường của cuộc xâm lăng văn hóa, Vũ Trọng Phụng xới tung lên mọi thứ cỏ độc, mọi sự nhố nhăng, mọi cạm bẫy người. Đúng như Nguyễn Tuân đã nhận xét: “Vũ Trọng Phụng đã đem những cái thối mọt, cặn bã nhẫn tâm vào trong tác phẩm của mình đến đầy rẫy” Lan Khai cho rằng “Vũ Trọng Phụng viết ra dù chẳng cho ta chút ít hy vọng hoặc chút ít phương pháp kiến thức nào, song tất cả đã khiến ta thấy rõ cái hiện trạng xã hội và khiến ta suy nghĩ về cái hiện trạng ấy. Nói cái điều kiện đã tạo nên anh, Vũ Trọng Phụng cho ta được thế đã là nhiều lắm, có thể nói là đã cho ta tất cả vậy. Ta còn muốn gì hơn! Ta hãy biết ơn nhà văn ấy. Ta hãy khen ngợi Vũ Trọng Phụng về chỗ anh đã có can đảm là anh, trong khi phần đông các nhà văn khác chỉ dám đua đòi, phỏng chép, nghĩa là không thành thực”. “Anh chưa sáng suốt đến bậc có thể trở nên một tay cải tạo xã hội, nhưng anh đã làm đầy đủ cái chức vụ của một nghệ sĩ. Vì sao? Vì nghệ thuật chính là cái biểu thị tối cao của sự bất bình. Mà văn chương của anh đã ngụ một cái bất bình sôi nổi, một bất bình nhiều khi chua cay, sỗ sàng và độc ác nữa”.

Can đảm làm mình, can đảm làm một nhà văn xã hội, và để cho sự can đảm đó càng thành thực bao nhiêu càng hữu ích cho bạn đọc bấy nhiêu, chúng ta hiểu vì sao Vũ Trọng Phụng hay sử dụng loại văn phóng sự - tiểu thuyết. Chưa khái quát thì hãy phơi  bày. Nhưng thực ra Vũ Trọng Phụng không chỉ có phơi bày. Ông là một người phản biện hùng hồn nhất cho sự cải tạo. Trong bài nhận xét về Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng viết “Bạn Ngô Tất Tố đã viết được một thiên kiệt tác hoàn toàn phụng sự dân quê, một việc mà phái trẻ chúng ta phải cho là rất mới mẻ,
cái đó đã đành. Nhưng còn điểm này mới thật là cái vinh dự cực điểm cho bạn, nghĩa là, trong tiểu thuyết “Tắt đèn”, những vai trò chính đều không thuộc vào hạng người trí thức. Bạn đã hoàn toàn đúng vào địa vị khách quan, mà câu chuyện bạn kể cũng thật cảm động, cũng khiến người đọc phải có những tư tưởng cải tạo xã hội hoặc là những ý kiến phê bình sự vật, in như trong những tiểu thuyết mà vai trò chính là người trí thức, nhờ đó mà tác giả ám thị cho độc giả phải đồng ý với mình để giấu giếm địa vị chủ quan của mình cho bớt rõ rệt đi”.

Văn  - Vũ Trọng Phụng của hôm nay Kỳ 1 (Hình 2).

Giông tố - Tác phẩm tiêu biểu của Vũ Trọng Phụng

Theo đó, có thể thấy Vũ Trọng Phụng cũng đã “giấu giếm” cái phần cải tạo của mình cho “bớt rõ rệt đi” sau những sự phê phán, truy đuổi đến tận chân tường mọi sự tha hóa, cặn bã của xã hội cũ. Cũng trong nhận xét trên, chúng ta thấy tình cảm thực của tác giả Giông tố với những người nông dân, nó cải chính sự phê bình cho rằng ông khinh miệt đám dân quê thiếu chữ. Vũ
Trọng Phụng ca ngợi vinh dự cực điểm của Ngô Tất Tố về một thiên kiệt tác hoàn toàn phụng sự dân quê, một cuốn tiểu thuyết mà “vai trò chính đều không thuộc vào hạng người trí thức”. Như vậy thì cái thiện cảm của ông đối với người nông dân đã được bộc bạch công khai và rõ ràng lắm lắm. Là một người hay vẽ và vẽ giỏi lúc còn nhỏ, Vũ Trọng Phụng rất hiểu cái luật sơ đẳng trong hội họa và kiến trúc. Đó là luật cân xứng, đối xứng. Nhưng trong văn chương, Vũ Trọng Phụng bất tuân cái luật ấy, để sáng tạo ra cái luật mới là phi đối xứng, hay là đối xứng lệch, nhờ đó ông theo kịp với sự hiện đại. Ông dựng nên rất thực cái hư nát, tanh tưởi để cho mắt thường thấy được cũng chính là ông đã dựng nên cái lương thiện, tốt đẹp để cho trí tưởng tượng và sự suy ngẫm
của người đọc tìm ra. Theo tôi đây là chỗ cao tay của một nhà văn bậc thầy. Nhìn một cách tổng thể, toàn bộ văn chương của Vũ Trọng Phụng là một sự bất tương xứng. Ở đâu ra nhiều thế những nhiễu nhương, phản phúc, những lừa phỉnh, vênh váo, mất dạy, vô luân, phi nhân tính. Vậy thì mọi sự tốt đẹp, tin tưởng biến đi hết cả sao? Chiếu theo cách nhìn cũ, có thể cho ông là gán ghép hoặc bi quan. Nhưng người đọc sáng suốt thì lại không thấy thế. Người ta cho là ông có lý và phục ông về cái lý ấy. Và người ta đồng tình với những làn roi quất rất mạnh của ông.

Vì sao vậy? Vì rằng, cái sự bất tương xứng của ông là kết quả của sự khám phá nghiêm ngặt và lần tới được chiều sâu bản chất của sự vật, của thời vận. Là một nhà văn hiện thực sắc sảo và tinh quái, Vũ Trọng Phụng là một gương mẫu làm theo lời khuyên chí lý của Romain Roland: “... Mỗi ngày ta lại cố gắng đến gần sự thực thêm một ít”. Toàn bộ sự bất tương xứng của Vũ Trọng Phụng là một cố gắng “mỗi ngày lại đến gần sự thật hơn một ít”. Có thể xem Vũ Trọng Phụng là một người dọn bãi cho những gì người ta sẽ xây lên. Về phần độc đáo và hài hước, Vũ Trọng Phụng gần với Nguyễn Công Hoan. Nhưng tài năng thì hai bậc thầy mỗi người một vẻ. Vũ Trọng Phụng dám đẩy đến tận cùng mọi xung đột, mọi cá tính và xây dựng thành công một loạt nhân vật điển hình. Đám con tinh thần của Vũ Trọng Phụng đứa nào ra đứa ấy, không lẫn vào đâu được. Người đọc gặp nó một lần, không sao bứt khỏi. Xây dựng nhân vật, mơ ước lớn nhất của một nhà văn, nó là vấn đề sinh tử của một đời cầm bút.

người đeo đuổi suốt đời mà cơ hồ vẫn trắng tay. Việc
khó khăn nhất ấy vào tay Vũ Trọng Phụng, ông cứ tung tẩy như chơi. Thế mà mọi nhân vật chính, phụ, mỗi khi
được ông sản sóc đến đều sống động, tiêu biểu và góc cạnh. Vũ Trọng Phụng gánh cuộc mưu sinh của ông vô cùng nặng nhọc và khốn khổ, nhưng ông làm nên sự bất tử văn chương thì cuồn cuộn thăng hoa. Gần muời năm cầm bút, ra đi khi mới 28 tuổi đời, Vũ Trọng Phụng để lại một số lượng tác phẩm thật đáng khâm phục. Nhưng đáng khâm phục hơn là ông để lại những nhân vật có thể “thi gan” cùng tuế nguyệt. Nhận xét về điều này, Ngô Tất Tố đã viết “Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống mãi mai sau. Thế cũng là thọ”. Lời nhận xét của một trí giả bậc nhất Ngô Tất Tố, củng cố thêm cái nhận định của Lan Khai “Tài năng kỳ dị của Phụng, cái tài năng đã mang đến cho ta những áng văn bất hủ”...

Hữu Thỉnh (Còn tiếp) 

Bạn đang đọc bài viết "Vũ Trọng Phụng của hôm nay Kỳ 1" tại chuyên mục VĂN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).