Vàng ở ngay dưới chân anh

11/09/2020 18:08

Hầu như ngày nào tôi cũng được tặng sách, của các bạn thân quen và các cây bút mới. Lại còn các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương. Nhiều bạn vì quý mến gửi bản thảo nhờ viết lời giới thiệu. Một lượng thơ không nhỏ. Một không gian thơ không quá hẹp. Tôi đã đọc, có khi đọc khá kỹ, thậm chí còn chép vào sổ tay những câu thơ hay.

Tuy vậy, tôi vẫn luôn bị sức ép tâm lý ếch ngồi đáy giếng. Bởi sách, báo thơ xuất bản trong một tháng, trong một năm, không biết bao nhiêu mà kể, cái tôi đọc được thật nhỏ nhoi. Song lại nghĩ, ếch tuy ngồi đáy giếng nhưng vẫn có khoảng trời của ếch, hơn nữa, cái khoảng trời ấy nó không cắt dời cái mênh mông vô tận kia... Thôi thì cứ mạnh dạn làm cái việc vào rừng đếm cây vậy.

Tạp chí Thơ số tháng 5 và 6 đến tay tôi vào đầu tháng 8 là số chuyên đề về trường ca. Tác giả trong nước là ba nhà thơ đã nổi tiếng Trần Nhuận Minh, Văn Lê, Thanh Thảo. Tác giả nước ngoài là nhà thơ Uchexláp Nezal của nước Tiệp. Sau một thời gian hơi lắng, gần đây trường ca lại rộ. Tâm lý bây giờ, đọc thơ ngắn có khi còn ngại huống gì trường ca. Vậy mà sau khi đọc ba trường ca của các bạn cùng thế hệ, tôi lại có cái tâm trạng thơ thới, bâng lâng, rất muốn có bạn để nói chuyện. Đó là một cảm giác rất đặc biệt khi anh được ban tặng một khoái cảm.

Cả ba trường ca có ưu điểm chung là chạm vào việc đời. Nó khước từ xu hướng xa-lông hóa thơ hiện nay.

Góc nhìn - Vàng ở ngay dưới chân anh

Nhà thơ Trần Nhuận Minh

Trường ca Đá cháy của Trần Nhuận Minh khởi thảo từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đây là một trường ca rất khó viết, không khéo sẽ trở thành diễn ca truyền thống, tình vùi dưới việc. Tác giả chuốt đi chuốt lại nhiều lần, để có một trường ca chắc mà thanh, đậm mà hoạt, vừa thấy bóng dáng lịch sử của vùng mỏ Hà Lầm, lại vừa thấy những rung động thơ thảnh thực và da diết của tác giả về cái vùng mỏ ấy.

Cái tình của tác giả đối với những người thợ thật là máu thịt, thật là thiết cốt. Đó chính là hiện thực ở bên trong hiện thực. Rất cảm động. Tác giả sau khi phác ra một cái nền chung và gọi đó là đã ký xong một hợp đồng với đá. Quả là thông minh và sáng tạo. Bản hợp đồng đã ký xong, nhà thơ bây giờ vừa là nhà thơ, vừa là người thợ, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Tôi cảm động về những dòng tự sự:

Tuổi thơ
Tôi ở nhà ngoại
Cậu bế tôi vẹo xương sườn
À ơi con cò con vạc..
Tôi lê la vày đất nghịch cát
Chơi một mình, ngủ một mình
Mẹ tôi vào phường cấy thuê
Với câu hát buồn tứ xứ
Gặp cha lại cãi nhau
Tôi không hiểu vì đâu
Đứng khóc một mình không ai dỗ

Những người thợ sẽ nhận ra nhà thơ của mình qua nỗi mong khát bỏng đầy tâm huyết.

Tôi mong
Những giọt mưa cuối thu
Nhấn chìm cơn lốc bụi
Như đám cháy cuộn lên
sau mỗi chuyến xe tầng

Tôi mong
Trong bát cơm người ăn
Không phải nhằn ra bao sạn sỏi
...

Tôi mong
Người không phải chữa lành bao bệnh tật
Máu nhiễm chì
sâu quảng
ho lao
Tôi mong
Mọi ý nghĩ về người thật tốt lành
Mọi ánh mắt nhìn người đều thành thực

Nếu không phải là người dán mình lên vách mỏ, nếu không sống tận đáy cuộc sống của người thợ, và nhất là, nếu không yêu đất mỏ và người mỏ như chính bản thân mình thì không sao có thể viết được những câu thơ trên. Cái tình của nhà thơ thấm thía và nặng lòng quá.

Trường ca có nhiều mảng đời xúc động, lịch sử của vùng mỏ là lịch sử của những mảng đời ấy. Vật vã, cặm cụi, gồ ghề, nhưng luôn luôn phát sáng như than. Những câu thơ mộc, tưởng như không có trang trí gì, mà lại thấy hiện lên những cảnh đời rất thực. Một sự cao tay. Đây vốn là sở trường của Trần Nhuận Minh.

Nhưng khi đọc đến câu Đứng khóc một mình không ai dỗ, thì cảm xúc thơ ùa ra, xót xa, thương cảm, khía vào lòng người không ai có thể yên được. Trần Nhuận Minh hay có lối khách quan hóa mọi sự việc; dấu mình đi để cho sự việc cất tiếng. Nhưng trong trường ca này, anh lại chọn dòng trữ tình làm chủ đạo. Có cái gì "cựa quậy" đáng mừng.

Nỗi buồn của đất ong vàng
Bay lên thành ánh trăng

Trăng vỡ ra xanh rợn chín tầng trời
Áo em chớp bàng hoàng đêm động biển

Khi em từ bỏ bản thân mình
Em ngọt ngào bí ẩn đến thiêng liêng
Em trong mới như một dòng suối lạ
Anh vục uống. Và như cây xanh lá
Biết đất dưới chân không phản lại mình

Biết đất dưới chân không phản lại mình, có lẽ là may mắn lớn nhất và hạnh phúc lớn nhất của một đời người. Chúng ta đã có nhiều trường ca chiến tranh được ghi nhận. Đá cháy là trường ca viết về lao động thời bình, lại dõi theo một thời gian dài, là một đóng góp mới đáng quý của Trần Nhuận Minh.

Văn Lê chỉ cho in một vĩ thanh của một trường ca dài có tên là Vé trở về. Anh nói việc chiêu tập hài cốt của các liệt sĩ. Một cuộc trở về đớn đau, cái còn sau cái mất. Hài cốt là cái còn ấy. Quê hương đón các anh vào lòng mẹ, vừa quen vừa lạ, vừa vui vừa buồn.

Góc nhìn - Vàng ở ngay dưới chân anh (Hình 2).

Cố Nhà thơ Lê Văn

Ở ngoài sông những cơn gió đuổi nhau
Gió sợ chết nên cứ trườn mình thổi
Anh lặng lẽ nhìn vào đêm tối
Để được nghe,
để được cảm cái vị làng quê thở ấm cốt xương mình

Cái làng quê ấy giờ đã có biết bao nhiêu thay đổi. Tiếng vạc, tiếng cuốc không còn. Không còn cảnh đàn bà mặc áo tơi đi dậm cá ban đêm, những nhà mái bằng thay thế những mái lá xa xưa. Chợ quê tràn ngập hàng ngoại, chẳng thiếu gì, ngoại trừ hàng đồ thật.

Con người cũng lao vào cuộc bươn chải tất tả và lạnh lùng "Em gái anh vốn thật thà chân chất/ cũng lao vào cuộc đua tranh/ Nó mê sảng kiếm ăn nơi đầu ghềnh cuối bãi/ Bạc mặt cũng vì nỗi lo cơm cháo". Cơ chế thị trường cuốn tất cả cái làng quê êm đềm tĩnh lặng ngày xưa vào quy luật cung cầu cạnh tranh khốc liệt". Một làng quê đang vỡ da, phổng thịt, đan xen giữa được và mất, cũ và mới. Sự thay đổi đang diễn ra từng ngày. Duy chỉ có tình yêu Tổ quốc là vĩnh viễn thiêng liêng.

Ôi Tổ quốc mến yêu
giống như một thứ bùa mê
bí hiểm thiêng liêng hơn cả những gì mà anh hiểu biết
có thể vì vậy
người ta sẵn sàng để chết
cho một tình yêu tín ngưỡng đến dị thường

Tiếng ai vang trong sương
Hóa thành ánh lửa chỉ đường anh đi.

Văn Lê viết về cái gì cũng đượm. Ở trường ca này, anh tỏ ra dốt dáo, dám xông vào những cảnh tối sáng để làm bật lên chất lính thô tháp và thủy chung.

*
* *

Người ta bảo đề tài quy định cách viết. Trong truyện Kiều câu thơ lục bát của Nguyễn Du thiên biến vạn hóa mỗi khi dựng lên những người, những cảnh, những tình huống khác nhau. Thanh Thảo viết nhiều trường ca nhưng anh luôn phải chống lại cái quen tay. Anh vẫn là anh đấy nhưng lại phải là anh khác. Khó là như vậy. "Những người tốt quanh ta" vừa là một cách nhìn vừa là một cách cảm. Thanh Thảo có vẻ tâm đắc lắm, cứ vài ngày lại thông báo tiến độ cho tôi, lần nào cũng kết thúc bằng câu "tôi viết say sưa lắm, ông cứ yên tâm".

Góc nhìn - Vàng ở ngay dưới chân anh (Hình 3).

Nhà thơ Thanh Thảo

Khi nhà thơ Ngô Thế Oanh đưa bản thảo tôi đã dẹp ngay tất cả công việc đang làm, đọc liền một hơi. Tôi trọng cái ấm, tôi quý cái hoạt, tôi yêu những ký thác của Thanh Thảo. Một điều không được khuyến khích trong thơ ngắn nhưng được chấp nhận trong trường ca là sự kể. Nói Những người tốt quanh ta mà không kể, thì coi như đóng cửa lại mất rồi. Thanh Thảo kể một cách xúc động, với những chi tiết rất nhỏ, bình thường, tươi sống, nó làm nên một thứ thẩm mỹ hàng ngảy, được đặt vào những chỗ rất đắc địa.

Có chị hàng xóm gần nhà
nay đã già
tai nặng
chăm tập thể dục
chăm hơn, giúp người khác
toàn những người già trong xóm
tới kỳ lương chị xung phong nhận giùm lương hưu
thỉnh thoảng biếu nhà tôi bát canh cua
vài quả ổi
có khi nửa miếng mít
ngườii như thế không hiếm trên trái đất
vì sao ta ít nhận ra

Không thể tưởng tượng Thanh Thảo, người đã viết những câu "với xương rồng anh tìm cách nở hoa" tài hoa đến thế lại trở nên giản dị đến thế. Ở trường ca này, anh huy động khá nhiều vật liệu thơ như thế, mà lại làm ta cảm động. Tôi bỗng nhớ những bức tường đá ong ở quê tôi, người ta chỉ chát vôi phía trong nhà, còn bên ngoài để nguyên cho nó thở. Cái phía để thô nguyên ấy, thế mà tạo nên cả một không gian văn hóa xứ Đoài đấy. Sau tất cả những người tốt, cuối cùng, nhân vật trữ tình đã hiện ra:

Tôi giận vừa vừa nhưng yêu nhiều hơn
thương chẳng nguôi ngoai thương hoài đất nước
thương từ cái giếng thương đến bầu trời
thương người đi trước thương người về sau
thương người đi mau thương người đi chậm
thương người lận đận thương người nhỡ nhàng
thương người hàm oan thương người mất đất
trải bao thua được
núi đổi sông dời
có khi cả đời
còn một chữ thương

Như vậy là, những người tốt quanh ta từ vẻ đẹp của tồn tại đã được đẩy tới vẻ đẹp của lẽ sống. Đó là khái quát của tác phẩm.

*
* *

Có lẽ đối với các nhà thơ, sự xuất hiện ở đâu không quan trọng bằng xuất hiện như thế nào. Các nhà thơ Vũ Quần Phương, Nguyễn Quang Thiều, Y Phương, Thi Hoàng chọn một tờ báo mới ra lò, tờ Thời báo Văn học nghệ thuật để trình xuất những tìm kiếm mới. Đó là những tác giả giàu nội lực, còn nhiều khả năng tạo ra những bất ngờ.

Góc nhìn - Vàng ở ngay dưới chân anh (Hình 4).

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã xác định danh tính từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thơ anh kỹ lưỡng, nhiều nghĩ ngợi, khoái hoạt về việc đời và việc nghề. Anh đi tìm cái mới ở nội dung, ở cách cảm, ở sự trải nghiệm hơn là tung phá bề mặt ngôn từ. Chùm thơ của anh được chọn cho số ra mắt của Thời báo Văn học nghệ thuật giúp bạn đọc nhận diện một phong cách thơ chín sớm, nay vẫn không ngừng vận động, phát triển, tạo nên bề dày của một sự nghiệp.

Nghệ thuật thơ anh có lúc đạt đến dộ tinh luyện. Bài "Đợi" là câu chuyện yêu đương bình thường, nhưng đợi đến cả đời người là chuyện bất thường. Từ một trường hợp cụ thể, một khung cảnh cụ thể, bài thơ bất ngờ nới rộng không gian ra nhiều khung cảnh, nhiều phận người. Bài thơ cời lên một ngọn lửa nhỏ mà sưởi ấm biết bao nhiêu lứa đôi

Ngày xưa đã chảy sau còn chảy
Nước chảy ngang lòng anh đợi em

Cả hai câu thơ đều động, nó có cái gì ngang trái, xé lòng bất khả kháng, nhưng tình yêu thì cứ hiện hữu như một thách đố. Nước chảy ngang lòng là một sáng tạo, nói cái ngang trái nó táp vào duyên phận, tưởng như không ai cưỡng nổi. Nhưng đến câu kết: Nước chảy, kìa em, anh đợi em. Hai chữ kìa em, biết tất cả nhưng dám vượt lên tất cả. Câu thơ kín đáo mà có sức nén lạ lùng. Bảo có mới không, mới mà hay lắm chứ.

Một chữ ngang trong nước ngày ngang lòng, một chữ kìa trong nước chảy, kìa em, anh đợi em, đủ làm nên một chớp sáng xé lòng. Chữ quê mà đắt thế đấy. Tìm đâu? Tìm gì? Vàng ở ngay dưới chân anh. Một thời đại, mà chỉ riêng một chuyện đợi đã lớn lao như thế thì cái tổng thể, cái toàn cục của nó còn vĩ đại đến đâu. Một nỗi buồn kín đáo mà sâu thẳm. Bỗng nhớ một câu của một triết gia: Lịch sử là sự lặp lại theo một hình trôn ốc cao hơn. Bài "Phật" được viết với một bút pháp rất chặt, kéo xa về gần, kéo cái cao cả về cái đời thường:

Tôi nhìn bàn chân Phật
mà thương mẹ vô vàn
mẹ đã vào tịch mịch
dấu chân còn lầm than

Nơi bài thơ khép lại là chỗ để liên tưởng bắt đầu. Một đằng là Phật đã hóa trần, một đằng khác là trần đã hóa Phật. Cái vế sau nặng hơn, đấy mới thực là điểm tụ, là huyệt khí của bài thơ. Ai có qua cảnh mồ côi cha mẹ mới thấm hết độ thương cảm mà tác giả đã gợi ra.

*
* *

Góc nhìn - Vàng ở ngay dưới chân anh (Hình 5).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Chùm thơ mới của Nguyễn Quang Thiều là sự say đắm đi tìm cái lạ nhưng lại rất có ý thức đào sâu vào bản thể. Rõ ràng trong chùm thơ này, Nguyễn Quang Thiều đã có sự điều chỉnh sau vùng Châu thổ, theo hướng cô đọng hơn và có nhiều chiếu nghỉ. Tôi không quan tâm lắm Thiều đang viết về cái gì, cái tôi hồi hộp đi tìm là thế giới tâm hồn anh. Và cái tôi gặp là sự vụt phóng rất xa của trí tưởng tượng với những hình ảnh kỳ thú dị thường Tôi tỉnh thức giấc như về từ cõi chết/ thấy người đàn bà dậy muộn nằm dọc chân trời (Dã quỳ).

Hơi lạnh cơn mưa gần sáng/ Con rắn nước trườn qua tôi (Mưa gần sáng). Như tiếng xé gió của mỗi phi cơ/ Con muỗi bay qua mặt tôi/ ném xuống một quả bom/ Làm tan loang giấc mơ/ Hỏi rằng, có phải nhà thơ đang cố làm cho thật độc đáo, bắt cái phi lý làm một kẻ diễn trò cho chủ nghĩa kinh dị? Không phải, nói thế là chưa hiểu Thiều. Cái chính là anh đang thực thi một thi pháp ấn tượng, để khuấy đảo cơn ngái ngủ của thói quen. Rồi sau đó những cánh cửa được mở ra và một thế giới khác đã xuất hiện:

- Mọi dã quý hôm qua biến mất
- Chỉ để lại mình trên những cuống hoa
(Dã quỳ)

- Một con chim đêm khắc khoải gần xa
Tiếng của người cứu hộ
Đi tìm những giấc mơ sống sót
Trong đống đổ nát hoang tàn của ký tức chúng ta

- Có một đứa trẻ vừa gọi mẹ vừa lớn lên
Chợt già đi trong những cúc thẫm chiều
(Mưa gần sáng)

Tôi thực sự bị chấn động bởi câu thơ: Có một đứa trẻ vừa gọi mẹ vừa lớn lên. Nhà thơ viết tiểu sử của mình. Một tiểu sử được viết bằng nước mắt. Cũng hiếm ai viết về cảnh mồ côi cô đọng, giản dị và đớn đau đến như thế. Tôi hình dung ra một đứa trẻ côi cút, nó phải bấm chân xuống cái vũng nước mắt mà nó vừa nhỏ xuống để chống trọi, để tồn tại, để kiêu hãnh làm người.

Mà có gì đâu. Vừa gọi mẹ vừa lớn lên, sáu chữ để riêng ra, quá bình thường. Vậy mà với Nguyễn Quang Thiều, chúng được xếp lại đứng bên nhau, tạo nên một cộng hưởng từ, cộng hưởng nghĩa, cộng hưởng chuông, vang vọng, cấp báo diết gióng như cứa, như nung, xô dạt lòng người. Nhà thơ có cần phiêu du tìm kiếm thơ ở chân trời khác lạ nào đâu. Anh vít cái ngọn đèn trăm oát kia, xoay ngược lại, dọi chiếu vào lòng mình. Bão táp sẽ nổi lên và tình người sẽ sóng dậy.

Những hạt cây là một bài thơ hay. Một cái hạt, nó là một thế giới, một sinh mệnh, một tạo hóa.

Khi con mười tám tuổi, mẹ nói
- Bền vững hơn vàng là kim cương
Khi con năm mươi tuổi, mẹ nói
- Bền vững hơn kim cương là hạt cây

Tác giả nói về hạt, về cây, về chim, về khai mùa, lôi cuốn đến mức suýt nữa ta quên mất.

Có hai người trở về
Ngồi dưới tán cây đầu đông
Gió đang xếp lại từng phiến lá
Một người đi xa xếp đồ đạc của mình

Họ là những hạt cây thắm đỏ
tách ra tù chùm quả thiên đường
Người gieo họ xuống cánh đồng nhân tính
Lời mọc lên tốt tươi trong ánh sáng vô bờ

Hóa ra là một bài thơ tình. Hai hạt âm dương. Có thế nên phải chờ đến năm mươi tuổi mẹ mới nói: Bền vững hơn kim cương là hạt cây... Hạt của sinh sôi. Đoạn kết rất đẹp theo kiểu thần thoại hóa. Đây này, một bài thơ lạ, mà hay.

Nguyễn Quang Thiều không chỉ hay trong những bài thơ tự do phóng khoáng. Anh còn có thể hay trong lục bát. Gảy đàn bầu thế nào mà khiến người ta:

Mang thân trôi dạt dặm trường
Soi gương thì khóc đập gương thì cười

thế thì hóa điên mất rồi. Nguyễn Du viết về tiếng đàn Thúy Kiều hay thế, tưởng không ai còn dám hạ bút nữa, thế mà Nguyễn Quang Thiều vẫn tìm được lối đi.

*
* *

Phàm làm thơ, ai cũng mong đợi một lời bình. Những lời bình có thể đến từ mọi nơi, mọi người rất quý, có khi rất bất ngờ, đó là đồng sáng tạo, nhưng nhà thơ ngóng tai nhất là từ lời bình từ phía những người cùng nghề. Sợ nhất là rơi vào im lặng.

Góc nhìn - Vàng ở ngay dưới chân anh (Hình 6).

Nhà thơ Y Phương

Chùm thơ của Y Phương nhanh chóng được gây được dư luận, và được bạn nghề dành cho nhiều tiếng tốt. Dấu ấn tác giả rất đậm. Y Phương thấm đẫm phong vị văn hóa Tày. Cái giọng, cái cách, cái quan sát giàu tính trực giác của anh là không thể lẫn vào đâu được. Hơn nữa, Y Phương lại có cách sáng tạo riêng của mình. Có lúc anh khach quan mà hóm hỉnh như bài "Mùa hoa".

Anh kín đáo tạo ra sự đối lập giữa hai hình ảnh Mùa đàn bà/ Thừa sức vác ông chồng/ Chạy phăm phăm lên núi/ với mùa đàn ông/ mệt như chiếc áo rũ/ Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ. Thi bất tận ngôn, cái gì cần nói thì sự sống và sức sống đã lên tiếng. Tôi đọc đi đọc lại hình dung ra đôi môi anh tủm tỉm, hàng ria mép rung lên, đôi mắt nhấp nháy như muốn bảo: Nó thế đấy, nếu anh tưởng tượng ra cái mùa gì của anh nữa là tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy. Thật hóm.

Đến bài Chiếc ba lô thì thật tài tình. Rất lính. Cứ như không. Mà đầy bất ngờ.

Dưới cấp tướng là cấp tá
Dưới cấp tá là cấp úy
Dưới cấp úy là binh nhất binh nhì
Dưới bình nhì... là chiếc ba lô

Chiếc ba-lô bé nhỏ
Treo vách nhà
Đựng những ngày đẹp nhất đi xa

Khổ đầu, dây cháy chậm hơi dài. Nhưng đến câu Dưới binh nhì là chiếc balô bài thơ bỗng chuyển sang một lối khác, từ một hệ giá trị này anh chuyển sang hệ giá trị khác rất đột ngột, bất ngờ, tạo ra khoái cảm thẩm mỹ mới, để dồn đến câu cuối Đựng những ngày đẹp nhất đi xa thì đột biến quá, thích quá. Rất Tày. Rất hiện đại. Đọc một lần là nhập tâm được ngay.

Ban biên tập nhận rất nhiều thư khen bài thơ hay. Câu thơ nói rất đẹp về một quãng đời thanh xuân đẹp nhất. Mà không chỉ riêng anh. Tất nhiên. Bài Sáng lấp lánh lạ ở quan niệm sống khỏe mạnh và lạc quan của người Tày. Họ không quá bi lụy về cái chết, vì cảm nhận được cái quy luật tất yếu của tạo hóa. Đó là một kinh nghiệm sống mạnh mẽ, biết nhìn về những mầm sống, nó luôn luôn làm mới hành tinh của chúng ta.

Mồ côi
Mồ côi
Ồ không sao
Khi mặt trời ơi
Những đứa con của họ
bắt đầu sáng lấp lánh

Y Phương có thể viết trường ca Đò trăng với cường lực, ở tuổi tráng niên, với độ xiết mạnh của cảm xúc. Đồng thời, anh lại có khả năng cô đọng, trưng cất thơ thành những bài rất ngắn, với cấu trúc rất chặt. Cả hai, cái nào cũng khó như cái nào? Tôi tin chắc, nhà thơ độc đáo này còn nhiều dịp gặp gỡ thú vị và ngỡ ngàng hơn nữa với chúng ta.

*
* *

Góc nhìn - Vàng ở ngay dưới chân anh (Hình 7).

Nhà thơ Thi Hoàng

Một người đã thành danh như Thi Hoàng, anh ổn định hay không ổn định? Anh ít xê dịch nhất trong số các nhà thơ. Vậy anh thu sông núi bằng cách nào? Đó là những câu hỏi mà chỉ Thi Hoàng mới trả lời được. Riêng tôi, tôi luôn luôn ngóng tai về một người thâm canh thơ kỹ lưỡng ở thành phố biển Hải Phòng như Thi Hoàng. Cái khó nhất của thơ là sự kết hợp, kéo gần những cái vốn rất biệt lập và xa xăm để thành một chỉnh thể nghệ thuật. Thay vào đi tới các vùng đất, Thi Hoàng tìm cách đi vào các vùng người. Trụ một chỗ để đi vào các vùng người. Thơ gửi tuổi thơ là tự sự hay trữ tình? Tôi chả biết. Giản đơn là tôi đang được nhập vào một từ trường và bị anh cuốn đi.

Đèn chết ở đâu trong gác tối
Đột nhiên lóe sáng đốt xương cùng
À ơi! Lóe sáng reo mù mịt
Những hạt cơm thừa ngủ dưới vung
(Chân dung âm bản)

Một mặc cảm nhìn ra ghê rợn
Cát ai oán nhìn ta mà đau đớn
Nắng quất nắng quật ư? Cũng chưa ghê gớm
Bằng ánh mắt ta, sao những tia lại mọc ra
nhìn như gai nhọn
(Với cát bỏng)

- Tuổi thơ u ơ tuổi thơ đờm rãi
Cơm tẻ và mây trắng đã nuôi tôi.

...

- Giá bóng đèn ngoài hiên biến thành quả thị
Thì may ra thơ đón được tuổi thơ về
(Thơ nhớ tuổi thơ)

Đã rõ là Thi Hoàng đau đáu về đời đau đáu về thơ. Nhưng anh vốn kỵ to tiếng, nên mạch thơ không bị lộ thiên, nó chìm nhuyễn vào sự sống. Và nhất là, nó trở thành nhịp thở của hồn anh. Một người đang tự bạch, đang ngộ, đang chuyển cái năng lượng tâm hồn thành năng lượng chữ, người ấy phải nung nấu lắm chứ. Và thông điệp của anh đã đến với chúng ta. Anh dị ứng với căn bệnh nhạt đời, tự đánh mất mình trong những ảo tưởng về hình thức.

Thôi thế là chuồn chuồn ớt đi đời
Phân hóa học bón gốc cây duy lý
Thơ rấm rứt cãi nỗi niềm ký trị
Trứng có thể vuông, gà có thể tròn

Công bằng mà nói, cái điều anh nói không thật hoàn toàn mới. Nhưng anh nói rất đúng thời điểm, rất cần thiết cho chúng ta trong sứ mệnh đổi mới thơ ca thời hội nhập và quan trọng hơn là nói đúng cái giọng của anh. Ở đời ép duyên ép phận cũng chả xong, nói gì ép vần ép chữ. Nói vậy thì dễ thành giáo điều. Thi Hoàng tránh giáo điều. Anh nghĩ bằng sự sống với sự thành thực không ai có thể nghi ngờ được: Anh muốn tránh những thảm họa cho thơ.

Thi Hoàng không thích diện đồ Tây. Chữ nghĩa của anh xuyềnh xoàng, mùa nào thức ấy, tự nhiên như khoai sắn. Nhưng công phu nhào nhuyễn thì đáng nể. Tôi chắc anh phải nhập tâm kỹ lắm lời dạy của Lê Quý Đôn về phép tắc làm thơ.

*
* *

Ôi, yêu bạn, mừng vì những thành công của bạn, tôi thành ra sa đà mất rồi. Chuyện văn chương ấy mà, xin bạn đọc lượng thứ cho.

Hữu Thỉnh

Bạn đang đọc bài viết "Vàng ở ngay dưới chân anh" tại chuyên mục XÃ HỘI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).