Nguyên nhân gây sạt lở ở Trà Leng

05/11/2020 00:11

(Arttimes) - Qua khảo sát, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở thôn 1 (xã Trà Leng) vùi lấp 55 người. Trong đó, 33 người sống sót, 8 người chết và 14 người mất tích.

 Trưa 4/11, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên vừa có báo cáo nhanh về nguyên nhân gây ra lũ quét, sạt lở đất tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam).

Theo đó, từ kết quả nghiên cứu của chuyên gia và khảo sạt thực địa tại hiện trường vụ sạt lở Trà Leng ngày 31/10, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở như:

Xã hội  - Nguyên nhân gây sạt lở ở Trà Leng

Hiện trường vụ sạt lở thôn 1 (xã Trà Leng) lùi lấp 55 người, khiến 8 người chết, 14 người mất tích

Khu vực thôn 1 (xã Trà Leng) có tổ hợp rất nhiều bất lợi về địa hình dốc, phân cắt mạnh nên hình thành một khe suối hẹp hình chữ V, có độ dốc từ 30-45 độ; 2 vách bên khe suối có cấu tạo nền đất bở rời, nằm trên nền đá gốc nên dễ gây sạt trượt.

Từ ngày 6-22/10, mưa kéo dài tại Trà Leng, khiến đất bị bão hòa hết và khi gặp trận mưa lớn ngày 27-28/10 (bão số 9) với gần 180mm thì đất như một khối bùn lỏng, sạt lở lao nhanh xuống phía dưới tạo ra trận lũ quét kéo theo đất đá, cây cối chắn ngang cống thoát nước dẫn tới dòng bùn đá đã chuyển hướng sang bờ phải lao vào khu dân cư, cuốn đi tất cả trên đường đi của nó, tạo ra thảm họa sạt lở.

Bên cạnh đó, việc dự báo lũ quét, sạt lở đất rất khó, chỉ có thể cảnh báo, xác định được các vùng điểm có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên để dự báo chính xác thời điểm xảy ra là không thể.

Xã hội  - Nguyên nhân gây sạt lở ở Trà Leng (Hình 2).

Vụ sạt lở Trà Leng khiến khe suối mở rộng tạo thành dòng lũ quét

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên, trong mùa mưa bão này, đặc biệt là bão số 10 đang chuẩn bị đổ bộ, gây mưa lớn thì nguy cơ sạt lở đất càng nghiêm trọng.

Viện cũng đưa ra một số khuyến cáo như: Địa phương cần rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và theo dõi dự báo mưa của Đài Khí tượng Thủy văn để di dời dân đến nơi an toàn.

Người dân cần chủ động quan sát, khi thấy các dấu hiệu bất thường như: Nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu..., phải báo cáo ngay chính quyền.

Về giải pháp lâu dài, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên đề nghị địa phương cần xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất tới cấp huyện tỷ lệ 1/5.000 và cấp xã tỷ lệ 1/1.000 - 1/2.000.

Ngoài ra, địa phương cũng cần tậphuấn, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết về phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở đất nói riêng; Rà soát, quy hoạch, bố trí lại khu dân cư, cơ sở hạ tầng...an toàn trước thiên tai.

Giải pháp được đề cập nữa là phải xây dựng hệ thống cảnh báo sạt lở đất tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị địa phương cần tăng mật độ trạm đo mưa tự động để nâng cao công tác cảnh báo chính xác hơn; Rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý để nâng cao chất lượng thảm phủ rừng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây chỉ là ý kiến, kết quả ban đầu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây nguyên, sau khi đi thực địa, khảo sát ở Trà Leng.

“Ngày 15/11, chúng tôi sẽ tiếp tục mời một số chuyên gia khác đến khảo sát, để đánh giá toàn bộ vụ sạt lở này.

Qua đó, đưa ra giải pháp tránh sạt lở cho khu vực và chọn vị trí để dựng làng cho bà bị sập nhà trong vụ sạt lở”, ông Thanh nói.

Nguyễn Thủy (TH)

Bạn đang đọc bài viết "Nguyên nhân gây sạt lở ở Trà Leng" tại chuyên mục XÃ HỘI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).