Văn hóa và kinh tế thị trường

27/08/2020 20:07

(VHNT) - Nền kinh tế mà Việt Nam lựa chọn là nền kinh tế thị trường, định hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Theo đó, giữa kinh tế thị trường và văn hóa có mối quan hệ. Trong bài này, người viết đề cập đến mối quan hệ trên với chủ đề chính là văn hóa.

Trong mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, Việt Nam đã xác định: kinh tế là trọng điểm, văn hóa là nền tảng. Kinh tế là trọng điểm được xác định xuất phát từ vai trò của kinh tế đối với đất nước xuất phát từ điểm xuất phát thấp và vai trò của kinh tế đối với văn hóa.

Kinh tế thị trường phải có tính văn hóa

Nền kinh tế mà Việt Nam lựa chọn là kinh tế thị trường có một số đặc điểm, trong đó có một số đặc điểm đáng lưu ý được xét trong mối quan hệ với văn hóa.

Rõ nhất là định hướng của nền kinh tế thị trường của Việt Nam là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Theo đó, kinh tế thị trường không chỉ có mục đích kinh tế (dân giàu, nước mạnh), mà còn có mục đích về văn hóa (công bằng, dân chủ, văn minh); ngay trong mục đích dân giàu, nước mạnh cũng là con người, cũng là quốc gia, đã bao hàm cả nội dung văn hóa rồi.

Mục tiêu tối thượng của các chủ thể tham gia kinh tế thị trường là lợi nhuận, tức là có tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn đã bỏ ra trên tổng vốn đã bảo ra được cao nhất. Nếu không có lợi nhuận, thì chẳng những chủ thể đất nước bị thua thiệt (ở nước ngoài khi xuất khẩu hoặc ở trong nước khi tiêu thụ nội địa so với các hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp FDI sản xuất, so với hàng hóa, dịch vụ do nhập khẩu); mà còn ăn vào vốn (tự có) hoặc lãi chồng lên vốn (đi vay), bị đào thải ra khỏi thị trường.

Theo đó, trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh để có tỷ suất lợi nhuận cao là tất yếu và cạnh tranh đã trở thành động lực của tăng trưởng phát triển. Nếu không có cạnh tranh, thì nền kinh tế sẽ trì trệ, đến tăng trưởng cũng chẳng có nói chi đến phát triển.

Cạnh tranh bằng nhiều giải pháp. Nâng cao hiệu quả đầu tư (giảm hệ số ICOR, tức là giảm thiểu số đồng vốn đầu tư/GDP hiện Việt Nam vẫn còn rất cao lên đến trên dưới 6 đồng đầu tư mới sản xuất được 1 đồng GDP, trong khi nhiều nước chỉ tốn 2-3 đồng). Nâng cao năng suất lao động, tức là một lao động làm ra nhiều GDP (trong khi của Việt Nam còn thấp xa so với các nước trong khu vực). Hai giải pháp trên được thực hiện trên cơ sở sáng kiến, cải tiến quản lý, kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ,… Nếu cạnh tranh bằng các giải pháp trên, thì đó là cạnh tranh lành mạnh và đó cũng là cạnh tranh có văn hóa (hay văn hóa cạnh tranh).

Trong thực tế, cạnh tranh không phải bằng các giải pháp trên, mà bằng giải pháp khác. Tạm liệt kê các giải pháp đã được một số nhà sản xuất, kinh doanh sử dụng như sau:

(1) Lạm dụng vị thế độc quyền để cạnh tranh. Vị thế độc quyền này do chưa sở hữu nhiều thành phần, mà chỉ có một thành phần sở hữu; giá cả lại được xây dựng và quyết định độc quyền, bắt người tiêu dùng phải mua với giá độc quyền đó. Chính vì thế, với công cuộc đổi mới, Việt Nam đã chuyển nhiều ngành, lĩnh vực, mặthàng độc quyền sang có nhiều thành phần sở hữu. Nhưng cũng còn một số ngành, lĩnh vực, mặt hàng có tính chất độc quyền, như giá điện, giá xăng dầu, giá nước, học phí công lập,…,nên mỗi khi tăng giá để thực hiện lộ trình giá thị trường, thì thường có dư luận thắc mắc, nghi ngờ.

(2) Dùng các mánh khóe cạnh tranh không lành mạnh. Các mánh khóe đó có nhiều lắm. Trong đó thường là các mánh khóe tiêu biểu là trốn thuế với phương châm “Buôn tài không bằng dài vốn, dài vốn không bằng trốn thuế”. Một mánh khóe khá phổ biến là làm hàng giả, hàng nhái có chi phí rất thấp nhưng bán với giá bằng hoặc thấp hơn một chút giá hàng thật, hàng chính hãng. Một mánh khóe khác là ăn cắp bản quyền khoa học- công nghệ mà không xin phép hoặc không trả giá để cạnh tranh. Một mánh khóe khác là “cân, đo, đong, đếm” gian lận để lừa người tiêu dùng. Một mánh khóe nữa mới là “lợi ích nhóm”, lợi dụng kẽ hở của chính sách, hoặc có sự phối hợp với người làm chính sách tạo kẽ hở, tín dụng chéo, tín dụng đen, đặc biệt là doanh nghiệp sân sau, đến nỗi có doanh nghiệp tư nhân đã phải thốt lên: không sợ doanh nghiệp nhà nước, không sợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sợ doanh nghiệp sân sau! Trong một thời gian khá dài, tuy có “sân chơi” chung, nhưng khi “ra sân” đã “chấm trước” cho người thắng, kẻ thua!

Có một chỉ tiêu được coi là tổng hợp của tổng hợp là Chỉ tiêu phát triển con người (HDI). Đây là chỉ tiêu có sự kết hợp của 4 chỉ tiêu thành phần: Thu nhập quốc gia bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương (kinh tế); tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh (sức khỏe, thể hiện y tế và chăm sóc sức khỏe); số năm đi học bình quân; số năm đi học kỳ vọng (2 chỉ tiêu này thể hiện giáo dục). Thứ hạng trên thế giới của Việt Nam về HDI cao hơn về GDP bình quân đầu người (thứ 115 so với thứ 130) chứng tỏ 2 mặt. Một mặt, phải quan tâm hơn đối với kinh tế để vừa tăng thu nhập quốc gia bình quân đầu người (nhằm dân giàu, nước mạnh để ngăn chặn nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, nguy cơ “sập bẫy thu nhập trung bình”, nguy cơ “chưa giàu đã già”, bẫy “nhân công giá rẻ”, bẫy “gia công lắp ráp”,…). Mặt khác, trong điều kiện GNI bình quân đầu người còn thấp, nhưng Việt Nam đã quan tâm tới phát triển con người.

Phê bình - Lý luận  - Văn hóa và kinh tế thị trường

 

Văn hóa trong kinh tế thị trường

Công cuộc đổi mới với nội dung quan trọng là chuyển cơ chế từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Sự chuyển đổi này chủ yếu là về kinh tế. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, nhiều hoạt động văn hóa cũng không còn hoàn toàn là hoạt động công ích, “vô vị lợi”, phần Nhà nước bao cấp giảm đã được xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia, cũng phải có nguồn thu để bù đắp chi phí, thậm chí còn phải có lợi nhuận, có tích lũy để mở rộng hoạt động.

“Xã hội hóa” đã được thực hiện ở nhiều ngành, lĩnh vực, để một mặt khai thác được nguồn lực của các thành phần kinh tế ở trong nước và nước ngoài, chia sẻ bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước; mặt khác để đáp ứng nhu cầu tăng lên về số lượng, rộng hơn về phạm vi, có thể cao cấp hơn về chất lượng dịch vụ. Trong ngành y, hiện có hàng nghìn bệnh việc công lập cũng có khoa/phòng khám chữa bệnh dịch vụ hay kỹ thuật cao.

Trong ngành giáo dục - đào tạo, bên cạnh các cơ sở công lập, cũng có không ít cơ sở ngoài công lập. Trung cấp chuyên nghiệp có khoảng 175 trường ngoài công lập (chiếm 57,8% tổng số) với hơn 5 nghìn giáo viên (chiếm 50% tổng số), trên dưới 100 nghìn học sinh (chiếm 30,5%), hàng năm có trên dưới 50 nghìn học sinh tốt nghiệp (chiếm 36%). Cao đẳng, đại học có 65 trường (chiếm 27,7%), với gần 16 nghìn giảng viên, trên 263 nghìn sinh viên (chiếm 15,5%), với trên dưới 37 nghìn sinh viên tốt nghiệp (chiếm 11,7%). Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có gần 1700 cơ sở (chiếm 56,1%), với trên 28 nghìn giáo viên (chiếm 32,3%), với gần 750 nghìn học sinh (chiếm 35,7%).

Đối với giáo dục, trước đây có không ít cơ sở ngoài công lập; nay chủ yếu còn ở cấp trung học phổ thông, mẫu giáo và chủ yếu ở khu vực thành thị. Ngay các cơ sở công lập cũng có một số hệ, môn có đào tạo dịch vụ. Các cơ sở ngoài công lập có học phí cao hơn hẳn. Gần đây, với chủ trương tự chủ đại học thì tính thị trường đối với đào tạo đại học sẽ tăng lên, tạo ra sự phân hóa nhất định ở các trường (ở đầu vào, học phí, chất lượng đào tạo,…).

Ở các hoạt động văn hóa khác, như các cơ sở biểu diễn, đài phát thanh, truyền hình, rạp chiếu phim, thư viện, mạng, dịch vụ cưới xin, tang lễ, nghĩa trang, tượng đài, xuất bản sách, văn hóa phẩm, báo và tạp chí, thể thao, xiếc, dưỡng sinh, dưỡng lão, karaoke, mát xa, thẩm mỹ, chùa chiền, hội hè,… có loại còn ít, có loại phát triển khá mạnh về số lượng, chủng loại và phạm vi hoạt động,… Có loại mang tính dịch vụ phục vụ, có loại mang tính kinh doanh thị trường,…

Bên cạnh những loại hình, nội dung phong phú có tác động tích cực, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt tăng lên của xã hội, nhưng trong quan hệ giữa văn hóa và kinh tế thị trường cũng có những hạn chế, bất cập, trong khi sự kiểm soát của nhà nước, của xã hội chưa theo kịp hoặc không quản lý được thì cấm/hạn chế.

Những hạn chế, bất cập trong quan hệ giữa văn hóa và kinh tế thị trường trên những hoạt động, lĩnh vực cụ thể thì có quá nhiều, nếu kể ra thì không bao giờ hết. Trong bài này xin khái quát về hai mặt có tính chất cực đoan.

Mặt thứ nhất, chạy theo kinh tế thị trường, trong đó có mặt trái của cơ chế này. Nguyên nhân chủ yếu do cả kinh tế cũng chạy theo cơ chế thị trường, làm cho nguồn lực cho văn hóa bị hạn chế. Trong khi văn hóa không phải là kinh doanh và có kinh doanh cũng không được vì còn có một nhiệm vụ phục vụ, như cung cấp thông tin, phục vụ giám sát kiểm tra, giữ gìn, nâng cao bản sắc văn hóa, đạo đức, lối sống chung của con người. Xét về khía cạnh “vô vị lợi” này, thì văn hóa không thể “tự nuôi” được. Đồng thời, nếu chạy theo thị trường, thì văn hóa không thể giữ được, thực hiện được nhiệm vụ “vô vị lợi” này.

Mặt thứ hai, khi cơ chế đã chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường, nhưng nhiều hoạt động văn hóa vẫn còn giữ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào bao cấp của Nhà nước, nên việc phát triển rất ì ạch, thậm chí bị mai một.

TS. Đỗ Văn Huân

Bạn đang đọc bài viết "Văn hóa và kinh tế thị trường" tại chuyên mục TIN LIÊN HIỆP VHNT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).