Từ "Bẫy sinh tồn" liên tưởng đến đại dịch Covid - 19

01/10/2020 14:22

“Vùng hoa lá bên trái và khu biển hồ mầu xanh bên phải hiện ra chiếc khẩu trang bịt kín khuôn mặt. Hậu quả của sự tàn phá thiên nhiên là conngười phải hứng chịu nhiều bệnh tật, mà dịch Covid-19 chính là một trong những di hại đó…”.

Đó là một trong những chia sẻ của ông Nguyễn Bá Trình - Tác giả bức tranh sơn dầu được ông đặt tên là “Bẫy sinh tồn”.

Nguồn cảm hứng từ thực tại

Khi được hỏi về nguồn cảm hứng để vẽ lên bức tranh trên, ông Nguyễn Bá Trình chia sẻ: “Do sự quan sát thực tế và suy ngẫm, tôi thấy bất cứ sinh vật nào, dù động vật hay thực vật, khi sự sống của nó bị tấn công thì cơ thể của chúng có khả năng tiết ra một độc tố nhằm bảo vệ sự sống của nó”.

Chẳng hạn như ở thực vật, khi cây bị sâu bọ hay một loại rầy nào đó tấn công thì cơ thể của nó liền tiết ra chất độc có những tác dụng khác nhau như làm rụng lá (để sâu rầy không còn gì để ăn, chúng sẽ bỏ đi) hoặc thân lá của nó có vị đắng không còn vị ngọt như thường ngày (khiến sâu bọ không ăn). Do vậy khi ta ăn rau, những lá rau không có dấu sâu cắn thì ngọt, còn loại rau nào mà lá có dấu sâu ăn thì thường đắng hơn.

Mỹ thuật - Từ 'Bẫy sinh tồn' liên tưởng đến đại dịch Covid - 19

Bức tranh Bẫy sinh tồn - Nguyễn Bá Trình

Đó là thực vật. Đối với động vật thì sao? Cũng vậy. Gia súc khi bị giết thịt, cơn đau đớn làm thân thể nó tiết ra những độc tố. Do vậy những nước tiên tiến người ta không giết mỗ gia súc như cách hành quyết. Có những cách giết mổ nhẹ nhàng không gây đau đớn để thịt của nó không mang độc tố.

“Ngay chúng ta cũng vậy, khi ta bị một vết thương lập tức bạch huyết cầu được sản sinh và bao vây vết thương nhằm tiêu diệt vi trùng xâm nhập cơ thể ta. Bạch huyết cầu là độc tố bảo vệ sự sống của con người”, tác giả bức tranh chia sẻ thêm.

Cũng theo tác giả bức tranh “Bẫy sinh tồn”, thiên nhiên cũng là một cơ thể sống, được gọi là môi trường sinh thái, nên nó mang đầy đủ tính cách của sự sống: Sinh ra, phát triển và hủy diệt. Thiên nhiên sống khi mọi sinh vật trong thiên nhiên sống.

Thiên nhiên phát triển khi mọi sinh vật phát triển và thiên nhiên chết thì mọi sinh vật bị hủy diệt. Mà đã là cơ thể sống thì nó chịu chi phối bởi các định luật chung về phương cách sinh tồn. Nghĩa là khi nó bị tấn công thì thiên nhiên cũng sinh ra các độc tố chẳng khác gì mọi sinh vật khác.

Cơ thể sống bị tấn công ở mức độ nào thì nó sẽ sinh ra những độc tố tương xứng có khả năng đủ sức chống lại để duy trì sự sống cho cơ thể. Mức độ tàn hại thiên nhiên càng ngày càng khốc liệt thì những độc tố sinh ra từ những loài virus để đối kháng càng ngày càng nguy hiểm hơn.

Từ virus Ebola, Sars, Corona,… ta thấy sự nguy hiểm của nó tăng nhanh. Các nhà chuyên môn cho rằng virus Corona nguy hiểm gấp 10 lần virus Sars. Vậy phải chăng là do thiên nhiên bị bức hại gấp mười lần trước đó?. “Tất cả đều diễn biến một cách tự nhiên theo nguyên lý bảo tồn sự sống, mà tôi tạm gọi nó là bẫy sinh tồn. Đó là những nguồn chất liệu tạo cảm hứng cho tôi vẽ lên bức tranh này”, tác giả bức tranh thông tin thêm.

Thông điệp truyền tải cho sự sống

Ngoài ra, khi được hỏi về thông điệp, ý nghĩa của bức tranh thì ông Nguyễn Bá Trình cho hay: “Một trong những hậu quả nghiêm trọng của sự tàn phá đó sẽ như thế nào? Đấy là ý tưởng của bức tranh”.

Hãy đẩy bức tranh ra phía xa trước mắt một chút, người xem tranh sẽ thấy hiện ra một khuôn mặt. Bầu trời đen nghịt phía trên bức tranh là đầu tóc rối bù. Hai khu hầm mỏ là hai con mắt dương lên với vẻ thảng thốt. Vùng hoa lá bên trái và khu biển hồ mầu xanh bên phải hiện ra chiếc khẩu trang bịt kín khuôn mặt. Hậu quả của sự tàn phá thiên nhiên là con người phải hứng chịu nhiều bệnh tật, mà dịch Covid-19 chính là một trong những dịch hại đó.

“Do đó để được an toàn, con người phải dừng ngay mọi sự tàn phá môi trường thiên nhiên! Phải biến nó thành môi trường thân thiện. Nếu không, chúng ta có thể phải hứng chịu những đau đớn gây ra do những sinh vật lạ sinh ra sau này.

Tìm sự bình an cho mình trong sự an bình của người khác, tìm nguồn sống cho mình nhưng không xâm phạm đến nguồn sống của người khác, có thế mới tránh khỏi cái vạ của Bẫy sinh tồn mà con người giăng ra để tiêu diệt lẫn nhau”, tác giả bức tranh “Bẫy sinh tồn” - Nguyễn Bá Trình cho biết thêm về thông điệp của bức tranh.

Thành Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Từ "Bẫy sinh tồn" liên tưởng đến đại dịch Covid - 19" tại chuyên mục Y TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).