TS. Trần Đình Thiên: Covid-19, một thảm họa có giá trị đánh thức

30/07/2020 16:08

Thảm họa toàn cầu Covid-19 ngoài gây thiệt hại lớn về sinh mạng con người đang khiến kinh tế thế giới rơi vào tình trạng điêu đứng, trong đó, Việt Nam cũng đang phải gánh chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề. Song, với những chuyên gia đang tham mưu cùng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khủng hoảng kinh tế hiện nay như TS. Trần Đình Thiên, thì, ông nhìn nhận đại dịch Covid-19 cũng đang tạo ra những cơ hội lịch sử để Việt Nam bứt phá, “thoát Ta”, để tạo ra “nguồn sống mới”, “thay máu” cho nền kinh tế.

Tác phẩm mới - TS. Trần Đình Thiên: Covid-19, một thảm họa có giá trị đánh thức

Ảnh: PGS.TS Trần Đình Thiên

PV: Thưa TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam hiện đang ghi nhận tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Bước đầu Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để giải cứu nền kinh tế nhưng cho đến thời điểm này, Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực đến một số ngành mũi nhọn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với tư cách một chuyên gia, ông trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để vực dậy nền kinh tế sau Covid-19?”

TS. Trần Đình Thiên: Tôi cho rằng việc giải cứu nền kinh tế hậu Covid-19 nên tập trung vào các doanh nghiệp còn nguồn lực để vực dậy và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu chúng ta tập trung cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch bệnh, kinh tế của ta vẫn là một nền kinh tế cũ.

PV: Ông có thể phân tích tại sao lại như vậy?

TS. Trần Đình Thiên: Như chúng ta đã biết, trước dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã trải qua 3 năm tăng trưởng tốt, trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài.
Trong năm 2019, số lượng dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 20% nhưng tổng số vốn đăng ký đầu tư mới giảm tới 16%. Như vậy, quy mô dự án FDI vào Việt Nam giảm tới 40%. Thế tức là dòng vốn FDI trong năm 2019 đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có hai nguy cơ chính.
Thứ nhất, nhiều dự án FDI là từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nên đa phần có quy mô nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ công nghệ thấp, và tạo áp lực cạnh tranh đối với chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam bán được sang Mỹ rất nhiều nhưng nhập từ Trung Quốc cũng rất lớn dẫn đến việc phụ thuộc giao thương vào 2 nền kinh tế lớn này.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực du lịch, nguồn khách của Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc nên khi dịch bệnh xảy ra, ngành du lịch của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề.
Về năng lực chống chịu, nền kinh tế của Việt Nam có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không có tính kết nối chuỗi. Cấu trúc kinh tế này khiến Việt Nam khó phục hồi, khó trở lại trạng thái “bình thường mới’” sau dịch.

Bởi vậy, nếu cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch bệnh, vẫn là nền kinh tế cũ (li ti, nhỏ và vừa), nếu cứu các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chúng ta sẽ có nguồn lực mới, nền kinh tế mới. Tôi cho rằng dịch Covid-19 là lý do để “thay máu” nền kinh tế tốt nhất.

PV: Như vậy có thể hiểu là, bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực thì Covid-19 đang tạo ra những cơ hội bứt phá mới cho Việt Nam?

TS. Trần Đình Thiên: Đúng vậy. Thường thì chúng ta sẽ “tìm cơ trong nguy” nhưng điều này khiến tôi lo ngại, bởi đó vẫn chỉ là cách “chạy” theo kiểu nhặt nhạnh, chỉ chạy theo cái “cơ” đó thì ta vẫn sẽ "lùn" mãi. Bởi ngược lại vẫn “có nguy trong cơ”, nếu không có sự chuẩn bị, không có đủ năng lực, Việt Nam sẽ tiếp tục bỏ lỡ các cơ hội lớn.

Ngoài vấn đề suy thoái kinh tế toàn cầu, là chuyện mà ai cũng nhìn thấy, thì theo tôi, Covid-19 đẩy nhiều vấn đề khác trở nên quyết liệt hơn, trong đó, có một thực tế là nó đã tạo ra tình thế phát triển mới cho Việt Nam. Đây là thời điểm quyết định đối với Việt Nam nếu chúng ta nhận diện được sự thay đổi, còn nếu không nhận diện được sự thay đổi này tốt thì chúng ta sẽ không tận dụng được những cơ hội mới.

PV: Ông có thể chỉ ra những cơ hội mới mà ông cho là sẽ giúp Việt Nam tạo bứt phá về kinh tế sau Covid-19?

TS. Trần Đình Thiên: Tôi cho rằng hiện đang có 4 cơ hội lịch sử mở ra cho đất nước.

Thứ nhất Việt Nam có thể thoát khỏi những tư duy phát triển, trói buộc cũ.

Thứ hai là khả năng tiến vượt để đuổi kịp rồi đi cùng với thế giới.

Thứ ba là cơ hội để không còn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều quá, như nhiều năm gần đây phụ thuộc nguyên liệu đầu vào của rất nhiều ngành, kể cả những ngành thế mạnh truyền thống như nông nghiệp (phụ thuộc phân bón, thuốc trừ sâu và cả giống).

Thứ tư là tạo dựng đẳng cấp phát triển mới cho đất nước.

Giờ là lúc chúng ta phải bứt phá, phải “thoát Trung” - “thoát Ta” để đất nước càng tự cường, phát triển mạnh mẽ hơn.

“Thoát Trung” vốn luôn là một khái niệm rộng, có tính nhạy cảm cao, gây tranh cãi. Theo tôi, “thoát Trung” là thoát khỏi những trói buộc xã hội, tập tục, quy định kiểu phương Đông truyền thống. Đồng thời, thoát khỏi những sự lệ thuộc kinh tế, phát triển, bẫy nợ, bẫy đầu tư, thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc.

Nhưng “thoát Trung” cũng chính là hàm nghĩa “thoát Ta”, thoát cái ta cũ kỹ, tủn mủn, trói buộc và bị phụ thuộc bên ngoài. Bởi hàng chục năm nay kinh tế Việt Nam đã bị phụ thuộc nhiều thứ từ nguyên liệu đầu vào, thâm hụt thương mại… với Trung Quốc nên muốn thoát khỏi bẫy lệ thuộc là không dễ, cần có thời gian, và sẽ phụ thuộc vào chính bản thân Việt Nam có dám bứt phá để vượt lên hay không. Đó cũng là cách hiểu “thoát Ta” với sắc thái nghĩa khác “thoát Trung”. Ta phải chịu trách nhiệm với chính Ta. Phải biết cắn răng chịu đau, không hèn, không sợ, để có quyết sách vươn lên tự chủ thì mới được.

PV: Vâng, thưa ông, bên cạnh câu chuyện cơ hội bứt phá của nền kinh tế Việt Nam như ông vừa phân tích thì, chúng tôi cũng quan tâm đến những thay đổi trong nhận thức, lối sống của một thế giới trong và hậu Covid-19 và mong muốn có được những phân tích của ông ở những góc nhìn khác?

TS. Trần Đình Thiên: Trước hết, phải nói ngay rằng, dịch bệnh Covid-19 là tình huống đặc biệt với cả thế giới và Việt Nam, là tổng hợp của nhiều vấn đề. Dịch bệnh Covid-19 là một thảm họa với thế giới, vì thế nó đặt ra hàng loạt vấn đề lớn của nhân loại và thời đại, bao gồm: Sự tồn tại tự nhiên - sinh vật của nhân loại; Vai trò của thời đại công nghệ mới; Hệ giá trị sống và phát triển; Trật tự thế giới.

Dịch bệnh là yếu tố kích phát xung đột quốc tế và thời đại, thúc đẩy tư duy lại cấu trúc phát triển. Thế giới đang trong quá trình thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị. Đây là một tổ hợp vấn đề ít thấy nhưng lại rất liên quan đến nhau. Covid-19 là một thảm họa, vì là thảm họa, nó lại có giá trị đánh thức, giúp chúng ta nhận thấy lâu nay chúng ta “sống thế” không ổn, giờ là lúc cần, phải và có thể “sống khác”. Tôi chỉ nói đơn giản, rằng khi xảy ra đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, chúng ta chỉ cần một chiếc điện thoại di động là có thể ở nhà cả ngày, mua sắm, đi chợ mà không cần ra đường. Rõ ràng, thế giới hậu Covid sẽ là thế giới khác, sử dụng ảnh hưởng của công nghệ nhiều hơn, do vậy, tình thế để Việt Nam tạo ra các giá trị phát triển nền kinh tế phải là sáng tạo công nghệ. Là một nước mở cửa, hội nhập sau, kinh tế thị trường chưa đầy đủ, giờ Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội để thay đổi cấu trúc kinh tế, lấy cấu trúc công nghệ để phát triển, đẩy mạnh kinh tế sau dịch bệnh...

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Bạn đang đọc bài viết "TS. Trần Đình Thiên: Covid-19, một thảm họa có giá trị đánh thức" tại chuyên mục TÁC PHẨM MỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).