Ngày trẻ như dương cầm

28/10/2020 17:02

Ngày trẻ như dương cầm (NXB Hội Nhà văn, quý 4, 2020) là tựa của tập sách Thơ – Văn Nữ Sài Gòn, gồm 63 tác giả. Tập sách dày 497 trang (bìa 1 là tranh vẽ của Nguyễn Trọng Hiếu), chia làm hai phần: Phần Thơ (54 tác giả) và Phần Văn xuôi (9 tác giả).

Ngoài mục đích giới thiệu với đọc giả yêu Thơ – Văn trong cả nước những người nữ làm thơ, viết văn đang sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, “Ngày trẻ như dương cầm” còn là một “báo cáo thành tích” hoạt động của Ban Văn Nữ TP. Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1930-2020).

Tác phẩm mới - Ngày trẻ như dương cầm

Cuốn sách "Ngày trẻ như dương cầm"

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (Công hội, Nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Chính vì vậy, vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Kể từ đó, ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Còn với lực lượng phụ nữ làm thơ, viết văn, thì ngày 20 tháng 10 hàng năm là dịp để gặp mặt, giao lưu, thăm hỏi và giới thiệu những tác phẩm mới của mọi người. Họ kết thân nhau bằng văn chương, từ đó tạo ra một lớp sóng “nữ quyền” trong dòng chảy muôn màu của xã hội.

Trong tập Thơ – Văn Nữ Sài Gòn, bạn đọc gặp lại rất nhiều gương mặt thơ nữ đã định hình và sáng giá trên văn đàn Việt Nam từ sau năm 1975. Họ, mỗi người một cách viết, mỗi người một suy nghĩ, thể hiện độc lập, cùng khai thác những đề tài quen thuộc: tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, cuộc sống và cả những thầm kín yêu đương riêng tư, cả những ngọt ngào và cay đắng, cả những được và mất, nhưng họ không bị trộn lẫn nhau, không dẫm lên nhau. Họ là những bảng màu độc lập, không pha, có đỏ rực rỡ chói lói sáng ngời, có trắng tinh thanh khiết, có vàng kiêu hãnh, có xanh hy vọng.

\Trong văn chương, họ tự lèo lái con thuyền của mình, tự trụ trên hai chân không cần vay mượn, họ không “copy và past” như thời đại @ hiện nay, và người yêu thơ – văn nhận ra giọng điệu của mỗi người, phong cách của từng cá nhân qua từng tác phẩm. Chỉ là 24 chữ cái thôi, nhưng những sáng tạo tự thân đã giúp họ trở thành những hòn đảo xanh độc lập trong tư tưởng và được đón nhận nhiệt tình.

Đối với những người phụ nữ làm thơ, viết văn này, phương trượng quyền uy của họ là ngòi bút. Họ dạo rong từ quá khứ đến hiện tại, ngòi bút của họ ghi công, luận tội, thương, ghét, rõ ràng. Họ đi từ dãy Trường Sơn lịch sử đội bom, hứng đạn, nơi nuôi giấu hoài bão của tuổi trẻ Việt Nam hừng hực thanh xuân quyết giữ đất và người, và cũng là nơi những chàng trai, cô gái vùng xa xôi, lạ nhau, trên mảnh đất chữ S nằm lại, được vỗ về, che chở như quê hương thứ hai với hai từ cao cả “hy sinh”, có sự đời đời nhớ ơn của Tổ quốc.

\Thơ, văn của họ có mùi thơm của cỏ rừng, có tiếng hót thanh tao đầy hy vọng của chim rừng, có ngọt ngào của những giọt nước suối trong mát, nhưng cũng nhuộm mùi chia ly, tử biệt. Thơ, văn của họ có long bào uy nghi, có hậu cung với oai quyền và lãnh cung lạnh lẽo…, mặt trái và mặt phải của đời sống tuôn ra chân thực dưới ngòi bút tưởng ngọt mềm mà sắc máu. Thơ, văn của họ cũng đòi quyền bình đẳng cho cá nhân, cho xã hội trong tình yêu và cuộc sống.

“Ngày trẻ như dương cầm” như một sân khấu ước lệ và hiện đại, nơi đó từng chân dung người, hiện thật và hiện rõ. Có thể, họ không đi cùng nhau trong thực tế đến cuối đất cùng trời, nhưng thơ, văn của họ thì có mặt ở khắp mọi nơi, cùng tỏa thơm thanh tao, an ủi, vỗ về, chia sẻ với những tâm hồn, với những con người đồng điệu.

Văn, thơ là long mạch. Họ, những người phụ nữ làm thơ, viết văn ấy đã tìm được trúng long mạch, và họ đang thụ hưởng một cách sang trọng trong sự ngưỡng mộ của xã hội.

Theo Tuần báo Văn nghệ TP.HCM

Bạn đang đọc bài viết "Ngày trẻ như dương cầm" tại chuyên mục TÁC PHẨM MỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).