Trò chuyện với tác giả "Trường ca biển": Thi ca cắm ngọn cờ chủ quyền trên biển, đảo thiêng liêng

11/08/2020 18:10

Những ngày tháng này, biển Đông đang dậy sóng trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước và hơn bao giờ hết, thi ca đang cắm những ngọn cờ của chủ quyền đất nước trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phê bình - Lý luận  - Trò chuyện với tác giả 'Trường ca biển': Thi ca cắm ngọn cờ chủ quyền trên biển, đảo thiêng liêng

 

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Trường ca Biển của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã phất lên trên quần đảo bão tố Trường Sa ở biển Đông một ngọn cờ chủ quyền như vậy. Trong số báo này, chúng tôi giới thiệu cuộc trò chuyện của nhà thơ Hữu Thỉnh với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến về Trường ca Biển.

* Nguyễn Việt Chiến: Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, ông đã dành 14 năm (từ năm 1981- 1994) để viết Trường ca Biển, một trong những bản giao- hưởng- thơ khá đồ sộ trong gia tài thi ca của ông cũng như của nền văn học đất nước. Xin nhà thơ cho biết, chủ đề tư tưởng và nội dung của Trường ca Biển đã đưa tác phẩm này trở thành một khúc tráng ca lớn của chủ nghĩa yêu nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên biển Đông của Tổ quốc?

- Nhà thơ Hữu Thỉnh: Trường ca Biển là trường ca thứ ba của tôi sau trường ca “Sức bền của đất” và “Đường tới thành phố” là hai giai đoạn khác nhau. Cả ba trường ca này đều giống nhau về chủ đề tư tưởng là ca ngợi chủ nghĩa yêu nước vô bờ của nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ở 2 trường ca trước, đặc biệt nổi lên ba hình tượng: một là người chiến sĩ chiến đấu ở chiến trường, xông qua lửa đạn, xông qua mọi khó khăn, thử thách; hai là những bà mẹ ở hậu phương; ba là những người vợ chờ chồng. Ba tuyến nhân vật này tạo nên một sợi dây xuyên suốt giữa hậu phương và tiền tuyến, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân. Nhưng đến Trường ca Biển đã có một bước phát triển mới.

Nếu như trường ca “Sức bền của đất” lấy sức mạnh văn hóa của dân tộc làm một nội lực tinh thần cho cuộc chiến đấu mới, thì ở trường ca “Đường tới thành phố” là sức mạnh tổng hợp của nhân dân dồn vào cuộc chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất đất nước. Còn ở trường ca Biển lại là cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ quyết liệt để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam. Như thế có nghĩa là “Sức bền của đất, “Đường tới thành phố” là chủ nghĩa yêu nước trong quá trình giải phóng dân tộc, còn Trường ca Biển là chủ nghĩa yêu nước huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân ta để bảo vệ Tổ quốc.

* Nguyễn Việt Chiến: Có thể nói, nét nổi trội trong thơ Hữu Thỉnh chính là những cuộc đối thoại rất sinh động, mang màu sắc triết lý của nhà thơ với thiên nhiên, với cuộc sống, với con người, với tình yêu và cụ thể trong trường ca Biển là cuộc đối thoại với biển, với những người lính đang trụ vững ở quần đảo bão tố Trường Sa, xin nhà thơ cho biết sâu thêm về những cuộc đối thoại này?

- Nhà thơ Hữu Thỉnh: Rất đúng, trường ca Biển là cuộc đối thoại giữa người lính dạn dày mưa nắng Trường Sơn bây giờ bước ra đảo, họ sống thế nào, toàn bộ kinh nghiệm chiến đấu và chiến thắng trên đất liền có còn áp dụng được trên biển khơi không? Nên tôi lặp lại cái điệp khúc: Sống với nước hãy bắt đầu từ nước, trước hết để khỏi chìm, sau đó mới bơi đi. Có nghĩa là những người lính của chúng ta phải thích nghi và làm chủ tình hình mới trước hết để khỏi chìm sau đó mới bơi đi. Nhưng cái hình tượng “sống với nước hãy bắt đầu từ nước” nó đúng với cả người lính trong chiến tranh và càng đúng với ngươi lính trong thời bình, vì nước ở đây là Đất nước, nước ở đây là biển khơi vô tận. Người lính phải thích nghi, làm chủ chiến trường mới sau đó mới tồn tại và phát triển.

Lại có câu hỏi đặt ra là những kinh nghiệm ở đất liền như “Những chiếc huân chương hãy để lại trên bờ” khi toàn bộ cái vinh quang của quá khứ vẫn còn đó nhưng bây giờ sống với nước hãy bắt đầu từ nước và anh phải làm ra vinh quang mới. Trong Trường ca Biển có một chương đối thoại biển với câu hỏi: Trước bão táp ở biển Đông tôi dựa vào ai? Câu trả lời: Chính anh là một điểm tựa của anh vậy, chính người lính là điểm tựa của người lính, chính nhân dân Việt Nam là điểm tựa của chính mình, trước hết là yếu tố nội lực, tự cường của dân tộc, ý chí của dân tộc quyết định tất cả.

Trong trường ca biển có các cuộc đối thoại giữa cái chung và cái riêng, cuộc đối thoại giữa nhiệm vụ và thử thách, cuộc đối thoại ngay trong người lính giữa hy sinh, hạnh phúc và cống hiến, cuộc đối thoại giữa người lính với gia đình ở hậu phương lớn. Những cuộc đối thoại ấy luôn luôn diễn ra trong trường ca này với những số phận riêng, với những thử thách riêng. Đất liền ở đây là điểm tựa vững chắc nhất cho toàn bộ tuyến đảo chiến lược của chúng ta với sức mạnh gắn bó của hậu phương và tiền tuyến, giữa nhân dân và người lính và cũng là sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong tình hình mới.

* Nguyễn Việt Chiến: Thưa nhà thơ, có thể nói trường ca biển như một bản giao hưởng thơ rất lớn với cái nhìn tiên tri của ông từ nhưng năm 70-80 của thế kỷ trước đã thấy được những nguy cơ về chủ quyền Tổ quốc trên biển. Vì sao ông phát hiện được vấn đề đó từ rất sớm?

- Nhà thơ Hữu Thỉnh: Một câu hỏi rất thú vị lần đầu tiên tôi được nghe, thực ra tôi viết những vấn vấn đề về biển đảo ở Trường Sa từ những năm 1977 chỉ 2 năm sau thống nhất đất nước. Lúc ấy, vấn đề biển đảo chưa được đặt ra quyết liệt căng thẳng như bây giờ. Biển đảo thời gian ấy còn êm đềm lắm. Năm 1977 tôi đã viết về biển ở chương cuối khép lại trường ca “Đường tới thành phố”. Lúc ấy cũng không ai nghĩ được tình hình biển Đông sau này phức tạp đến như thế và cũng không ai mong như vậy. Nhưng tôi chỉ nghĩ một điều, dân tộc ta muốn phát triển thì phải hướng ra biển Đông của mình, phải hướng tới biển lớn với thế giới, phải có một nền kinh tế biển. Đấy là sự phát triển tất yếu của những quốc gia có biển.

Ở một góc độ nữa, đất liền và biển là chủ quyền toàn vẹn của chúng ta, khi Tổ quốc của chúng ta ở thềm lục địa ngoài kia, Tổ quốc của chúng ta ở đảo khơi xa kia, nó gắn bó máu thịt với đất liền. Và Trường ca Biển là một cách bổ sung mới vào văn học nghệ thuật của chúng ta. Trước đó, viết về truyền thống, về văn hóa, về bản sắc ở đất liền thì rất phong phú nhưng còn rất ít những áng văn thơ viết về biển. Điều đáng mừng gần đây, những tác phẩm văn học viết về biển đảo đã mở ra những trang mới rất sinh động, có chiều sâu và đây là mạch cảm hứng còn lâu dài, còn trường tồn, không bao giờ kết thúc.

* Nguyễn Việt Chiến: Xin cảm ơn nhà thơ đã chia sẻ với Thời báo Văn học Nghệ thuật những suy nghĩ tâm đắc về Trường ca Biển, một tác phẩm văn học xuất sắc của ông.

Xem trích đoạn Trường ca biển - Chương 2: Cát

Bạn đang đọc bài viết "Trò chuyện với tác giả "Trường ca biển": Thi ca cắm ngọn cờ chủ quyền trên biển, đảo thiêng liêng " tại chuyên mục ĐỐI THOẠI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).