Có hay không bản quyền ngữ liệu sách Tiếng Việt lớp 1?

14/10/2020 16:17

(VHNT) - Trước những dấu hiệu vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trong sách Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều), đơn vị quản lý cần thanh tra.

Ngày 13/10/2020, ông Phan Vũ Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Sử hữu trí tuệ TP. HCM nhận định với Đất Việt, đơn vị thanh tra của Bộ KHCN, Bộ VHTT&DL cần phải vào cuộc thanh tra vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ trước những phản ánh của dư luận và nhiều cơ quan báo chí về nội dung trong cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều).

Theo ông Tuấn, việc một tác phẩm văn học hay câu chuyện ngụ ngôn được trích dẫn hay phỏng theo mà khiến nội dung của bản gốc bị sai lệch thì điều đó có nghĩa đã có dấu hiệu vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ từ người dịch hoặc người biên soạn.

"Luật cũng quy định rõ, việc quy định về bản quyền và sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã được nếu rất rõ. Ngay cả khi người sáng tác ra văn bản đó, hay đất nước xuất xứ của câu chuyện ngụ ngôn đó không có khiếu nại, phản ánh gì về bản quyền nhưng nếu cơ quan quản lý của Việt Nam nhận thấy có dấu hiệu vi phạm của người dịch hoặc người biên soạn thì có thể hoàn toàn có thẩm quyền vào cuộc điều tra độc lập, xử lý theo quy định nếu phát hiện ra sai phạm" - ông Tuấn cho hay.

Đối với những phản ánh của dư luận và báo chí về những tác phẩm văn học của các nhà văn hoặc những câu chuyện ngụ ngôn được biên soạn trong cuốn sách câu từ thay đổi, nội dung bị hiểu theo hướng khác, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP. HCM cho rằng, những phản ánh này không phải không có cơ sở.

Chính vì thế, việc cơ quan thanh tra của Bộ KHCN, Bộ VHTT&DL vào cuộc kiểm tra vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ của cuốn sách này là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

Giáo dục - Có hay không bản quyền ngữ liệu sách Tiếng Việt lớp 1?

Ông Phan Vũ Tuấn đưa ra nhận định về vấn đề biên soạn sách Tiếng Việt lớp 1 

"Tôi chưa khẳng định những người biên soạn sách Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều) đã vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ hay chưa. Muốn có câu trả lời chính xác thì cơ quan chức năng cần phải vào cuộc thanh tra làm sáng tỏ việc này" - ông Tuấn bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề bản quyền trong các cuốn sách giáo khoa biên soạn ở Việt Nam, ông Tuấn cho rằng, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 không phải là trường hợp hy hữu mà đã từng diễn ra ở nhiều cuốn sách khác hay nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong khi, quy định pháp lý về vấn đề này đã được quy định cụ thể nhưng chưa được cơ quan chức năng quan tâm, thực hiện đúng mức dẫn tới việc vấn đề vi phạm thường xuyên xảy ra.

Người biên soạn đã làm hết trách nhiệm, cái tâm với giáo dục?

Liên quan đến vấn đề này, luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ Phan Văn Đại - Đoàn Luật sư TP. HCM cũng cho rằng, dù bộ sách giáo khoa lớp 1 mới đã được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra không ít tiền thuê các chuyên gia biên soạn sách nhưng lại đưa về sản phẩm có nhiều "sạn" thì cũng là tiêu tốn nguồn lực của đất nước.

"Bộ GD&ĐT từng chi ra hàng nghìn tỷ đồng để nghiên cứu bộ sách giáo khoa mới nhưng hiện nay cũng chưa biết cụ thể kết quả thế nào. Nói thế để thấy rằng, để soạn được bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh, đưa vào nhà trường dạy cho học sinh phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc.

Thế nhưng, chưa bàn tới thành quả đạt được thì những bộ sách này đã bị dư luận phản ứng, chỉ ra có nhiều điểm không mang tính chất giáo dục. Như thế là lãng phí nguồn lực cả chất xám và tiền bạc" - ông Đại cho hay

"Tôi không đủ trình độ, cũng không đủ cơ sở để bàn đến chuyện đúng sai, tính giáo dục của cuốn sáng mà dư luận đang phản ánh. Tôi chỉ đặt ra vấn đề, các chuyên gia biên soạn đã làm việc với cái tâm đối với nền giao dục, đối với những học sinh - tương lai của đất nước hay chưa?" - vị luật sư này băn khoăn.

                                                                                                                                            Hà My

Bạn đang đọc bài viết "Có hay không bản quyền ngữ liệu sách Tiếng Việt lớp 1? " tại chuyên mục ĐỐI THOẠI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).