Trầm

31/07/2020 13:10

Ba mươi năm thì biết bao nhiêu là chuyện. Riêng chuyện nhà tôi đã chất đầy trong trí nhớ của mẹ, cứ khơi lại là tuôn chảy, mẹ kể thành pho thành phách như không thể cạn...

Tác giả Phạm Phát sinh năm 1933. Quê: Hội An, Quảng Nam. Ông là Hội viên Hội nhà văn Đà Nẵng. Ông đoạt giải A về thơ cho tập Một giọt năm 2015 của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. GS, nhà văn Mai Quốc Liên nhận xét về văn của Phạm Phát: "Tôi đọc rất nhiều truyện của Phạm Phát, mắt nhòa nước mắt. Chân thực, giản dị, chi tiết chọn rất sắc, hiệu quả nghệ thuật rất cao, tính cách nhân vật độc đáo".

Truyện ngắn TrầmThời báo Văn học nghệ thuật chọn giới thiệu với bạn đọc là một truyện như vậy.

Tác phẩm mới - Trầm

Minh họa: Họa sỹ Lê Huy Quang

Mười bốn tuổi, tôi xa nhà. Vào Quảng Ngãi học, đi bộ đội, tập kết ra Bắc, vào lại chiến trường... Biền biệt cho đến ngày Giải phóng mới về, may còn được gặp bà già tôi.

Rứa mà đã ba mươi năm! Mẹ tôi cứ hay nhắc vậy, như sợ tôi quên.

Ba mươi năm thì biết bao nhiêu là chuyện. Riêng chuyện nhà tôi đã chất đầy trong trí nhớ của mẹ, cứ khơi lại là tuôn chảy, mẹ kể thành pho thành phách như không thể cạn.

Mẹ cứ ngồi tựa lưng vào tường, chân duỗi chân co, vừa nhai trầu vừa rỉ rả kể. Gặp chuyện vui thì vừa nói vừa cười, cười chảy nước mắt, cứ huơ tay như muốn bảo để mẹ cười đã. Còn khi nhắc lại chuyện buồn, giọng mẹ cứ quằn xuống, não nùng. Những lúc ấy, mẹ tôi thường thò tay quờ cái ống nhổ dưới chân giường, từ từ kề lên miệng thật lâu, như đang khó khăn mới nhổ được miếng trầu. Xong, mới kể tiếp. Như chuyện Hai Ngự thì mẹ cứ nhấc lên đặt xuống chiếc ống nhổ không biết bao nhiêu lần. Ngồi nghe mẹ kể chuyện cô cháu gái này của mình, tôi tưởng như mình vẫn đang còn nhỏ, đang ngồi nghe mẹ kể chuyện Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn mấy chục năm về trước.

Hai Ngự là con gái đầu của cậu Chín, mẹ tôi thứ năm. Vì thế, tuy lớn hơn bốn năm tuổi, ngay từ lúc còn nhỏ, Ngự phải gọi tôi bằng anh, xưng em. Còn tôi thì không được gọi chị mà phải gọi bằng cô – cô là cô em đó.

Ngự tuổi Ngọ, nên tên thường gọi ở nhà đáng lẽ là Hai Ngọ nhưng vì cấn tên húy nên phải gọi trại đi là Ngự.

Tuổi Ngọ, cầm tinh con ngựa. Nhưng mẹ tôi bảo ngựa voi đâu chẳng thấy, chỉ thấy hắn cực chi là cực, cực từ nhỏ chí lớn, chí già. Mẹ tôi kể:

Mợ con mất sớm, hồi Việt Minh mới lên được, để lại một bầy con. Đầu lòng là hắn, theo sau lít nhít trứng vịt, trứng gà, tới con út chưa đầy hai tháng. Mới mười bốn mười lăm, chưa thành con gái đã thay mẹ nuôi em. Thiếu hơi mẹ, con nhỏ khóc dạ đề ròng rã ba tháng mười ngày. Mẹ cứ nhớ cái cảnh hắn nuôi em bằng sữa mót mà đứt ruột. Mười bữa như chục, cứ sáng ra, con chị một tay bồng con em như con mèo mẹ tha con mèo con, một tay cầm cái nón lá trước ngực che tùm hum cho em, lóm thóm chạy tới những nhà đang có con còn bú, chờ xin cho em bú chực. Mà cái nghề bú chực, cơ khổ, mút được mấy cái đã hết sữa, phải nhả vú ra trả cho họ. Rứa là chị lại bế em lóm thóm chạy đến nhà khác. Bị kéo ra khỏi vú nửa chừng, con em cong mình lên khóc, con chị cũng tủi thân thút thít theo. Rứa mà, nhờ ông bà phù hộ, hắn cứ lớn lên xinh đẹp, rồi trở thành cô giáo hẳn hoi. Mà đâu phải mình con út, cả bốn năm đứa em hắn, đứa mô cũng thành người đàng hoàng. Tụi hắn thường nói với mẹ: Chị Hai còn nhường cả tuổi thơ, cả chữ nghĩa cho tụi con để rước lấy cái cực.

Thiệt là, cả cái làng Phú Chiêm không có đứa nhỏ bằng hắn. Cậu mợ con răng mà khéo sanh: mỗi người như cắt một nửa mình đặt vô hắn. Tính ăn nết ở dịu dàng mát mẻ y như mẹ, mà khi đụng việc thì nóng đùng đùng giống hệt tánh cha. Không khác xí mô.

Mẹ nhớ cái năm hồi cư về. Tản cư thì cực trăm bề: sốt rét, ghẻ lở, đói khát... Chi chớ đói thì không sống nổi. Lại phải dắt nhau về. Thì nhà mình và cả làng đều vậy. Về nhà có ruộng thì hết đói. Nhưng ở Tây khiếp lắm. Nhất là đàn bà con gái. Mỗi lần dưới phố hắn càn lên, không chui được hầm thì phải cong khu mà chạy, cố chạy cho thoát chứ để tụi hắn túm được coi như rồi đời con gái. Có một lần hắn chụp được ba bốn đứa, có cả Hai Ngự. Mấy đứa kia bị ngay tại chỗ, xong hắn thả về. Còn Hai Ngự chống cự quyết liệt, hắn lôi về đồn. Về đồn, Hai Ngự lại tiếp tục cào cấu, cắn xé, tụi hắn liền tống vào nhà xí khóa trái cửa lại, để đó.

Sau này, Hai Ngự kể lại với mẹ: Ngồi trong cầu tiêu con tính nát nước, thấy chỉ còn một cách. Rồi làm ngay: "Con ỉa ra bôi đầy quần áo". Mẹ rùng mình kêu: Trời đất, chứ mi không ghê tay răng con?!". "Ghê chớ răng không ghê", hắn nói với mẹ. Nhưng thà thối quần áo, thối chốc lát còn hơn thối cả đời mình, chịu răng nổi?! Đến chiều tụi hắn đến mở cửa nhà xí, con nhào ra, tụi hắn bịt mũi không kịp, lùi xa. Con dang hai tay quát: "Bọn bay đẩy tao đến nước này đây. Chừ đứa mô thèm thì vô đây". Vừa nói vừa phăm phắp bước tới, con bước một bước, bọn hắn lùi một bước. Thấy không đứa nào có súng trên tay, con phóc ra cổng rồi cắm đầu chạy miết. Bọn hắn la ó rượt theo, bất thình lình con bị một thằng đuổi kịp, hắn rấn cho con một đạp vào lưng ngã dúi dụi xuống một cái mương cạn. Con ép mình vào bờ mương, coi thử tụi hắn làm cách chi. Rứa là như một lũ chó điên, tụi hắn ập tới. Không thằng mô dám xáp vô, chỉ đứng xa xa khạc nhổ chửi bới hò hét. Rồi cả bọn chạy vào nhà dân, vớ được cái gì là chúng lôi ra cái đó, tụi hắn đập con như đập đất. Con cắn răng cố chịu cho đến lúc không còn biết gì nữa".

Mẹ tôi như mắc nghẹn. Mãi mới nói tiếp: "Hay tin, đang đêm cả nhà chạy xuống. Mấy đứa em hắn kể lại với mẹ: Rọi đèn thấy chị Hai con nằm đỏ lòm tụi con khóc rầm trời. Tưởng máu té ra là kiến lửa, kiến bu kín người chỉ, phải rưới dầu tây vào, kiến đi bớt mới bế chị hai con lên võng. Cáng về nhà, tắm rửa thuốc thang hàng tháng trời, chỉ mới ngồi lên được".

Trận đó đúng là hắn chết đi sống lại nhưng chẳng thấm gì so với hồi cậu con bị tụi Tây giết. Cậu con cùng mấy người nữa, giả bộ đi ăn giỗ, thực kì tình là gọi nhau đến họp. Chắc là có chỉ điểm, bọn Tây dưới phố phóng canô lên ập vào thình lình. Cậu con khoát tay cho anh em chạy một hướng còn một mình cậu chạy ra một hướng khác, ngoài đồng. Chúng nó rượt theo bắn, cậu dính đạn ngã xuống. Những người khác thì thoát được. Còn cậu con thì... Mẹ tôi lại quờ cái ống nhổ. Rất lâu. Cái quân thật đại ác! Khi biết bị cậu lừa, chúng chặt đầu cậu bỏ xa cách đó mấy đám ruộng. Nghe tin mẹ rụng rời. Cả xóm đều rúng động. Hai Ngự đang ngồi xắt chuối ở đầu hè, quẳng con dao cái xoảng trên sân gạch, ngã bật ra, mắt trợn ngược. Cả nhà xúm lại đổ thuốc. Vừa tỉnh dậy, hắn giật cái áo trên sào, quàng vào cổ chạy băng băng. Vừa chạy vừa khóc, vừa kêu cha, vừa chửi Tây. Cả xóm chạy theo. Mô Phật, chẳng ai chỉ mà hắn đến đúng chỗ cậu, quỳ xuống lạy cố lạy để, rồi gói thủ cấp của cha vào áo, ôm trước ngực, mặt ngửa lên trời, miệng lầm rầm như đọc kinh. Cứ rứa hắn đi. Ruộng tháng ba mới gặt, cứ đạp gốc rạ mà đi, cả làng đi theo như một đám rước. Bằng hết đám ruộng này qua đám ruộng khác, con coi có lạ không, ai cũng nói đó là cậu con dẫn hắn tới đúng chỗ cậu nằm. Vừa đặt cái đầu vào người cậu, hắn gào "Cha" một tiếng thật to rồi bật ngửa ra. Lại chết giấc...

Sau đám ma cậu, hắn xin vào du kích. Một bữa, hắn bịt khăn chế xuống nhà nới với mẹ: "Cô ơi, sắp tới lỡ con có chuyện, nhờ cô với mấy bác, mỗi nhà nuôi cho con một đứa em. Con phải cho hắn một trận, cho mát vong linh cha con".

Hắn nói là hắn làm. Bữa đó nghe tin Tây lên, hắn không chạy cũng không xuống hầm. Từ ngày cậu mất, nhà hắn lúc nào cũng có hầm nuôi giấu anh em mình. Hôm đó, khi nghe súng nổ, anh em hé nắp hầm gọi hắn xuống. Hắn giơ quả lựu đạn đã rút chốt sẵn, nói: "Cứ ngồi dưới đó. Tôi ngồi đây chờ chúng, hễ nghe cái này nổ thì tung nắp lên chạy. Hắn giết cha tôi, tôi phải bắt cả lũ hắn đền tội". Hắn vừa nói vừa ấn nắp hầm xuống rồi cởi áo quần ngoài, chỉ mặc quần đùi, áo lá, nắm chặt quả lựu đạn gói trong khăn tay, ngồi nhử chúng. Vừa lúc đó, một toán lính ập đến ngõ xì xồ chỉ trỏ định xông vào. Bất thình lình có tiếng kèn lệnh, cả bọn ù chạy luôn. Thật phước ba đời cha hắn! Mà cũng đại phước cho nhà mình, chứ lúc đó tụi hắn mà vào thì... mô Phật!

Rồi đột nhiên mẹ tôi hạ giọng: "Nè, máu con nhỏ này là máu dòng đó con. Ngày ông ngoại còn, mẹ nghe ông kể tộc Dương mình hồi xưa hồi xửa có một bà tổ cô là nữ tướng cưỡi ngựa, cầm gươm ra trận đó con".

Sau này, đọc tộc phả họ Dương, tôi mới nghĩ chắc là ông tôi nói đến bà Dương Thị Như Ngọc, con gái tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, vợ Ngô Quyền và là nữ danh tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán.

*

Hai Ngự có chồng quãng 1950. Lấy một anh cán bộ công tác ở tỉnh. Anh này được tập kết ra Bắc rồi đi học nước ngoài, về công tác tại một cơ quan trung ương. Mãi đến sau hiệp định Paris, nghe bảo có tin vợ trong Nam đã lấy chồng, anh ta mới lấy vợ, một cô cùng cơ quan.

Sau giải phóng, ngay ngày đầu tôi mới về là mẹ tôi hỏi ngay: "Mẹ nghe nói cha của con Hương, con Bình có vợ con ngoài nớ rồi phải không? Nhìn mặt tôi, mẹ hiểu ngay là không cần hỏi thêm mà nói luôn: công lao mẹ con nhà hắn chờ đợi bao nhiêu năm rứa là đổ sông đổ biển hết. Mà con biết không, cực nhục trăm bề: bắt lên bắt xuống, đánh đập cưỡng bức, nhất là cái hồi tố cộng của ông Diệm. Con tính, năm chồng hắn đi tập kết, hắn mới hăm lăm hăm sáu. Lại được gái lắm. Tụi Quốc gia cứ ép dầu ép mỡ, nay bắt lấy thằng này, mai bắt lấy thằng khác, cũng chức tước hẳn hoi, có đứa chưa vợ con chi. Hết năm này qua năm khác, làm lụng nuôi con ăn học, cứ nhủ sắp nhỏ ráng học cho giỏi, ba con về ổng mừng.

Chừ thì... tội cho mẹ con hắn lắm. Răng mà mẹ thương mấy đứa con gái họ Dương nhà mình, đứa mô cũng đẹp đẽ giỏi giang mà không đứa mô không lận đận". Mẹ lại dừng, nhổ nước trầu. Tôi bỗng thắt ruột: mẹ đang thương cho đám cháu gái tội nghiệp của mẹ hay mẹ đang cám cảnh cho chính thân phận cũng lắm long đong của mình?

Hôm tôi theo mẹ về thăm quê ngoại, trước khi vào nhà Hai Ngự, mẹ kéo dặn tôi:

- Hắn có hỏi, con lựa lời mà nói hỉ, mới giải phóng đang vui...

Đến đầu hè mẹ gọi to “Hai có nhà không con?”, Hai Ngự vừa dạ vừa chạy lên. Sững người một thoáng, cô đã lao tới ôm chầm lấy tôi: 'Anh Bảy, trời ơi anh Bảy"! Rồi hỏi dồn dập: "Chớ ba của sắp nhỏ em đâu? Còn không? Bao chừ về?"...

Tôi ngập ngừng nói: "Còn y". Chẳng là tên chồng Hai Ngự là Nguyễn Văn Y. Nhìn mặt tôi sao đó hay là do cách trả lời của tôi, Hai Ngự đâm nghi – phụ nữ họ tinh thế - cô nghiêm mặt nói:

- Nè, mẹ con tui chờ ổng mấy chục năm ròng không phải để chừ anh nói cà giỡn với tui đó nghe. Còn y hay còn một nửa cũng quý, miễn còn là được. Bao nhiêu năm xa cách, bom đạn thế nớ anh tính!

Rồi cô lảng sang chuyện khác.

Sau đó tôi nhận được thư cậu em của Hai Ngự đang còn ở Hà Nội kể rõ ngọn ngành chuyện chồng Hai Ngự lấy vợ, sinh con và nhờ tôi "nói với chị Hai em một tiếng." Tôi đọc thư cho mẹ tôi nghe, nghe xong, cụ bảo:

- Để thư thư đã con, mẹ thấy Hai Ngự chưa biết hết thì giấu được bữa nào hay bữa ấy, tội hắn.

Nhưng giấu làm sao được? Hôm nghe phong thanh ở đâu đấy, Hai Ngự chạy ngay xuống nhà tôi. Sau khi nghe tôi nói rõ đầu đuôi, cô thừ người ra, ngồi im như hóa đá.

Mẹ tôi chậm rãi khuyên lơn: "Thôi con ạ, chẳng qua cũng là cái số của con. Mà thằng chồng con cũng đâu đến nỗi tệ. Con thấy đó, con tới gần giải phóng hắn mới xoang phải con mụ này mà nghe ra thì cũng do hoàn cảnh nó đưa đẩy. Cơ quan đi sơ tán chỉ để lại mấy người, điện đóm không có, máy bay Mỹ lại thường xuyên đánh bom, phải xuống hầm một đêm không biết mấy lần. Lửa gần rơm mà con, xa vợ chừng nớ năm trời  giữ chi nổi. Con người chứ đâu phải khúc gỗ. Cô thương con mười phần cũng thương thằng đó bảy tám. Giải phóng rồi mà chưa dám về gặp vợ con. Tội nghiệp hắn. Nói cho cùng cũng tại thằng Mĩ hết, con ạ!".

- Tại chi cô?! Thằng Mĩ hắn bay trên trời, tụi hắn lọ mọ dưới đất, dính dáng chi.

Hai Ngự nói đùng đùng một hơi, xem ra cô đang giận lắm.

Nhưng nghe đâu sau đó, Hai Ngự nhắn với cậu em nói lại với chồng: "Chuyện chi còn có đó, cứ bảo ổng về cho hai đứa nhỏ thấy cái mặt cha hắn ra răng".

Rồi anh Y về. Sau hai mươi năm anh mới gặp lại vợ, mới biết mặt con. Nhưng... Không biết hồi mới giải phóng, trên đất nước mình có bao nhiêu cuộc sum họp trong tình cảnh éo le như vậy. Cảnh này chính anh Y kể lại với tôi.

- Buồn lắm anh ơi, lúc tôi đi, đứa lớn mới chập chững, đứa nhỏ còn trong tháng, mẹ nó lúc đó mới ngoài hai mươi, giờ vợ chồng cha con gặp nhau, mà quen không ra quen, lạ không ra lạ, cứ chung chiêng như thể trong chiêm bao. Đến bữa cơm đầu tiên, hai đứa nhỏ tránh đi đâu không biết. Khi mẹ chúng bưng cơm lên, thấy một bát cao lầu chình ình giữa mâm, tôi giật mình.

- Sao lại giật mình?

- Chẳng là hồi đó, trước khi tập kết, tôi trốn về thăm mẹ con bả. Bả cũng chạy xuống phố mua một bát cao lầu về bảo: "Anh ăn đi để ra ngoài nớ nhớ Hội An, nhớ mẹ con em". Rồi hai vợ chồng cứ đẩy qua, đẩy lại, cuối cùng hai đứa ăn chung một bát. Giờ nhìn thấy bát cao lầu tự nhiên ứa nước mắt, mà ân hận, mà xấu hổ quá. Ngồi đối diện mà không ai nhìn ai, không ai cầm đũa, cũng không nói được lời nào. Lâu lắm bả mới đứng dậy nói nhỏ: "Anh ăn đi... để nhớ. Tôi có việc phải đi". Rồi đi. Không biết đi đâu. Tôi thức đợi cả đêm, rồi hôm sau, hôm sau nữa cũng không thấy bả về.

Tôi chưng hửng. Và hoang mang, lo sợ. Cả nhà bổ đi tìm không thấy. Mấy ngày sau, bả nhắn về với hai đứa nhỏ: "Nói với ba tụi bây, hết phép rồi thì ra ngoài nớ với mẹ con họ. Khi nào ba tụi bây đi tau mới về, đừng chờ. Tau chưa quen nhìn được cái mặt ổng".

Rồi anh Y trở ra Bắc. Mấy tháng sau, Hai Ngự bảo con biên thư ra, bảo: "Muốn về thì thu xếp về, mang cả bầu đoàn thê tử về, không sao đâu, ai ở nhà nấy. Mẹ sẽ mua nhà cho".

Sau đó không lâu anh Y trở về nhận công tác tại quê. Chị vợ miền Bắc không chịu về, Y chỉ mang về đứa con trai còn ở tuổi cấp một. Dần dà anh trở thành người một cảnh hai quê. Còn đứa con trai anh thì được má Ngự và hai chị chăm bẵm như nuôi chim cu. Cho ăn học hết phổ thông, đi bộ đội, nay đã là sĩ quan rồi.

Một lần nhắc lại chuyện cũ, Y nói với tôi:

- Từ lúc trở về đến nay, ở Hội An mà không bao giờ dám bước vào tiệm, bát cao lầu của bả đối với tôi còn thấm thía hơn mấy lớp chỉnh huấn.

*

Được tin Hai Ngự mất, tôi bàng hoàng cả người. Đúng như lời mẹ tôi nói về Hai Ngự, hắn cực chi mà cực tới già. Những năm cuối đời, cô bị bệnh cao máu, rồi tai biến mạch máu não, phải nằm một chỗ lâu ngày. Lúc nào về Hội An tôi cũng ghé lên thăm. Lần đầu, tôi đưa cô ít tiền, cô kiên quyết không nhận, bảo: Anh về thăm quê thế này là quý lắm rồi. Lương cán bộ được mấy đồng, sắp nhỏ lại đang tuổi ăn tuổi học. Lần nào gặp tôi, cô cũng nhắc tới sắp nhỏ. Còn nhớ Ba mươi Tết năm ấy, tôi về nhà ghé thăm cô. Khi tôi ra về, cô xách toòng teng hai đòn bánh tét nhỏ xíu đang nấu dở chạy theo: "Anh đem về bảo chị Bảy nấu thêm cho rền. Tội sắp nhỏ, Tết nhứt phải có lát bánh cho tụi hắn". Cái hồi bao cấp ai cũng cực. Đòn bánh tét mà chỉ bằng cái chày đâm tiêu, nấu trong cái nồi nấu cơm hằng ngày, coi thiệt thảm. Tôi không nỡ nhận. Cô nổi nóng thật sự và nói với tôi: "Này anh Bảy, em hỏi anh hồi mô đến chừ có ai lấy bánh nấu chưa chín mà đem cho nhau không. Đây không phải là bánh, đây là cái tình của mẹ con em, anh có chê thì nói trớt". Tôi nhắc lại với cô chuyện đó rồi đặt mấy tờ bạc còm vào giữa lòng bàn tay gầy guộc của cô, bắt chước cô tôi nói:

- Đây đâu phải là tiền, đây là... Cô có chê thì nói.

Cô nhìn tôi, môi thì mỉm cười mà mắt thì rưng rưng:

- Thôi thôi, em nhớ rồi, em biết rồi, nhưng một lần này thôi hỉ.

Lần vừa rồi tôi về thăm, thấy cô đã yếu nhiều. Đang nằm lim dim, nghe con gái thì thầm vào tai "Cậu về", cô cố lắm mới mở mắt ra nhìn tôi, thì thào rất nhỏ anh Bảy. Rồi nhìn tôi mà như nhìn vào một nơi rất xa, từ khóe mắt rịn ra hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống gối.

Giờ đây, khi tôi chạy về thì vừa kịp lễ nhập quan. Nghe ông anh họ tôi khấn vái, tôi mới sực nhớ tên cúng cơm của cô. Có lần mẹ tôi kể: Hồi đầy tháng hắn, cậu mợ con mời ông ngoại đứng cúng đặt tên, ông giở sách chữ Nho ra coi rồi bảo: "Con nhỏ này bổn mạng kì khôi đây, nhưng cả nhà nhờ hắn đấy. Ông đặt tên cho hắn là Dương Thị Như Trầm. Trầm mới ngó tưởng như củi vụn, nhưng chịu đốt mình lên để lấy thơm cho người khác".

Giờ đã đậy nắp quan tài cho cô rồi, tôi mới thấy lời ông tôi quả thật linh nghiệm.

Tôi thắp hương rồi đứng rất lâu trước linh sàng. Lạ quá, cứ nghe bên tai thì thào "Anh Bảy, Anh Bảy". Ruột gan tôi thắt lại, tôi nâng ba nén hương lên ngang trán chỉ khấn được hai tiếng "Trầm ơi!!!" Khấn mà như gọi như gào, giọng tôi cứ lạc đi trong tiếng chiêng, tiếng  trống, tiếng khóc than thảm thiết của mấy đứa cháu gái tôi.

Một tác phẩm của nhà văn Phạm Phát

 

Bạn đang đọc bài viết "Trầm" tại chuyên mục MỸ THUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).