Tinh hoa nghệ thuật Huế qua góc nhìn phương Tây

04/11/2020 02:12

Hơn 100 năm trước, “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế” ra đời, là công trình bề thế giúp bao lớp bạn đọc hiểu một cách hệ thống về tinh hoa nghệ thuật Huế.

Trong số những đầu sách nghiên cứu về Huế, một tác phẩm cho ta thấy rõ những giá trị nghệ thuật vùng cố đô. Công trình ấy ra đời và đứng vững 100 năm nay nhờ được thực hiện nghiêm cẩn, công phu, khoa học. Đó là cuốn L’Art à Hué - Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế của tác giả Léopold Cadière và Edmond Gras.

Công trình giá trị qua 100 năm

Léopold Cadière (1869-1955) là linh mục tới Việt Nam truyền giáo ở các vùng Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

Mỹ thuật - Tinh hoa nghệ thuật Huế qua góc nhìn phương Tây

Sách Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế

Gắn bó với vùng đất miền Trung, Cadière để lại nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, dân tộc học. Thông thạo tiếng Việt, thường xuyên đi thực địa, Cadière được giới nghiên cứu gọi là "nhà dân tộc học chân đất". Ông qua đời năm 1955, yên nghỉ tại Kim Long, Huế.

người say mê nghiên cứu, ông lập Hội Những người bạn Cố đô Huế (A.A.V.H) năm 1913. Hội hoạt động với tinh thần sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về nghệ thuật và văn học châu Âu, cũng như bản xứ, liên quan Huế và phụ cận. A.A.V.H tự đặt ra nhiệm vụ đào sâu nghiên cứu về kinh thành và vùng đất Huế.

Hội cũng cho ra tập san Hội Những người bạn Cố đô Huế (B.A.V.H). Tập san được phát hành suốt những năm 1914-1944. Đây là nơi công bố dần các kết quả sưu tập, khảo sát hay mô tả các di sản nghệ thuật tạo hình cụ thể, ở một vài địa chỉ nào đó.

Khi thành lập tập san Hội Những người bạn Cố đô Huế, Cadière đã cho rằng cần tập trung làm một số chuyên đề đặc biệt.

Suốt từ năm 1915, linh mục, nhà nghiên cứu Cadière đã tập hợp nhân lực, tổ chức nhiều đợt điền dã, khảo sát công phu tại các công trình kiến trúc quan trọng trong kinh thành Huế, hệ thống phủ đệ, tư dinh, tư gia, các công trình đình, chùa, miếu… để chụp ảnh, vẽ và viết. Những nghiên cứu đó được tập hợp trong khảo cứu công phu, quan trọng về nghệ thuật và nghệ nhân Huế.

Năm 1919, B.A.V.H ra ấn bản đặc biệt L’Art à Hué - Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế, sau đó được in thành một tác phẩm độc lập.

Ấn phẩm gồm 398 trang trong đó có 176 trang viết cùng 222 trang phụ bản được thể hiện sinh động, độc đáo với nhiều hình vẽ, hình ảnh minh họa.

Cuốn sách được xem là một trong những công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật tạo hình Huế đầu tiên và hiếm hoi được công bố rộng rãi từ năm 1919.

100 năm sau, ấn phẩm được một số công ty sách ở Việt Nam in lại. Trong đó, ấn bản do Lê Đức Quang dịch và chú giải, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế thực hiện, Thái Hà Books và NXB Hà Nội phát hành, đã đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba.

Mỹ thuật - Tinh hoa nghệ thuật Huế qua góc nhìn phương Tây (Hình 2).

Bức bình phong hội tụ tứ long, lân, quy, phụng được thể hiện trong sách

Sách khai mở những vấn đề mỹ thuật Huế

Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế gồm 7 phần với nội dung được sắp xếp khoa học. Ở phần 1, các tác giả khảo sát, đặc tả các dạng thức trang trí hình học. Các mô tả cùng phụ bản tái hiện một cách chân thực và chi tiết đến từng góc nhỏ họa tiết trang trí.

Những trang sách ở phần này dẫn dắt bạn đọc khám phá sự đa dạng trong họa tiết trang trí ở Huế như: Họa tiết hoa thị, hai vòng tròn (song hườn), ô lưới, hoa văn… Mỗi dạng họa tiết, các tác giả lại nghiên cứu những biến thể, giá trị mỹ thuật, biểu tượng của chúng.

Phần 2 của tác phẩm viết về mẫu chữ Hán với 18 phụ bản minh họa. Ở phần này, sách nghiên cứu thư pháp viết bằng chữ Hán, vốn được coi như một phần của mỹ thuật trang trí.

Phần 3 đề cập đến đề tài tĩnh vật và những điển tích với phần bình luận và 17 phụ lục. Tác giả cho rằng rất nhiều vật vô tri (tĩnh vật, khí vật cổ) được vận dụng vào việc trang trí của người Huế nói riêng, người Việt nói chung. Những họa tiết được kể đến như: Ống cuộn (cuốn thơ), quả cầu lửa, bầu nước, nậm rượu, tám vật quý (bát bửu), gươm, đàn, cây sáo…

Phần 4 của sách là mỹ thuật Huế với đề tài thực vật, hoa lá, cành và quả. Phần này có 48 phụ bản minh họa. Ở phần này, tác giả có những nhận xét tỉ mỉ, sâu sắc, hết lời tán dương người thợ Huế.

Cadière từng viết: “Tài biến chế của nghệ nhân đã làm cho nghề của họ thành tự do và tất cả loài cây cỏ đều có thể kết hợp với mỗi một trong số các con vật có năng lực huyền bí”.

Tiếp theo, trong phần 5, sách khảo sát, đặc tả những đề tài liên quan đến hệ động vật với 95 phụ bản màu, đen trắng. Các tác giả đặc tả những kiến thức phổ biến, giải thích ý nghĩa, đặc điểm, truyền thuyết, biểu tượng của các linh vật như long, lân, quy, phượng, dơi, sư tử, hổ, cá…

Hai phần cuối sách, nhóm tác giả dành cho đề tài phong cảnh. Có 7 phụ bản, là những bức tranh, giúp độc giả có cái nhìn tổng quát về những di tích, thắng cảnh đặc trưng của Huế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế là đầu sách khai mở những vấn đề mỹ thuật Huế dưới góc độ một công trình khoa học về nghệ thuật tạo hình.

“Tác phẩm Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế để lại nhiều giá trị to lớn, thiết thực, đặc biệt quan trọng trong việc kế thừa, phát triển cả về giá trị nghệ thuật lẫn chiều sâu tư tưởng để triển khai các công trình nghiên cứu mỹ thuật Huế sau này”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông đánh giá.

Qua sách có thể thấy quá trình thâm nhập cảnh quan, con người Huế, tác phẩm, di sản Huế của chủ biên Cadière cùng các cộng sự. Quá trình ấy được thực hiện với sự thấu đáo, tỉ mẩn, đưa ra cảm nhận tinh tế về Huế. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra những đặc trưng khái quát cho nghệ thuật đất cố đô. Điều đó giúp cuốn sách có độ tin cậy và hấp dẫn với độc giả.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết "Tinh hoa nghệ thuật Huế qua góc nhìn phương Tây" tại chuyên mục MỸ THUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).