Thơ Lê Văn Vọng

28/09/2020 15:12

(VHNT) - Tôi có thể nói rằng thơ Lê Văn Vọng là thơ của một người lính cũng có rất nhiều bão táp, nhưng không phải bão táp của bom đạn mà là những trận bão lòng. Đó là những rung động thành thực, đạm đậm hơn nồng, nhiều ngẫm ngợi và phấp phỏng. Anh biết khai thác và thể hiện hiện thực chiến tranh theo nhiều lăng kính khác nhau, khiến cho mỗi bài thơ là một phiên bản thẩm mỹ góp phần làm đầy cho cảm quan lịch sử

 Mùa đông năm 1979, sau những ngày chờ đợi, khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du khai mạc. Trải bao năm chiến trận, nay được trở lại ghế nhà trường, đòi lại thời gian đã mất, chúng tôi vẫn giữ được cái háo hức với sách vở như hồi nào. Vào học được hai tuần, một buổi chiều Lê Văn Vọng sang phòng tôi nhờ chuyển giấy xin phép chủ nhiệm khoa nghỉ học một tuần trở lại thành phố Hồ Chí Minh có việc gấp.

Thói quen người lính việc ai người ấy biết, tôi không tiện hỏi anh trở lại đơn vị cũ có việc gì. Đúng một tuần sau, Lê Văn Vọng trở ra Hà Nội tiếp tục đến lớp đều đặn. Vào một buổi tối, Nguyễn Ngọc Mộc ở cùng phòng với Lê Văn Vọng gõ cửa phòng tôi, mang theo tờ Sài Gòn giải phóng số mới nhất và bảo: Tin quan trọng thế này mà thằng Vọng nó ỉm đi không cho anh em biết gì cả ông ạ.

Tôi mở báo. Hóa ra Lê Văn Vọng xin phép nghỉ học là để về nhận giải nhất cuộc thi Thơ của thành phố Hồ Chí Minh  với một Ban chung khảo rất xịn gồm nhà phê bình Hoài Thanh, các nhà thơ Chế Lan Viên, Bảo Định Giang, Viễn Phương. Tin vui đó nhanh chóng loang nhanh ra cả lớp. Bạn bè bắt đầu nhìn Vọng với một cái nhìn khác hẳn.

Giải nhất thơ đầu tiên của một thành phố vừa giải phóng. Hơn nữa, không phải một chùm thơ mà là cả một tập thơ đầu tay, với cái tên Bè bạn chưa xa, là một may mắn, một cuộc ra mắt ấn tượng không dễ gì có được của Lê Văn Vọng.

Thơ  - Thơ Lê Văn Vọng

Chú thích ảnh

Lê Văn Vọng ngoài đời là một người luôn thu mình lại với dáng dong dỏng thư sinh, giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười rất hiền. Khó ai nghĩ rằng  đó là một người lính  hai lần nhận bằng Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Một tay súng như thế ngay đám lính chúng tôi cũng phải cảm phục. Bạn đọc sẽ hỏi, một chiến binh ngang dọc như thế thơ anh có nhiều bão táp như cuộc đời anh không?

người bạn đã từng sống và dõi theo đường thơ của Lê Văn Vọng mấy chục năm qua, tôi có thể nói rằng thơ của anh là thơ của một người lính cũng có rất nhiều bão táp, nhưng không phải bão táp của bom đạn mà là những trận bão lòng. Đó là những rung động thành thực, đạm đậm hơn nồng, nhiều ngẫm ngợi và phấp phỏng. Anh biết khai thác và thể hiện hiện thực chiến tranh theo nhiều lăng kính khác nhau, khiến cho mỗi bài thơ là một phiên bản thẩm mỹ góp phần làm đầy cho cảm quan lịch sử.

Bài Chuyện người Tư lệnh trong tập thơ được giải nhất của anh là một nghệ thuật dựng tứ rất mộc, thô thép và đau đớn, một bài thơ gây ấn tượng rất mạnh mà bất cứ sự thêm thắt, vẽ vời nào cũng sẽ làm tổn thương đến sự truyển cảm mạnh mẽ của nó.

Ngày đầu tiên kết thúc chiến tranh

Tư lệnh đến thăm con trong bệnh viện

Ông đến khi con ông đang trong cơn co giật

Bác sĩ nhìn ông nói bằng nước mắt

“Bệnh tâm thần do tra tấn dã man

Bẩy năm trời đi khắp các trại giam”

 

Tư lệnh không ngồi, ông đứng nhìn con,

Bên tai ông vang những lời la hét

“Tao đặt mìn sở Cảnh sát

Lùng giết lũ xâm lược…

 Rồi cô gái lặng im thở dốc

 

Chợt cô gái chồm lên quát người cha trước mặt

“Bay hỏi gì

Ba tao chết

Má tao không còn”

Tư lệnh lặng im

Quanh ông những gương mặt nhòe nước mắt

Bài thơ đan nhuyễn quá khứ và hiện tại, tội ác và khí phách, khoảnh khắc và trường đời. Đấy là lần thứ hai ông thăm con, còn lần thứ nhất, con gái ông vừa chào đời. Lần thứ nhất ông hôn con trên tay vợ /ra đi/ Đêm mông lung đạn giặc xé ngang trời/ Khoảng cách giữa hai lần gặp là “Hai mươi năm, gần nửa cuộc đời”. Một câu chuyện bi thương, nếu không biết cấu trúc sẽ dẫn đến lan man, kể lể, ảnh hưởng đến sự cô đọng của thơ. Lê Văn Vọng tổ chức tình huống, xếp đặt tình tiết, khiến bài thơ không thể thêm bớt một từ nào được. Một bài thơ trước khi vào học Trường Viết văn Nguyễn Du, chứng tỏ một năng khiếu bẩm sinh tươi tốt. Chuyện người tư lệnh là câu chuyện cha gặp con sau chiến tranh chống Mỹ. Còn Viếng mộ là chuyện cha gặp con ở Trường Sa trong hòa bình. Thời thế đã khác, không gian cũng khác, nhưng những hy sinh cao cả thì chỉ là một. Nó giống như sự nối dài bất tận của lòng yêu nước

Thôi con nằm lại đây

Với bạn bè, đồng đội

Với đảo chìm đảo nổi

Trời xanh và biển xanh

 

Thôi con nằm lại đây

Nén hương thơm cha thắp

Bia mộ con cha đặt

Đây, tấm bia chủ quyền

Bài thơ viết trong chuyến đi thăm Trường Sa của tác giả năm 2007. Thể thơ khác, hoàn cảnh người cha cũng khác/ Đi suốt cuộc chiến tranh/ Một tay cha đạn cắt/ Mái tóc đen nhuộm bạc/ Vẫn không mất nụ cười. Nhưng nghệ thuật tổ chức bài thơ vẫn rất cô đọng. Và đặc biệt, nó rất tự nhiên, tự nhiên như cuộc sống. R. Tagor thiên tài đã có lần nói rằng, tự nhiên là nghệ thuật cao nhất của thơ ca. Hai câu thơ có sức khái quát cao, một cảm hứng nhân văn rất có tầm

Bia mộ con cha đặt

Đây, tấm bia chủ quyền.

Hai câu thơ kết nâng hẳn bài thơ lên. Thế đấy, Tổ quốc được cắm mốc, được bảo vệ từ một tấm bia mộ của các liệt sĩ. Sống hy sinh vì Tổ quốc. Chết lấy xương cốt để giữ chủ quyền cho Tổ quốc. Sự hy sinh của người lính thật vô cùng cao cả. Một cách nhìn giàu tính phát hiện.

Ở trên tôi nói Lê Văn Vọng có năng khiếu bẩm sinh tươi tốt. Cái năng khiếu ấy ở anh thể hiện rõ nhất ở khâu khó nhất của thơ là cấu trúc. Cấu trúc là thiết kế một tứ thơ. Cấu trúc vững thì tư tưởng cao, ấn tượng sắc, tôi thực lòng nể trọng Lê Văn Vọng với tư duy cấu trúc này. Vào tháng 2 năm 1975, lúc mà thơ chống Mỹ đang còn ham huy động thật nhiều chi tiết chiến trường và đời lính thì Lê Văn Vọng đã rất cô đọng. Trong nghề thơ phải có sự tu luyện đến mức nào đấy mới có thể cô đọng được. Ra trận là một đề tài quá quen thuộc, và cũng có một số bài hay. Nhớ của Hồng Nguyên, Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, Chia tay trong đêm Hà Nội của Nguyễn Đình Thi… chẳng hạn. Nhưng Ra trận của Lê Văn Vọng hoàn toàn khác. Bài thơ có cái gân guốc, lầm lì, chắc nịch đầy chất lính:

Họ ra đi

Không nói không cười

Tổ ba người

Một đoạn đường – chốt chặn.

 

Cơm vắt, nước bình

Da dòn vì nắng

Mắt đựng đầy khói đạn

Áo dầy cộp đất đồi

Những ngách hầm sạt lở

Đêm lại ngày bom rơi

 

Và khẩu súng đã trao tay lần thứ mấy

Những khẩu súng lửa cháy xém đen

 

Không ai nói

Đang bước là họ đang nói

Những lời chắc như đóng đinh

Đang bước tức là đang nói, câu thơ hay quá.

Một cách nói rất lính, rất cô đọng, mà gợi rất nhiều, theo kiểu vô thanh thắng hữu thanh. Im lặng nói nhiều hơn lên tiếng. Bài thơ có một bút pháp già dặn, gợi cảm và gợi nghĩ về tầm vóc và vẻ đẹp của người lính được khắc họa bằng những lời thơ như dao sắc khắc trên đá. Tôi rất tiếc là tập thơ được giải nhất của Lê Văn Vọng đã không được các nhà phê bình quan tâm và đánh giá xứng đáng. Viết về tình đồng đội, ta đã đọc biết bao bài thơ nổi tiếng. Nhưng trong bài Nhớ bạn, Lê Văn Vọng vẫn tìm được cách nói riêng, chứng tỏ anh luôn biết cách đào sâu vào đề tài. Bài Chiếc áo có màu xanh cũng được viết theo hướng đó. Bảo là bài thơ về tình quân dân chắc không ai phản đối, nhưng bảo là bài thơ tình, kín đáo, e lệ, tinh tế thì ai cũng dễ nhận ra.

Và bao điều em chẳng nói với ai

Câu chuyện trời mưa định sang rút áo

Mà hôm đến trường con bạn em nó bảo

Trong mắt mày có chiếc áo màu xanh

Không nói hoa mà nói nụ, không đại ngôn to tát mà chỉ nói thầm, tìm chi tiết nhỏ để nói cái lớn, đó là cách viết rất Lê Văn Vọng.

Cũng như các nhà thơ cùng thế hệ, Lê Văn Vọng rất quan tâm mở rộng đề tài. Cùng với thời gian, tính chất xã hội trong thơ anh ngày càng tăng thêm, chiêm nghiệm về đời sống cũng tăng thêm, vừa gần gũi vừa sâu sắc. Cái mà anh thao thức đi tìm chính là cái chiêm nghiệm ấy. Một hướng đổi mới thơ đúng đắn, khó khăn, nhưng sẽ tìm được nhiều đồng điệu. Bài Tôi muốn rất tiêu biểu cho hướng đi này. Đó là vấn đề hoàn thiện nhân cách, một vấn đề cấp bách, nóng bỏng, rớm máu cho mọi kiếp người

Tôi muốn như củ hành kia

Sau mỗi ngày lại lột mình đi một lớp

Vứt lại phía sau

Vay trả

Khóc cười

Và cứ thế

Mỗi ngày lại nhẹ lòng đi một ít

Và cứ thế

Mỗi ngày lại Người thêm một ít.

Một bài thơ rất có tầm. Tiếp cận với xã hội công nghiệp Lê Văn Vọng cảm nhận rất sâu sự xung đột giữa văn hóa và văn minh. Đó là nguy cơ đứt gãy, hụt hẫng các giá trị truyền thống. Anh lên án lối sống tuyệt đối hóa đồng tiền. Anh lo lắng chiếc điện thoại, một tiến bộ của văn minh, nhưng bị lạm dụng thái quá, nó làm doãng hơi ấm gia đình. Chiếc điện thoại thông minh / Xóa đi mọi ngăn cách/ Kéo nhân loại lại gần/ Nhưng đẩy gia đình mỗi người một góc. Bài Trong thang máy  là sự phê phán thói vô cảm, đặt vấn đề giữa cá nhân và cộng đồng. Chất keo gắn kết con người, trở lại với bản thể sinh tồn của nó, chính là tình thương.

Lê Văn Vọng có rất nhiều bài thơ chia sẻ những cảnh đời cực nhọc, buồn đau, thua thiệt, nhỡ tàu. Đó là sự làm giàu xu thế hướng thiện.

Tình cảm đó không giới hạn trong phạm vi quốc gia, nghĩa đồng bào mà anh còn mở rộng ra trong tầm với nhân loại. Bài Những đứa trẻ tật nguyền viết trong chuyến thăm Ấn Độ là bài thơ hay và cảm động. Anh viết về những đứa trẻ tật nguyên buộc phải làm nghề hành khất quanh một trung tâm tôn giáo lớn của Ấn độ và thế giới, Bồ Đề đạo tràng tháng 2/2018.. Hai câu kết rất đắc địa, sáng tạo.

Rộng thêm nửa vòng tay nhân ái

Dẫn những ban mai khuyết tật qua đường

Dẫn ban mai khuyết tật có thể là dẫn đứa trẻ khuyết tật và cũng là dẫn cả hành tinh đang bị hủy hoại của chúng ta nữa. Sức mạnh của tưởng tượng thật lạ kỳ.  Hóa ra, vòng tay nhân ái không chỉ có khả năng cứu rỗi con người mà còn có sức mạnh cứu rỗi thế giới.

Dẫn ban mai khuyết tật qua đường là một câu thơ lạ, mới, sáng tạo và rất gợi. Hai từ ban mai đặt rất đắc địa. Nó là tuổi thơ, ban mai của loài người, nhưng nó còn là ban mai của không gian sinh tồn của chúng ta nữa. Một câu thơ rất ảo và lại thực hơn cả sự thực. Bài Trái tim người mẹ, dãn ta đến một đỉnh cao của tình mẫu tử. Người mẹ bị bệnh ung thư hành hạ đau đớn, nhưng không chịu uống thuốc để giữ cho thai nhi được lành lặn. Một bài thơ quặn thắt đau đớn và cao cả biết chừng nào.

Như có hàng trăm mũi dao rạch, xuyên nội tạng

Những cơn đau cắt đi từng khúc ruột

Người mẹ trẻ gồng mình

Vẫn chối từ mọi thứ thuốc

Chị muốn đổi mạng mình để giữ lại đứa con

Tôi sẽ rất thiếu sót khi khép lại bài viết này nếu không nhắc đến có một Lê Văn Vọng trong văn xuôi. Anh đã hai lần nhận Giải văn học Sông Mê Kông với tập truyện ngắn Những ngày không xa và tiểu thuyết Nhịp cầu. Đó là những tác phẩm làm dày thêm đem lại vinh dự cho sự nghiệp cầm bút của anh.

Hà Nội Chủ nhật 14/9/2020

Hữu Thỉnh

Bạn đang đọc bài viết "Thơ Lê Văn Vọng" tại chuyên mục SÂN KHẤU - ĐIỆN ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).