Tiệc trăng máu - Bản phim Việt hóa hấp dẫn

27/10/2020 22:55

Sau lần hoãn chiếu cuối tháng 8 vì dịch Covid-19, “Tiệc trăng máu” - bản phim Việt remake (làm lại) từ bộ phim gốc Italy “Người lạ hoàn hảo” (Perfect Stranger - đạo diễn Paolo Genovese, công chiếu năm 2016) đã chính thức ra rạp kể từ ngày 23-10, mang lại làn gió sinh khí cho phòng vé phim Việt Nam.

Với cú hích từ bộ phim “Ròm” (doanh thu phòng vé gần 60 tỷ đồng, gần gấp 3 lần dự kiến ban đầu), có thể nói nỗi lo khán giả “lười” ra rạp xem phim vì Covid-19 đã không còn nhiều. Giờ đây phòng chiếu sẽ đông đảo người xem trở lại, miễn là có phim hay. Và trong bối cảnh tất cả các phim “bom tấn” Hollywood cùng với một số phim Việt Nam được đầu tư lớn và nhiều kỳ vọng đều dời hẳn lịch chiếu sang năm 2021, thì việc “Tiệc trăng máu” ra rạp ở thời điểm này được xem là nhận được nhiều ích lợi xứng đáng.

Sân khấu - Điện ảnh - Tiệc trăng máu - Bản phim Việt hóa hấp dẫn

“Tiệc trăng máu” sở hữu dàn diễn viên tên tuổi, diễn xuất thực lực

Đó là việc bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng “một mình một ngựa” áp đảo lượng suất chiếu “khủng” tại mọi hệ thống rạp trên toàn quốc, sự quan tâm tập trung đổ dồn từ người xem… Tất nhiên, “Tiệc trăng máu” cũng phải chứng tỏ là một sản phẩm điện ảnh Việt có chất lượng thì mới được các chủ rạp ưu ái tối đa và khán giả nô nức đi xem rồi ủng hộ nồng nhiệt như hiện nay. Dự kiến phim có thể thu về trên 100 tỷ đồng tiền vé. Thành công của “Tiệc trăng máu” sẽ làm thị trường rạp chiếu trong nước khởi sắc sau 7 tháng trời “hẩm hiu” vì dịch bệnh.

Bản Việt hóa hấp dẫn

Là phim làm lại dựa trên phiên bản quốc tế - đặc biệt là bám rất sát phiên bản làm lại của Hàn Quốc từng chiếu tại Việt Nam năm 2019 với tựa đề “Người quen xa lạ” (Intimate Strangers) - “Tiệc trăng máu” vẫn tạo thú vị cho người xem. Công thức kịch bản vốn đã quá thành công và phổ quát toàn cầu giờ lại được “Việt hóa” rất tốt, có gia tăng sự hài hước, duyên dáng và hóm hỉnh. Bối cảnh quay phim dù chỉ diễn ra chủ yếu trong nhà (indoor), thậm chí quẩn quanh trên một bàn tiệc, nhưng khán giả vẫn bị lôi cuốn dõi theo câu chuyện từ đầu chí cuối mà không phút giây nào cảm thấy chán.

Được vậy là nhờ một dàn cast (diễn viên) “trong mơ” mà ai nấy đều có tên tuổi và thực lực: Thái Hòa, Hồng Ánh, Đức Thịnh, Thu Trang, Hứa Vĩ Văn, Kiều Minh Tuấn và Kaity Nguyễn. Nhóm “dream team” này được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cầm trịch khéo léo để phát huy được tố chất, thế mạnh, kinh nghiệm diễn xuất riêng của từng người cho vai diễn của họ, góp phần hòa vào tổng thể chung khá ngọt của bộ phim.

Nhà sản xuất cũng khôn ngoan khi mời thêm dàn “cameo” góp giọng qua điện thoại cũng vốn là những nghệ sĩ nổi danh từ NSƯT Hữu Châu, Hoài Linh đến Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Ninh Dương Lan Ngọc…, tạo thêm dấu ấn truyền thông.

Sân khấu - Điện ảnh - Tiệc trăng máu - Bản phim Việt hóa hấp dẫn (Hình 2).

Vợ chồng Quang - Ánh (Hứa Vỹ Văn - Hồng Ánh đóng) trong phim “Tiệc trăng máu”

“Cuộc nhậu nhân phẩm”

“Chúng tôi “nhậu nhân phẩm” của nhau” - đó là bình luận vui của Hồng Ánh - 1 trong 7 diễn viên trong “Tiệc trăng máu”. Chị lý giải bữa tiệc trong phim không phải để cho các nhân vật “ăn nhậu” hay ăn mừng tân gia như cái cớ trong phim mà có thể ví von theo kiểu “từng người, từng người một” lên thớt. Đó là khi mọi nhân vật đều bị “bóc mẽ, bóc phốt” từ các cuộc gọi, tin nhắn bày ra trước “bàn dân thiên hạ”. Từ đó những bí mật, những “mối quan hệ chồng chéo, éo le” (lời Hồng Ánh) vốn được che giấu bấy lâu trong đời sống riêng tư của từng người bị phát hiện. Như lời thoại trong phim: “Không ai hoàn hảo cả. Mà điện thoại chứa tất tần tật thông tin của chúng ta”, nên khi cuộc chơi công khai nội dung cá nhân diễn ra, những điều phơi bày khiến mọi người ngỡ ngàng, tổn thương, thất vọng và giận dữ.

Diễn viên Hồng Ánh cho biết, chị đã xem tham khảo các phiên bản phim của Italy, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Trung Quốc và phát biểu: “Đây là câu chuyện của tầng lớp trung lưu bước lên thượng lưu trong thời điểm mà tất cả các mối quan hệ xã hội đều bị chi phối bởi công nghệ. Công nghệ đã phơi bày những mặt trái của con người. Khi đọc kịch bản “Tiệc trăng máu”, tôi đã khá đồng cảm và thú vị vì tôi cũng quan sát nhiều gia đình ngoài xã hội hiện nay. Nhìn bề ngoài có vẻ các gia đình, các cặp vợ chồng rất hạnh phúc, thành đạt, thế nhưng ai cũng có vấn đề của họ. Quan trọng là muốn giải quyết nó như thế nào thôi”.

Giễu nhại về đời sống hôn nhân

Đề cập đến việc cặp vợ chồng Quang (Hứa Vỹ Văn đóng) - Ánh (Hồng Ánh đóng) mặc dù là chủ tiệc tân gia song không nổi trội bằng cặp đôi khách mời là vợ chồng nhà báo Phan Bất Bình (Thái Hoà đóng) - cô nàng yêu thơ Thư Quỳnh (Thu Trang) và cặp tình nhân sắp cưới Linh (Kiều Minh Tuấn đóng) - nữ bác sĩ thú y do Kaity Nguyễn đóng, diễn viên Hứa Vỹ Văn lý giải là do “mối quan hệ vợ chồng Quang - Ánh đã lạnh nhạt từ lâu, không tin tưởng công việc của nhau và cũng mâu thuẫn với nhau trong cách nuôi dạy con cái”. Dù vậy, Hứa Vỹ Văn nói: “Tôi tin nhiều người xem phim sẽ thấy hình dáng mình trong cặp nhân vật Quang - Ánh và đồng cảm”.

Diễn viên Hồng Ánh tán thành suy nghĩ trên của Hứa Vỹ Văn và cho rằng, cặp vợ chồng Quang - Ánh “khá tiêu tiểu cho nhiều cặp đôi ở tầng lớp trung lưu Việt Nam”. Hồng Ánh chia sẻ: “Cặp nhân vật Quang - Ánh tuy không nồng nhiệt và cá tính như đôi tình nhân do Kiều Minh Tuấn và Kaity Nguyễn đóng, sự tương phản và sắc riêng cũng không quá nổi bật, nhưng họ vẫn có nghĩa vụ và vị trí riêng trong phim. Gam trầm lặng họ thể hiện cũng là sự khác lạ hòa vào tổng thể chung cho “Tiệc trăng máu” đa dạng”.

Nhà sản xuất phim Phan Gia Nhật Linh lý giải thêm: “Cặp vợ chồng do Hứa Vỹ Văn - Hồng Ánh đảm trách đòi hỏi diễn xuất theo kiểu “cài cắm”, nhẹ nhàng, tế nhị và ít lộ ra bên ngoài nhằm giữ sự kịch tính, bất ngờ (drama) nhất bùng nổ ở cuối cùng”. Kỳ thực vợ chồng Quang - Ánh trong “Tiệc trăng máu” có những mâu thuẫn ngầm rất oái ăm và “cười ra nước mắt”, khiến người xem phải nghĩ ngợi rất nhiều ngay cả khi đã xem phim xong.

Đó là người vợ trong quá khứ từng “ăn cơm trước kẻng”, nhưng giờ lại bằng mọi cách cấm đoán con gái mình “dâng hiến ngàn vàng” cho bạn trai. Đó là người chồng mời bạn bè ăn tân gia ngôi nhà khang trang lộng lẫy, song thực tế đang thiếu nợ khủng và ngân hàng sắp xiết nhà trừ nợ. Đó là người vợ dù chồng làm bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, song lại chọn đi nâng ngực ở bác sĩ khác. Ngược lại, người chồng bị stress nặng nhưng giấu vợ đi chữa bệnh tâm lý một thời gian dài mặc dù vợ anh chính là bác sĩ tâm lý.

Sân khấu - Điện ảnh - Tiệc trăng máu - Bản phim Việt hóa hấp dẫn (Hình 3).

Thu Trang được nhiều lời khen với vai diễn

Diễn viên Thu Trang, người được nhiều khán giả khen ngợi về vai diễn cho biết: “Do đã xem bản gốc nên khi được giao vào vai Quỳnh trong bản Việt hóa tôi thấy rất vui. Nhân vật này giống hình ảnh cam chịu của nhiều phụ nữ Việt trong đời sống hôn nhân. Dù ngoài đời tôi không thuộc tuýp người như vậy, nhưng tôi vẫn nỗ lực đóng vai Quỳnh”.

Nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh cũng phát biểu rằng, “Tiệc trăng máu” là một phim đụng chạm đến các vấn đề người lớn, thậm chí nói về đề tài “nhạy cảm” như tình dục một cách cởi mở hơn. Bởi tình dục là một phần quan trọng trong hôn nhân và gia đình, một phần của cuộc sống và giờ không còn quá cấm kỵ. Quan trọng là phim đề cập một cách tiết chế, giảm nhẹ vài chi tiết nhỏ… Bản phim Việt cũng có đoạn kết thay đổi, làm rõ thông điệp hơn”.

"Tiệc trăng máu" thật cuốn hút với một dàn diễn viên nhập vai rất ý tứ, vừa độ và văn minh. Đạo diễn cũng kiểm soát nhịp rất tốt nên hầu như người xem không hề bị sao nhãng trong hơn 100 phút phim. Bản Việt này tốt hơn hẳn bản Hàn và diễn viên làm tôi thích quá. Một phim thật đáng ra rạp!

Đạo diễn PHAN ĐĂNG DI

“Tiệc trăng máu” đúng là một bữa tiệc thịnh soạn với thực đơn “không thể không ăn”, đủ các món ngon (mặc dù) vật không lạ. Thật xứng đáng khi các thực khách chờ dài cổ để được dùng “tiệc”.

Diễn viên LIÊN BỈNH PHÁT

Theo ANTĐ

Bạn đang đọc bài viết "Tiệc trăng máu - Bản phim Việt hóa hấp dẫn" tại chuyên mục SÂN KHẤU - ĐIỆN ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).