Theo chân Tô Hoài

28/09/2020 16:26

(VHNT) - Phải nói là ông chủ Nhà in và xuất bản Tân Dân, nhà văn Vũ Đình Long đã có “đôi mắt xanh” rất nghề nghiệp để phát hiện và đặt sự tin cậy Tô Hoài trong và sau Con dế mèn (1940).

Sáng tạo một “nhân vật” Dế mèn trong thế giới các sinh vật nhỏ bé giữa thiên nhiên, ở tuổi ngoài 20, Tô Hoài bỗng bộc lộ một tài năng đột xuất về nhiều mặt. Đó là khả năng hóa thân vào sự sống của vật và đồng thời đưa lại cho thế giới vật sự sống của người. Sự chung sống, sự hòa trộn, sự chuyển hóa của hai thế giới đã giúp cho bạn đọc cảm giác mở rộng, nhân đôi các giới hạn sống trong một xã hội tù túng, ngột ngạt.

Ở tuổi 20, ngòi bút Tô Hoài thật đã xiết bao linh hoạt. Quan sát kỹ lưỡng và tinh tế. Ngôn ngữ tự nhiên mà giàu có. Thiên nhiên khoáng đãng mà thơ  mộng. Nhân vật có dáng riêng, giọng riêng và đều sắc nét.

Tuổi ngoài 20 vẫn còn chưa nguôi cái bồng bột, sôi nổi trong các hoạt động của hội, đoàn ái hữu những năm Mặt trận Bình dân mà Tô Hoài tham gia ở một vùng quê có nghề thủ công. Cây bút Tô Hoài đã đưa được vào truyện khát vọng của một tuổi trẻ ham hoạt động và mong một cuộc sống thanh bình trong một thế giới đại đồng. Những chung đụng và trải nghiệm của dế mèn quả đã được miêu tả một cách hồn nhiên theo thế giới tự nhiên, nhưng là một tự nhiên nhuốm ý thức về nhân quần, về xã hội. Mà xã hội, nó là chuyện của con người, của thế giới người...

Văn  - Theo chân Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài. Ảnh Tư liệu

Sau Dế mèn... Tô Hoài tiếp tục đưa chúng ta vào thế giới loài vật, như trong O chuộtChuột thành phố... Và cùng với thế giới loài vật, đó là thế giới người – những người thân, kẻ sơ của tác giả ở một làng quê ven đô, có tên Nghĩa Đô, kề với Kẻ Chợ, gắn với Kẻ Chợ.

Cảnh và người một vùng quê sống bằng nghề canh cửi hiện lên thật linh hoạt trong các trang văn Tô Hoài.

Tình yêu và niềm vui tuổi trẻ nơi một cái làng quê có nghề tơ cửi thường sóng đôi trong truyện Tô Hoài để tạo nên một dư vị lãng mạn nhẹ nhàng. Nhưng rồi niềm vui ấy cũng dần dần phôi pha vì cuộc sống đầy những lo toan và khó khăn thời cuộc ngày một đè nặng.

Hồi ký Cỏ dại kể một chuyến hành hương ra thành phố của chính tác giả, trong vai Cu Bưởi. Cu phải rời quê, xa ông bà ngoại, mẹ và các dì để ra tỉnh (chỉ cách làng dăm bảy cây số). Bao là bồi hồi, ngơ ngác trong tâm trạng cậu bé lần đầu được ra thành phố... trọ học. Nhưng mọi tấp nập, rộn rịp của phố phường không sao khiến cậu nguôi khuây được nỗi nhớ nhà. Và việc học chẳng thấy đâu, chỉ thấy cậu hàng ngày phải lo chỉ mỗi việc: cọ đi cọ lại mỗi một đôi giày, rửa mãi mấy cái chai, và vần ra vần vào một cái lốp ô tô... Cuối năm, áp Tết, cu mới được trở về nhà với cái đầu hắc lào mốc trắng.

Ấy là một cái nhìn về thành phố ngộ nghĩnh mà sắc nét qua cách nhìn trẻ thơ. Một cái nhìn đượm buồn. Quả, với Tô Hoài, không đi đâu, và ở bất cứ lứa tuổi nào mà thoát được cái buồn “định mệnh” ấy.

Dấu ấn phong tục vẫn là nét nổi trội trong văn Tô Hoài qua tập truyện Nhà nghèo và các tiểu thuyết Giăng thề, Quê người, Xóm Giếng... Thế nhưng sau cái bề mặt phong tục gần như không đổi ấy là một dòng sống tuôn chảy ở phía sâu – nó là sự phôi pha, sự tàn lụi của những số phận, những kiếp người. Ở đây, gốc rễ của mọi bần hàn, quẫn bách là do sự suy thoái chung của nền kinh tế thuộc địa. Là chuyện hàng Tây, hàng Tàu bóp chết hàng ta; đưa tới hàng họ ế ẩm, người làm hết việc, thất nghiệp. Rồi nghèo đói. Thảm cảnh nghèo đói ùa vào mọi nhà, rồi loang ra cả làng, cả vùng không trừ ai. Không việc làm, không có cái ăn rồi sinh ra trộm cắp. Rồi phải bán đất, bán nhà. Rồi phải bỏ làng mà đi. Cả một vùng quê tiêu điều rồi tàn tạ. Và tàn tạ rất nhanh. Tổng thể bức tranh Quê người là một sự tàn tạ và sụp đổ như chính cái xà ngang của ngôi nhà ọp ẹp bị gục đổ ở cuối truyện. Quê người, “đất khách quê người” là hệ quả tất yếu đưa tới những cuộc đi. Đi, vào nước Sà Goòng, “nghe nói làm ăn dễ lắm”. Đi đăng lính. Đi ra mỏ. Đi xa hơn, phu mộ vào các đồn điền. Đi Tân thế giới.

x

x    x

Cách mạng tháng Tám thành công, Tô Hoài có ngay truyện vừa Vỡ tỉnh đăng liền 3 kỳ báo Tiên phong (tháng 9-1946). Câu chuyện được Tô Hoài viết sau Cách mạng tháng Tám nhưng mạch đời Vỡ tỉnh cũng vẫn là sự tiếp nối của Cỏ dại, Giăng thề, Quê người... Dẫu sao, sự đổi đời của dân tộc sớm muộn rồi cũng làm thay đổi cảm quan nghệ thuật Tô Hoài. Nhà văn gốc Hà Nội, quen thuộc và quanh quẩn nơi một vùng quê ngoại thành, rồi sẽ khởi động một cuộc đi lớn, một hành trình dài theo kháng chiến và theo đất nước, để thuộc vào đội ngũ hàng đầu nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau 1945. Những cuộc đi, rồi sẽ trở thành niềm vui thích, sự đam mê của ông. Để, như sau này ta sẽ thấy, ông là một trong số ít người đi rất nhiều và rất khoẻ. Để, vừa đi vừa viết; không có cuộc đi nào mà ông không có cái viết; đi rồi viết và viết rồi đi; viết trong và sau khi đi; viết xong lại viết tiếp; và cứ thế không lúc nào ngưng nghỉ, cho đến tuổi 60, 70, rồi 80, 90...

Là phóng viên báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh, Tô Hoài có mặt ở Vĩnh Yên, Việt Trì - nơi chính quyền cách mạng phải đối phó với các mưu đồ chống phá của Quốc dân đảng. Rồi vào mặt trận phía Nam, đến Nha Trang, lên Tây Nguyên. Từ đó mà có Nhớ quê, Lên Củng Sơn... Đầu kháng chiến, Tô Hoài trở lại mặt trận chung quanh Hà Nội. Giữa 1947, Tô Hoài lên Việt Bắc... Từ đây bắt đầu một dòng chảy mới và lớn trong nguồn văn Tô Hoài, để có Núi Cứu quốc, Ngược sông Thao, Chính phủ tạm vay, Xuống làng...

Từ 1952, trở về Hội văn nghệ Việt Nam, theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, Tô Hoài đi sâu vào các khu du kích của các dân tộc Mường, Dao, Thái trắng ở Bản Thải và Ngọn Lao thuộc châu Phù Yên, rồi qua khu du kích 99 sang Trạm Tấu, lên Tú Lệ, lên châu Than Uyên, châu Quỳnh Nhai, qua châu Tuần Giáo, vào châu Điện Biên. Rồi lại từ các khu du kích dân tộc H’mông xuống những vùng mới giải phóng, các làng dân tộc Thái trên cả bốn cánh đồng phì nhiêu của Tây Bắc.

Đây là cái vốn lớn để Tô Hoài viết Truyện Tây Bắc (1953), và Miền Tây (1968); hai đỉnh cao, đoạt hai giải thưởng lớn trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn.

Vậy là một chu trình sống mới – cách mạngkháng chiến đã vào văn Tô Hoài, sau cái thế giới nhân vật đã quá quen thuộc với ông ở làng quê Nghĩa Đô. Vậy là, đã đến với ông không chỉ là các khoảng rộng mà còn là những tầm cao của đất nước và con người; để cùng với nó, bạn đọc dần dần nhận ra một Tô Hoài mới. Mới, không phải chỉ ở đề tài, mà còn ở trong bút pháp, giọng điệu. Sự chia sẻ, sự đồng cảm, những rưng rưng xúc động và những niềm vui tin đã làm ấm lên nhiều trang văn Tô Hoài, thay cho cái nhìn ngộ nghĩnh, khinh bạc và đượm buồn trước 1945.

Đề tài vùng cao Tô Hoài vẫn còn tiếp tục sau Miền Tây, với Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ (1971), rồi Họ Giàng ở Phìn Sa (1984), Nhớ Mai Châu (1988). Rõ ràng nhà văn vẫn theo đuổi nó với một kiên nhẫn và hứng thú không nản mỏi, trong khi nhiều cây bút người Kinh khác như Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Phượng Vũ... đã bỏ cuộc, và nhiều cây bút người dân tộc lớp lớp đã trưởng thành. Dường như vẫn khắc khoải trong ông niềm mong muốn giải đáp những bí ẩn nào đó nơi mảnh đất biên cương dẫu xa xôi mà vẫn gắn rất sâu với cộng đồng dân tộc. Tính đến Nhớ Mai Châu, cuốn sách trở lại chất liệu xứ Mường thời kỳ đầu cách mạng, trong giành giật, xâu xé giữa Pháp – Nhật và Tàu Tưởng để biến mảnh đất này thành căn cứ địa phản động xuyên Á, Tô Hoài đã có chẵn 40 năm chung thuỷ với một đề tài. Thế nhưng, vào cuối những năm 1980, và đầu những năm 1990, Tô Hoài đã bước vào tuổi 70 “xưa nay hiếm”, cái tuổi buộc ông phải tính toán, để chuyển dần cảm hứng viết sang một mạch nguồn khác – mạch của hồi ức, chân dung và kỷ niệm, cùng với những miền sống thân thuộc - đó là Hà Nội trong cả hai chiều: quá khứ, hiện tại và một ít nhe nhắm tương lai của nó.

x

x    x

Khó mà nói trong các nguồn mạch làm nên dòng sông chữ nghĩa nơi văn Tô Hoài mạch nào là chìm, mạch nào là nổi. Có chìm và có nổi, nhưng nổi hoặc chìm vẫn đều dồi dào trữ lượng và mang sự sống riêng, sự sống Tô Hoài. Có sự sống dường như ông đã phải nỗ lực để nắm bắt nó, như sự sống ở vùng cao. Có sự sống lại tự nhiên mà đến, tự nhiên mà có, dường như không cần đến một nỗ lực nào, như từ nguồn nước chảy ra là nước. Tôi muốn nói đến một mảng đề tài Hà Nội – ngoại ô, quê ông; cũng trong bối cảnh đó là sự sống động của những kỷ niệm, những chân dung, những phần đời, sôi nổi hoặc tẻ nhạt, nghiêm trang hoặc ngộ nghĩnh, hanh thông hoặc trắc trở của tác giả. Tôi chú ý thời điểm 1992, khi Tô Hoài đã ở tuổi ngoài 70. Ấy là tuổi đã quá đủ, quá thừa cho việc nhận rõ về mình. Từ tuổi 72 với Cát bụi chân ai, in năm 1992, cho đến tuổi 79 với Chiều chiều, in năm 1999 – ấy là sự trở về trọn vẹn của Tô Hoài với những miền thân thuộc. Hai cuốn sách cách nhau 7 năm, gần như là sự tiếp tục và xen cài nhau trên từng mảng hồi ức và kỷ niệm của nhà văn, gắn với bối cảnh Hà Nội trên hai chiều không gian, thời gian được mở ra khá rộng theo đường đời và sự nghiệp viết của Tô Hoài.

Đọc Cát bụi chân ai, rồi đọc Chiều chiều, người đọc luôn luôn được cuốn hút bởi những gì mới mẻ, không trùng lặp, không nhạt mờ, không kém sút trong cái kho kỷ niệm của nhà văn. Chẳng cao giọng, cũng chẳng cần phải ra bộ khiêm nhường, Tô Hoài cứ tự nhiên mà kể về những gì mình từng biết, từng trải. Trên cái kho ít thấy dấu hiệu vơi cạn đó, Tô Hoài cứ nhẩn nha dắt bạn đọc cùng đi với mình, đến những gì lạ mà quen, hoặc quen mà lạ. Và chính với khả năng hoán đổi vị thế ấy mà làm nên sức hút của văn hồi ức Tô Hoài. Lạ chứ, chuyện ca sĩ Trần Khánh – nghệ sĩ nội thành, công chức lưu dung(1), người hát cực hay mà chưa học hát bao giờ, lại lận đận vì “lý lịch”, lên sàn diễn, hai đứa con ngồi chầu hẫu phía trước, rối rít huơ tay đánh nhịp theo bố... Cũng chẳng kém lạ, Nguyên Hồng với món nem đặc biệt làm bằng rau đàn bà đẻ, sốt sắng đãi Tô Hoài, bởi “cái thằng xơi được bọ hung thì nó còn từ cái gì!”. Cũng Nguyên Hồng với hành trình Nhã Nam – Hà Nội trên yên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô không phanh, màu xanh rợ cùng bộ râu xum xuê một cách khác thường ở tuổi 50, bởi manh-xơ-lam (dao cạo râu) là thứ hàng lúc này còn rất hiếm. Về Nguyễn Tuân với cái “tái bút” trong bức thư gửi Tô Hoài nói chuyện ong đốt mà làm bận rộn cho những người làm công việc “theo dõi”... Lạ thế, nhưng  mà quen trong khí hậu văn nghệ một thời. Quen trong tính cách những nhân vật “nổi tiếng”, những nhân vật thường được người đời quan tâm và dệt nên bao giai thoại.

Tôi đọc Cát bụi chân ai, rồi đọc Chiều chiều, với hứng thú không giảm, nếu không nói là còn tăng. Ấy cũng là sự lạ trong cái chu trình nói chung của nghiệp văn. Chẳng phải là cá biệt việc  những tập hai, tập ba sút hẳn đi trong sức viết, khiến cho những bộ sách nhiều tập, vào bất cứ thời gian nào ở ta, cũng đều gây ngờ vực. Còn với Tô Hoài, đọc xong Chiều chiều tôi vẫn cảm thấy ông còn trường vốn để viết. Còn bao khoảng sống mà ông chưa viết, hoặc chưa viết kỹ. Để rồi sau Chiều chiềuCái áo tế, là Giấc mộng ông thợ dìu. Không kể Ba người khác, phải sau hơn 10 năm mới có thể in ra. Tất cả đều cho ta sống tiếp những cuộc đời thường, những mảnh đời thường mà thiếu nó, khó mà hình dung được với sự rõ nét và thú vị đến thế về những ngày sống của ta và những người quanh ta trong cái thế kỷ XX đầy những sự kiện sôi động này.

Ở quãng giữa Cát bụi chân aiChiều chiều này Tô Hoài còn cho in hai tập Chuyện cũ Hà Nội (1998) ngót 600 trang, kể 106 chuyện liên quan đến Hà Nội xưa và nay. Nhiều chuyện nghe cái tên đã thấy ham đọc, và quả là cầm đến sách tôi không thể ngưng đọc. Ở nhiều chuyện cứ vừa đọc vừa cười tủm một mình. Ấy là những chuyện cũ Hà Nội có gốc gác từ xa xưa, gần nhất là từ đầu thế kỷ: Phố Mới, Băm sáu phố phường, Phố nghề, Phố và làng, Chợ, Kẻ Chợ... Rồi Tàu điện, Xem phim, Cúp tóc, Hát ả đào, Cái xe đạp... Hoặc chuyện cũ và mới: Nem Sài Gòn, Chả cá, Bia, Bánh cuốn, Rau thơm, Cơm đầu ghế, Cháo, Phở...

Xem Chuyện cũ Hà Nội càng thấy cái kho chuyện trong trí nhớ của Tô Hoài thật đầy, có dễ không kém gì cái kho ở Nguyễn Công Hoan...

Đề tài Hà Nội trong một quá khứ sâu hơn cũng là câu chuyện Tô Hoài theo đuổi lâu dài. Từ Mười năm mà ngược lên Người ven thành, Câu chuyện bên bờ Đầm Sen cửa miếu Đồng Cổ, rồi Kẻ cướp bến Bỏi... Khỏi phải nói đến sự dụng công của Tô Hoài trong tra cứu các thư tịch để cho cuộc sống đạt được khuôn mặt lịch sử mà không tuỳ tiện, bịa đặt. Khỏi phải nói niềm ham say tìm kiếm sự gắn nối giữa cái chung và cái riêng để đạt được một hoà sắc độc đáo về cái chất “người ven thành”...

x

x    x

Trước 1945, chỉ trong khoảng thời gian trên dưới 30 năm, đời sống văn chương là sự tiếp nối của nhiều thế hệ viết, nhiều kiểu người viết khác nhau, kể từ Phan Bội Châu đến Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách...; để từ sau Hoàng Ngọc Phách mà đến Tự lực văn đoàn. Tự lực văn đoàn rực rỡ đến thế cũng chỉ ở ngôi trong dăm năm, rồi nhường chỗ cho các kiện tướng của trào lưu hiện thực: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng... Lại dăm năm tiếp, sau lừng lẫy của những tên tuổi trên mà xuất hiện Tô Hoài, Nam Cao cùng với Kim Lân, Bùi Hiển, Nguyễn Đình Lạp, Mạnh Phú Tư. Tô Hoài, đứng bên Nam Cao với một diện mạo riêng, đủ sức làm nên một cuộc chạy tiếp sức cho đến 1945. Rồi, cũng vẫn Tô Hoài, thật sự dẻo dai trong hơn 60 năm tiếp theo, tính từ sau 1945 cho đến ngoài năm 2000, rồi áp sát vào đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Cuộc đi này mới thật là dài, những 12 lần hơn trước 1945. Nó không còn là cuộc chạy thi, mà là cuộc đi đường trường, có lúc gấp gáp, có lúc nhẩn nha qua rất nhiều chặng, cùng với bốn, năm thế hệ người viết và với thế giới nhân vật khó nói hết sự đông đúc của nó trong không gian và thời gian. 94 năm tuổi đời, hơn 70 năm tuổi nghề – tính cả trước và sau 1945, một hành trình thật là dài trong tương ứng với đời người, cho đến tuổi 80, rồi ngoài 90 – khi tôi viết  bài này, với trước mặt, những tựa sách vừa in, cùng bao là tựa sách đã và sẽ còn tái bản, kể từ Dế mèn phiêu lưu ký, tôi thấy Tô Hoài vẫn đang trong một hiện diện tròn đầy như chưa hề ngưng nghỉ. Chưa hề bỏ cuộc, càng không lúc nào thua cuộc, Tô Hoài vẫn là người cùng thời với bao thế hệ người viết và người đọc, trong hơn hai phần ba thế kỷ./.

GS. Phong Lê

Bạn đang đọc bài viết "Theo chân Tô Hoài" tại chuyên mục VĂN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).