Sâu tre béo mẫm, muốn ăn thì phải giành giật

19/09/2020 17:14

Những con sâu tre (sâu măng) màu trắng muốt, dài bằng hai đốt ngón tay bò lúc nhúc được đem chiên giòn tan cùng lá chanh đang là món ăn khoái khẩu của người Hà Nội, dù giá lên đến nửa triệu đồng/kg.

Vừa điện thoại báo cho đầu mối trên Sơn La lấy 40kg sâu tre rừng để về trả đơn cho khách lẻ đã đặt trước đó, chị Cù Thị Hải Phương - đầu mối bán đặc sản Tây Bắc ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - cho biết, chị đã bán sâu tre (sâu măng) được 3 năm nay. Vào độ tầm thu, khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10, khi đến tỉnh Sơn La bạn sẽ thấy khung cảnh tấp nập của những người dân tộc Thái lên rừng "săn sâu". Đây là thời điểm sinh trưởng nhiều và sâu có độ lớn hợp lý nhất để chế biến thành món ăn. Loài động vật này có chiều dài tầm 2 đốt tay, thân không quá tròn mà thon thon.

Thời điểm này hàng năm bắt đầu rộ, sâu lớn đúng độ vào mùa sinh sôi nảy nở, béo mập. Người dân ở những vùng núi ở Sông Mã, Mai Sơn... (Sơn La) thường vào các khu rừng tìm những cây tre có biểu hiện héo ngọn, đốt tre bị co rúm, ngắn lại khác thường thì chặt những đốt ấy ra sẽ thấy cả đàn sâu tre màu trắng lúc nhúc bên trong.

Tin tức - Sâu tre béo mẫm, muốn ăn thì phải giành giật

Theo chị Phương, sâu tre là đặc sản rừng ở Sơn La, có màu trắng, thân to bằng đầu đũa, dài bằng 2 đốt ngón tay, khá giống sâu chít. Tuy nhiên, sâu chít dân mua về để ngâm rượu, còn sâu tre để xào nấu ăn như các loại thực phẩm khác. Món phổ biến nhất là sâu tre rang lá chanh, làm nộm hoa chuối. Khi ăn sẽ thấy sâu thơm ngon, béo ngậy.

“Sâu tre được khai thác hoàn toàn tự nhiên tại các khu rừng tre ở Sơn La, không phải là hàng nuôi trồng nên rất sạch. Song giá loại sâu này tương đối đắt đỏ. 1 kg sâu tre hàng cấp đông có giá 550.000 đồng, hàng tươi giá 600.000 đồng”, chị nói.

Cả hàng cấp đông hay hàng tươi, nếu khách muốn ăn đều phải đặt trước 1-2 ngày. Bởi, một tuần chị chỉ nhập sâu về khoảng 3 lần, lượng hàng nhập về vừa đủ để trả cho khách.

Tuần trước, tổng lượng nhập lên tới 1,3 tạ sâu tre. Hôm nay đầu tuần, chị vừa báo lên đầu mối trên Sơn La lấy 40kg, chiều tối họ gửi hàng thì sáng sớm hôm sau chị ra bến xe nhận để kịp trả cho khách, chị Phương chia sẻ.

Tin tức - Sâu tre béo mẫm, muốn ăn thì phải giành giật (Hình 2).

Đối với ai lần đầu gặp sẽ e dè sợ hãi nhưng với người dân Tây Bắc, sâu tre lại là món ăn vô cùng thơm ngon. Họ có thể chế biến nguyên liệu này thành sâu chiên, sâu tre hấp... tuy nhiên hấp dẫn và trở thành đặc sản thì phải kể đến sâu tre xào lá chanh. Hương vị độc đáo, khác lạ này đã khiến nhiều thực khách mê mẩn ngay từ lần đầu thưởng thức.

Trước khi chế biến, người ta sẽ rửa thật kĩ sâu tre cùng với muối để loại bỏ chất bẩn. Đợi chúng ráo nước, trộn nguyên liệu này cùng với nước mắm và gia vị để cho thật ngấm. Tiếp đến khử sâu cùng dầu nóng cho đến khi chín vàng thì cho thêm lá chanh xắt nhỏ để làm dậy lên mùi thơm lừng kích thích. Ngất ngây với cái giòn tan, béo ngậy lan tỏa trong miệng. Hòa lẫn vào đó là mùi thơm dịu nhẹ, tinh tế của chanh làm tăng thêm độ kích thích. Tiết trời Tây Bắc vào thu se lạnh, nhấm nháp cảm giác tê tê nơi đầu lưỡi cùng cái bùi bùi, béo béo thì còn gì đặc sắc hơn.

Trung Hưng

Bạn đang đọc bài viết "Sâu tre béo mẫm, muốn ăn thì phải giành giật" tại chuyên mục XÃ HỘI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).