Rainer Maria Rilke: Một đỉnh cao của thi ca nước Áo

01/09/2020 15:21

Xét chung về toàn bộ sự nghiệp sáng tác, về ảnh hưởng tích cực đối với các thế hệ nhà thơ trẻ tuổi, R.M.Rilke được đánh giá là bậc thi hào vĩ đại nhất. Một nhà nghiên cứu văn học châu Âu nhận xét: Có lẽ chỉ có William Buttler Yeats, nhà thơ người Anh (1865-1939),...

Văn  - Rainer Maria Rilke: Một đỉnh cao của thi ca nước Áo

Có một vị trí và vai trò lớn lao như thế, nhưng thơ Rilke chưa được giới thiệu nhiều ở Việt Nam. Thật ra, để làm tốt việc này, các nhà nghiên cứu và dịch giả phải có một tầm văn hóa rất cao - ở đó hòa quyện sâu sắc các yếu tố triết học nghệ thuật và văn học mà Rilke đã dày công tích lũy trên đường đời và bởi một vốn sống vô cùng phong phú do ông đã trải qua những năm sinh sống, lao động, tiếp xúc trong các cuộc hành trình ở nhiều nước: Tiệp Khắc, Thụy Sĩ, Đức, Áo, Nga, Pháp, Ai Cập, Italia, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bắc Phi… Thơ Rilke - như chính ông nói - mang đậm nét dân ca, giàu nhạc tính, có một vẻ buồn man mác, đầy mộng mơ… Và ông thú nhận: “Lối sống của người Boehmen làm rung động tâm hồn tôi, chúng đồng điệu trong tim tôi”. Cái nền là lối sống của người dân trên cả vùng rộng lớn ấy, nhất là Tiệp Khắc - nơi mà ông cũng như văn hào Franz Kafka ra đời, lớn lên; là nước Đức với những nhà triết học mà ông chịu ảnh hưởng sâu sắc là Schopenhauer; Nietsche, với thi hào Goethe vĩ đại mà ông dành nhiều thời gian nghiên cứu; là nước Nga mà ông rất yêu thích đời sống và nhân dân ở đây trên quan điểm tôn giáo và thần bí, với đại văn hào Lew Tolstoi mà ông đã gặp gỡ ở Matxcơva năm 1899 và thi sĩ tài hoa Boris Pasternak mà ông vui mừng được tiếp xúc năm 1900 ở Sank Peterburg… Qua tác phẩm đồ sộ của ông, bao gồm hàng chục thi phẩm đặc sắc, các truyện ngắn, tiểu thuyết, các tiểu luận về văn hóa, văn học - nghệ thuật, các bản dịch văn học, cùng 1800 bức thư ông viết cho người thân và bạn bè, ta thấy nổi bật lên âm hưởng, nhạc tĩnh, nét buồn mộng mơ của cả một thời đại.

R.M.Rilke, tên khai sinh là: Rene Karl Wilheln Johann Josef Maria Rilke. Trong 6 năm đầu đời, ông phải đóng vai một bé gái để lấp chỗ trống vắng và nỗi đau đớn của người mẹ sau khi người chị của Rilke được sinh ra thì đã chết chỉ sau vài tuần lễ. Qua các tấm ảnh để lại, ta thấy Rilke phải để tóc dài và mặc váy áo như bất cứ bé gái nào khác.

Có điều, ngay từ bé, Rilke tỏ ra có năng khiếu về thơ ca và hội họa. Thế nhưng, bố mẹ lại ép cậu đi học ở một trường quân sự thuộc xứ Poelten để chuẩn bị tiến thân bằng con đường binh nghiệp. Tuy nhiên, cậu bé 10 tuổi ấy quá ốm yếu và nhút nhát đã không thể vượt qua môi trường của những thanh, thiếu niên mạnh mẽ. Rilke chuyển sang học trường thương mại ở Linz, nhưng rồi, chẳng bao lâu sau lại phải bỏ học vì không chịu nổi mối tình quá nồng nhiệt của một cô gái lớn tuổi hơn. Thế là, con đường quân sự và kinh tế đều không mở ra triển vọng nào cả.

Rilke trở về Prala, học ngữ văn, lịch sử nghệ thuật và triết học ở trường Đại học tổng hợp Karl; một năm sau chuyển sang học luật tại trường Đại học tổng hợp Ludwig - Maximilan ở München.

Đến tuổi trưởng thành, sức khỏe dần dần khá lên, Rilke bắt đầu đi thăm Italia, tiếp xúc và kết bạn với một số họa sĩ. Đó cũng là dịp chàng thanh niên học hỏi thêm các khía cạnh mỹ thuật, mở rộng những cảm nhận về hội họa và gắn với thơ ca, văn học, trở thành một thi sĩ say mê thiên nhiên, loài vật và đồ vật, càng ngày càng có thiên hướng nghiên cứu sâu hơn về thế giới nội tâm của con người.

Tháng 5/1897, tại thành phố München, Rilke gặp và yêu Lou Andreas- Salome, một nữ trí thức, một nhà nghiên cứu văn học. Chính Lou đã đổi tên Rene thành Rainer cho Rilke, vì bà quan niệm rằng cái tên Rainer phù hợp với một nhà văn nam giới hơn. Mối tình giữa hai người chỉ kéo dài 3 năm, nhưng cho đến khi qua đời, Lou Andreas- Salome vẫn là một người bạn gái ân cần mà Rilke gọi là “một người tư vấn quan trọng nhất”. Chính Sigmund – Freud, trong điếu văn đọc tại lễ tang Lou Andreas- Salome, đã nhấn mạnh: “Đối với nhà thơ lớn nhưng thường gặp cơ nhỡ Rainer Maria Rilke, bà là người dành trọn niềm an ủi, khích lệ lớn và tỏ ra như một người mẹ vô cùng chu đáo”.

Cuộc đời R.M.Rilke không dài, chỉ vẻn vẹn 51 năm, đã qua đời tại lâu đài Muzot im Wallis do bệnh bạch hầu. Nhưng, như đã nói, ông để lại cho hậu thế một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, được cả châu Âu và châu Mỹ hết sức hâm mộ, đánh giá cao, đầy cảm phục những bài thơ tuyệt diệu, dạt dào tình cảm… Ông coi thơ là “một thứ tôn giáo, là cứu cánh của cuộc sống” và chính điều này giúp ông thoát ly được tình trạng cô đơn, buồn thảm, hoang mang, băn khoăn về cuộc đời và cái chết, chán ngán trật tự và sự tầm thường của xã hội tư bản ở thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, căm ghét chiến tranh vô nhân đạo…

Theo thống kê, riêng về thơ, ông đã cho xuất bản ngót 20 tác phẩm bằng tiếng Đức, 7 tập bằng tiếng Pháp. Nói đến thơ Rilke, không thể không nhắc đến các tập: Sonnette gửi thần Orpheus (1923) gồm 55 bài thơ ca ngợi Orpheus; Thơ sầu viết ở Duino (1923) là tập thơ gồm 10 bi ca viết theo thể tự do đề cập cái vĩ đại, cái trinh nguyên nơi trần thế để các thiên thần thấu hiểu lòng người.

Một vài công trình nghiên cứu khác cho biết: ngay trong những năm cuối đời, Rilke đã sáng tạo những bài thơ còn “tuyệt tác hơn” cả hai tập thơ nói trên. Những bài thơ này, sau gom thành ba tập, với những tên gọi đơn giản: Thơ phần I, Thơ phần II và Thơ phần III. Đó là những bài thơ gọt rũa công phu, cô đọng, được xếp ngang hàng với những bức tự họa của Rembrandt, những họa phẩm về đạo (pietas) cuối cùng của Michelangelo. Nhưng, sự cảm xúc và tính huyền bí ở Rilke còn lắng sâu hơn hai nghệ sĩ lừng danh này. Một nhà nghiên cứu nhận định: Cái thiên tài đáng kinh ngạc của Rilke phát sinh trước cả khi ông ý thức được thế nào là tài hoa và trước cả khi ông tìm được khuynh hướng diễn tả thích hợp. Những tác phẩm dạt dào tình cảm, đẹp rực rỡ trong thơ 25 năm đầu đã bị Rilke về sau gạt bỏ một phần, ấy là vì ông dần dần tỉnh ngộ và kinh ngạc trước những cảnh sinh hoạt, bao la của con người ở nước Nga năm 1900, và nhất là khi tới Paris, ông đã chịu ảnh hưởng của Rodin về cách nhìn nhận sự vật, phương pháp mô tả sự vật của đời sống hiện thực.

Cũng từ các tác phẩm của Shakespeare, ông hiểu rằng, cuộc đời không nằm trong vòng tình cảm ích kỷ và tín ngưỡng riêng tư. Từ một người chỉ biết ước đoán, Rilke đã trở thành người biết nhìn thấy, và ông biết diễn tả, biết viết về những loài vật, những pho tượng, những gương mặt cổ điển hoặc kinh thánh, cây cối, lá hoa, nhà cửa, những người nghèo khổ, thiên thần, cuộc sống, nỗi đam mê, tuổi thơ, khung cảnh lịch sử, hiện tại, linh hồn những người đã chết và chết chóc... Thơ Rilke không giảng giải cho chúng ta cách cảm xúc mà nó làm cho chúng ta xúc động. Thơ Rilke đã mở rộng các giới hạn nhận thức con người bằng một thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới lạ. Ông có sự nhận thức và sự sáng tạo vượt qua tất cả các tác giả khác ở Áo, ở Đức trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Điều này cũng thể hiện trong văn xuôi của ông, mà rõ rệt nhất là trong tác phẩm Sách cầu kinh gồm 3 tập: Cuộc sống tu sĩ, Hành hương, Sự nghèo khổ và cái chết… Ngoài ra là tác phẩm Những ghi chép phác họa của Malte Lauridis Beigge, một tiểu thuyết trữ tình mang tính chất tự truyện về một nhà thơ Đan Mạch - nhân vật chính có vai trò như Werther của Goethe trong Những nỗi đau của chàng Werther.

Trong 1800 bức thư mà Rilke viết cho bạn bè và người thân, có hàng loạt bức thư gửi những người làm thơ trẻ với những lời căn dặn đầy tâm huyết mà ở Việt Nam ta cũng từng có dịp giới thiệu. Chính Văn Cao, khi còn sống, đã nói: “Sáng tác và những lời căn dặn của Rilke đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động nghệ thuật của tôi”, tương tự như lời Nguyễn Đình Thi hằng tâm sự: “Tôi chịu ảnh hưởng âm nhạc của Beethoven trong sáng tác ca khúc và văn chương”. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh cho biết: trong kháng chiến chống Pháp, khi hoạt động ở Liên khu IV, ông đã dịch và giới thiệu các suy nghĩ về thơ của R.M. Rilke.

Trong khu vực các nước nói tiếng Đức và các nước lân cận, hiếm có nhà thơ ở đầu thế kỷ XX được tôn vinh, ca ngợi và phổ biến rộng rãi như Rilke. Thơ ông được phổ nhạc, được trình diễn trên sân khấu suốt từ khi ông qua đời tới nay. Tên ông được đặt cho nhiều đường phố, trường học. Ngày 7 tháng 12 năm 2011, tại trung tâm thủ đô Praha, trước tòa nhà vốn là trường dạy tiếng Đức, đã dựng lên tấm bảng lớn kỷ niệm Rilke cùng bức tượng đồng cỡ lớn của ông, do bà Vlasta Prachaticka - một nhà điêu khắc nổi tiếng thực hiện. Từ 7 tháng hai đến 31 tháng ba năm 2018 đã diễn ra một cuộc trưng bày hiện vật và tác phẩm của Rilke tại Bảo tàng Văn học Matxcơva và cách đây một năm là cuộc triển lãm Rilke ở Bremen thu hút sự quan tâm và lòng yêu mến của đông đảo bạn đọc châu Âu. Một điều cần nói nữa là tác phẩm của Rilke, ngót một thế kỷ qua, được nhiều nước in đi in lại, trong đó có những tuyển tập dày hàng ngàn trang. Trong Tổng tập thi ca bằng tiếng Đức (từ thế kỷ XV đến nay) giữa hàng trăm thi sĩ lừng danh, Rilke được nhà biên soạn xuất sắc, Giáo sư Canrady, dành cho một vị trí khá đặc biệt, với lời giới thiệu trân trọng và trên 10 trang lớn in các bài thơ và trường ca tiêu biểu của nhà thơ R.M.Rilke - đỉnh cao của nền thi ca nước Áo. Chùm thơ và trường ca ấy được mở đầu bằng bài “Vô đề” phảng phất một tuyên ngôn của nhà thi sĩ lỗi lạc:

“Tôi sống cuộc đời tôi trong những vòng quay lớn

Không ngừng quay trên mọi vật của đời

Những vòng quay cuộc đời… còn vượt nổi không đây?

Nhưng sẽ gắng, bao giờ tôi cũng gắng…

Tôi đi vòng quanh Đức chúa trời, vòng quanh

ngọn tháp tự ngàn xưa

Đã nghìn năm rồi, tôi đi vòng quanh như thế

Vẫn chưa hiểu ra: Tôi là chim ưng hay là bão tố

Hay một khúc ca vĩ đại thế gian này?”

Theo Báo văn nghệ

Bạn đang đọc bài viết "Rainer Maria Rilke: Một đỉnh cao của thi ca nước Áo" tại chuyên mục GIAO THÔNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).