NSNA Trần Thế Phong lưu lại kí ức Sài Gòn trong dịch Covid-19

03/10/2020 16:54

Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh vừa khai mạc triển lãm và ra mắt tập sách ảnh song ngữ Việt - Anh "Sài Gòn Covid-19" của NSNA Trần Thế Phong. Đây là triển lãm ảnh lần thứ 14 và là tập sách ảnh thứ 9 của nhiếp ảnh gia người Sài Gòn.

Với 101 tác phẩm được chọn lọc từ hơn 2.000 file ảnh để đưa vào tập sách, Trần Thế Phong mong muốn gửi đến người xem những hình ảnh của một Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh những ngày giãn cách với khung cảnh thanh vắng, diễm lệ và những nghĩa tình khi cả xã hội cùng chung tay chống dịch.

Nhiếp ảnh - NSNA Trần Thế Phong lưu lại kí ức Sài Gòn trong dịch Covid-19

NSNA Trần Thế Phong tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Tiến Dũng

Sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh, đề tài được nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong theo đuổi xuyên suốt nhiều năm qua chính là nhịp sống của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Chia sẻ về cuốn sách ảnh mới nhất, Trần Thế Phong cho biết, lần đầu tiên, sau hơn 50 năm cuộc đời, anh đã thấy một Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh rất khác: “Một thành phố vốn nhộn nhịp, sầm uất là thế bỗng trở nên vắng lặng, yên tĩnh đến lạ.

Trong sự vắng vẻ đó nổi bật lên những số phận con người, có chút gì đó lo âu, nhưng tựu trung lại vẫn là niềm tin lạc quan dù có khó khăn, có đối mặt với khủng hoảng vì dịch bệnh thì người dân Thành phố vẫn tin tưởng, đoàn kết tuân thủ các chỉ thị giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm các nguyên tắc an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Một Sài Gòn thật lạ lẫm với tôi và chắc hẳn với mọi người đã thôi thúc tôi ghi lại những hình ảnh hiếm hoi này”.

Tập sách xuất hiện những khoảnh khắc đẹp có thể đã quen thuộc với công chúng cả nước những ngày chống dịch nhưng được ghi lại dưới ống kính Trần Thế Phong với những nét riêng độc đáo như: những tổ chức, cá nhân “phát khẩu trang miễn phí”; 

ATM gạo với khẩu hiệu “Ai thiếu thì nhận ai thừa thì cho”; những bao gạo gói mì được chuẩn bị trao tặng với dòng chữ “Nếu khó khăn bạn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường người khác”... Tất cả cho một cảm giác ấm áp, sẻ chia với tinh thần nhân văn cao cả.

Nhiếp ảnh - NSNA Trần Thế Phong lưu lại kí ức Sài Gòn trong dịch Covid-19 (Hình 2).

Tập sách ảnh song ngữ "Sài Gòn Covid-19" của Trần Thế Phong. Ảnh: DDNV

Triển lãm trưng bày 80 bức ảnh được sắp xếp theo mạch cảm xúc của tác giả trong những ngày rong ruổi bắt nhịp Sài Gòn lạ lùng nhất trong nhiều chục năm nay. Từ chủ đề đường phố, nhịp sống thường ngày, ảnh hưởng kinh tế do dịch, những địa điểm nổi tiếng vắng người lại qua đến những cửa hàng, quán xá khép cửa… cả những sự thay đổi linh hoạt trong dịch vụ kinh doanh mùa dịch, muôn kiểu mưu sinh mùa dịch, những mảnh đời khó khăn đối phó với dịch bệnh cũng được anh ghi lại qua những khuôn hình sáng tạo.

Nếu ai đã từng theo dõi những tác phẩm trước đây về Sài Gòn của Trần Thế Phong sẽ dễ dàng cảm nhận thấy sự vận động và cảm hứng sáng tạo của anh trước một “Sài Gòn mới”. Một thành phố năng động nghĩa tình bỗng dưng trầm lắng, những ngày nhìn và lắng nghe sự im lặng đến nao lòng, nhưng cũng mạnh mẽ, ấm áp và chở che là cảm hứng chung của tập sách ảnh mà người xem có thể cảm nhận thấy.

Trong buổi ra mắt cuốn sách và giới thiệu triển lãm, hôm 1/10 tại đường sách TP Hồ Chí Minh, nhiếp ảnh gia Tiến Dũng, thuộc TTXVN chia sẻ: “Tôi kính nể Phong ở sức lao động, tâm huyết với nhiếp ảnh, dùng nhiếp ảnh để phản ánh những vấn đề xã hội. Trân trọng tấm lòng nhân ái của anh với những mảnh đời bất hạnh, trẻ mồ côi, người tàn tật…”.

Còn ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, một nghệ sĩ thường có nhiều hoạt động đồng hành với các hoạt động xã hội thì cảm nhận: “Phi Hùng đã cảm nhận được tình người và sự chia sẻ, trong giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh đó, Phi Hùng thấy trong những gam màu của anh Trần Thế Phong luôn luôn có những hi vọng, bầu trời vẫn xanh trong và con người sống trong niềm tin, niềm hi vọng ấy”.

“Là một người làm nhiếp ảnh, tôi muốn ghi lại những hình ảnh hiếm hoi để lưu lại kí ức cho mọi người về những ngày giãn cách xã hội bởi dịch bệnh Covid-19”, Trần Thế Phong nói tại buổi ra mắt sách. Tại buổi ra mắt, Trần Thế Phong cũng trao một số phần quà vui tết Trung thu cho các em học sinh Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu của Thành phố. Triển lãm sẽ kéo dài đến 6/10/2020 tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP Hồ Chí Minh.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong sinh năm 1969 tại TP Hồ Chí Minh. Hiện là phóng viên ảnh tự do. Anh đã có hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh, trong đó có 20 năm đi theo con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Một số tập sách ảnh của anh đã xuất bản như: “Gánh”; “Những nẻo đường tuổi thơ”; “Vượt qua bóng tối”; “Ánh sáng cuộc sống”; “45 ngày tại Thụy Sĩ”; “Mưu sinh”; “Chân dung”; Nhịp “sống Sài Gòn”; “Tượng gỗ Tây Nguyên”… Anh đã đoạt nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh: Giải thưởng lớn Grand-Prix Japan 2001; 3 huy chương vàng về ảnh tại Áo; 10 lần đạt giải thưởng “Công trình sách ảnh xuất sắc Quốc gia” của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; 12 giải thưởng ảnh Báo chí TP. Hồ Chí Minh và Quốc gia.

Theo QDND

Bạn đang đọc bài viết "NSNA Trần Thế Phong lưu lại kí ức Sài Gòn trong dịch Covid-19" tại chuyên mục ĐỐI THOẠI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).