Nhân ngày kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội: Chính thức hợp long Kè Hồ Hoàn Kiếm

11/10/2020 15:00

Kè hồ Hoàn Kiếm là công trình nhóm A cấp quốc gia đặc biệt, không chỉ đòi hỏi tuân thủ Luật Đầu tư và Luật Xây dựng mà còn phải thực hiện nghiêm ngặt theo Luật Di sản với mục đích đem lại một Hồ Hoàn Kiếm xanh càng thêm tươi đẹp hơn.

Năm 2007, nhân hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương của TP Hà Nội đầu tư xây dựng, tôn tạo, nâng cấp Khu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, trong đó có dự án làm mới kè hồ Hoàn Kiếm.
 
Về đích trước 25 ngày
 
Tuy nhiên, đến năm 2019, công trình xây dựng kè hồ Hoàn Kiếm mới thực sự khởi động và Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (BUSADCO, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trúng thầu thi công bằng chính công nghệ BUSADCO - sản phẩm đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.
 
Ngày 10-10-2020, Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội và gắn biển công trình.
Tin tức - Nhân ngày kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội: Chính thức hợp long Kè Hồ Hoàn Kiếm

Lực lượng thi công vui mừng trong giờ phút hợp long kè hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh tư liệu của BUSADCO)

Tổng Giám đốc Công ty BUSADCO là Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam, Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam - trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án xây kè hồ Hoàn Kiếm. Lực lượng thi công đã thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa gấp rút thi công, hợp long toàn tuyến vào ngày 20-8, về đích trước 25 ngày, với 65 ngày đêm thi công không ngưng nghỉ. Khoảng 150 cán bộ, công nhân chia làm 3 ca/ngày, có ngày cao điểm huy động hơn 300 lao động.
 
Công trình dài gần 1.500 m, cao trình kè thay đổi từ +8 m đến +8,57 m, cao độ đáy hồ trung bình +5,6 m; sử dụng công nghệ kè bê-tông cốt sợi phi kim thành mỏng đúc sẵn.
 
Trách nhiệm và tâm huyết
 
Kè hồ Hoàn Kiếm là công trình nhóm A cấp quốc gia đặc biệt, không chỉ đòi hỏi tuân thủ Luật Đầu tư và Luật Xây dựng mà còn phải thực hiện nghiêm ngặt theo Luật Di sản. Vì thế, trước đó nhiều công nghệ, giải pháp kỹ thuật kè hồ của nhiều công ty, tập đoàn đã được đề xuất nhưng chưa có giải pháp nào phù hợp với tiêu chí và yêu cầu thi công.
 
Cái khó của dự án là không dùng tường vây, đê bao, không làm thay đổi mực nước hồ; không làm đường công vụ - các phương tiện thi công di chuyển trên đường đi bộ hiện trạng; bảo đảm giữ nguyên trạng nền tự nhiên đáy hồ và cây xanh di sản xung quanh bờ hồ; không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè chung quanh hồ; hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi, không xả thải trong quá trình thi công. 
 
Quá trình thi công không được làm ảnh hưởng đến các công trình di tích, văn hóa, lịch sử; không ảnh hưởng giao thông đô thị, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần thường ngày của người dân; kết hợp xử lý kịp thời tại hiện trường các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan… Đó là những yêu cầu nghiêm ngặt nhất quyết phải tuân thủ.
 
Một nhóm các bô lão sống chung quanh hồ Hoàn Kiếm ngày nào cũng ra bờ hồ quan sát việc thi công rồi tấm tắc ngợi khen: "Tướng giỏi, thợ hay, phải có trách nhiệm và tâm huyết như vậy thì hồ Hoàn Kiếm linh thiêng mới có bờ hồ đẹp, kè chắc; đền Ngọc Sơn thêm uy nghi từ mùa thu này".
 
Đêm, hồ Hoàn Kiếm lung linh, huyền ảo. Bài hát "Còn mãi một hồ Hoàn Kiếm" của nhạc sĩ Trọng Phương, được ca sĩ Trọng Tấn cất lên trong dịp kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội: "Dấu ấn thời gian tạc sử xanh… Hồ Hoàn Kiếm xanh ngày càng thêm tươi đẹp/Ơn tay người kè tạc dựng xây". 
 
Theo Nguoilaodong

Bạn đang đọc bài viết "Nhân ngày kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội: Chính thức hợp long Kè Hồ Hoàn Kiếm" tại chuyên mục VIDEO. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).