Tác phẩm nghệ thuật mùa COVID-19

16/10/2020 13:29

COVID-19 đang là nỗi lo trên toàn thế giới. Ở Việt Nam nhiều nghệ sĩ đã vượt qua nỗi sợ hãi và lấy cảm hứng, kết nối hình thành nên những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt từ chính đại dịch này. Đó có thể là những bài hát động viên mọi người hay những tác phẩm hội họa với góc nhìn sáng tạo về cuộc sống trước đại dịch COVID-19.

Cũng như nhiều nước trên thế giới như Ý, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp… Việt Nam đang dần siết chặt các biện pháp phong tỏa. Người dân được yêu cầu phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài phố khi thật sự có nhu cầu. Vì thế, những bức tranh, những bài hát hay tác phẩm nghệ thuật khác lúc này đều có sức lan tỏa rất lớn, góp phần kết nối sức mạnh cộng đồng trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch.

Những tác phẩm tạo hình ra đời trong mùa dịch COVID-19, tuy có thời điểm khác nhau nhưng vẫn như một luồng mạch trong dòng chảy của đời sống nghệ thuật. Sự kiện dịch bệnh đã thể hiện được quá trình biến đổi của đời sống xã hội và ý thức sáng tạo của người nghệ sĩ. Cùng vẽ về đề tài xã hội, hoặc các đề tài khác nhưng ở mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn đều có những biến chuyển. Một trong những nhân tố tác động quan trọng đến đời sống xã hội hiện nay là đại dịch toàn cầu đã làm thay đổi đời sống nghệ thuật. Bên cạnh đó, nhu cầu nhận thức những tác phẩm tạo hình trước những vấn đề của đất nước, dân tộc, thời đại, xã hội lại trở thành một vấn đề thường trực, cần thiết với văn nghệ sĩ.

Khát vọng của các nghệ sĩ là tạo sinh một ngôn ngữ mới, trong đó tất cả các hình thái nghệ thuật đều có quyền hiện diện; tìm tòi, thể nghiệm, tạo dựng một tác phẩm nghệ thuật trong mùa dịch, có khả năng lật trở, soi chiếu nhiều chiều kích của tư duy sáng tạo, điều chỉnh sự vận động, phát triển tái tạo nên những hình tượng nghệ thuật mới, để mọi công chúng đều có thể đọc, hiểu và đồng cảm.

Những đề tài được cho là “nóng” trong mùa dịch được nhiều họa sĩ quan tâm khai thác. Không chỉ là ánh hào quang, các tác giả đã nhận thức và lý giải hình tượng tạo hình trên tinh thần đổi mới quan niệm nghệ thuật và thay đổi tư duy sáng tạo đối với đề tài dịch bệnh. Có thể nhận ra điều này qua cuộc chấm tranh mỹ thuật Khu vực miền Trung và Tây nguyên. Một số tác phẩm đã khai thác hiện thực mang hơi thở đời sống đương đại, mà được xem như một nguyên cớ để có thể dồn nén cảm xúc bật ra những ý tưởng tạo hình.

Mỹ thuật - Tác phẩm nghệ thuật mùa COVID-19

HÀ CHÂU (Quảng Nam) – Những đóa hướng dương. 2020. Sơn dầu. 120x160cm

Mỹ thuật - Tác phẩm nghệ thuật mùa COVID-19 (Hình 2).

TRẦN HỮU CÂN (Đà Nẵng) – Cây gạo nghĩa tình. 2020. Acrylic. 100x100cm

Sự giao lưu gắn với nhu cầu kết nối các giá trị văn học nghệ thuật đã mở rộng không gian sáng tạo cho nghệ sĩ và không gian thưởng thức cho cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó những chuyển động về hình thức nghệ thuật hay sự vận động, đổi mới nội dung tư tưởng qua những tác phẩm đã góp phần làm cho đời sống nghệ thuật trở nên đa dạng, phong phú, đa chiều hơn bao giờ hết. Mỗi tác phẩm phản ánh trong mùa dịch bệnh là kết quả của hành trình đến với những miền không gian được thu về trong một cái nhìn, một cảm nhận, một suy nghiệm riêng khác. Nhờ vậy, hệ đề tài, chủ đề, cảm hứng trong sáng tác của các tác giả được mở rộng.

Các tác giả khao khát khám phá, dấn thân phiêu lưu cùng sự nghiền ngẫm, suy tư, tất cả được kết tinh trong ngôn ngữ nghệ thuật đa chiều. Những hành trình nghệ thuật tưởng như đối nghịch nhau, song lại chung nguồn cảm hứng, niềm khao khát kiếm tìm cái mới, cái khác biệt, nỗ lực gắn kết các hình thức nghệ thuật và hoà nhập vào dòng chảy nghệ thuật cả nước. Trong tác phẩm “Những đóa hướng dương” của Hà Châu (Quảng Nam), tác giả đã xây dựng không gian tác phẩm từ các tư liệu lấy trong một bệnh viện. Ở đó các hình tượng nhân vật y, bác sĩ đang tiễn các bệnh nhân khỏi bệnh trở về địa phương, về lại mái nhà ấm cúng của gia đình. Trọng tâm là hình tượng một cô bé đã được chữa khỏi dịch bệnh, đang tặng những đóa hướng dương cho một bác sĩ trẻ: một hành động đầy xúc cảm, rất đỗi thiêng liêng. Đó chính là sự kết nối cấu trúc tạo hình hiện đại, nhưng vẫn gợi ra được các hình ảnh của sự kiện và chuyển tải một thông điệp cụ thể đến những người thưởng thức.

Trong lối biểu hiện mô tả nhân vật, sự sáng tạo ra những mô-típ tạo hình thường dựa trên cơ sở tư duy chủ quan, của lý trí và suy ngẫm. Ở đây, hình tượng nghệ thuật được tạo ra cùng với cách thể hiện độc đáo, quên đi ham muốn phân tích, biện luận, để cho tâm trí được thả lỏng, tự do, giống người nghệ sĩ xiếc đi trên dây, họ phải tập trung cao độ, không để tâm đến những điều khác, dù chỉ là thoáng qua, nếu không sẽ mất thăng bằng và ngã xuống đất. Tác phẩm “Những đóa hướng hương” đã tạo nên điều khác biệt trong bối cảnh dịch bệnh, thể hiện mối bận tâm của nghệ sĩ với hình tượng đương đại.

Mỹ thuật - Tác phẩm nghệ thuật mùa COVID-19 (Hình 3).

PHAN VĂN THÀNH (Đà Nẵng) – Sức kháng cự. 2020. Tổng hợp. 120x160cm

Mỹ thuật - Tác phẩm nghệ thuật mùa COVID-19 (Hình 4).

THẾ HÀ (NGUYỄN HỮU SONG) (Quảng Trị) – Cuộc chiến sinh tử. 2020. Acrylic. 120x200cm

Tác phẩm “ATM người Việt” của tác giả Hồ Đình Nam Kha (Đà Nẵng) đã ghi một bước đi trên con đường đi tìm nghệ thuật, tìm giá trị thực của thẩm mỹ, tác giả đã sớm nhận thức được những hành động nghĩa tình của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện; phân tích sự khác nhau của các hình tượng nhân vật khi tập trung đến vị trí cây gạo ATM chờ đợi đến phiên mình nhận phần gạo mang về. Các tuyến nhân vật rất phong phú, đa dạng, có người già, những người phụ nữ, cả trẻ em, tất cả đều có hoàn cảnh khó khăn trong đời sống thường nhật. Mọi người đến đây chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần tự giác. Ở đây có sự khác biệt, sự hợp lý của bảng màu trong vẻ hoà hợp, hài hoà ước lệ, sự khác biệt giữa nghệ thuật dân gian phương Đông với nghệ thuật biểu hiện, đồng hiện, về quy luật các sắc thái khác nhau. Lối tạo hình trong tác phẩm “ATM người Việt” là những dấu hỏi lớn trên bước đường dấn thân đi tìm nghệ thuật của tác giả.

Nghệ thuật chỉ thành công khi có sự khác biệt mang dấu ấn cá nhân nghệ sĩ và hơi thở thời đại mà các tác phẩm đem lại. Nghệ thuật nhận thức và tái hiện cuộc sống bằng hình tượng khác với những hình ảnh mơ hồ thuần tâm lý học. Nghệ thuật không chỉ dừng lại ở giá trị thẩm mỹ, mà cần vươn tới giá trị nhân văn. Tác phẩm nghệ thuật chỉ có ý nghĩa là thông điệp khi nó chuyển tải tư tưởng nghệ thuật cao quý nhân văn của tác giả nói riêng, của thời đại nói chung. Tư tưởng nghệ thuật bao hàm các ý niệm, ý nghĩ có tính thẩm mỹ và các quan niệm nghệ thuật nhằm bộc lộ thái độ đánh giá của nghệ sĩ về đời sống xã hội. Tư tưởng nghệ thuật gắn bó chặt chẽ với tư tưởng triết học, tư tưởng chính trị, như trong tác phẩm “Cây gạo nghĩa tình” của tác giả Trần Hữu Cân (Đà Nẵng).

Sự cường điệu hoá trong tác phẩm “Sức kháng cự” của tác giả Phan Văn Thành, dùng hình tượng con virus khổng lồ đang đè bẹp con người, nhưng sức kháng cự của con người rất kiên trì, cùng nhau chung sức đẩy lùi được dịch bệnh. Phía sau là không gian một thành phố trong sương mờ, nghiêng ngả, chao đảo, không một bóng người và phương tiện tham gia giao thông. Những con virus đang làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu. Chỉ trong một thời gian ngắn, căn bệnh dễ lây lan đã đẩy thế giới đến bên bờ vực của một cuộc suy thoái có thể còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Hơn bao giờ hết, nghệ thuật là sự thể hiện đẳng cấp và trình độ của nghệ sĩ qua tác phẩm. Không thể đánh giá vội vã, tức thì giá trị của những tác phẩm mới. Giá trị của tác phẩm đương nhiên còn được soi chiếu bởi con mắt thời đại, thậm chí là con mắt đánh giá của nhiều thế kỷ. Tiềm năng quan trọng có thể thúc đẩy nghệ thuật phát triển chính là những đòi hỏi mới và chính đáng của công chúng hiện đại. Không có sự thưởng thức tiếp nhận của công chúng thì không thể phát triển nghệ thuật. Sự phát triển của truyền thông đại chúng đã góp phần đưa tác phẩm đến với công chúng kịp thời, rộng khắp. Nhu cầu của công chúng ngày càng cao đòi hỏi văn nghệ sĩ phải đổi mới và nâng cao chất lượng phản ánh nghệ thuật trong tác phẩm.

Tác phẩm “Phòng dịch vùng cao” của tác giả Nguyễn Văn Chung (Gia Lai), sáng tác hình tượng những người dân bản được y, bác sĩ, chiến sĩ bộ đội biên phòng hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh COVID-19, không để lây lan trong cộng đồng. Những chiến sĩ biên phòng cắm bản đang ngày đêm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân để cùng làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh với phương châm “chủ động ngăn ngừa dịch từ xa”.
Hình thức nghệ thuật đương đại được du nhập như là một đòi hỏi tất yếu của đời sống tinh thần xã hội ngày càng phức tạp và biến động nhanh chóng. Qua những cuộc thưởng thức và trao đổi cởi mở, nhận ra từ những tác phẩm nghệ thuật đương đại phương thức biểu hiện mới, truyền tải nhiều tiếng nói mạnh bạo, bắt nguồn từ thực trạng đa dạng của đời sống xã hội. Điều đó càng cho thấy ý thức và nguyện vọng phản ánh tác động đến dường nào vai trò của các nghệ sĩ.

Mỹ thuật - Tác phẩm nghệ thuật mùa COVID-19 (Hình 5).

NGUYỄN THỊ HẢI HÒA (Thừa Thiên Huế) – Những người bạn. 2020

Nếu người thưởng ngoạn có thể cảm thụ được các tác phẩm trước mắt họ, thì ở đó giá trị tác phẩm được tăng thêm, khán giả và họa sĩ cùng chia sẻ sự cảm thông chung. Trong tác phẩm “COVID19 – tuyến đầu” của tác giả Trương Minh Dự (Quảng Trị), xuất hiện các nhân vật quản lý môi trường y tế trang bị áo quần bảo hộ phun thuốc vệ sinh, khử khuẩn. Tác phẩm chứa đựng nhiều cảm xúc, phối hợp các yếu tố trừu tượng với các yếu tố thực. Đôi khi những khối hình đó là những ngẫu nhiên hiện ra phù hợp với mục đích của tác giả, đôi khi chúng là những đồng vọng gợi những khối hình khác, và đôi khi các mô-típ có tính nhịp nhàng hợp nhất thành một bố cục, đưa lại cho bố cục ấy một chuyển động, như một bản giao hưởng mà tất cả phải phối hợp làm một, tạo nên âm hưởng chung. Tác phẩm chỉ là một trong nhiều hình thức để biểu đạt hiện thực cuộc sống. Nó là phương tiện, không phải là mục đích cuối cùng.

Tác phẩm “Cuộc chiến sinh tử” của tác giả Thế Hà (Nguyễn Hữu Song) liên đới các hình ảnh và luôn gợi chủ đề suy nghĩ, không gian và mặt phẳng, trong đó hình thể được tạo dựng gợi cảm hứng qua cái nhìn hiện thực, mang nhiều thông điệp, gây được sự chú ý bởi phối hợp bất thường của hình ảnh và kỹ thuật. Những hình thể trong tranh dường như không có thực. Nó đã thể hiện được sức mạnh của các yếu tố, có khả năng biến dạng, có khả năng chuyển đổi để xâm nhập khám phá cái nhìn tràn đầy ánh sáng khi diễn tả những nhân vật y, bác sĩ đeo khẩu trang chiến đấu với dịch bệnh. Các chi tiết phác đồ chữa bệnh, những biểu tượng virus được tác giả đan cài như những điểm chuẩn dẫn lộ, có sự biến thể. Hình thể chủ đạo như được cởi trói và không đặt ra một vấn đề có tính tạo hình nào cả. Không gian đến từ khoảng trống có sức sống và chuyển động. Khoảng trống và ánh sáng tạo ra một không gian phong phú và cho nó tất cả cảm xúc.

“Khoảng lặng sau hành lang” của tác giả Phạm Văn Cường cho một cảm quan chung về tính đồng nhất. Các nhân vật trong tranh là những y, bác sĩ với dáng vẻ mệt mỏi, đặt lưng xuống bất kỳ nơi đâu ở hành lang của bệnh viện để nghỉ ngơi sau những đêm dài thức trắng chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh nặng COVID-19; biểu lộ những yếu tố tạo hình, hướng đến việc phát hiện bản chất, các quy luật của đối tượng, sự kiện, tái tạo hiện thực, cuộc sống với những hình tượng cụ thể, sinh động. Tác giả hiểu được rằng sự làm mờ hoặc làm tối đi phần nào hình thể thì cũng đạt được những hiệu quả mạnh mẽ tựa như ánh sáng mặt trời hoặc thời tiết sương mù tác động đến cảnh vật. Nhằm đạt được vẻ rung động ánh sáng, tác giả đã triển khai gối lên nhau những màu sắc bổ sung trong những vùng rộng nhằm tạo sự sáng chói lớn lao hơn và để diễn tả các vùng tối thì sử dụng những màu sắc đối nghịch với màu của các vật thể. Tác giả làm sống lại một kỹ thuật cũ là tạo ra chất biểu trông như những vệt sơn dày nhằm nắm bắt và phản ánh ánh sáng thực từ bề mặt. Kỹ thuật này gọi là sơn theo lối “đốm”. Tuy vậy, “Khoảng lặng sau hành lang” của Phạm Văn Cường, bước đột phá quan trọng của tác phẩm, chưa thật sự mới. Cũng như các thành tựu khác nhau của khoa học luôn được các nghệ sĩ quan tâm để tạo nên những sự phát triển mới trong nghệ thuật, cùng với những sự phát triển trong đời sống của loài người. Nghệ thuật luôn là sự phản ánh xã hội, thời gian mà con người đang sống.

Tác phẩm “Những người bạn” của tác giả Nguyễn Thị Hải Hoà (Thừa Thiên Huế) mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản như thoát khỏi cuộc sống nhiều bộn bề trước mặt. Bức tranh đặc tả các nhân vật chính là cô bé đeo khẩu trang phòng dịch bệnh, bên cạnh những người bạn của cô bé là thỏ, chó con cũng được đeo khẩu trang trong mùa dịch, phía sau không gian là cánh rừng hoa lá, chim muông như trong truyện cổ tích. Nghệ thuật ở đây thể hiện cảm thức về cuộc sống, về thời thơ ấu và tình bạn. Cuộc sống không hiện ra dưới dạng trừu tượng của khái niệm mà biểu hiện qua hình tượng cụ thể, sinh động, in đậm dấu ấn chủ thể. Vì thế, tác phẩm của Nguyễn Thị Hải Hoà là một giả định về tính cá biệt, điển hình và độc đáo. Cùng với tư duy, nó mở rộng ra mọi mặt của hoạt động, của đời sống con người.

Đấy là đạo lộ để đi đến nghệ thuật. Trên đạo lộ này không phải riêng tác giả mà hầu hết các tác giả khác đều hành hương đi qua đến đích nghệ thuật. Nhưng khác nhau ở sự cảm thụ, hấp thu, chấp nhận, loại bỏ cái gì đều tuỳ do bản ngã, bản lĩnh và sự chấp nhận, thách thức của mỗi người. Vì con đường nghệ thuật chọn lựa, sáng tạo nên, là chân giá trị, không chấp nhận xa lánh cách ly một cách tế nhị nào đó. Không vì những tác động ngoại giới mà nao núng thay đổi phong cách. Đơn giản Nguyễn Thị Hải Hoà đóng cửa hạn chế giao lưu để giữ tính độc lập sáng tạo cho mình. Thế nhưng, quy luật phát triển của nghệ thuật đích thực là phải sáng tạo, sáng tạo phải mới lạ, tránh sự quen mắt… thì tác giả phải chấp nhận trả giá và thử thách.

“Trước đại dịch toàn cầu” của tác giả Ngô Thanh Hùng (Đà Nẵng), đặc tả chân dung người mẹ, cũng là bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đeo khẩu trang với ánh mắt cương trực, sự mệt mỏi hầu như chỉ thoáng qua, giao lộ ánh sáng trong hình tượng. Khám phá hình tượng nghệ thuật chỉ là một phương tiện để sẵn sàng đón nhận những khía cạnh bất định nhất của thực tại đời sống xã hội. Tất cả đều chuyển động, anh hùng áo trắng dồn hết tâm trí, cẳng thẳng trong mỗi ca bệnh nặng, cố gắng cứu chữa bằng ý thức trách nhiệm, hình tượng chân dung người mẹ được tác giả không chỉ nhắm đến những xúc cảm thẩm mỹ, mà còn hướng đến tính trí tuệ sâu sắc của tác phẩm. Cơ sở của mọi sự nhận thức đầy đủ về hiện thực, cho dù về tự nhiên hay xã hội, là việc thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới bên ngoài độc lập với ý thức của con người. Mục đích của nghệ thuật là trao cho hiện thực cái hình ảnh của nó trong đó mâu thuẫn giữa hiện tượng và bản chất, từng trường hợp và quy luật, cũng là sự thống nhất của cái tuyệt đối và cái tương đối, nhưng là sự thống nhất không thể vượt quá khuôn khổ của tác phẩm.

Nếu tác phẩm nghệ thuật chỉ mô tả sự phong phú của những đường nét mới mẻ vượt quá trí tưởng tượng đã quen liên quan đến đời sống, thì tác phẩm nghệ thuật sẽ làm cho người tiếp nhận lúng túng. Sáng tác tác phẩm nghệ thuật mùa dịch COVID-19 so với những kinh nghiệm cuộc sống của con người nói chung, càng liên quan chặt chẽ hơn với tác dụng tuyên truyền tích cực của tác phẩm nghệ thuật đích thực. Sự mô tả như thế không thể là sự khách thể hóa vô hồn và giả dối, thiếu phương hướng. Phải từng bước tìm thấy ý nghĩa của sự khách thể hóa, bởi vì sự mô tả của một tác phẩm nghệ thuật đích thực thể hiện ở chỗ nó tạo nên đặc trưng của chất liệu mô tả, như là động lực xuất hiện từ nó. Đây là những kết quả của việc nội dung chuyển hóa vào hình thức, mà cũng là kết quả của hình thức chuyển hóa vào nội dung.

Theo Tạp chí Mỹ thuật

Bạn đang đọc bài viết "Tác phẩm nghệ thuật mùa COVID-19" tại chuyên mục VIDEO. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).