Người dân hai bờ sông Hồng thuộc 6 quận, huyện của Hà Nội sắp được đón tin vui

13/08/2020 17:38

VHNT - Đã từ nhiều năm nay, việc quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng là vấn đề nhức nhối của thành phố Hà Nội. Nhưng sắp tới, với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, "cơn đau đầu" sẽ có được thuốc giải.

Sông Hồng là con sông huyết mạch ở miền Bắc nước ta, đặc biệt quan trọng với thủ đô Hà Nội. Dọc tuyến sông Hồng từ Đan Phượng với Tây Hồ (Hà Nội) là một diện tích đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông khá lớn lên tới vài chục nghìn ha. Diện tích đất này phần lớn đang phục vụ sản xuất nông nghiệp song không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, khu vực hai bên bờ sông Hồng là nơi cư trú của hàng nghìn hộ dân từ nhiều năm qua. Nhưng những cư dân này đang phải chịu cảnh sống tạm bợ đến mức gần như khó có thể chịu đựng lâu hơn nữa.

Xã hội  - Người dân hai bờ sông Hồng thuộc 6 quận, huyện của Hà Nội sắp được đón tin vui

Hà Nội quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng

Trước đây, việc quản lý đất đai hai bên bờ sông Hồng chưa được chính quyền địa phương quan tâm. Rất nhiều "xóm nước nổi" mọc lên một cách tự phát mà không ai quản lý. Theo thống kê, hiện tại Hà Nội có khoảng 9.000 hộ dân sinh sống hai bên bờ sông Hồng.

Có nhiều hộ đã sống tại đây nhiều năm nhưng cũng có những người chỉ mới lấn chiếm để xây dựng chui các công trình nhà ở. Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý và cưỡng chế phá dỡ nhiều công trình xây dựng sai phạm nhưng điều này không mang lại nhiều hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều ngôi nhà đã bị cũ nát, xuống cấp nhưng người dân không thể cải tạo vì chưa có quy định rõ ràng. "Việc sửa chữa, cải tạo công trình nhà ở của người dân ở ngoài đê sông Hồng có liên quan đến quản lý đất đai, trật tự xây dựng, pháp luật về bảo vệ đê điều... Nên khi chưa có hướng dẫn của cơ quan cấp trên, chính quyền cơ sở không dám tự ý thực hiện", một lãnh đạo phường Nhật Tân cho biết.

Đây là tình cảnh chung của nhiều hộ dẫn trong địa bàn 6 quận huyện của thành phố Hà Nội là Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Trì, Thường Tín và Đan Phượng.

Nhiều hộ dân dù đất đã được cấp "sổ đỏ" nhưng vẫn không được xây dựng nhà và công trình trên đất tổ tiên. Nguyên nhân là do hai bên bờ sông Hồng chưa được quy hoạch, phải giữ nguyên hiện trạng. Do vướng quy hoạch đê điều, phân lũ nên ở đây, hạ tầng điện đường trường trạm không thể đầu tư, người dân không được xây dựng sửa chữa nhà.

Bên cạnh nhu cầu bức thiết của các hộ dân sinh sống hai bên bờ sông Hồng, chính quyền thành phố Hà Nội cũng muốn phát huy tiềm năng tài nguyên đất đai của khu vực này. Chính vì thế, đã nhiều lần thành phố nghiên cứ vấn đề quy hoạch sông Hồng nhưng chưa thể đưa ra được giải pháp phù hợp nhất.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới dây, quyết tâm quy hoạch đất hai bên bờ sông Hồng đã được quyết tâm thực hiện triệt để.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, do không có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng nên hiện nhiều nguồn lực bị lãng phí. Các khu đất bãi ven sông nhiều năm qua không ai dám đầu tư vì không có quy hoạch. Địa phương chỉ có thể cho đấu thầu tối đa 5 năm đối với đất bãi bồi ven sông.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận, khi có quy hoạch phân lũ, thành phố sẽ tiến hành quy hoạch. Từ đó, khoảng 900.000 người dân dọc hai bên bờ sông sẽ được tạo sinh kế ổn định, bộ mặt đô thị khang trang sạch đẹp. Song, trước khi làm quy hoạch sông Hồng phải làm quy hoạch thoát lũ. Trên tinh thần ấy, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho Hà Nội triển khai.

Trước đề xuất của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường cho rằng điều này là hoàn toàn chính đáng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ cử lực lượng khoa học giỏi phối hợp với Hà Nội rà soát lại quy hoạch phân lũ, làm cơ sở cho thành phố xây dựng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Trong đó, những vấn đề bức xúc sẽ được ưu tiên đánh giá trước để xử lý riêng, trên tinh thần làm nhanh và hiệu quả, vẫn đảm bảo được các quy định về thoát lũ.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết hiện đang có 3 doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ toàn bộ kinh phí để lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Cùng với đó, rất nhiều chuyên gia nước ngoài đã được mời vào nghiên cứu và ban đầu đã đưa ra được ý tưởng lập quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Hà Nội cũng gặp khó khăn về nguồn lực để xây dựng hạ tầng cũng như việc di dời nhiều hộ dân ra khỏi vùng thoát lũ.

Thành phố có định hướng tạo đê kết hợp đường sát mặt nước để đảm bảo chống lũ cấp 3 và có độ bền 500 đến 700 năm. Nếu làm được theo hướng này thì người dân sẽ được phép xây dựng như phía bên trong đê, giải quyết được những bức thiết của người dân Thủ đô nhiều năm nay.

Có thể nói, vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội đã và đang được nghiên cứu một cách quyết liệt để sớm giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân cũng như khai khác tối đa thế mạnh tài nguyên và cảnh quan hai bên bờ sông Hồng.

Nguyên Phong

Bạn đang đọc bài viết "Người dân hai bờ sông Hồng thuộc 6 quận, huyện của Hà Nội sắp được đón tin vui" tại chuyên mục TÁC PHẨM MỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).