Kỳ nữ họ Tống

13/09/2020 15:05

(VHNT) - Chuyện kể về cuộc đời Tống Thị, một người đàn bà có thật trong lịch sử Việt Nam từ những thập niên đầu thế kỷ XVII.

Phần II: Sóng gió

Chương I: Tang tóc

Sóng gió thực sự bắt đầu từ mùa xuân năm Tân Mùi (1631). Một buổi sáng, khi tôi đang luyện kiếm với thầy Nhật thì có người nữ tỳ của chị Tống đến gọi hối hả:

- Thầy ơi! Về mau!

Tôi biết có biến cố quan trọng khi nhìn sắc mặt người gọi, vừa khóc lóc thê thảm, vừa kéo áo tôi. Một buổi luyện kiếm là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi, thầy cũng như trò, đều dồn hết tâm não. Nhưng chính thầy Nhật cũng bảo: “Anh về đi”. Biết chuyện gì rồi, song tôi cũng hỏi cho đích xác: “Ông lớn làm sao?”

- Quan lớn thấy lộc rồi!

- Chết rồi?

Chuyện ấy, từ mấy hôm nay đã có dấu hiệu xấu. Tuy vậy, sáng hôm nay, thấy quan lớn có vẻ tươi tỉnh hơn nên cả nhà ai cũng mừng thầm, hy vọng lòng thành tin cậy trời Phật của chị Tống đã cảm động các đấng vô hình, tôi tạm lánh ra ngoài một lúc. Bây giờ, tôi mới biết dó chỉ là ánh sáng cuối cùng phựt lên của một ngọn đèn sắp tắt. Tôi hỏi dồn: “Bà lớn đâu?”

- Bà lớn bố thí ở cửa hậu, có người mời đi rồi.

Thường chị Tống vẫn lợi dụng những ngày đẹp trời và chồng tỉnh táo thì mang tiền, gạo, vải vóc ra cho những người ở các xóm nghèo quanh thành. Chị làm việc ấy từ nhiều năm. Sáng nay, chị cũng bị sức khỏe chồng lừa nên lại đi làm công đức.

Khi tôi về tới cổng thì đã thấy trong nhà có nhiều người vào ra. Chị Tống gục dưới chân giường chồng khóc lóc thảm thiết. Ba người con bu quanh mẹ, thấy mẹ khóc, hoảng sợ khóc theo, đứa lớn mới bảy tuổi, đứa nhỏ hai tuổi. Thật tình, đây là lần đầu tôi thấu hiểu thế nào là mẹ góa, con côi! Chị còn trẻ đến thế mà đã là quả phụ và tất cả chỉ mới xảy ra sáng nay, chỉ giờ này!

Vừa thấy tôi, chị như hét lên:

- Quan lớn mất rồi, cậu ơi!

Rồi lại gào thét. Mấy bà lớn xúm lại khuyên giải. Chị đập thình thịch vào đầu, vào ngực khi người ta mang chị đi sang phòng khác. Lũ con cũng líu ríu theo níu áo mẹ.

Khi liệm quan lớn, chị mặc đại tang đứng sau các vị sư tụng niệm với ba người con và vợ ông “Phò mã”. Vì gia đình chị ở Phước Yên cả. Bên họ Nguyễn, chỉ có mấy người bà con xa, làm những chức vụ nhỏ giúp các việc do quan ký lục đại diện phủ chúa truyền bảo. Trông chị trong bộ đồ đại tang, vẻ xanh xao, mắt đẫm lệ, nhưng lại càng đẹp hơn bao giờ. Một vẻ đẹp thiêng liêng đau khổ tuyệt điểm tựa hồ một tiềm năng khác của nhan sắc đột nhiên gặp cơ hội biểu lộ ra ngoài. Vẻ đẹp khác thường chỉ một đôi lần được trông thấy trong một đời người.

Hôm đưa đám tang quan lớn, có cả một rừng người. Đoàn voi ngựa dưới quyền điều động của phủ chúa mang bành trắng; quân lính, quan chức đều bịt khăn tang. Lúc hạ huyệt, người ta phải khó khăn lắm mới ngăn chị khỏi lăn luôn xuống huyệt theo chồng. Không ai không rơi nước mắt thương xót cho hoàn cảnh thê thảm “hồng nhan bạc mệnh”. Những người nghèo càng thương xót hơn vì biết từ nay bà trấn thủ hiền dịu ấy không còn ở lại với họ để chia sớt cảnh nghèo khổ đáng thương không biết ngỏ cùng ai, ngoài chị. Họ đã từng thấy những bà quan khác, địa vị nhỏ hơn chồng chị, nhan sắc chỉ được liệt vào hạng quê mùa, cục mịch xem họ như rơm, như rác. Thậm chí những tên lính quèn muốn đánh đập họ lúc nào cũng được.

Nỗi buồn của chị thật sâu sắc. Chị luôn luôn ngồi thừ ra nhìn lũ con. May sao chúng chưa biết cảnh ngộ mới, tưởng đâu cha chỉ đi vắng vài hôm. Cậu cả còn rất vui mừng vì được mặc áo quần mới lạ bằng thứ vải thô chưa bao gờ thấy nên sổng nhà là đi khoe với những con Rún, thằng Rớt nào đó.

Chị hay ôm đứa út vào lòng thì thầm vào tai nó những điều mà chắc chị muốn nói với người khuất mặt.

Niềm vui duy nhất trong những chuỗi ngày này là những buổi gia đình ông “Phò mã” tới thăm. Người Nhật to lớn này không thấp mà da dẻ mịn như da trứng gà luộc nên mặc y phục Việt lại có phần đẹp hơn người Việt. Bà vợ mặc tang chế, có hơi đẫy đà song rất tương xứng với chồng. Bà là con út của chúa Sãi, công nữ dòng họ Nguyễn Phước nên có dáng rất tự tin.

Ông trấn thủ là anh ruột bà, hai anh em hợp tánh nết nhau và vì cùng ở xa quê hương, xa gia đình lớn nên tình cảm thêm khăng khít. Ông Hiển Hùng trên kia tôi có nhắc tới vốn là đại thương gia, chỉ một chiếc thuyền lớn, từ Trường Kỳ Nhật Bản sang Hội An nhiều lần và nhiều lần đến giao thương tại Phước Yên. Chúa Sãi thấy ông đẹp trai, giỏi võ nghệ, chữ nghĩa cũng khá, khác hẳn bọn lái buôn tầm thường nên thường tỏ lòng cảm mến và tỏ lòng ưu đãi trong việc mua bán.

Chính chúa cũng đã nhiều lần nhờ ông về Nhật mua vũ khí giới, bạc nén, hàng hóa. Có khi thuyền chở hàng đến, chúa thiếu tiền ông vẫn để nợ lâu dài và các món ông mua về đều bền, tốt, rẻ đẹp cả nên chúa rất vừa ý. Do óc thực tế bà tính chuyện gả con gái để mưu đồ chính trị, thương mãi, nên chúa nghĩ tới việc gả bà công nữ này cho ông sau khi gả bà chị cho vua nước Cao Miên. Ý nghĩ đó thành tựu dễ dàng. Sataro (Hoàng Mộc Tông Thái Lang) được chúa cho dự vào “quốc tế”, ban họ Nguyễn Đại Lương, tên Hiển Hùng. Vì rễ của chúa nên người ta gọi ông là “Phò mã” theo lối thăng hoa của ta.

Văn  - Kỳ nữ họ Tống

Minh họa: Lê Huy Quang

Mỗi lần vợ chồng Hiển Hùng đến, trên mặt chị Tống thấy rõ sinh khí trở lại. Cô em chồng nói chuyện rất có duyên, nhắc lại kỷ niệm, kể chuyện làm ăn ở Hội An và qua đó, có biết đôi điều về một nước Nhật Bổn xa xôi có Thiên Hoàng. Mạc phủ, võ sĩ và nội chiến liên miên.

Cô biết và nói khá sõi tiếng Nhật thông dụng để có thể phiên dịch cho chồng và người chồng cũng biết một số tiếng Việt để chào hỏi, nói công việc làm ăn. Gặp những chữ khó, vượt ra ngoài công chuyện hàng ngày, thì dùng lôi bút đàm trao đổi. Chữ chị Tống đẹp, viết nhanh khiến ông Phò mã rất khâm phục. Ông bảo bên Nhật, đàn bà biết Hán văn như chị cũng không dễ tìm. Những buổi trò chuyện dài dòng này giúp chị Tống quên nỗi buồn đau thắt chặt trái tim. Nếu cứ như thế thì những ngày tang chế cũng đỡ phần nào thấm thía. Nhưng tiếc thay, vợ chồng ông Hiển Hùng lại được lệnh về Nhật gấp.

Thời ấy, người Nhật công giáo bị trục xuất ra khỏi Nhật Bản với các cố đạo Tây Phương. Họ tìm đến Đại Việt và tại đây, chính người Nhật và các giáo sĩ Âu Châu gieo hạt giống Phúc Âm. Nói cho đúng là người Nhật chỉ thụ động, các cố đạo mới có trách nhiệm này. Nhưng giao dân Nhật có cung cách tín đồ ngoan đạo, mà đời sống tình cảm, cách đối xử lại nặng tính cách Nho giáo nên dễ gần gũi người Đại Việt.

Người Nhật nhún nhường, lễ độ, thành ra trong sinh hoạt hàng ngày họ đối đãi với người Việt như anh em. Mặc dù người Hoa cũng cùng lễ giáo, nhưng vẫn ngấm ngầm óc tự tôn thiên triều với cả Việt lẫn Nhật nên tạo ra một khoảng cách đáng kể. Lại cũng không giống với người Âu Châu mặt mũi kỳ dị, năng động với bọn thủy thủ quá hăng hái, hùng hổ hay sinh sự lôi thôi khó gần gũi. Chính sự thân thiện của giáo dân Nhật đã là tạo nhân phát triển tôn giáo dưới sức tác động tích cực của các cố đạo và cũng từ đây sẽ gây ra bao nhiêu sóng gió hãi hùng mà kẻ chịu tai họa bi thảm đầu tiên lại chính giáo dân Nhật...

Trở lại cuộc chia tay đầy nước mắt của hai người dàn bà trẻ, đẹp, một người sớm góa bụa và một người sẽ chịu cảnh xa xứ vĩnh viễn tuy bây giờ, chưa ai dám nghĩ ra điều ấy. Vì theo bà Phò mã thì:

- Em chỉ về Nhật với nhà em một thời gian thôi, chị ạ.

- Nhưng tại sao lại phải về?

- Về thăm nhà. Anh Sataro đi lâu quá rồi, nhớ gia đình, còn em thì “phu xướng phụ tùy”, cũng phải về thăm quê cảnh nhà chồng chứ.

- Nhưng đất nước đó xa xôi quá...

- Thì cũng đến như chị Ngọc Vạn, hoàng hậu của Chân Lạp (vợ vua Chey - cheeta), đến tin tức còn khó khăn huống gì mong gặp mặt.

Bà Phò mã nói tới đây, ứa nước mắt. Chị Tống cũng lấy đầu khăn chế chậm đôi nước mắt long lanh. Bà Phò mã tiếp:

- Nghĩ chị em chúng ta, con vua, con chúa mà thật chẳng bằng con người nghèo khổ, chị ạ. Người ta lấy chồng, xa xôi lắm cũng một đôi dặm đường, còn chúng em thì cách những ngàn vạn dặm. Người ta còn mong đôi bữa, nửa tháng về thăm cha mẹ, ngày giỗ, ngày kỵ dẫn chồng về lại bàn thờ, ngày tết về mừng tuổi ông bà, cha mẹ, chứ như bọ em ra đi, chân trời mặt biển biết lúc nào tái hợp, nghĩ mà tủi thân.

Chị Tống an ủi:

- Nhưng cũng may là chú Hiển Hùng có đủ tư cách một người tao nhã, chứ ai biết được ông vua Chân Lạp ra sao! Chỉ nghe cái tên nước Miên cũng đã thấy lo sợ rồi. Cô ấy thật giống hệt công chúa Huyền Trân đời Trần, từ Thăng Long kinh kỳ xán lạn về làm dâu nước Chiêm Thành chỉ có núi sâu rừng thẳm...

- Phải đấy, chị ạ! Giống hệt thôi! Huyền Trân thì gả bán để mở rộng bờ cõi, chị em thì... Ôi! Cái thân con gái sinh vào gác tía, lầu son, ai đứng ngoài cũng tưởng sung sướng lắm đấy. Thiệt may mà chồng em cũng cùng nho giáo, phật giáo với nhà ta, chứ tưởng tượng chị hoàng hậu phải chịu theo tôn giá lạ, chắc gì khi chồng chết lại khỏi lên hỏa đàn làm con vật tế thần...

Và hai chị em cùng khóc. Bà Phò mã càng đau khổ giọng càng tức tưởi:

- Chuyện công chúa Huyền Trân không phải cha không nhắc đâu. Mà còn nhắc kỹ lại ngày chị ấy vu qui. Em còn nhớ rõ cha cho chị ấy ngồi bên cạnh, ôn tồn dạy bảo:

- Con phải đi lấy chồng xa xôi muôn dặm như thế, cha mẹ buồn khổ lắm con ạ. Nhưng con cũng biết cho là họ tộc nhà ta đang buổi đầu lập quốc, nào khác gì ngọn đèn trước gió, chẳng biết tắt lúc nào nên phải toàn tâm, toàn lực giữu đất, mở đất. Không giữ đất thì mất đất, không mở đất thì chẳng khác gì nằm trong rọ, càng vùng vẫy, càng thêm thắt chặt.

Việc bang giao với lân bang phía Nam để họ khỏi khuấy phá ta là điều cần nhất trong giai đoạn Trịnh Nguyễn chống đối nhau và quân lực phương Bắc còn đang quá mạnh, lại có chính nghĩa nhà Lê nên vận mạng ta đang lâm vào chỗ khó khăn. Vậy gả con về Chân Lạp xa xôi, cha mẹ rất đau khổ nhưng không thành tựu việc này thì họ Nguyễn ta biết làm sao ổn định được phương Nam mà dốc toàn lực ổn định mặt Bắc?

Chị em rất sợ, nhưng cũng đâm liều hỏi lại:

- Thưa cha, thế nhưng giữa ta với họ còn cả một nước Chiêm Thành, Phù Nam...

- Hai nước này chẳng qua là những vùng nghèo đói, xơ xác, có mở ra tới đó cũng chẳng giải quyết được việc gì... Thôi con hãy ra đi vui vẻ cho cha mẹ khỏi đau buồn. Rồi một ngày kia, đại nghiệp của cha và dòng họ nhà ta thành, tên con ghi vào sử sách còn quan trọng hơn gấp mấy lần chuyện cũ của công chúa Huyền Trân.

Bà công nữ lắc đầu:

- Huyền Trân! Tới bây giờ em chưa thấy ai ca tụng, chỉ nghe toàn những lờ đàm tiếu. Còn chị của em thì sẽ xương trắng gửi quên người nào có ai thèm biết tới huống hồ là nhắc nhở. Rồi còn thân em... Đó! Sự nghiệp mở nước của cha em!

Bà Phò mã nấc lên một tiếng khóc òa. Thành ra cái người đáng được an ủi nhất lại phải an ủi cô gái bất hạnh của gia đình quyền quí nhất đang là nguồn hy vọng cung cấp bạc nén và chiến cụ tuyệt vời. Hiển Hùng ngồi gần đó như là bản tính ông xưa nay. Có lẽ ông không hiểu hết câu chuyện của hai chị em, nhưng nỗi đau khổ của vợ, ông cũng thông cảm nên một đôi lần ông nhắm mắt lại.

Lâu lâu, chị Tống mới nói với em chồng:

- Cô bây giờ ra đi, tuy chân trời góc biển nhưng còn có chồng bên cạnh, thế cũng là hạnh phúc lắm, cô ạ. Xưa nay, chúng ta ở xa phủ chúa, nhưng chị em còn có nhau để nối tình thân quyến, chứ bây giờ, cô bỏ mẹ con tôi ra đi, tôi góa bụa một mình rồi sẽ bơ vơ khốn khổ tới đâu!

- Nhưng chị còn ba cháu ở cạnh, cũng là nguồn an ủi lớn đấy chị ạ. Và trưởng công tử là đích thì biết đâu chẳng có lúc nở mặt, nở mày cùng thiên hạ.

- Cô bảo thế, tôi xin cám ơn. Nhưng chắc cô cũng biết thừa chúa cao tuổi, các chú đều lớn và giữ những chức vụ quan trọng cả. Không thể nói trước được hết việc đời cô ạ.

- Chị nói cũng có lý đấy. Em thấy mấy ông anh của em, ông nào cũng đầy tham vọng. Mà thôi! Để chị nghỉ. Các em còn xếp đặt chuẩn bị hành lý lên đường cho kịp gió mùa.

Quay sang phía tôi, bà Phò mã nói:

- Anh là con nuôi bác, thì với vợ chồng tôi cũng là người nhà. Chị tôi bây giờ góa bụa, chẳng có ai bên mình. tôi lại ra đi, chưa biết bao giờ mới trở lại. Vì lệnh cấm người công giáo của Mạc Phủ mỗi ngày một nghiêm, xuất nhập mỗi ngày một khó nên vợ chồng tôi phải bấm bụng tạm gác công việc làm ăn thịnh vượng tại đây để về nước xem qua tình hình. Cầu trời phật có ngày tái ngộ... Trong khi chúng tôi vắng mặt mong anh hết lòng giúp đỡ, bảo vệ gia đình chị tôi, chu toàn mọi việc. Công lớn ấy, chúng tôi chắc không bao giờ dám quên.

Bà quay sang chồng, nói một hồi bằng tiếng Nhật, và nét mặt người chồng mỗi lúc một rạng rỡ. Ông đến trước mặt tôi, cúi đầu chào rất thấp làm tôi đâm hoảng, cũng cúi đầu rất thấp khiến muốn loạng choạng. Rồi ông rút trong bọc mang theo một thanh kiếm, mới nhìn qua, tôi biết là bảo kiếm, chạm trổ, cẩn ngọc ngà lấp lánh, ông nói mấy tiếng Việt gọn gàng, lễ độ tuy giọng chưa thật chỉnh:

- Vợ chồng Hiển Hùng xin thành tâm tặng thầy đôi thanh kiếm làm kỷ niêm.

Bà Phò mã thấy tôi lưỡng lự liền bảo:

- Xin anh nhận đi để chồng tôi vui lòng. Anh biết anh ấy rất chân thành. Anh đừng việc gì phải áy náy, vả chăng trong hoàn cảnh gia đình chị tôi hiện nay, thanh kiếm này chắc có lúc cũng hữu dụng đấy.

Thấy thái độ của hai vợ chồng, nhất là cái nhìn sâu sắc của Hiển Hùng, tôi trịnh trọng đáp trả:

- Tôi xin bái lãnh.

Tôi đưa hai tay đỡ thanh kiếm và xúc động đến muốn ứa nước mắt. Tôi cũng biết là từ đây, thanh kiếm này càng thắt chặt thêm quan hệ sâu xa giữa tôi và chị Tống trên con đường tương lai dằng dặc và linh cảm nhiều sóng gió chập chờn đó đây.

Lê Sách, khi xem thanh kiếm và nghe những chuyên công nữ Ngọc Khoa kể, anh có dáng suy tư:

- Anh có thấy những tay cao cờ không? Lúc vào cuộc, họ đặt những con cờ vào nơi nào đấy mà ra tưởng là lầm hoặc thừa. Nhưng đến lúc quyết định sự chiến thắng, ta mới hiểu công dụng những con cờ đặt viễn vông đó. Chúa Sãi đúng là tay chơi cờ cao mà bọn tầm thường chúng ta không hiểu được dụng ý. Rồi anh thở dài:

- Người ta bảo nước mình âm thịnh có lẽ đúng anh ạ. Thương hại các cô gái bạc mệnh chỉ chuyên đi làm việc lót đường cho người sau dẫm nát lên đó không một chút động tâm. Đấy, mỗi ngày, chúng ta ăn những hột lúa cấy trên mình mẩy các bà Huyền Trân mà có ai thèm biết tới đâu, chỉ giở giọng chê bai, cười cợt một cách bất công thôi. Một lũ bội bạc như nhau!

(Còn nữa)

Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Xuân

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ nữ họ Tống " tại chuyên mục DU LỊCH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).