Khuynh hướng tiểu thuyết Việt Nam đương đại

29/08/2020 17:09

(VHNT) - Văn xuôi, nhất là tiểu thuyết thường phản ánh mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt khi đất nước có những chuyển biến lớn lao. Gần bốn mươi năm qua, nước ta đã tiến hành công cuộc đổi mới, kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ, tốt đẹp, kinh tế tư nhân sánh vai cùng các thành phần kinh tế khác được khẳng định, hỗ trợ hoạt động. Vậy nhà văn đã ý thức thế nào về hiện trạng này? Tiểu thuyết Việt Nam đương đại khuynh hướng ra sao?

Chiến tranh vẫn là siêu đề tài

Tiểu thuyết đương đại Việt Nam (từ sau 1975) tất nhiên vẫn tập trung tái hiện hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của nhân dân Việt Nam đánh bại hai đế quốc lớn của thế kỷ XX là Pháp và Mỹ. Không vô cớ khi nhà văn Chu Lai hào hứng viết: “Chiến tranh vẫn là siêu đề tài, người lính vẫn là siêu nhân vật của văn chương Việt Nam thời nay”.

Từ cuốn tiểu thuyết thành công đầu tay Nắng đồng bằng (1978) đến cuốn tiểu thuyết mới nhất Gió xanh (2017), có thể nói Chu Lai vẫn trung thành với chỉ một hướng viết về chiến tranh cách mạng và người lính bằng chính những trải nghiệm trong 10 năm trận mạc của mình. Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Khuất Quang Thụy,... và nhiều nhà văn khoác áo lính thế hệ chống Mỹ đều có chung tâm thế cầm bút: “Viết gì rồi cũng không ra ngoài chiến tranh”, vì: “chiến tranh dường như vẫn chưa kết thúc”. Cũng không có gì lạ khi Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1991) trao cho ba cuốn tiểu thuyết trong đó có hai cuốn viết về chiến tranh: Bến không chồng của Dương Hướng và Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh.

Cũng không có gì lạ khi trong năm 2014, xuất hiện nhiều tiểu thuyết chiến tranh được bạn đọc đón chào nồng nhiệt như Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh, Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Xác phàm của Nguyễn Đình Tú, Cơ bản là buồn của Nguyễn Ngọc Thuần. Gần hơn, có 2 cuốn tiểu thuyết về chiến tranh được nhiều người tìm đọc - Đỉnh cao hoang vắng (2016) của Khuất Quang Thụy và Thư về quá khứ (2017) của Nguyễn Trọng Tân.

Phác vẽ đôi nét như thế về dòng tiểu thuyết chiến tranh để thấy nhận định của nhà văn Nga A.Tolstoy (tác giả bộ ba tiểu thuyết Con đường đau khổ), ngay từ năm 1945 đã ứng nghiệm: “Trong vòng 100 năn tới, chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho những bộ tiểu thuyết - sử thi đồ sộ đến những vở kịch và cả những bài thơ ngắn”.

Trong bối cảnh mới, có một thực tế đáng suy ngẫm là nhà văn trở lại với đề tài lịch sử, viết theo tinh thần ôn cố tri tân, cật vấn quá khứ để tìm ra những bài học đạo đức và phép hành xử cho thời hiện tại như Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Tám triều vua Lý và Bão táp cung đình của Hoàng Quốc Hải, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Minh sư của Thái Bá Lợi, Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam, Đinh Tiên Hoàng của Vũ Xuân Tửu, Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh, Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai,...

Góc nhìn - Khuynh hướng tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Tác phẩm "Ngõ lỗ thủng" của Trung Trung Đỉnh đã được chuyển thể thành phim

Thế sự đang tạo dòng mới

Khuynh hướng thế sự - đời tư tạo nên biệt sắc của tiểu thuyết đương đại, hay nói đúng hơn tạo nên dòng chính của thể loại gạo cội của văn chương với những tác phẩm thành công như Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Cuộc đời bên ngoài của Vũ Huy Anh, Dòng sông mía của Đào Thắng, Gia đình bé mọn của Dạ Ngân, Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, Gã Tép Riu của Nguyễn Bắc Sơn, Đêm thánh nhân của Nguyễn Đình Chính, Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh, Cõi mê của Triệu Xuân, Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Tường thành của Võ Thị Xuân Hà, 24 giờ lên đỉnh của Nguyễn Thị Anh Thư, Chân trần của Thùy Dương, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái,...

Gần đây, trên Báo Nhân dân và Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật (thuộc Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương) đã mở những cuộc trao đổi về vấn đề nhân vật của văn học hôm nay. Trong nhiều ý kiến trao đổi, chúng tôi quan sát thấy nhiều tác giả đã đề cập đến “nhân vật doanh nhân” đã, đang và sẽ xuất hiện với tư cách một nhân vật văn học quan trọng của văn chương nước nhà.

Những tác phẩm được đưa ra phân tích tuy chưa nhiều nhưng đã tạo nên không khí mới như Đứng trước biển, Cù lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn, Giấy trắng của Triệu Xuân, Chân dung một quản đốc của Nguyến Hiểu Trường, Dang dở của Vũ Huy Anh (tác phẩm này được đưa vào nghiên cứu trong Luận văn Thạc sỹ. Chuyên ngành Văn học Việt Nam. Mã số: 60.22.01.01, của học viên Nguyễn Thị Tươi: “Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Huy Anh”, bảo vệ thành công tại Trường Đại học KHXH&NV, thuộc ĐHQG Hà Nội, năm 2014).

Phải đến cuối thế kỷ XX, sang hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, “văn xuôi sản xuất”, nhân vật doanh nhân mới có mặt trong một “không gian - thời gian nghệ thuật” đặc biệt, khi nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi hẳn sang cơ chế thị trường định hướng XHCN. Nếu có thể nói thì, Cơ hội của Chúa (NXB Văn học, 1999) của Nguyễn Việt Hà là một trong những cuốn tiểu thuyết mở đầu, có vai trò “thăm dò”, xác lập chỗ đứng cho nhân vật doanh nhân trong văn học đương đại.

Theo cách viết của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, với Cơ hội của Chúa, lần đầu tiên trong văn chương Việt Nam xuất hiện kiểu nhân vật lập thân/ lập nghiệp - họ chính là những doanh nhân của thời đại mới khi cách mạng khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi thế giới với một gia tốc hiện đại.

Ở một góc nhìn khác - góc nhìn văn hóa - tôi cho rằng tiểu thuyết Bí thư Tỉnh ủy (NXB Trẻ, 2010) của Vân Thảo cũng là một tác phẩm thành công viết về một “doanh nhân đặc biệt”. Nguyên mẫu của nhân vật chính - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phước Vĩnh - Hoàng Kim chính là đồng chí Kim Ngọc, cố Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú (gồm Phú Thọ và Vĩnh Phúc), một người đã dũng cảm “phá rào” thực hiện “khoán chui” với mục đích/ khát vọng đem lại no ấm cho người nông dân không chỉ trên quê hương mình.

Tiểu thuyết được chính nhà văn chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh (nhiều tập), là một trong những bộ phim cuốn hút người xem trên màn ảnh nhỏ. Bí thư Tỉnh ủy là một cuốn tiểu thuyết chính trị, có tính luận đề nhưng không hề giảm sút chất sống. Lối viết của nhà văn Vân Thảo trong Bí thư Tỉnh ủy là lối viết “nhúng bút vào sự thật”.

Nếu chịu khó theo dõi văn chương đương đại Việt Nam thì chúng ta không khó khăn khi tìm ra hình bóng không phải là... giai nhân, mà là ...doanh nhân như trong tiểu thuyết Những mảnh hồn trần (NXB Hội Nhà văn, 2011) của Đặng Thân. Nhân vật chính Mộng Hường được đánh giá: “Không gì khác, là ẩn dụ cho chính Việt Nam thời buổi kinh tế thị trường” (Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam từ năm 2000, NXB Khoa học xã hội, 2018, tr.14). Có độc giả thích cái chất phồn thực, phồn sinh của nhân vật này, nhưng nhìn ở một khía cạnh khác thì Mộng Hường là một mẫu hình doanh nhân Việt Nam trong tương lai.

Cách nay đã lâu, từ năm 2003, nhà văn Lê Lựu là người có sáng kiến thành lập và làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân. Ông chia sẻ: “Trung tâm của tôi có mục đích xây dựng nền tảng văn hóa cho doanh nhân, lực lượng nòng cốt xây dựng kinh tế đất nước”. Thiết nghĩ, đến một lúc nào đó những doanh nhân có tài/ có tâm như Phạm Nhật Vượng (tỷ phú đô-la) sẽ trở thành nhân vật của văn chương Việt Nam hiện đại. Nhưng có thể chúng ta phải chờ một lớp nhà văn mới chăng (!?).

Vậy là, khi chúng ta không tận tâm theo sát văn chương nước nhà thì dễ đi tới những kết luận thiếu khoa học, thiếu thuyết phục người đọc ngày nay cực kỳ thông minh nhưng cũng rất công bằng trước các phán xét đúng, sai.

Bùi Văn Thắng

Bạn đang đọc bài viết "Khuynh hướng tiểu thuyết Việt Nam đương đại" tại chuyên mục NHIẾP ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).