Hoài Hương và những hoài niệm

30/09/2020 05:20

(VHNT) - Dưới bầu trời xám bàng bạc, ba mái nhà phủ ngói rêu phong, ven con đường làng mọc đầy cỏ non, mấy cây xoan rải hoa tím lơ thơ theo gió.

Khung cảnh một ngày cuối đông ở miền quê Bắc bộ, không vui mà cũng không buồn, nó gợi trong ký ức nhiều người kỷ niệm êm đềm với thời gian lẫn không gian, như Vũ Quần Phương đã từng xúc cảm: “Những gì ta yêu thương/ Sau bờ tre kia nhỉ/ Mái nhà và ánh lửa/ Tháng ngày ta lớn khôn!/ Bão giật với mưa tuôn/ Bãi bồi và bến lở/ Gió lùa qua lịch sử/ Vết bùn khô ngón chân…”.

Mỗi lần đến chơi với Hoài Hương, tôi lại tìm đến chỗ treo bức tranh này, nhìn ngắm mãi không thôi. Bức họa miêu tả một cảnh quan đơn giản nhưng lại có sức thu hút lạ kỳ.

Nó như một bản nhạc trữ tình, một bài thơ sâu lắng. Cái không gian bàng bạc ấy hòa với màu tím hoa xoan, vừa chân chất, vừa lãng mạn không khác gì “đồi tím hoa sim” của Hữu Loan. Hoa xoan không kiêu kỳ như hoa hồng, không đậm sắc hương như hoa ly, không rực rỡ gợi tình như hoa tigon, cánh nhỏ như lá me, có một chút quê mùa nhưng lại nặng tình với con người. Hoài Hương nói: “Người ta trồng loại cây nầy dành để dựng nhà, đời cha truyền cho đời con, nên ở vùng quê miền Bắc rất dễ bắt gặp.

Thân cây không lớn nhưng bền bỉ, mối mọt không đục phá được”. Dưới mắt nghệ sĩ, một hình ảnh mộc mạc, chân phương cũng có thể đưa vào thơ ca, nhạc họa, như trái mù u trong một bản nhạc của Trần Tiến, như chiếc chiếu trong một bài vọng cổ bất hủ của Viễn Châu, như chiếc nón lá trong một sáng tác của nhạc sĩ Châu Kỳ.

Mỹ thuật - Hoài Hương và những hoài niệm

Họa sĩ Hoài Hương

Thân phụ người An Giang, sinh trưởng ở miền Bắc, lớn lên lấy vợ Huế nên “hương vị” của ba miền đất nước đều quấn quyện trong tâm hồn của người họa sĩ tài hoa. Sau này khi sinh sống và làm việc trực tiếp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hoài Hương vẫn không quên những hình ảnh giông tố lẫn êm đềm của thời son trẻ, nên hầu hết tác phẩm của anh đềm mang “âm hưởng” của vùng đất hiện rõ bốn mùa.

Anh vẽ được nhiều thể loại nhưng tôi đặc biệt thích cách thể hiện Sen trên vải bố bằng sơn dầu. Cũng như thiếu nữ, Sen là đề tài có rất nhiều họa sĩ thi thố khả năng, song ý tưởng và cách bố cục hình ảnh của anh mang một phong cách rất riêng, sống động và hút mắt. Với những đường bai điêu luyện, lá sen thể hiện rõ từng gân guốc, từng múi lá, những đường cong uyển chuyển bề mặt, nét thanh tao của phần giao tiếp với bùn nước, quấn quyện trữ tình với không gian lúc sáng lúc sẫm.

Hoa Sen thì dễ chăm chút, còn lá Sen thì không phải cây cọ nào cũng có thể bắt nó lay động. Không khác gì cây Xoan, Hoài Hương thể hiện khá tài tình sức sống của loài thực vật thanh khiết này và hầu như các họa phẩm mang tên “Sen” của anh đều được người yêu tranh sưu tập. Những người am hiểu nhận xét Hoài Hương rất có duyên với cảnh vật đậm chất đồng nội, mộc mạc mà tinh tế, chân phương mà sang trọng. Cảnh quan phác họa không rộng lớn, chỉ một góc thôi, chỉ vài biểu tượng đặc trưng cũng đủ nói lên vẫn đề mà tác giả cảm xúc.

Mỹ thuật - Hoài Hương và những hoài niệm (Hình 2).

Họa phẩm "Sen"

Sau 9 năm học mỹ thuật, Hoài Hương bước vào ngành hội họa với những bước đi thân trọng, vừa thể hiện vừa khám phá. Qua 35 năm tạo dựng sự nghiệp bằng tư duy và cây cọ, Hoài Hương thật sự yêu những tác phầm tràn đầy nhiệt huyết như yêu vợ yêu con, yêu cây đa, bến nước, sân đình ở quê nhà. Trong một lần trò chuyện, anh nói: “Nghệ thuật giúp cho con người khai trí, mở lòng, nhìn cuộc sống xung quanh thấy nơi nào cũng có cái đẹp cả.

Hơn ai hết, chính người nghệ sĩ, qua tác phẩm của mình là người thụ hưởng đầy đủ những cái đẹp đó”. Hoài Hương thật có lý, khi tôi đã từng ngẩn ngơ trước cây Sala già cỗi trong vườn Tao Đàn, như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ví bóng lá dừa như “tóc dài bay trong gió”, như Bàng Bá Lân “Múc ánh trăng vàng đổ đi”! Tâm huyết sẽ thúc đẩy cảm xúc và óc sáng tạo sẽ mang lại những sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao, đôi khi nó sống mãi với thời gian.

Hoài Hương không nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh, anh chỉ biết: “Cứ tái tạo mãi, cuộc sống đi theo vòng luân hồi, cái này sinh sôi, lớn lên, mất đi, cái khác lại tiếp tục theo quy luật đó. Còn sức là mình cứ suy nghĩ và sáng tác, vẽ xong bức này lại đến bức khác, không có điều gì phải toan tính nếu như chiếc đồng hồ sinh học này… ngừng quay.”. Tôi cười trước lời ví von thực tế ấy.

Mỹ thuật - Hoài Hương và những hoài niệm (Hình 3).

Họa phẩm "Hoa xoan"

Hoài Hương đang chuẩn bị một công trình khá đồ sộ mà anh nhất định phải hoàn thành vào năm 2022. Đó là sáng tác 200 “câu chuyện” bằng chất liệu sơn mài, một công việc phức tạp, kỹ thuật cao mà không phải họa sĩ nào cũng làm được.

Tác phẩm nhỏ nhất khoảng 80cm vuông, bức to nhất trải dài hơn 4 mét. Trên vuôn đất rộng 5 sào bên bờ sông Sài Gòn, anh sẽ phá bỏ một số công trình được xây dựng cũng khá mỹ thuật, thay vào đó là một nhà trưng bày có tầm cỡ để có thể chứa đựng đầy đủ 200 họa phẩm ấy.

Hoài Hương là một người có tài và có lực, anh luôn nghĩ đến những đột phá táo bạo, không muốn lặp lại cái mình đã làm cho dù nó thành công hoặc được người hâm mộ yêu thích, cái mới luôn là thử thách nhưng nó cũng lý thú như một cuộc khám phá.

Hỏi về mục đích thực hiện 200 bức sơn mài, anh nói chân tình: “Bất cứ ai khi kết thúc một sự nghiệp cũng muốn lưu lại cái gì đó trên hành trình chiến đấu với cuộc sống. Với mình, đây là kỷ niệm nghề nghiệp, nói đúng hơn đó là hoài bão mà mình ấp ủ nhiều năm rồi. Mình chưa có ý định bán buôn hay tạo một “dấu ấn” gì với xã hội, có thể đó là một tổng kết, một trường ca bằng cọ mang tên… Hoài Hương”.

Một sự kiện đáng nhớ trong đời cầm cọ của Hoài Hương: Năm 1999, trong cuộc triển lãm cá nhân đón chào thiên niên kỷ mới, toàn bộ 8 bức tranh trong chủ đề “sắp đặt” của anh được một nhà sưu tập Nhật Bản mua hết. Ông khách thích bản sắc dân tộc của các họa phẩm, vì ông yêu mến Việt Nam”.

Tranh của Hoài Hương là những hoài niệm xa xôi mà lại rất gần gũi. 

Trần Tử Văn

Bạn đang đọc bài viết "Hoài Hương và những hoài niệm" tại chuyên mục VIDEO. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).