“Đường về” Erich Maria Remarque - Nỗi đau thời hậu chiến

01/08/2020 13:57

Cuốn tiểu thuyết “Đường về” được coi là phần tiếp theo của “Phía Tây không có gì lạ” do Remarque sáng tác từ năm 1931 mới được ra mắt độc giả Việt Nam.

Tác phẩm mới - “Đường về” Erich Maria Remarque - Nỗi đau thời hậu chiến

Nỗi đau thời hậu chiến

Erich Maria Remarque không còn là cái tên xa lạ trên văn đàn Việt Nam.

Nhà văn Đức tài ba này được cả thế giới biết đến với tiểu thuyết “Phía Tây không có gì lạ” ra đời năm 1929 và nhanh chóng được dịch ra 55 thứ tiếng, sau đó tiếp tục được chuyển thể thành bộ phim với 2 đề cử giải Oscar.

Năm 1931, ông tiếp tục được vinh danh giải Nobel Văn học và Nobel Hòa bình khiến tên tuổi càng trở nên nổi tiếng.

Gần đây, cuốn tiểu thuyết “Đường về” được coi là phần tiếp theo của “Phía Tây không có gì lạ” do Remarque sáng tác từ năm 1931 mới được ra mắt độc giả Việt Nam.

“Đường về” chỉ dài khoảng 300 trang, là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, nhưng đó không phải là câu chuyện của kẻ chiến thắng, của những tấm huy chương mà đó là những câu chuyện bi kịch về số phận người lính Đức khi trở về với cuộc sống.

Nếu như trong “Phía Tây không có gì lạ”, cuộc đối thoại của người lính khiến chúng ta phải xót xa: “Cậu sẽ làm gì nếu bây giờ bỗng nhiên có hòa bình lập lại?” – “Làm gì có hòa bình” thì “Đường về” là một câu trả lời nối tiếp cho nỗi đau đó. Họ có thể chiến thắng bom đạn để giành giật sự sống, nhưng cuối cùng họ lại chẳng thể nào thụ hưởng niềm vui của hòa bình, chẳng thể nào tìm thấy một cuộc đời hạnh phúc như mình đã mong đợi.

Họ vỡ mộng, họ đau đớn giằng xé trong những ám ảnh chết chóc, họ chẳng còn tìm thấy cho mình một lẽ sống, một gia đình. Erich Maria Remarque đã lột tả về chiến tranh trần trụi và khốc liệt: “không phải là bản cáo trạng, cũng không phải là một lời thú tội, nó chỉ cố gắng kể về một thế hệ bị chiến tranh hủy hoại” như thế! Khi ra chiến hào, họ là những chàng trai mười tám đôi mươi, khỏe khoắn và đầy hoài bão, khi trở về mái tóc họ đã bạc, thân thể họ đã bị tàn phá mà họ chẳng thể nào tìm thấy mình trong hòa bình. Đau đớn, xót xa và thấm thía là những gì chúng ta tìm thấy sau những câu chuyện số phận của người lính mà Remarque đã lột tả.

Nghệ thuật kể chuyện trong “Đường về” khiến độc giả phải không ngừng theo dõi diễn biến của câu chuyện. Đó không chỉ đơn giản là lời trần thuật của nhân vật tôi kể về cuộc đời của mình, mà đó còn là số phận những người đồng đội, cả những người đã hi sinh nơi lửa đạn bom rơi và những người trở về khi hòa bình lập lại.

Họ không có những khúc ca reo hò vui sướng, họ không có những huân chương, họ chỉ có những dằn vặt, những đớn đau. Bên cạnh đó là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc dưới ngòi bút sáng tạo của Remarque. Một phần tâm trạng giống như trong “Phía Tây không có gì lạ” đã được khắc họa: “Tôi còn trẻ với hai mươi tuổi đầu, vậy mà những gì tôi biết về cuộc đời chỉ là nỗi tuyệt vọng, cái chết, nỗi sợ hãi và sự kết nối giữa thứ hời hợt vô nghĩa nhất với vực thẳm của nỗi đau. Tôi thấy các dân tộc bị xô đẩy đến độ chống lại nhau và chém giết lẫn nhau một cách câm lặng, u mê, rồ dại, phục tùng và ngây thơ. Tôi thấy những bộ óc thông minh nhất của nhân loại phát minh ra những vũ khí và lí lẽ để cho tấn trò này diễn ra tinh vi hơn và dai dẳng hơn. Nhiều năm qua, công việc duy nhất của chúng tôi là giết chóc... Đó là nghề nghiệp đầu tiên của chúng tôi trong đời. Sự hiểu biết về cuộc sống của chúng tôi trong đời chỉ giới hạn trong cái chết. Thử hỏi sau này sẽ ra sao đây?”. Nghệ thuật khắc họa diễn biến tâm lí nhân vật tài ba đã khiến Remarque lột tả trần trụi những đau thương của người lính trong thời bình như thế.

Erich Maria Remarque đã từng tâm sự: “Tuổi trẻ của thế giới đã bị đập tan tành. Ở đất nước nào, tuổi trẻ cũng bị lừa dối, bị lạm dụng, ở đất nước nào tuổi trẻ cũng chiến đấu vì lợi ích thay vì lí tưởng, ở đất nước nào tuổi trẻ cũng bị bắn hạ và tiêu diệt lẫn nhau”. Chính ông cũng mất một phần tuổi trẻ cho chiến tranh, và có lẽ những trải nghiệm đau đớn ấy khiến ông viết nên những tác phẩm thành công của mình. Nếu bạn yêu thích văn phong của nhà văn Đức này, hãy tìm đọc thêm danh sách tác phẩm của ông trên văn đàn Việt Nam như: “Ba người bạn”, “Bia mộ đen”, “Thời gian để sống và thời gian để chết”, “Khải hoàn môn”, “Đêm Lisbon”, “Bóng tối thiên đường”…

Trần Thị Hương

Bạn đang đọc bài viết "“Đường về” Erich Maria Remarque - Nỗi đau thời hậu chiến" tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).