Chàng trai khao khát thổi nghệ thuật vào đời sống

08/10/2020 00:12

Đặng Thành Long (29 tuổi) là đồng sáng lập của nhiều dự án nghệ thuật tại TP.HCM. Các dự án của anh đều hướng đến mục tiêu vì cộng đồng và giá trị văn hóa Việt.

Đặng Thành Long (29 tuổi) là đồng sáng lập của nhiều dự án nghệ thuật tại TP.HCM. Các dự án của anh đều hướng đến mục tiêu vì cộng đồng và giá trị văn hóa Việt.

Xuất thân từ ngành thiết kế đồ họa, nhưng lại chọn sống hết đam mê với công việc in ấn, Đặng Thành Long (29 tuổi) chỉ nghĩ đơn giản: “Nếu không làm cái nghề này, chắc mình không có năng lượng để làm việc”.

Từ một người rẽ ngang, Thành Long trở thành cái tên được nhiều người biết đến trong giới nghệ thuật qua những dự án mà anh đồng hành.

Nổi bật nhất trong số đó là Saigon Artbook - dự án xuất bản sách phi lợi nhuận để mang nghệ thuật chạm đến cuộc sống hàng ngày của người dân TP.HCM.

Mỹ thuật - Chàng trai khao khát thổi nghệ thuật vào đời sống

Đặng Thành Long muốn đưa nghệ thuật đến gần hơn với đời sống của giới trẻ. Ảnh: Fanpage Saigon Artbook

Đặc biệt, tất cả dự án nghệ thuật của Long đều mang yếu tố văn hóa, đời sống của người Việt. Chàng trai 29 tuổi xem đó là mục tiêu cốt lõi trên hành trình của mình.

Nói thêm về điều này, Long cho rằng: “Bản chất mình là người Việt thì phải trân trọng văn hóa của nước mình. Kết hợp nghệ thuật với yếu tố văn hóa mới khiến nó trở nên gần gũi với cộng đồng hơn”.

Đưa nghệ thuật vào đời sống

Là một người yêu những cuốn sách hay, Long tự tìm tòi về văn hóa xuất bản độc lập. Hầu hết dự án của anh đều có điểm chung là phải gắn với các ấn phẩm nghệ thuật. Tùy theo đặc điểm của từng dự án, Long chọn cách truyền tải thông điệp qua nhiều thể loại khác nhau.

Long chia sẻ anh muốn theo đuổi hình thức xuất bản này là vì thấy ở Việt Nam thiếu những nơi hỗ trợ cho các nghệ sĩ hoạt động.

“Khi vào một tiệm sách về xuất bản độc lập, mình sẽ cảm nhận được nghệ thuật ở khu vực đó, đất nước đó đang diễn ra như thế nào. Nhưng ở nước mình, vì nhiều lý do mà nghệ sĩ chưa thể thỏa sức vùng vẫy. Do thế, mình muốn là người tạo động lực cho họ làm điều này”, Long giải thích.

Xuất bản độc lập là một hình thức mà người làm sáng tạo phải tham gia vào gần hết các khâu sản xuất từ thiết kế, lên ý tưởng, vẽ minh họa đến in ấn để cho ra một ấn phẩm hoàn chỉnh. Những cuốn sách như vậy thường bỏ ra nhiều công sức hơn vì phải làm bằng tay nhưng mang đến cảm xúc chân thật và cái nhìn sâu sắc về thế giới quan của tác giả.

Bằng cách này, Long thúc đẩy cộng đồng sáng tạo tham gia cùng mình để đưa nghệ thuật đến gần hơn với độc giả.

Với mong muốn có một nơi để mọi người biết đến văn hóa xuất bản độc lập, anh thành lập tiệm sách Inpages. Không chỉ là nơi triển lãm sách của các nghệ sĩ, đây còn là một cộng đồng thu nhỏ để chia sẻ những trăn trở của người làm sáng tạo tại TP.HCM.

Bên cạnh Inpages, Đặng Thành Long còn được biết đến là đồng sáng lập dự án Saigon Artbook. Dự án này xuất phát từ ý tưởng tạo ra một sân chơi cho nghệ sĩ được thử thách nhiều vai trò khác trong khâu sản xuất, qua đó giới thiệu họ với cộng đồng yêu nghệ thuật.

“Mình muốn mỗi lần mở cuốn sách ra, người xem sẽ cảm nhận được những điều mà tác giả gửi gắm. Theo cách đó, cứ mở sách ra là những tác phẩm sẽ được sống lại. Cái sự phức tạp trong dự án phải được tăng lên để người ta biết Việt Nam cũng có những tác phẩm hay như vậy”, Long bày tỏ.

"Lôi kéo người Việt đi gặp nghệ sĩ Việt"

Long nói rằng anh là một người yêu cái đẹp. Chính cái đẹp đã giúp anh sống trọn vẹn với đam mê của mình. Đó cũng là lý do Long thích làm việc với cộng đồng sáng tạo. “Họ là người cho mình năng lượng tích cực để lúc nào cũng muốn đi làm”.

Một ngày của Long được chia thành 2 mốc: nửa ngày đầu giải quyết những đơn hàng in ấn, thời gian còn lại anh theo dõi tiến độ của các dự án đang thực hiện.

Không chỉ được truyền cảm hứng bởi những người làm dự án cộng đồng, Long còn là người tạo "lửa" cho cả giới nghệ sĩ lẫn công chúng yêu nghệ thuật.

Với anh, một tác phẩm phải mang đến cho người xem cảm xúc riêng biệt khiến họ phải bật lên những câu hỏi, băn khoăn về ý nghĩa ẩn sâu bên trong đó. Ngoài tạo ra nhiều sắc màu cho cuộc sống, nghệ thuật còn là một cuộc đối thoại 2 chiều giữa nghệ sĩ và người xem, cả hai được trao đổi với nhau để "cảm" được tâm tư của bên còn lại.

Long và các cộng sự của mình xem bản thân là cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng. Anh cho rằng giai đoạn in ấn góp phần lớn vào sự thành công của một ấn phẩm. Từ loại giấy đến cách thể hiện đều ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem, giúp họ hiểu được ý đồ của tác giả.

Long cho biết việc đưa nghệ thuật xuất hiện trong đời sống của người Việt như một “món ăn tinh thần” là mục tiêu anh đang theo đuổi.

Chính vì lẽ đó mà mọi dự án Long từng thực hiện đều được lồng ghép những nét đặc trưng của Việt Nam. Trong đó, các chất liệu văn hóa là yếu tố luôn được cân nhắc hàng đầu.

Bên cạnh Inpages và Saigon Artbook, tên tuổi của Đặng Thành Long còn được gắn với Khô Mực Studio - một trong những đơn vị tiên phong đưa kỹ thuật in Risograph về Việt Nam. Theo Long, Khô Mực là cách chơi chữ “mực đã khô hay chưa?”, “mực” có nghĩa là “mực in”.

“Lúc đầu nghĩ tên, mình muốn đặt một cái tên nào đó thật là gần gũi. Trong tương lai, mình muốn nơi này sẽ là một studio để các nghệ sĩ có thể tự tay vận hành quá trình tạo ra đứa con tinh thần của mình”, Long nói.

 là dự án đầu tiên “chào sân” kỹ thuật Risograph tại Việt Nam. Với ý tưởng rằm tháng 7,  tập hợp các tác phẩm vẽ về những con ma quen thuộc trong điển tích dân gian được truyền qua nhiều thế hệ.

Điểm nhấn dự án này là dùng mực phản quang in trên giấy vàng mã trơn để mang lại âm hưởng và không khí tháng 7 âm lịch.

"Nhiều người nói nó là Halloween Việt Nam, thật ra không phải. Đây là rằm tháng 7, một bản sắc rất riêng của người Việt, còn Halloween là mang yếu tố nước ngoài. Tập zine - ấn phẩm chính của dự án - thể hiện 3 chủ đề: ‘Kính Lão Đắc Thọ’ (vẽ về những con ma lâu đời), ‘Hồng Nhan Bạc Phận’ (ma nữ), ‘Nhỏ Mà Có Võ’ (ma mới hoặc do nghệ sĩ tưởng tượng)".

Thông qua , Long và đội ngũ của anh còn muốn nuôi dưỡng cộng đồng sáng tạo trẻ, những nghệ sĩ tiềm năng chưa có cơ hội hiện thực hóa tác phẩm của mình được trải nghiệm bút vẽ qua các chủ đề mới lạ.

Nhờ những dự án độc đáo, Đặng Thành Long tạo được ảnh hưởng lớn đến cộng đồng yêu nghệ thuật tại Việt Nam. Với khao khát mang nghệ thuật vào hơi thở cuộc sống, những điều anh đang làm cũng là nguồn năng lượng tích cực cho các nghệ sĩ trẻ khác.

“Mình không cố gắng phải là người đứng top trong lĩnh vực này. Mình chỉ làm những thứ mang đến cho mình niềm vui, được đóng góp cho cộng đồng. Mình là người dám làm cái mình thích”, anh chia sẻ.

Theo Zingnews.vn

Bạn đang đọc bài viết "Chàng trai khao khát thổi nghệ thuật vào đời sống" tại chuyên mục GIAO THÔNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).