Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có cần lên tiếng trong nghi vấn tranh giả trên sàn đấu giá?

17/09/2020 16:25

Nhiều ý kiến cho rằng Bảo tàng Mỹ thuật VN cần có hành động cụ thể trước những ồn ào về nghi vấn tranh giả của các danh họa Việt Nam sẽ được bán đấu giá trên sàn Sotheby's Hong Kong vào đầu tháng 10 tới.

Mỹ thuật - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có cần lên tiếng trong nghi vấn tranh giả trên sàn đấu giá?

Bức tranh "Lá thư" được cho là của họa sĩ Tô Ngọc Vân được Sotheby's giới thiệu trước phiên đấu giá ngày 5/10/2019.

Ngày 5 và 6/10 tới, nhà đấu giá Sotheby's Hong Kong sẽ tổ chức phiên đấu giá mùa Thu mang tên "Modern & Contemporary Southeast Asian Art". Trong đó, có gần 100 tác phẩm hội họa được cho là của các họa sĩ tên tuổi ở Việt Nam như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm... sẽ lên sàn.

Sự kiện này hứa hẹn sẽ đem đến cơ hội sở hữu tác phẩm nghệ thuật cho nhiều nhà sưu tập, đầu tư nghệ thuật Việt Nam.

Tuy nhiên, từ nhiều ngày nay, nghi vấn về những bức tranh giả xuất hiện trong phiên đấu giá được bàn tán sôi nổi. Đáng chú ý nhất là 2 bức tranh mang tên "Lá thư"; "Hai thiếu nữ trước bình phong" được cho là của Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn có giá ước tính lên tới hàng triệu đô la HK.

Facebook của Tạp chí Mỹ thuật đưa ra thông tin rằng bản gốc của hai tác phẩm trên đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến và họa sĩ Tô Ngọc Thành cũng lên tiếng khẳng định về lý lịch 2 bức tranh được bảo tàng mua tại Hà Nội vào đầu thập niên 60.

Mỹ thuật - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có cần lên tiếng trong nghi vấn tranh giả trên sàn đấu giá? (Hình 2).

Bức tranh "Lá thư" của Tô Ngọc Vân đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: Facebook Tạp chí Mỹ thuật

Bà Hoàng Anh, Tạp chí Mỹ thuật thông tin: "Khoảng những năm thập kỷ 70, 80, Bảo tàng có chủ trương cho phép copy lại một số tác phẩm thuộc bộ sưu tập của bảo tàng để bán chủ yếu cho khách nước ngoài. Rất nhiều bản phiên tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ đã được bán từ chính bảo tàng. Điều này cũng được họa sĩ Mai Long và họa sĩ Ngô Minh Cầu (lúc còn sống) xác nhận".

Trước vấn đề này, có rất nhiều ý kiến cho rằng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần lên tiếng để bảo vệ cho tác phẩm gốc và giá trị của một bảo tàng quốc gia. Đồng thời, giúp cho những nhà đầu tư nghệ thuật tránh được rủi ro khi mua phải hàng giả.

Trao đổi với Cuocsongantoan.vn, họa sĩ Lê Thiết Cương đưa ra quan điểm: "Việc đầu tiên là bảo tàng cần thống kê cụ thể những tác phẩm đã được chép lại vì bất cứ lý do gì, chép mấy bản, ai là người chép, kích cỡ bao nhiêu. Cách tốt nhất là họ phải công khai. Đấy cũng là cách "rửa mặt" không thể tốt hơn. Bảo tàng mà làm được như thế thì uy tín của họ sẽ tăng lên rất nhiều".

Họa sĩ Phạm Hà Hải bày tỏ: "Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần phải hành động cụ thể và kịp thời, không phải với tâm thế sửa lỗi của tiền nhân mà cần phải có tâm thế bảo vệ quyền lợi tinh thần, vật chất chính đáng của mỹ thuật Việt Nam nói chung và tác giả nói riêng..."

Một nhà sưu tập tranh ở Hà Nội cũng ý kiến: "Vì những bức tranh tham gia đấu giá ấy có liên quan đến các danh họa Việt Nam, nên bảo tàng cần có lời chứ không thể im lặng".

Trở lại với 2 tác phẩm nói trên, đều được các họa sĩ thể hiện trên chất liệu lụa và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua tại 2 gia đình ở Hà Nội vào đầu thập niên 60.

Tác phẩm "Lá thư" do họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954) sáng tác năm 1934, có kích thước 69cm x 69cm. Tác phẩm "Hai thiếu nữ trước bình phong" của họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1994) sáng tác năm 1943, kích thước 45cm x 48cm.

Theo Cuộc Sống An Toàn

Bạn đang đọc bài viết "Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có cần lên tiếng trong nghi vấn tranh giả trên sàn đấu giá?" tại chuyên mục XÃ HỘI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).