Việt Nam qua góc nhìn của các nhà làm phim Mỹ

01/09/2020 21:19

(VHNT) - Người Mỹ đã làm hàng trăm phim, viết hàng trăm cuốn sách về Việt Nam - một đất nước như một câu đố khó giải. Trong lĩnh vực điện ảnh, các nhà làm phim tài liệu và phim truyện của Mỹ cũng luôn lấy Việt Nam là đề tài khai thác không bao giờ cũ.

Nội dung của những bộ phim này thường miêu tả cuộc sống của những người lính Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Những bộ phim này đã tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp nước Mỹ. Đồng thời nó cũng đưa ra công luận thế giới góc quan sát về chiến tranh Việt Nam.

Trong mấy chục năm qua, người Mỹ cũng cố gắng làm phim về Việt Nam từ góc nhìn khác. Đó là góc nhìn về con người Việt Nam. Dù góc nhìn này vẫn mang tính chủ quan - góc nhìn từ phía Mỹ. Nhưng dù sao, nó cũng cho ta thấy, người Mỹ biết và hiểu về Việt Nam như thế nào. Chúng ta cùng khảo sát một số phim.

Năm 2003, đạo diễn Errol Morris đã cho ra mắt bộ phim tài liệu Fog of War - Sương mù của chiến tranh). Bộ phim dựa trên tư liệu hàng chục giờ phỏng vấn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara - người phục vụ dưới thời John F. Kennedy và Lyndon Johnson trong thời kỳ đỉnh cao của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông ta được mệnh danh là “kiến trúc sư” của chiến tranh Việt Nam.

Trong bộ phim này, Morris đã chắt lọc triết lý chiến tranh của McNamara thành mười một nguyên lý cơ bản. Trong đó có một số nguyên lý phổ quát như: đồng cảm với kẻ thù; Chỉ duy lý trí sẽ không cứu được nước Mỹ; Cả tin thì sẽ sai (Sự kiên Vịnh Bắc bộ: “Chúng tôi thấy những gì chúng tôi muốn tin”); Để làm điều thiện, bạn có thể tham gia vào điều ác; Đừng bao giờ nói không bao giờ v.v… Đặc biệt, Mcnamara cũng đưa ra những bài học về đối phương.

Thứ nhất, người Mỹ đã cảm thấy sai khi phóng đại những nguy cơ từ người Việt Nam. Thứ hai, người Mỹ đã sai khi nhìn nhận người dân miền Nam và các nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa theo kinh nghiệm chính trị của họ. Thứ ba, người Việt Nam đã cho người Mỹ thấy sai lầm của họ khi đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc đã thúc đẩy một dân tộc chiến đấu và hy sinh vì niềm tin và giá trị của họ. Thứ tư, người Việt Nam đã chứng minh cho phía Mỹ một điều, họ thiếu hiểu biết về lịch sử, thiếu hiểu biết về văn hóa, chính trị cũng như tính cách của đối phương. Thứ năm, người Việt Nam cũng cho phía Mỹ thấy những hạn chế của các học thuyết quân sự hiện đại , vũ khí công nghệ cao, không thể thu phục trái tim và khối óc của những người thuộc về một nền văn hóa khác v.v…

Sân khấu - Điện ảnh - Việt Nam qua góc nhìn của các nhà làm phim Mỹ

Phim tài liệu Fog of War - Sương mù của chiến tranh

Trước đó, vào năm 1974, đạo diễn Peter David đã làm bộ phim tài liệu “Hearts and Minds - Trái tim và Khối óc”). Bộ phim đã cất lên tiếng nói của những người dân Việt Nam bị mắc kẹ trong cuộc chiến tranh. Ngoài lấy phỏng vấn của những tướng lĩnh cấp cao trong quân đội và chính quyền Mỹ, đạo diễn còn phỏng vấn những người Việt Nam như Linh mục Chân Tín, ông Đức Giang, người làm quan tài, bà Nguyễn Thị Sáu, bà Ngô Bá Thành - những cựu tù chính trị cùng những người dân bình thường ở hai miền Nam Bắc như ông Nguyễn Văn Tới, ông Vũ Đức Vinh, hai chị em Võ Thị Huệ, Võ Thị Tư… Bộ phim đã gây lên tiếng vang trên toàn thế giới.

Một trong nhũng cảnh gây sốc và tranh cãi nhất của bộ phim là cảnh miêu tả đám tang của một người lính Việt Nam Cộng hòa. Cái chết của anh đã kéo theo sự đau khổ của bao người, thậm chí có người thân còn nhảy xuống dưới huyệt. Khung cảnh lễ tang được dựng bên cuộc phỏng vấn Tướng William Westmoreland - người chỉ huy ở chiến trường Việt Nam từ 1964 đến 1968.

Ông tướng này đã nói với nhà làm phim: “Người phương Đông không đánh giá cao giá trị cuộc sống như người phương Tây. Cuộc sống rất phong phú. Giá trị cuộc sống rất rẻ mạt ở phương Đông”. Nhà đạo diễn “cảm thấy kinh hoàng” khi nghe W. Westmoreland nói vậy. Đặc biệt, đạo diễn còn quay được những cảnh tra tấn cực dã man trong các nhà tù nữ và những nỗi thống khổ của các tù nhân chính trị miền Nam. Những cảnh quay ở miền Bắc thật khó quên. Bên hố bom còn tươi, con búp bê vỡ, quần áo một bé gái tả tơi, người cha nông dân vừa khóc vừa gào lên: “Con tôi có làm gì đâu mà bọn Mỹ giết nó?”.

Nhà phê bình Vincent Canby của The New York Times gọi đây là một bộ phim tài liệu sử thi nhắc lại sự tham gia đau đớn của nước Mỹ vào Việt Nam, một quốc gia mà anh nghĩ rằng anh biết tất cả, nhưng thực ra là không biết gì. Nhà phê bình Rex Reed gọi đây là bộ phim hay nhất tại Liên hoan phim Cannnes. “Bộ phim duy nhất tôi từng xem mà có thể lật tung mọi thứ xung quanh Việt Nam và nói lên sự thật”.

Nhà bình luận Stefan Kanfer của tạp chí Time nhận xét: “Bộ phim Trái tim và Khối óc thể hiện quá đủ Trái tim. Một chút tâm trí còn thiếu. Song, nó cho thấy, chiến tranh Việt Nam quá phức tạp, quá quanh co”. Còn đạo diễn phim tài liệu lừng danh Michael Moore đã phát biếu: “Trái tim và Khối óc là một trong những bộ phim truyền cảm hứng cho ông trở thành nhà làm phim. Nó không chỉ là bộ phim tài liệu hay nhất mà tôi từng xem mà nó có thể là bộ phim hay nhất từ trước đến nay”.

Một bộ phim tài liệu nữa cũng cần được nhắc tới. Đó là phim “Daughter From Danang”- (Cô gái từ Đà Nẵng - 2002) của hai đạo diễn Gail Dolgin và Vicennte Franco. Câu chuyện kể về cô gái Heidi Neville Bub sinh năm 1968 tại Đà Nẵng với tên Mai Thị Hiệp. Mẹ cô, bà Mai Thị Kim, đã có ba con. Chồng bà tham gia hoạt động du kích, lên núi. Bà vào làm ở một căn cứ quân sự của Mỹ. Tại đây, bà đã gặp cha của Heidi. Trước khi miền Nam giải phóng, nghe tin đồn không hay về những đứa con lai, bà đã gửi cô bé 6 tuổi về Mỹ.

Ở Mỹ, cô bé được bà Ann Neville , phụ nữ độc thân, nhận nuôi. Bà nói với cô rằng, cha cô đã chết trong chiến tranh. Không được nói với ai rằng, cô sinh ra ngoài giá thú. Và cô ra đời ở Mỹ chú không phải Việt Nam. Đặc biệt, bà mẹ nuôi không muốn cô có quan hệ với ai. Khi lớn, một hôn, cô về nhà muộn. Bà mẹ nuôi đã đuổi cô. Từ đó, Heidi quyết tâm đi tìm mẹ ruột. Cô liên lạc với Trung tâm nhận con nuôi Holt. Lúc này, cô đã lấy chồng và có hai con. Chồng cô là lính thủy.

Trong khi đó, ở Đà Nẵng, mẹ ruột cô, suốt ngày cầm lá đơn, bằng tiếng Anh, đi trên đường phố, nhờ những người nước ngoài tình cờ gặp, tìm con gái thất lạc. Một người Mỹ đã giúp bà.

Hai mẹ con liên lạc được với nhau.

Heidi quyết định về Việt Nam. Đi cùng cô có bà Trần Tương Như, phiên dịch.

Sân khấu - Điện ảnh - Việt Nam qua góc nhìn của các nhà làm phim Mỹ  (Hình 2).

Phim "Daughter From Danang" - (Cô gái từ Đà Nẵng - 2002) của hai đạo diễn Gail Dolgin và Vicennte Franco

Những phút đầu gặp gỡ, hai mẹ con ôm nhau sung sướng. Nhưng niềm vui không lâu. Thay vào đó là những khác biệt văn hóa. Heidi không được chuẩn bị những kiến thức cần thiết về phong tục, văn hóa Việt Nam. Mẹ của cô lại không ý thức rằng, con gái mình đã là người Mỹ. Bà thích cầm tay cô dắt đi chợ, đêm thích ngủ cùng cô. Và anh chị em thì lại thích chạm vào người hoặc ôm hôn cô. Điều đó làm cho cô khó xử. Bởi trước đây, khi sống với mẹ nuôi, cô bị đối xử khá khắc nghiệt.

Trọng tâm câu chuyện thể hiện ở chỗ, người anh cả nói với cô rằng, anh đã nuôi mẹ nhiều rồi. Giờ đến lượt cô. Bà mẹ thì nói với cô rằng, bà muốn sống những ngày còn lại ở Mỹ cùng cô. Cô rất sốc trước hai đề nghị này và nói rằng, mình về tìm mẹ chứ không chuẩn bị cho những việc khác.

Người anh lại nói rằng, nếu cô chưa đưa mẹ đi được thì hàng tháng gửi tiền về . Ngoài việc chăm sóc mẹ, còn để xây mồ mả tổ tiên. Heidi càng sốc. Cô khóc. Gia đình, họ hàng không hiểu. Bà Như đi cùng cô giải thích, người Việt ở Mỹ vẫn thường có nghĩa vụ gửi tiền về Việt Nam. Heidi lại cảm thấy mình bị lợi dụng. Cô trở về Mỹ với khối mâu thuẫn trong lòng.

Khi về Mỹ, cô vẫn nhận được những lá thư của gia đình ở Việt Nam. Nội dung chủ yếu vẫn là “ yêu cầu về tài chính”.

Cô không thể đáp ứng và không muốn liên lạc nữa.

Khi phim chiếu trên các kênh TV, một khán giả có tên là Kris đã bình luận: “Heidi Bub là một phụ nữ cực ích kỷ. Ở Việt Nam, việc các thành viên gia đình giàu có lo cho những người nghèo hơn là điều bình thường và được mong đợi… Tôi không thể tưởng tượng được nỗi đau mà người mẹ tội nghiệp ấy cảm thấy khi tìm thấy con gái mình, lại để mất cô ấy một lần nữa... Tôi hy vọng, một ngày nào đó, Heidi sẽ hối hận về nỗi đau cô ấy gây ra…”.

Về phim truyện, các nhà làm phim Mỹ lại có những cái nhìn nông cạn về người Việt. Điển hình là phim The Deer Hunter - (Người săn nai - 1978) của đạo diễn Michael Cimino. Bộ phim kể về hành trình của ba người công nhân luyện thép, người Mỹ gốc Nga , nhập ngũ, sang Việt Nam chiến đấu.

Tại Việt Nam, họ bị bắt, làm tù binh. Họ bị người Việt tra tấn, trong đó có cảnh một tù binh bị nhốt vào lồng, thả xuống sông đầy chuột và xác chết. Đặc biệt, trong phim còn có cảnh, các tù binh này, bị những người lính Việt Nam, tra tấn bằng trò chơi Roulette của Nga. Đó là một trò nguy hiểm. Người tù binh sử dụng một khẩu súng lục, ổ đạn quay với một viên duy nhất, để bắn vào đầu mình theo lượt. Người còn sống sẽ là người thắng.

Trong khi các sỹ quan đặt cược. Khi bộ phim công chiếu, dư luận thế giới đã chỉ trích đó là trò ngụy tạo và không thực tế. Vì không có tài liệu nào nói về trò này trong chiến tranh Việt Nam. Phóng viên AP Peter Arnett, người được giải Pulitzer do đưa tin về cuộc chiến Việt Nam , đã gọi bộ phim là “lời nói dối đẫm máu”. Còn đạo diễn Cimino bị lên án vì miêu tả những người cộng sản Việt Nam là những kẻ phân biệt chủng tộc và giết người tàn bạo.

Tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin năm 1979, đoàn Điện ảnh Liên Xô đã bày tỏ sự phãn nộ với bộ phim vì “đã xúc phạm người Việt Nam”. Nhiều nước cũng đã phản đối bộ phim vì vi phạm quy chế Liên hoan phim vì nó không góp phần vào việc nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới”. Nhiều đoàn đã bỏ ra ngoài như Cu Ba, Đông Đức, Hungari, Bungari, Ba Lan, Tiệp Khắc, gây nên hiệu ứng domino. Và hai thành viên trong Ban Giám khảo đã xin rút. Đoàn Việt Nam đã viết thư gửi Ban tổ chức Liên hoan phim, cực lực phản đối những nhà làm phim Mỹ.

Câu chuyện Việt Nam , đối với người Mỹ, vẫn là một đề tài chưa được kể hết. Nhưng dù ở góc độ tích cực hay tiêu cực, thì đất nước và con người Việt Nam, vẫn là một góc nhìn từ phía Mỹ, theo kiểu của Mỹ. Dù có nhiều tác phẩm như phim, kịch, tiểu thuyết, âm nhạc… viết về Việt Nam, thế hệ người Mỹ sinh ra sau chiến tranh vẫn khó tìm được những câu chuyện chân thực về người Việt. Các chuyên gia nhận xét, muốn khắc phục hiện trạng này, người Mỹ nên thường xuyên đến Việt Nam hơn để cố gắng tìm ra những thái độ sai lầm của người Mỹ đối với lịch sử và hiện tại của đất nước này.

Đoàn Tuấn

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam qua góc nhìn của các nhà làm phim Mỹ " tại chuyên mục DU LỊCH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).