Tầm vóc Việt từ chống đại dịch Covid-19

30/07/2020 16:39

Ngày 31/12/2019, Đài Truyền hình Trung Quốc lần đầu tiên thông báo dịch bệnh viêm đường hô hấp xuất hiện tại Vũ Hán do virus Corona chủng mới xuất hiện từ một chợ hải sản, làm chết 2 người.

Hơn 6 tháng sau, đại dịch đã lan ra 215 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 12 triệu người nhiễm bệnh, giết chết gần 600 ngàn người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống toàn nhân loại, kéo tụt nền kinh tế thế giới, gây nên nạn đói cùng nhiều bệnh tật khác tại rất nhiều quốc gia.

Trước những tác động khủng khiếp của đại dịch CoVid-19 được coi là lớn nhất thế giới 80 năm qua, Việt Nam là nước được đánh giá ít thiệt hại nhất nhờ bản lĩnh đoàn kết, quyết liệt “Chống dịch như chống giặc, có thể hy sinh một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe cho toàn dân”. Ngay từ những ngày đầu dịch xuất hiện, nhiều biện pháp sâu sát, mạnh mẽ của Chính Phủ được cả hệ thống chính trị từ trung ương đến các địa phương, làng xã nỗ lực thực thi nghiêm túc, hiệu quả.

Là nước có hơn 1500km đường biên giới với Trung Quốc, nhưng Việt Nam là nước bị lây nhiễm thấp nhất Châu Á, hầu hết đều đã được chữa khỏi, đặc biệt không có ca tử vong nào, kể cả bệnh nhân nặng nhất số 91 người Anh được điều trị 116 ngày. Đây là một ca bệnh thập tử nhất sinh, phổi đã bị hủy hoại gần hết, đã từng phải quyết định ghép phổi, nhưng nhờ những nỗ lực của Bệnh viện Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy với sự hội chẩn thường xuyên của nhiều giáo sư, tiến sĩ cả nước cùng lãnh đạo Bộ Y tế nên đã chọn được phương pháp điều trị khoa học, phù hợp nhất cho từng giai đoạn, chọn lựa những loại thuốc đặc trị hiệu nghiệm nhất, kể cả mua của nước ngoài rất đắt tiền, đưa tổng chi phí chữa trị cho bệnh nhân này lên đến hơn 4 tỷ đồng (được bảo hiểm chi trả). Sau lần hội chẩn cuối cùng với sự hiện diện của nhiều giáo sư, tiến sĩ, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định bệnh nhân 91 đã hoàn toàn khỏi bệnh, sức khỏe ổn định, đủ điều kiện trở về nước trên chuyến bay ngày 12/7.

Đại sứ Anh đã chân thành cảm ơn Nhà nước Việt Nam cùng đội ngũ cán bộ nhân viên ngành Y tế với sự chăm sóc tận tình, đầy lòng nhân ái cao cả và năng lực phi thường đã “cải tử hoàn sinh” cho một công dân nước Anh mà nếu ở nơi nào khác thì khó lòng qua khỏi.

Đại địch đã diễn ra hơn 6 tháng và đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia kể cả Trung Quốc và hoành hành dữ dội ở Châu Mỹ với số người nhiễm bệnh và chết tăng đột biến tại Mỹ, Brazin, Chile...

Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo cùng lãnh đạo Bộ Y tế đã rất sâu sát, quyết liệt xử lý từng diễn biến phức tạp hoàn thiện phác đồ điều trị, nâng cấp cơ sở chữa bệnh từ tuyến huyện, với phương châm 4 tại chỗ đã đem lại hiệu quả rất tốt ngay từ những ngày đầu dịch xuất hiện sau khi chuyến bay chở 30 công nhân Việt Nam từ Vũ Hán về nước, có 11 người bị nhiễm Covid-19 tại tỉnh Vĩnh Phúc đã được chữa khỏi ngay ở tuyến huyện, mở ra những khả năng khống chế đại dịch, không cho lây lan ra cộng đồng.

Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng Văn phòng đại diện của WHO tại Việt Nam đã ca ngợi những biện pháp mạnh mẽ, nhanh chóng, hiệu quả cao của Chính phủ và ngành Y tế Việt Nam, đặc biệt là tinh thần phục vụ quên mình, nhân ái của đội ngũ nhân viên y tế khắp đất nước, đối xử với bệnh nhân - kể cả nước ngoài - như chính người thân của mình. Tiến sĩ Park đánh giá cao sức mạnh đoàn kết của toàn bộ hệ thống chính trị, quân đội, công an và nhân dân cả nước đã sát cánh đồng hành cùng đội ngũ y tế rất sáng tạo, vô cùng hiệu quả.

Việc tổ chức cách ly hàng chục ngàn người, xét nghiệm, sàng lọc, truy cứu những đối tượng từng tiếp xúc bệnh nhân đã được triển khai nhanh, triệt để, bảo đảm cho cuộc sống toàn dân yên bình, tự tin làm ăn, học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh. Việt Nam là quốc gia đầu tiên tổ chức lại các giải thể thao với đông đảo người xem. Các trận đá bóng có hàng vạn khán giả, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, golf cùng những đêm ca nhạc đồ sộ hấp dẫn. Mọi người dân đều tự giác tuân thủ những khuyến nghị phòng dịch do ngành Y tế đề ra, được các cơ quan báo chí truyền thông thường xuyên nhắc nhở với những cách làm mới, sáng tạo. Ca khúc Ghen Cô vy cùng vũ điệu rửa tay rất hiện đại được đông đảo công chúng yêu thích, lan tỏa cả nước ngoài, tạo nên niềm tin lạc quan mới trong phòng chống đại dịch.

Giữa muôn vàn khó khăn chồng chất, người Việt Nam một lần nữa thể hiện bản lĩnh đoàn kết, tương thân tương ái, tận tình giúp nhau từ hạt gạo đến manh áo. Hàng loạt ATM gạo, mì, trứng, sữa, đường… miễn phí đã đua nhau xuất hiện khắp đất nước. Quỹ Tấm lòng vàng của nhiều tổ chức xã hội đã thực sự đến được với mọi hộ nghèo, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng triệu người bị mất việc...

Các hãng truyền thông lớn của thế giới từ Mỹ, Đức, Canada, Nhật Bản, Pháp, Nga… đều có những bài “Giải mã Hiện tượng Việt Nam giữa đại dịch Covid-19” đánh giá cao mức độ tín nhiệm của nhân dân đối với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sâu sát của Chính phủ với mục tiêu kép: chống dịch và phát triển kinh tế.

Tác giả Sven Heckle của Đức khẳng định: “Việt Nam là thước đo của tất cả trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19...” Còn tờ Globe and Mail của Canada thì gọi chiến thắng đại dịch của Việt Nam là “Chuẩn mực độc nhất vô nhị”. Hãng truyền thông lâu đời nhất nước Nga RIA Novosti đã dành nhiều thời lượng phản ánh “sức sống tuyệt vời của người Việt Nam thật đáng kinh ngạc”.

Để góp phần giải quyết khó khăn cho nhân dân do đại dịch gây ra, Chính phủ đã chi gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và hỗ trợ các doanh nghiệp gần 300.000 tỷ đồng vốn với lãi suất ưu đãi để phục hồi, phát triển sản xuất, bảo đảm đủ hàng xuất khẩu và tiêu dùng, đồng thời tăng đầu tư công lên 700.000 tỷ đồng, gấp đôi năm trước, tạo thêm nhiều việc làm mới, kích thích tiêu dùng trong nước. Nhờ sự đổi mới trong điều hành kiến tạo quyết liệt của Chính phủ, tháo gỡ những vướng mắc trong thể chế, thủ tục, 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn là nước có mức tang trưởng cao nhất khối ASEAN với gần 2%, mở ra khả năng tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm. Nổi bật là nhiều mặt hàng xuất khẩu nông - lâm - hải - sản đã chiếm lĩnh được những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, EU…, trong đó, xuất khẩu gạo được 3,5 triệu tấn, tăng 4,4% về khối lượng và 17,9% về giá trị.

Ngân hàng Thế giới dự báo, năm 2020, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,8% (cao nhất Châu Á) và sẽ tăng tốc lên 8% vào năm tới. Chính sự ổn định, yên bình của toàn xã hội đã giúp Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư lớn của nước ngoài với 8,4 tỷ USD cho 1400 dự án mới trong 6 tháng đại dịch Covid-19.

Cho dù có hơn 17 triệu người bị giảm thu nhập nhưng số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất không nhiều và vẫn có thêm trên 60.000 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động với tổng số vốn 750.000 tỷ đồng. Để góp phần giải quyết khó khăn cho ngành du lịch khi chưa thể mở cửa đón khách quốc tế, nhân dân cả nước đã nô nức tham gia những tour du lịch nội địa được giảm giá. Hàng triệu người đã đến Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc, Côn Đảo...; cùng lúc đó, giải Maraton do Báo Tiền Phong tổ chức trên đảo Lý Sơn đã tạo thêm sức hấp dẫn cho du lịch biển đảo Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng phát triển giữa đại dịch nhờ duy trì tốt quản lý vĩ mô, hoàn thiện thể chế, không ngừng nâng cao đời sống toàn dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân với hơn 700.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh tạo nên sức cạnh tranh lành mạnh, kiên quyết xử lý nạn buôn lậu, hàng giả cùng phong trào chống tham nhũng đạt nhiều thành quả.

Sau khi đưa ra những bài học sâu sắc từ Việt Nam, tờ báo Business Insides của Mỹ đã gọi Việt Nam là quốc gia không thể bị khuất phục dù đó là những đế quốc to, bành trướng hay những đại dịch như Covid-19.

Rất tiếc, với những nỗ lực cao độ, hành động quyết liệt, đạt được nhiều thành tựu của cuộc chiến chống Covid-19 sau 99 ngày không có ca nhiễm mới thì vào cuối tháng 7 lại xuất hiện các ca bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam…, có cả những nhân viên y tế bị nhiễm bệnh và dịch bệnh có nguy cơ lan rộng. Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt không để dịch bùng phát. TP Đà Nẵng phải thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 28/7, ngừng các phương tiện vận tải vào ra với hơn 80.000 khách du lịch tại Đà Nẵng đều phải cách ly 14 ngày - kể cả đã trở về nhà. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tinh thần là chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng bình tĩnh, bảo đảm ổn định kinh tế, xã hội.

Hy vọng với bản lĩnh và kinh nghiệm từng trải, Đà Nẵng và cả nước lại chung tay nỗ lực vượt qua những thử thách mới.

Nhà văn VÕ KHẮC NGHIÊM

Bạn đang đọc bài viết "Tầm vóc Việt từ chống đại dịch Covid-19" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).