Ra mắt cuốn sách "Các tầng địa ngục theo Phật giáo"

28/08/2020 16:34

(VHNT) - Ngày 26/8, tại Hà Nội Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức buổi tọa đàm "Địa ngục trong tâm thức người Việt" qua đó giới thiệu cuốn sách "Các tầng địa ngục theo Phật giáo" mới xuất bản.

Cuốn sách "Các tầng địa ngục theo Phật giáo" vừa được ra mắt ngày 26/8 vừa qua với bản dịch của dịch giả Phạm Văn Tuân cùng lời giới thiệu của TS. Trần Trọng Dương. 

Cuốn sách được chia làm 5 phần, trong đó có phần IV và phần V miêu tả trực tiếp về các hoạt cảnh này, 3 chương trước là các ghi chép, khảo tả của hai học giả người Pháp về những tầng địa ngục theo cách hiểu biết của họ. Để chuẩn bị cho chuyến đi, họ đã đọc trước các tài liệu về tôn giáo ở Đông Á, đặc biệt là các tài liệu tiếng Pháp về địa ngục trong văn hóa Ấn Độ.

Tác phẩm mới - Ra mắt cuốn sách 'Các tầng địa ngục theo Phật giáo'

Cuốn sách được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp Les Enfers Bouddhiques: le Bouddhisme Annamite (Chamuel, Paris, 1895).

Góc nhìn của người Pháp về thế giới tâm linh người Việt

Hai tác giả người Pháp Léon Riotor và Léofanti đã sử dụng các phương pháp “phỏng vấn” thực thể văn hóa là các sư Thanh Diễm - trụ trì chùa Báo Ân về “địa ngục” theo Phật giáo. Nhà sư  dùng kiến thức triết học, tôn giáo cùng những truyền thuyết bản địa để thuyết minh cặn kẽ về các tranh vẽ địa ngục trên tường chùa.

Tác phẩm cung cấp một tư liệu quý về Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, với những ghi chép của hai tác giả cùng các tranh minh họa vẽ lại từ các hình khắc về địa ngục tại chùa Báo Ân khi đó cung cấp cho độc giả một cái nhìn chân thật về thế giới quan của người Việt, quan niệm về địa ngục trong tâm thức người Việt cách đây tròn 130 năm

Với những lời văn thâm trầm và triết lý, phần nào phản ánh đời sống văn hóa, triết học và tâm linh của người dân bản xứ thời kỳ đầu thế kỷ hai mươi, đặc biệt là những gì họ hình dung và tin tưởng vào một thế giới sau cái chết. “ TS. Trần Trọng Dương viết trong phần mở đầu cuốn sách.

TS. Mai Anh Tuấn cho rằng đây là một công trình quan trọng vừa có giá trị về tư liệu vừa có những giá trị về mỹ thuật và văn chương.

Cung cấp thông tin quý về chùa Báo Ân đã không còn

Chùa Báo Ân được coi là công trình Phật giáo có quy mô nhất ở Thăng Long lúc bấy giờ, được chủ trì xây dựng bởi Quan Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai. Tuy nhiên hiện nay ngôi chùa này không còn nữa để lại nhiều người tiếc nuối cho chúng ta. 

Tác phẩm mới - Ra mắt cuốn sách 'Các tầng địa ngục theo Phật giáo' (Hình 2).

Các bức tranh in trong "Các tầng địa ngục theo Phật giáo" cho độc giả thêm thông tin quý về chùa Báo ÂN

Qua các bức tranh mà các họa sĩ vẽ lại các bản khắc nổi ở chùa Báo Ân được in trong cuốn sách cho chúng ta hình dung lại diện mạo chùa Báo Ân khi đó. Theo các nhà nghiên cứu, chùa Báo Ân mang nhiều giá trị to lớn về mặt kiến trúc, mỹ thuật cũng như tôn giáo. "Cũng chính bởi việc có những bức chạm khắc cảnh tượng về địa ngục mà chùa Báo Ân còn có tên gọi là chùa Nhục Hình hay chùa Khổ Hình" TS. Trần Trọng Dương chia sẻ

Về hai tác giả:

Léon Riotor, tên đầy đủ là Léon Eugène Emmanuel Riotor, sinh năm 1865 tại Lyon và mất năm 1946 tại Paris, là chính trị gia và nhà văn người Pháp. Từng là phó chủ tịch Hội đồng Thị chính Paris và Hội đồng Tỉnh Seine, ông tham gia sáng tác nhiều thể loại, khi thì viết thơ, lúc viết tiểu thuyết, châm biếm có, du ký có, tâm lý học có và cả phê bình nghệ thuật cũng có. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Le Pêcheur d'anguilles (1894), Poèmes et Récits de guerre (1918), Les Raisons de Pascalin (1894), Les Taches d'encre (1929), L'Ami inconnu (1895); La Nouvelle Autriche (1927), Auguste Rodin; Les Arts et les Lettres'(1901, 1903, et 1906), etc.

Gaston Léofanti, tên đầy đủ là Gaston Adolphe Joseph Léofanti, sinh năm 1863 tại Rennes và mất năm 1909 tại Paris. Ông từng là phóng viên tờ L’Avenir du Tonkin, biên tập viên và thương gia. 

Quang Minh

Bạn đang đọc bài viết "Ra mắt cuốn sách "Các tầng địa ngục theo Phật giáo"" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).