Quy hoạch thành phố ven sông Hồng bao giờ thành hiện thực? (kỳ 2)

28/08/2020 21:34

(VHNT) - Có đến 20 dự án lớn, nhỏ qua các thời kỳ cho hai bên bờ sông Hồng nhưng vẫn chưa một dự án nào được thực hiện. Cho đến nay, trước thềm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, một lần nữa vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông một lần nữa tái khởi động.

Bài 2: Có quy hoạch vùng mới có thể có quy hoạch riêng của Hà Nội

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, cho biết sông Hồng có tổng chiều dài gần 1200 km. Đoạn sông chảy qua Việt Nam dài hơn 500 km là hạ lưu, còn hơn 600 km thượng nguồn còn lại thì nằm ở Trung Quốc. Tại đây, Trung Quốc còn xây dựng 17 đập thủy điện nên đây là nguyên nhân để Việt Nam khó có thể đánh giá chính xác dòng chảy của dòng sông.

Xã hội  - Quy hoạch thành phố ven sông Hồng bao giờ thành hiện thực? (kỳ 2)

 KTS Đào Ngọc Nghiêm

Về thủy văn, mực nước của sông Hồng có biến động khá lớn. Trong mùa cạn, mực nước sông Hồng ước chừng khoảng 2-3m so với mực nước biển.

Nhưng vào mùa lũ, mực nước có thể đạt ngưỡng 11-12 m. Thậm chí, vào năm 1971, mực nước đã đạt “đỉnh”, lên tới 13 m, gần bằng chiều cao của mặt đê Hà Nội (13,5m) và chiều cao của cầu Long Biên (13,75m).

Tuy nhiên, do quá trình biến đổi khí hậu khiến cho mực nước sông trở nên không ổn định, có năm Hà Nội bị lụt tới 22 điểm (năm 2006), nhưng cũng có năm sông Hồng cạn trơ đáy. Điều này cũng tạo ra rào cản lớn để các nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra một quy hoạch phân lũ cho sông Hồng.

Về mặt này, sông Hồng khác xa so với các dòng sông khác trên thế giới.

Về thế sông, trước kia, người Pháp đã có nhiều nghiên cứu về điểm này và đưa ra được 3 thế dòng chảy. Các thế này sẽ thay đổi 50 năm/lần.

Chính vì vậy trong bao nhiêu năm qua, có rất nhiều những dự án, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng trong nước và quốc tế nhưng chưa có một quy hoạch nào được đưa vào thực tế.

“Hơn 20 dự án năm này đến năm khác đưa ra nhưng hai bên bờ sông Hồng vẫn vẹn nguyên bao nhiêu năm chưa hề thay đổi.” KTS Nghiêm nói. Bởi để có được một dự án hoàn chỉnh, bắt buộc các quy hoạch phải đáp ứng đủ 5 yếu tố.

Yếu tố thứ nhất theo ông, đó là vấn đề ổn định dòng chảy sông Hồng và đảm bảo an toàn khi thoát lũ chưa được nghiên cứu và quan tâm bài bản. Đoạn sông Hồng chảy qua nước mình, Việt Nam có thể nghiên cứu, tuy nhiên hơn 600 km sông chảy qua nước bạn chúng ta không có đủ điều kiện, tư liệu để nghiên cứu.

Thứ hai là cần phải có những giải pháp kĩ thuật mới, hiện đại để gia cố nền đất hai bên bờ sông.

Thứ ba, liên quan tới giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của sông Hồng gắn liền với các đô thị Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất chính là thành Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, khi xây dựng quy hoạch phải khai thác hết được tiềm năng của các điểm di tích này, tránh tối đa việc xâm hại di tích.

Thứ tư, hiện nay ngoài bãi sông Hồng qua nội đô Hà Nội có khoảng 24 vạn dân, nếu tính cả Hà Nội mở rộng số dân lên đến 90 vạn. Vấn đề đặt ra quy hoạch hai bên bờ sông phải tính đến chuyện làm thế nào để người dân được an cư tại chỗ, ổn định và có nguồn thu nhập.

KTS Nghiêm cho biết, thời gian gần đây, Hà Nội đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đặt vấn đề nghiên cứu để quyết định dòng chảy và tổ chức lại hệ thống đê điều.

“Nhưng một mình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không thể quyết định dòng chảy được. Bởi vì muốn quyết định điều này phải có quy hoạch vùng mà theo Luật Quy hoạch mới thì khi có quy hoạch vùng xong thì mới có thể có quy hoạch của riêng Hà Nội.” Ông Nghiên kết luận.

>>> Quy hoạch thành phố ven sông Hồng bao giờ thành hiện thực? (kỳ 1)

Minh Dương

Bạn đang đọc bài viết "Quy hoạch thành phố ven sông Hồng bao giờ thành hiện thực? (kỳ 2)" tại chuyên mục GIAO THÔNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).