Nhà văn Chinghiz Aitmsatov Người đưa nước Kyrgyzstan ra thế giới

11/09/2020 15:01

Người dân Kyrgyz nói rằng, đất nước họ có hai người anh hùng đã làm cho quốc gia Kyrgyz được thế giới biết đến: một là sử thi của Manas và người kia là Chighiz Aitmatov.

Kho báu tuổi thơ

Nhà văn Chinghiz Aitmatov là con của ông bà Torekul và Nagima Aitmatov ở làng Sheker (Thung lũng Tafas, dưới chân núi Tien - Shan, gần biên giới Kyrgystan với Trung Quốc). Để những đứa trẻ luôn nhớ đến cội nguồn của mình, trong làng luôn duy trì truyền thống, mỗi người phải biết bảy thế hệ tổ tiên. Và Aitmatov biết tên từng người một.

Trong gia đình Aitmatov, mọi người gắn bó với nhau một cách chặt chẽ. Bà nội là người bạn thân nhất trong tuổi thơ của cậu bé. Để dạy cho Aitmatov về văn hóa của người Kyrgyz, bà thường dẫn nhà văn tương lai đến dự các lễ hội truyền thống cùng các đám cưới, đám tang. Aitmatov cũng thường tìm đến các buổi liên hoan văn nghệ, lắng nghe các ban nhạc dân gian trình diễn, học những câu tục ngữ, ca dao của người dân địa phương.

Để lập lại tinh thần của một nền văn hóa, một nhà văn cần có sự hiểu biết sâu sắc về nó. Ngoài những kiến thức chi tiết và sự hiểu biết tường tận, những trang văn sau này của Chinghiz Aitmatov còn phản ánh sự tôn trọng sâu sắc đối với truyền thống của dân tộc Kyrghiz.

Cha của Aitmayov, ông Torekul Aitmatov, sinh ra trong một gia đình nông dân trung lưu. Ông tốt nghiệp trung học năm 1917 và được bầu làm Thư ký Ủy ban người nghèo vào năm 1923. Từ năm 1924 đến năm 1935, ông đảm nhận một vài chức vụ trong bộ máy của Đảng.

Năm lên chín tuổi, cậu bé Aitmatov chứng kiến một bi kịch đã tàn phá tuổi thơ và ảnh hưởng đến cuộc đời nhà văn sau này: cha anh, ông Torekul, năm đó mới 35 tuổi, cùng những người cộng sản đầu tiên ở địa phương, trong đó có cả ông Bí thư Đảng ủy, đã bị bắt vào năm 1937. Họ bị khép vào tội có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc tư sản. Cậu bé Aitmatov khi đó rất xấu hổ. Dân làng nhìn cậu và gia đình cậu như những người tội lỗi.

Có những lúc, Aitmatov muốn giấu, không cho mọi người biết họ của mình. Nhưng may sao, có một số người đã xuất hiện kịp thời, không cho phép tầm nhìn của những con người này bị hạn chế bởi vòng xoáy của các sự kiện. Một trong những người đó là thầy giáo tiểu học của Aitmatov. Một hôm, trong giờ học, thầy giáo hỏi tên cha của Aitmatov. Cậu bé nhìn xuống, lí nhí trả lời.

Thầy giáo nói Aitmatov hãy đứng thẳng người và khuyên cậu: “Đừng bao giờ nhìn xuống khi em nói tên của cha em. Em có hiểu không?” Những lời này đã trở thành kho báu suốt đời đối với nhà văn. Sau này, Aitmatov nhớ lại lời thầy. Ông kể: “Người thầy giáo đó đã cho tôi lòng can đảm. Ông dạy tôi phải giữ vững nhân tính của mình và đặt tầm quan trọng lên mức tối đa đối với phẩm giá con người. Ngay cả bây giờ, dòng máu trong con người tôi vẫn sôi lên bất cứ lúc nào khi thấy ai đó bị lăng mạ hoặc xúc phạm”.

Năm mười bốn tuổi, Aitmatov phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và chiến tranh đang lan đến gần. Mẹ của Aitmatov, Nagima Hamzaevna Aitmatova là một công dân Xô Viết chân chính. Năm 1924, bà gặp ông Torekul và tận tâm thúc đẩy các quyền lợi của phụ nữ, chống nạn mù chữ, xóa bỏ những mặt hạn chế của đạo Hồi ở nước cộng hòa. Bà tích cực đưa ra những cải cách về đất đai và nguồn nước. Từ năm 1938 đến khi về hưu năm 1954, bà làm công tác tài chính ở vùng Kirov.

Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II nổ ra, cuộc sống của gia đình Aitmatov ngày càng khó khăn. Cả gia đình phải sống trong ngôi nhà xiêu vẹo. Mẹ ốm đau thường xuyên. Aitmatov phải nghỉ học. Nhưng vì anh đọc thông và viết thạo nên được chọn làm thư ký của làng. Người thư ký này có nhiều nhiệm vụ. Trong đó có nhiệm vụ đưa giấy gọi tuyển quân. Đó là công việc mà Aitmatov ghét nhất.

Trong các cuộc họp làng, anh phải đọc tên những người con của làng hy sinh ngoài mặt trận. Rồi những đợt gọi lính, anh phải đi đến những nhà vừa có người thân hy sinh. Họ nhìn anh với gương mặt sợ hãi, lo lắng. Aitmatov phải lấy từ trong túi ra mảnh giấy, có đóng dấu của Quân đội. Và anh phải đọc rõ ràng, ngắn gọn lệnh gọi nhập ngũ.

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Aitmatov tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Kyrgyz. Tuy nhiên, Aitmatov cảm thấy bên trong mình vang lên tiếng gọi sáng tạo văn học. Vì vậy, năm 27 tuổi, Aitmatov quyết định thi vào Học viện Văn học.

Năm 1952, ông bắt đầu xuất bản những truyện ngắn đầu tiên bằng tiếng Kyrgyz. Bốn năm sau, Aitmatov thi vào Viện văn học mang tên Gorky tại Maxcova. Truyện ngắn đầu tiên của Aitmatov được dịch sang tiếng Nga vào năm 1958. Cũng chính năm này, ông tốt nghiệp. Cùng năm đó, Aitmatov cho xuất bản tập truyện ngắn mang tên Jamilia. Những bản tình ca trong những câu chuyện của quê hương Kyrgyz đã mang đến cho ông sự thành công trên văn đàn quốc tế.

Góc nhìn - Nhà văn Chinghiz Aitmsatov Người đưa nước Kyrgyzstan ra thế giới

Nhà văn Chinghiz Aitmsatov

Người ngợi ca tình yêu của phụ nữ

Chinghiz Aitmatov là đại diện nổi tiếng nhất của Kyrgystan, một quốc gia miền núi với khoảng năm triệu dân ở trung tâm Trung Á và là một nước Cộng hòa Xô Viết cho đến năm 1991. Aitmatov được tôn kính vì đã xây dựng một cây cầu giữa thế giới văn hóa dân gian truyền thống của người Kyrgyz với văn học Á - Âu đương đại.

Ông là nhà văn viết bằng hai thứ tiếng. Tiếng mẹ đẻ và tiếng Nga. Các tác phẩm của ông được dịch ra hơn 150 ngôn ngữ trên thế giới. Ông đã kết hợp tuyệt vời các yếu tố của truyện dân gian và sử thi của người Kyrgyz với chủ nghĩa hiện thực truyền thống của Nga. Aitmaytov rất yêu quê hương mình, nhưng ông cũng là người yêu đất nước Liên Xô. Đồng thời ông cũng là người theo chủ nghĩa quốc tế chân chính.

Ông kêu gọi các nhà chức trách Xô Viết nên đối xử với ngôn ngữ của người Kyrgyz và nâng cao vị thế chính thức của ngôn ngữ Kyrgyz bên cạnh tiếng Nga. Ông coi tiếng Nga là “tiếng mẹ đẻ thứ hai” của người dân Kyrgyz. Vào năm 1980, chính ông đã góp phần đưa ngôn ngữ Kyrgyz vào giảng dạy ở một số trường đại học ở Bishkek (trước đây là Frunze), Thủ đô của Kyrgyzstan.

Để hiểu về Chinghiz Aitmatov, chúng ta nên tìm hiểu các chủ đề văn hóa châu Á mà nhà văn xử lý. Và để hiểu nhà văn, chúng ta cũng nên tìm hiểu về môi trường xã hội mà nhà văn ra đời, trưởng thành cũng như các mối quan hệ văn hóa đã mài giũa nền văn hóa của người Kyrghiz qua nhiều thế kỷ. Đặc biệt là xem xét nền văn hóa đó trong mối quan hệ, nhiều khi căng thẳng của các xu hướng mới ở Liên Xô.

Một trong những chủ đề chính trong các tác phẩm của Aitmatov là sự bất bình đẳng giữa các thành viên nam và nữ trong xã hội Trung Á truyền thống. Các chủ đề phụ xuất hiện trong các câu chuyện chủ yếu là sự đàn áp phụ nữ của đàn ông, nhất là các địa chủ.

Aitmatov tập trung viết nhiều về sự thất học, nhất là ở các vùng nông thôn, đặc biệt là đối với các em gái. Ông bất bình với chế độ đa thê và việc coi phụ nữ là hàng hóa. Aitmatov đối mặt với những vấn đề này. Ông đã xây dựng được nhiều nhân vật đáng nhớ như Jamilia trong truyện cùng tên; như Jaidar trong Vĩnh biệt Gyulsary! ; Hoặc như Altynai trong Người thày đầu tiên…

Những người phụ nữ có ý chí mạnh mẽ đó đã phá vỡ truyền thống và đặt ra những xu hướng mới cho đồng bào mình. Nhà thơ Pháp Louis Aragon đã mô tả Jamilia là “câu chuyện tình yêu đẹp nhất thế gian”, dù ông cho rằng, thật vô đạo đức khi ca ngợi nữ nhân vật chính, người đã yêu một người khác khi chồng cô đang xả thân chiến đấu chống phát xít Đức trong Thế chiến II.

Aitmatov tin rằng, các vấn đề chính trị xã hội, kinh tế, tư tưởng và môi trường của nhân loại sẽ biến mất nếu vấn đề giáo dục được đặt lên hàng đầu. Nhà văn khẳng định: “Cuối cùng, điều gì là đúng? Điều gì là tiêu chuẩn để phân biệt giữa đúng và sai? Tôi tin rằng, đó là tình yêu dành cho đồng loại của chúng ta, một tình yêu mong muốn tất cả những ai sinh ra nơi đây, hành tinh hạnh phúc và tự do. Không có ý thức hệ hay cấu trúc quốc gia nào quan trong hơn điều này. Và đó là khi mọi người đang yêu, họ trở thành những anh hùng thực sự”.

Góc nhìn - Nhà văn Chinghiz Aitmsatov Người đưa nước Kyrgyzstan ra thế giới (Hình 2).

Tác phẩm nổi tiếng "Người thầy đầu tiên" của Nhà văn Kyrgizia, Chingiz Aitmatov

Tầm vóc nhà văn

Trong cuốn tiểu thuyết Và một ngày dài hơn thế kỷ, Aitmatov đặt ra thuật ngữ “mankurt”. Ông phân tích cảm xúc của một người đàn ông Kazakh bị giằng xé giữa bản thể dân tộc mình và những nỗ lực của chính phủ Liên Xô để tạo ra một “người Xô - viết”. Người đàn ông Trung Á này chấp nhận thuật ngữ “mankurt” một cách miễn cưỡng đầy đau đớn.

Cha anh bị kết tội một cách oan uổng và bị giết bởi những lời dối trá. Mẹ anh cũng chịu đựng nhiều đau khổ. Bà từ giã cõi đời mà không bao giờ được biết những gì xảy ra với chồng mình. Nhưng người mẹ, khi còn sống, vẫn khuyên con trai những điều hay, lẽ phải và bắt anh phải đi học, đừng lo lắng gì cho cha mẹ. Trái tim anh dâng lên lòng căm giận đối với những kẻ gian trá, ham muốn quyền lực đã đẩy cuộc sống của những bà mẹ và trẻ em trên quê hương vào những cảnh khốn cùng, điên loạn.

Năm 1951, Aitmatov kết hôn với người con gái có tên là Keres Shamishibaev. Họ có chung bốn đứa con, ba trai và một gái. Nhưng hạnh phúc gia đình không bền lâu. Họ chia tay. Năm 1981, Aitmatov kết hôn với cô Maria Urmatova.

Ông được trao giải thưởng Lenin về Văn học vào năm 1963 cho tập truyện ngắn mang tên Chuyện núi đồi và thảo nguyên và Giải thưởng Nhà nước năm 1968 cho cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông Vĩnh biệt Gyulsary! Và đến năm 1978, ông được Nhà nước Liên Xô phong danh hiệu Anh hùng Lao động.

Năm 1986, Aitmatov thành lập Diễn đàn Issyk - Kul nổi tiếng, nơi gặp gỡ các trí thức từ khối Xô Viết và phương Tây ở khu nghỉ mát ven hồ để thảo luận về những thách thức lớn mà toàn cầu phải đối mặt. Aitmatov là cố vấn cho Mikhail Gorbachev, Chủ tịch Liên Xô vào đầu những năm 1990.

Ông là thành viên chính thức của Viện Hàn lâm khoa học Kyrgyzstan, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật châu Âu và là thành viên của Viện Hàn lâm và Khoa học Thế giới. Ông cũng là Đại sứ của Kyrgyz tại EU, NATO, UNESCO, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan. Một trong những người con trai của ông, Askar, là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Kyrgyzstan từ 2002 đến 2005.

Trong suốt cuộc đời mình, Aitmatov giữ gìn tình yêu của mình với đồng loại và thiên nhiên. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông: Khi những ngọn núi sụp đổ: Cô dâu vĩnh cửu được viết vào năm 2005 như một lời kêu gọi cuối cùng đối với người dân của ông để giữ gìn vẻ đẹp của dãy núi Selestial (Tengir-Too trong tiếng Kyrgyz; Tien - Shan trong tiếng Trung) mà người Kyrgyz coi là thiêng liêng.

Hai nhân vật của cuốn tiểu thuyết, nhà báo tên là Arsen Samanchin và con báo tuyết trên núi (Jaa Bars) đều trở thành nạn nhân của nạn săn trộm quốc tế trong câu chuyện. Tiểu thuyết phản ánh sự nguy hiểm của việc khai thác môi trường cũng như sự mong manh, bất cẩn của chính nó.

Nhiều tác phẩm của Aitmatov đã được dựng thành phim những bộ phim nổi tiếng. Khi tuổi cao, ông bị suy phổi và thận. Ông được cấp cứu tại một bệnh viện địa phương. Sau đó được chuyển sang Đức. Nhưng do bệnh quá nặng, ông đã qua đời.

Người dân Kyrgyz nói rằng, đất nước họ có hai người anh hùng đã làm cho quốc gia Kyrgyz được thế giới biết đến: một là sử thi của Manas và người kia là Chighiz Aitmatov.

“Trách nhiệm của một nhà văn là viết ra những ngôn từ trong sáng, thông qua kinh nghiệm cá nhân với sự đau đớn, đau khổ, niềm tin và hy vọng của mọi người. Điều này do chính nhà văn chịu trách nhiệm lên tiếng cho đồng loại của mình trước toàn thế giới” - Aitmatov.

Minh Đoàn

Bạn đang đọc bài viết "Nhà văn Chinghiz Aitmsatov Người đưa nước Kyrgyzstan ra thế giới" tại chuyên mục TIN LIÊN HIỆP VHNT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).