Kỳ nữ họ Tống

30/07/2020 17:48

Chuyện kể về cuộc đời Tống Thị, một người đàn bà có thật trong lịch sử Việt Nam từ những thập niên đầu thế kỷ XVII.

Kỳ 1

Bà Chúa Chè làm điên đảo cơ nghiệp Trịnh Sâm cũng chỉ là bóng mờ bên cạnh Tống Thị. Đặng Thị Huệ tác động Chúa Trịnh bỏ trưởng lập thứ, còn Tống Thị nỗ lực trong việc hại dân, tích lũy thành phú gia địch quốc, thay ngôi chúa bằng những hành động táo bạo, chưa dễ đã có mấy phụ nữ từ cổ chí kim hành động liều lĩnh hơn bà...

Cả xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, tên bà trở thành huyền thoại. Chúa Nguyễn (Phước Lan rồi Phước Tần) Chúa Trịnh (Trịnh Tráng) đều bị bà lung lạc cho vào bẫy, và Dũng Quận Công (Phước Tần), người kiêu hùng nhất của triều Nguyễn, từng đánh bại quân Trịnh, tiêu diệt hạm đội Hà Lan, mở đường khai thác Nam bộ oanh liệt một thời cũng suýt bị bà lật đổ...

Cuốn tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Văn Xuân mà chúng tôi chọn đăng dài kỳ kể từ số báo này không chỉ nhằm giới thiệu một tác phẩm hay, độc đáo trong việc miêu tả tính cách nhân vật với các mối quan hệ đầy những xung đột trong nội tâm và trong hành động rất đáng đọc mà còn mong muốn chuyển tới các nhà văn và bạn đọc thông điệp về chủ trương lựa chọn những tác phẩm có giá trị, độc đáo trên văn đàn, không phân biệt tác phẩm mới xuất bản hay đã nằm trên giá sách theo thời gian. Chúng tôi mong muốn được các nhà văn, nhà phê bình và bạn đọc yêu văn học có thể gửi tác phẩm với những bình luận, nhận xét về tác giả, tác phẩm, góp phần tạo ra sân chơi mới, làm mới lại những cảm xúc về các tác giả và tác phẩm mà mình yêu thích.

Tác phẩm mới - Kỳ nữ họ Tống

Minh họa (Họa sỹ Lê Huy Quang).

Một buổi sáng sớm, chùa Thiền Lâm ở cách Kim Long chừng ba dặm có người lạ đến trú mưa. Cơn mưa dài dòng, lê thê, cái mưa thúi đất nổi tiếng, mang theo cái lạnh của rừng, của biển, của đồng nội, của Trường Giang làm tê liệt một số hoạt động thương mại. Đất trời, qua núi rừng giáp nhau trắng xóa muốn tan thành hơi nước.

Vị khách lạ chống nạng, mặt bầm tím, ra dáng lam lũ, co ro muốn bước vào lại lưỡng lự, thái độ cực kỳ do dự.

Thấy khách thập thò mãi nơi cửa tam quan mà cái nón lá rách nát không che nổi gió lạnh từ đồng vắng vi vút tạt qua, một chú tiểu thương hại chạy ra gọi vào. Người khách có vẻ bạc nhược, như không đứng vững càng gợi thêm lòng thương của chú tiểu. Chú lấy chén nước trà nóng bưng cho khách uống. Khách cám ơn, cầm chén nước tỏa khói ảo lên đôi mắt đục lờ, mệt nhọc rồi nhấm từng ngụm nhỏ.  Không biết khách đang nhìn vào đâu. Cặp mắt đang mở, mi mắt còn chớp, nhưng khách hình như không dùng nó vào việc gì khác hơn để người khác biết mình chưa chết.

Khách chưa chết, nhưng không chống nổi giấc ngủ bất ngờ đẩy vào gốc cột. Khách gục đầu trên tay, khoanh gối, đánh một giấc say sưa cho tới lúc có ai lay vai rất mạnh. Khách sực mở mắt, đối diện với chính vị trụ trì của chùa.

- Trời đã bớt mưa. Sợ chú ngủ quên nên phải đánh thức dậy để chú còn tiếp tục công việc của chú. Nhưng trước khi đi đâu đó, chú hãy ra sau ăn cơm đã.

- Cám ơn thầy. Tôi cũng đang đói bụng.

Rất lịch sự như người từng quen đối xử trong những trường hợp tương tự, khách lấy từ cái bọc lớn, dơ bẩn mang theo một gói trà và kính cẩn đến trước Phật đài đặt lên cái dĩa men xanh, chân thành vái rồi lặng lẽ ra nhà sau. Áo quần bẩn thỉu, nhàu nát và thương tích nhưng không ảnh hưởng nhiều tới sau cốt cách quyền quí.

Thầy trụ trì đi qua bàn thờ Phật, ngạc nhiên ngửi thấy quất qua mũi mùi hương lạ. Giơ tay cầm gói trà lên xem, thầy giật mình. Nhìn chữ in, nhìn màu sắc bản in, ngửi đi, ngửi lại, ngửi lại hương trà, thầy có vẻ suy nghĩ. Lát sau, thầy gọi chú tiểu.

- Thầy dạy đệ tử?

- Chú lấy bình chao cũ của thầy đang dùng, vớt một chén đem ra bàn khách, nghe.

- Dạ.

Lúc chú tiểu đi được mấy bước, thầy gọi với lại:

- Pha trà Tàu trong gói thầy đang dùng để mời khách. Không phải thứ nước chè đen trong bát đàn, nghe.

- Dạ.

*

Khách tâm sự với thầy trụ trì:

- Tôi không phải người địa phương. Thầy chỉ cần nghe giọng tôi cũng biết tôi là người Thăng Điện. Tôi là lái buôn đường. Ghe tôi ra đấy đúng ngày có biến loạn ở kinh, tôi mất hết tài sản, lại thêm nhìn thế sự đâm ra chán ngán nên tôi quyết tâm bỏ hết dục vọng trần gian, nương vào cửa Phật.

Vị trụ trì thong thả rót trà. Cả hai cùng chậm rãi nâng bộ chén Giang Tây khách mới tặng nhà chùa, nhấm nháp từng hơi nhỏ để thưởng thức mùi vị tuyệt diệu của mùi hương.

- Tôi nghĩ tuy kinh thành có xảy ra đại biến cố, đức ông Trung Tín Hầu phải chết trong ngục vì mưu toan cướp ngôi Chúa, nhưng chúa vội dập tắt ngay vụ này.

- Bằng một hành động ai ai cũng khâm phục, vị khách ngắt lời, hơi cúi đầu như để xin lỗi trụ trì.

- Hành động chưa từng thấy! Trụ trì cũng cúi đầu như để tán thưởng lời tán thưởng phát từ tim gan khách. Ngài không thèm đọc danh sách tay chân Trung Tín Hầu để tàn sát, để truy nã cả đám hảo hớn sắp cướp ngôi chúa, sắp sát hại mình, gia đình mình...

- Ai lường trước được việc gì sẽ xảy ra khi đổ ngôi chúa!

- Mà lại không liếc mắt xem qua, sai đem đốt cả cuốn sổ Đồng Tâm. Trong cùng một hành động, ngài vừa là bậc đại nhân, đại nghĩa lại vừa bóp chết hết những toan tính, âm mưu khởi loạn khác.

Trụ trì gục gặc không rõ để tự khen hay khen bậc mà ông gọi chân chúa, đón dĩa bánh in đậu xanh khô từ tay chú tiểu kính cẩn mang ra, đưa cho khách tự chọn lựa. Khách lễ phép cầm dĩa bánh trao cho chủ nhà chùa:

- Mời thầy dùng trước. Thầy là nhà tu hành mà cũng là người học cao, hiểu rộng, thâm thúy thời cuộc mới thấy như vậy. Hành động của chúa Hiền (Nguyễn Phước Tần) thật ra cũng chỉ mô phỏng một hành động của người xưa trong sự tích “Cái giải mũ và cung phi”, song ý nghĩa và hậu quả thật khác xa nhau lắm. Đành là chẳng ai nỡ cướp ngôi một con người hiền đức, có đạo tâm sâu sắc như thánh nhân đến thế... Thầy chắc nhớ năm Bính Tý (1963) đời Tiên chúa, chúa Thượng khi giết ông em ruột trấn thủ Quảng Nam mười tám năm về trước cùng trường hợp tương tự, cũng nắm được sổ Đồng Tâm hướng thuận...

- Tôi đã chứng kiến vụ năm Bính Tý cho nên tôi càng thêm tâm phục vụ này. Song tôi cũng cần nói thêm cho phải lẽ: Chúa Hiền hành động như thế, đồng ý là rất nhân đạo, nhưng còn là khinh thị. Sự thật, chúa cũng tự biết: ai mạnh bằng chúa Trịnh, ông đánh tan, ai mạnh bằng tàu Ô Lan, ông đốt sạch. Thế thì dưới vòm trời ông còn sợ đám dơi, đám chuột nào.

- Ông luận về chúa Hiền rất hay, nhưng chưa đủ. Bởi người anh hùng vô địch nào cũng có thể chết vì “chuyện đó”.

- Hay! Thầy đúng là nhà chánh giáo có tài – cái hành động năm trước khi Thị Thừa bị giết...

- Chúa hơi nhẫn tâm nhưng cũng là hành động của bậc đại trí. Theo tôi hiểu, chúa sợ cái gương chúa Thượng với Tống Thị tiếp diễn... Ôi! Đàn bà!

Vị trụ trì nói tới đây, tự biết mắt ông long lên sòng sọc. Đang là người bình thản, khôn ngoan, ông bỗng cầm cái chén quí thơm phức hương trà ném xuống đất kêu xoảng, đôi mắt đột nhiên đỏ như máu, cái đầu lắc lư như sắp lên đồng. Rồi đến trước mặt khách nắm chặt vai, nói luôn một thôi, một hồi những điều không ăn nhập vào đâu về chuyện đàn bà mà ông hận đến xương đến tủy khiến khách đâm hoảng. Nhưng chỉ giây lát sau, ông trở lại bình tĩnh, tiếp tục câu chuyện. Người khách nhìn ông với cặp mắt không còn chút khách khí nào như hoàn toàn thông cảm và đi sâu vào tâm sự nhà tu hành vốn dĩ vãng cũng thuộc “nòi tình”.

*

Khi khách bỏ ra một số tiền lớn để sửa lại chùa, trồng lại vườn cảnh, mua một số ruộng để chùa tính kế lâu dài, vị trụ trì tuy cảm kích song ngờ ngợ sẽ có điều gì đó xảy ra sau đó chứ chưa tin hẳn chuyện hoàn toàn do đạo tâm của người khách lạ.

Một ngày kia, quả nhiên vị trụ trì được biết một điều mà khách đề nghị “ông sống thì giữ dạ, chết thì mang theo”. Khách cho biết ông là tay chân, là em kết nghĩa mà cũng là người say mê đến điên dại Tống Thị. Họ Tống là vai trò chủ chốt, là cái tạo nhân duy nhất của biến cố nơi kinh kỳ vừa qua và đã phải chịu hình phạt thảm khốc. Nhưng nay biến cố đã tan, chúa đã kết thúc một cách khôn ngoan và nhân đạo vụ án, không còn ai phải đền tội hay hàm oan. Riêng Tống Thị bị vùi dập một nơi, con cái ly tán, không ai hương khói! Vì tình nghĩa cũ, khách muốn đưa hài cốt nàng về đây để nhờ nhà chùa hậu sự cho nàng.

Qua mấy ngày suy nghĩ bạc cả những sợi tóc mới nhú trên đầu, và sau những đêm nhỏ to thuyết phục của vị khách tài trí vượt người đời, trụ trì cuối cùng phải ép mình nhận lời với điều kiện ngoài ông và khách, không một người nào được biết chuyện này.

Khách đã tự xoay sở. Ông chỉ dùng vài người thượng vốn là thủ hạ. Vào một đêm tối mưa gió lạnh không ai lai vãng trên đường, ông cùng kẻ tay chân vác mác cuốc đi tìm mộ Tống Thị chôn một nơi không xa phủ chúa. Ông cho đào vội vã, lấy di hài nàng, thay vào đó xương cốt người ăn mày nhặt được bên sông rồi lấp mộ lại như cũ. Nước mưa xối xả không rửa được mùi hôi thối khủng khiếp của thi hài làm cả những người thường quen tiếp xúc với xác chết súc vật phải nôn ọe. Khách cho rắc xạ hương lên di hài, rắc thật nhiều, rồi đặt vào một bao tải, bọc bên ngoài một tấm chiếu hoa buộc lên một cái đòn tre và cả đoàn băng mình qua cánh đồng mưa gió để lặng lẽ về chùa. Tại đây, một cái hòm bằng gỗ tử đàn trải nhiều lớp lụa trắng tinh đã được chuẩn bị sẵn trong ánh nến chập chờn. Khi đoàn người về tới nơi thì mọi người trong chùa đã ngủ say, chỉ riêng thầy trụ trì còn thức để đón chờ.

Thi thể đã đổi dạng của Tống Thị được đưa ra khỏi bao tải, chiếu hoa. Khách tự tay tháo cởi bộ đồ liệm cũ, tự tay dùng nước phép ngân xạ hương để rửa ráy. Thầy trụ trì cẩn thận buộc một tấm khăn lớn nơi mũi khách để ông bớt phải ngửi mùi hôi thối lợm đến gan mật quyện trong mùi trầm hương không làm dịu bớt mà chỉ tăng thêm sức nồng sặc muốn ọe mửa. Khách thay bộ đồ quan âm mới, cùng tùy tòng đặt nàng vào hòm, đổ rất nhiều đọt chè khô đã quắn rồi đậy nắp ván thiên. Tẩm liệm xong, hai người thượng biến đâu mất trong đêm vắng lạnh.

Khách trải chiếc chiếu trắng cạnh quan tài, vừa nằm xuống đã ngủ mê man cho tới trưa hôm sau, uống một chén nước, ông lại tiếp tục ngủ. Một chú tiểu cho biết khi thức dậy, khách nhổ ra một bãi máu mà ông bảo của chiếc răng sâu sắp rụng. Luôn hai ngày đêm khách không ăn, chỉ thỉnh thoảng uống cầm hơi chút nước rồi lại lăn ra ngủ. Không rõ vì kiệt sức hay vì âm khí nặng nề và mùi thối rữa của tử thi làm cho tê liệt.

Trong khi đó, thầy trụ trì cùng đệ tử thay nhau tụng kinh, không dứt. Người ở xóm làng hay khách thập phương tới cũng chỉ biết đây là quan tài của một người xa xứ không may mệnh vong nay nhờ chùa hậu sự.

Đám tang được cử hành đơn giản. Thân nhân duy nhất là kẻ bạc mệnh mặc áo gai, chống gậy dẫn đầu là vị khách lạ không nói, không rằng như đang biến vào thế giới u minh.

Khách ở lại chùa, ngày nào cũng đến đốt hương nơi mộ của người quá cố, trồng hoa cỏ quanh mộ cho bớt vẻ hoang vu.

Nếu không quanh quẩn, thẫn thờ bên mộ, ông lại về chùa ở tịnh xá, không giao thiệp với ai và chăm chú viết lách.

Một ngày cuối xuân, khách mời vị trụ trì vào nơi làm việc trao cho một tập giấy dày mà ông đã viết suốt mấy tháng qua, ân cần dặn dò:

- Tuy tôi chưa tâm sự nhiều với thầy, nhưng tôi cũng biết thầy là ai và lý do thầy đã dâng hiến đoạn cuối cuộc đời mình cho Phật tổ. Về câu chuyện riêng giữa tôi và Tống Thị, tôi có trình qua mấy điểm chính để thầy thông cảm và tôi tự cho mình đã phần nào thực hiện tình nghĩa đối với nàng. Tất nhiên như thế chưa đủ. Nên tôi phải viết lại câu chuyện của nàng từ ngày tái ngộ tới ngày nàng bị hành hình thê thảm. Nó chỉ là kỷ niệm sâu xa của tôi đối với nàng nhưng nếu thầy muốn xem để xót thương cho thế thái nhân tình, cho số phận, kiếp người, xin thầy cứ tự nhiên.

Tôi bây giờ có việc phải ra đi. Mọi sự lo lắng về hậu sự của nàng, tôi xin trăm lạy gởi lại thầy và nhà chùa. Tiện đây xin thầy nhận cho món công đức nhỏ mọn tôi thành kính dâng lên chùa. Có thể đôi ba năm nữa tôi trở lại và khi thực hiện xong những hoài bão riêng tư, tôi sẽ nguyện về đây phụng sự hẳn cho đức Thế tôn.

Thế rồi khách ra đi, mãi mãi không thấy bóng dáng nữa.

*

Những điều trên đây, chưa hẳn do chính vị trụ trì chùa Thiền Lâm viết ra mà một đệ tử nào đó đời sau nghe kể rồi chép lại, xem như lời tựa cho tập hồi ký này. Tập ký không biết bao nhiêu cặp mắt xanh đời sau để ý cho tới khi nó nhập vào “đống rác giấy” mà bạn tôi thấy vướng bận, song không nỡ đốt, đã trao lại cho tôi và tôi đã diễn dịch và đáng trách hơn, đã đổi cả nhan đề.

Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Xuân

(còn tiếp)

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ nữ họ Tống" tại chuyên mục NHIẾP ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).