Hồi ký của GS Hà Minh Đức: Ân huệ của thời gian

09/08/2020 17:50

Những câu thơ đề từ trong tập hồi ký mới đây của GS Hà Minh Đức Thời gian cho ai mơ ước/ Thời gian xoa dịu nỗi đau/ Trời cao bồng bềnh mây trắng/ Ngày mai đi đâu về đâu đã bộc lộ nỗi niềm của người đã vào tuổi “nắng chiều”, đã thấy thời gian tưởng như xa xôi mà gần gặn, ngày hôm nay đã là quá khứ của ngày mai, nên những gì cần làm, phải làm luôn được tác giả “lập trình” cho chính mình. Từ làng Mạch Tràng, Đông Anh, nơi an trú êm ả, trong lành cuối đời đã đánh thức “bộ nhớ” của tác giả, và cứ thế những thước phim quay chậm về đời ông lần lượt hiện hình trên những trang hồi ký Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật.

Hà Minh Đức đã bằng tình yêu và nỗi nhớ “níu” vào những con chữ, “tua” lại những năm tháng đã lùi xa, “phục sinh” trong những hoài niệm và ký ức, “rót” vào đó những nỗi niềm, khát vọng của một người suốt đời “chung thân” với công việc giảng dạy và nghiên cứu văn chương. Đằng sau những thành tựu về chuyên môn, học thuật không phải ai cũng đạt đỉnh như ông là những thăng trầm, ấm lạnh, là những đau xót của đời riêng, không dễ gì bù đắp của số phận.

Chín chương trong hồi ký Đi tìm cái đẹp nghệ thuật dần dần lật mở cuộc đời của Hà Minh Đức từ thuở ấu thơ đến khi “đời đã ngả bóng chiều”. Điều nổi bật hay là “từ khóa” của thiên hồi ký là thời gian. Tác giả hồi ký đã đồng hành cùng năm tháng, không ngừng phấn đấu, cầu thị để cập bến thành công, đạt hiệu ứng tích cực trong nghề thầy, trong nghiên cứu khoa học và trong nhiều cương vị khác. Ở cương vị nào nhân vật “tôi” cũng hoàn thành chức năng khoa học và nghệ thuật của mình.

Ngoảnh lại những đồng nghiệp, bè bạn, người thân, kẻ mất người còn, nhân vật tôi, đến bậy giờ còn được thụ hưởng, được vinh danh, nhận những phần thưởng lớn trong sự nghiệp: được nhận danh hiệu nhà giáo Nhân dân và nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cụm tác phẩm: Hồ Chí Minh ,nhà thơ lớn của dân tộc, Tác phẩm văn của Hồ Chí Minh, Báo chí Hồ Chí Minh, Tự lực văn đoàn - Trào lưu, tác giả, Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình phong phú (2012). Với tác giả, được đón nhận những vinh dự đó chính là nhờ “ân huệ của thời gian” mà ông mãi biết ơn và trân quý từng ngày.

Văn  - Hồi ký của GS Hà Minh Đức: Ân huệ của thời gian

GS.Hà Minh Đức

Khung trời đại học (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) là nơi đầu tiên đưa nhân vật của thiên hồi ký làm quen với giảng đường, vừa bỡ ngỡ vừa tự tin đến với “cõi học và những người thầy” thuộc thế hệ “vàng” của lĩnh vực giáo dục và đào tạo lúc bấy giờ. Hình ảnh của các vị giáo sự tên tuổi đầy phong độ và uyên bác luôn trở đi trở lại trong những trang bút ký của Hà Minh Đức trước đây, nay lại được tái sinh trong hồi ký thể hiện lòng ngưỡng mộ, tri ân những bậc thầy khả kính như Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn…

Sau khi tốt nghiệp đại học, Hà Minh Đức là cán bộ giảng dạy khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (Trưởng Bộ môn Lý luận, Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn).  Ông gắn bó đời mình với “nghề thầy” không chỉ tạo uy tín trên giảng đường mà còn trong nghiên cứu phê bình văn học. Luôn quan tâm đến đời sống sáng tác, nhân vật tôi đã tạo mối quan hệ tương tác hòa hợp giữa nhà văn với người nghiên cứu phê bình. Mối quan hệ của Hà Minh Đức với các các nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện đại danh tiếng như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Anh Thơ, Hoàng Trung Thông,… đã trở nên thân thiết qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn, ghi chép về họ.

Thời gian không phụ công sức của người luôn có ý thức nghiêm túc với công việc của mình, những nhân vật quen thuộc của văn học nước nhà đã đi vào các cuốn sách của ông, trở thành những tài liệu tham khảo bổ ích và cần thiết với nhiều thế hệ độc giả (Hồ Chí Minh, nhà thơ lớn của dân tộc; Nam Cao đời văn và tác phẩm; Tố Hữu cách mạng và thơ; Nguyễn Bính thi sĩ của đồng quê; Xuân Diệu vây giữa tình yêu; Huy Cận ngọn lửa thiêng không tắt; Chế Lan Viên người trồng hoa trên đá; Tế Hanh mãi mãi hoa niên; Nữ sĩ Anh Thơ màu hoa đồng nội; Tô Hoài sức sáng tạo của một đời văn; Lưu Trọng Lư tình đời và mộng đep; Nguyễn Đình Thi, chim phượng bay từ núi….)

Hồi ký của Hà Minh Đức cũng đã ghi lại những khúc rẽ trong cuộc đời tưởng chỉ theo mạch “của người quen làm công tác tĩnh, giảng dạy và nghiên cứu”. Vào tuổi 60 (1995) ông được cấp trên bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Văn học trong một tình thế khá “tế nhị”. May thay môi trường nghiên cứu mang tính hàn lâm tôn trong nguyên tắc làm việc cá nhân, coi trọng sản phẩm khoa học đã giúp ông nhanh chóng hòa nhập với các phòng ban và các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lớp tuổi nhưng đều là đồng nghiệp quen biết và đa số tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp đều là học trò của mình.

Ông đã tạo những “cú hích” khuấy động các hoạt động khoa học của Viện, động viên mọi người bảo vệ luận án tiến sĩ, ra sách, đặc biệt bộ sách về tác gia và tác phẩm, cộng tác với Nhà xuất bản Giáo dục đã làm nên “thượng hiệu” Viện Văn, tạo hiệu ứng tích cực trong quá trình tiếp nhận của độc giả. Thời gian làm chủ nhiệm Khoa Báo trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tham gia Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã giúp ông “tập thể dục cho bộ óc”, có những cống hiến đáng kể trong việc hình thành và phát triển khoa báo (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).

Ở Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, trọng nhiệm kỳ tác giả tham gia, ông nhận thấy trước hết, “một trong những nhiệm vụ khả thủ của Hội đồng là chủ trương mở các lớp tập huấn cho ba miền Bắc, Trung, Nam dành cho học viên ngành tuyên giáo và văn nghệ” (tr 234) ở Hạ Long (Quảng Ninh), ở Huế, ở Cần Thơ.

       Ở mỗi địa danh, mỗi lớp tập huấn đều thu hút khá đông người tham gia, bổ ích và thiết thực với cán bộ chủ chốt về văn hóa, thông tin của các địa phương. Và sau đó là bộ sách Lý luận văn nghệ Việt Nam do Hội đồng tổ chức biên soạn, bên cạnh những ghi nhận, Hà Minh Đức cũng bày tỏ chính kiến cá nhân: “Đề tài định hướng thì tốt nhưng xác định nội dung, vóc dáng của nó còn mơ hồ” (248) với mong muốn bộ sách hàng ngàn trang về lý luận văn nghệ Việt Nam có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đón đợi của cộng đồng tiếp nhận đương đại.

Ở tuổi 85 “xưa nay hiếm”, không ít người gác bút, tận hưởng tuổi mình, riêng ông vẫn lặng lẽ tìm niềm an ủi trong việc viết và in sách. Những cuốn sách mới từ nơi an trú cuối đời lần lượt đến với bạn đọc: Tình yêu đầu ngọn gió (tập truyện ký- 2018); Vào mùa trăng ( tập thơ- 2018); Hà Minh Đức - tác phẩm và dư luận (2019); Xứ Thanh – Người và cảnh một thời (bút ký); Vẻ đẹp của một xứ xở hào hoa (2019); Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật (2019); Đối thoại Hồ Chí Minh (2020).

Khi ý thức được đồng hồ thời gian không còn như trước, Hà Minh Đức điềm tĩnh sống cùng “những ngày tháng của riêng mình” với mong muốn tưởng đơn giản mà không dễ thực hiện thoáng một chút tự trào: “Ngày mai cố gắng để bằng ngày hôm nay, cũng như ngày hôm nay cố gắng để bằng ngày hôm qua. Phấn đấu giật lùi là phương châm không dễ thực hiện đối với người già tuổi 80.” (tr 289).

Có được một tên tuổi Hà Minh Đức không thể không nhắc tới người bạn đời của ông, một cô gái gốc Hà Nội dịu dàng, là cô giáo dạy văn thuộc hiểu tính nết cùng niềm đam mê văn chương nghệ thuật của chồng. Bà không chỉ đồng cảm mà còn tôn trọng sở thích viết và ra sách của người bạn đời. Song nếu bà không “nhắc nhở” có thể con số 74 (những cuốn sách của riêng ông) không phải là con số cuối cùng: “Vợ tôi bảo ông viết di chúc đi, ngoài tám mươi rồi, sách như thế là đủ rồi” (tr 300).

Khi đang viết những trang cuối của cuốn hồi ký, tác giả tự nhủ, đây “là cuốn cuối cùng của tôi.” Vậy mà sau đó không lâu cuốn Đối thoại Hồ Chí Minh của ông đã được giới thiệu trên truyền hình (VTV1) nhân 130 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch. Có lẽ với ông, viết đã thành cái nghiệp, nếu thời gian còn ưu ái, kho tri thức ông vẫn còn “của để dành”, đối với người ở tuổi ông, có thể gọi đó là hạnh phúc.

Nguyễn Bích Thu

Bạn đang đọc bài viết "Hồi ký của GS Hà Minh Đức: Ân huệ của thời gian" tại chuyên mục BẠN ĐỌC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).