Vở kịch "Mảnh vỡ Hà Nội" sống lại một thời ký ức

11/10/2020 23:47

(VHNT)- Đây là vở diễn kể về câu chuyện tình tay ba đắng cay giữa hai người đàn bà gồm Hân (vợ chính), Việt (phòng nhì) và ông Cơ. Câu chuyện ấy không chỉ liên quan tới hai người phụ nữ luôn bị nỗi ám ảnh giày vò mà còn kết nối số phận hai người con trai giống nhau như tạc của họ là Nghĩa Hiếu và Nghĩa Phong.

Trong Mảnh vỡ Hà Nộinhững con người Hà Nội, dù trong cảnh huống khốc liệt, những xung đột dữ dội tới mức nào, thì ở họ vẫn có chút khác biệt. Câu truyện kịch kể về số phận con người trong chiến tranh, cụ thể hóa trong một gia đình cũng khá đặc biệt. Đó là gia đình “một ông hai bà”: ông Cơ (Thanh Bình đóng) đã có vợ đẹp (bà Hân do Diệu Linh thủ vai) con khôn, nhưng vẫn lén lút đi lại với người phụ nữ khác là Việt ( Hương Thủy) và cũng đã có con riêng.

Sân khấu - Điện ảnh - Vở kịch 'Mảnh vỡ Hà Nội' sống lại một thời ký ức

Cuộc gặp gỡ giữa “vợ chính, con chính” với “vợ phụ, con thêm” không ngờ kết thúc bằng việc bà Việt bị hỏng mất một mắt. Quan hệ đắng chát giữa họ đã gây hệ luỵ tới thế hệ sau, khi kéo hai anh con trai "giống nhau như tạc" của hai bà trở thành thù địch. Chiến tranh đưa đẩy, Phong (Lâm Cương) - sĩ quan quân đội nguỵ đã bắt được Hiếu (Anh Tuấn) - sĩ quan Quân giải phóng. Tận dụng cơ hội, lại thêm sự khích tướng của viên sĩ quan CIA, Phong đã trả mối hận của cho mẹ ruột, khiến Hiếu mất đi một con mắt (như mẹ Việt của Phong đã "bị").

Theo nhà phê bình sân khấu Cao Ngọc, góp phần không nhỏ cho việc tạo dựng không gian Hà Nội của vở diễn là những tiếng động “đắt” như: tiếng rao quà đêm, tiếng chổi tre trong lác đác… Hay để những ứng xử lịch thiệp, theo đúng văn hoá ứng xử của “người Hà Nội gốc” ngay trong hoàn cảnh rất trớ trêu là khi hai người phụ nữ gặp nhau để “đánh ghen” vậy mà lại ngấm ngầm vật vã với những đớn đau rất… đàn bà.

“Tác phẩm sân khấu đã thuyết phục được người xem, khiến họ thêm yêu mảnh đất ngàn năm văn vật qua cái nhìn trong sáng về một Hà Nội, một văn hóa ứng xử Hà Nội vào những ngày đầu đông đầy gợi nhớ của thời gian đã qua”, nhà phê bình Cao Ngọc nhìn nhận.

Tuy vẫn rải rác đó đây những “sạn” nho nhỏ trong mỹ thuật có những chi tiết còn thừa (điều tối kỵ của sân khấu), những cảnh ăn chơi có phần hơi phản cảm, rồi cái kết sự thay đổi tâm lý nhân vật có chút vội vàng, có diễn viên chưa toát hết được khí chất cần có của người Hà Nội… nhưng đây là một trong những thành công của Sân khấu Lệ Ngọc, một “tông màu” khác, rất cần thiết cho một đơn vị sân khấu. Vở diễn như món quà tinh thần rất cần thiết với những ai yêu Hà Nội trong dịp này, dịp Hà Nội vào thu và đón đợi bao tấm lòng hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2020).

Xuân Hiền

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Vở kịch "Mảnh vỡ Hà Nội" sống lại một thời ký ức" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).