Triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại từ góc nhìn văn hóa

06/09/2020 20:54

(VHNT) - Mỗi quốc gia trên thế giới đều có một nền văn hóa mang bản sắc riêng của mình, được định vị hoặc trong vùng văn hóa phương Đông hoặc vùng văn hóa phương Tây. Và chính nền văn hóa mang bản sắc riêng ấy luôn vận động trong sự phát triển nội tại và sự hội nhập với văn hóa của các quốc gia khác trên toàn cầu.

Vì vậy, bản chất văn hóa là phát triển. Và phát triển trong mối quan hệ đặc thù của chủ thể văn hóa từng quốc gia, trong ứng xử văn hóa với hai môi trường: Môi trường Tự nhiên và môi trường Xã hội, để tạo ra hai loại giá trị văn hóa cơ bản nhất cho chính quốc gia của mình: giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa tinh thần.

Và mặc nhiên, hai loại giá trị này trở thành bộ phận trong kho tàng di sản văn hóa chung của nhân loại. Vậy nên, một trong những lĩnh vực hàng đầu của phát triển văn hóa nhân loại và của từng quốc gia, chính là giáo dục. Và giáo dục, chính là sự phát triển văn hóa trong đổi mới liên tục việc dạy và học, theo một triết lý giáo dục nghiêm minh trên nền tảng một triết lý văn hóa chuẩn xác.

1. Triết lý về sự phát triển văn hóa Việt Nam hiện đại

Văn hóa Việt Nam phát triển hiện đại, tất nhiên, phải từ gốc văn hóa truyền thống và phải trải nghiệm trong một quá trình hiện đại hóa. Theo học giả Đào Duy Anh trong sách nghiên cứu đầu tiên về văn hóa Việt Nam, Việt Nam văn hóa sử cương, xuất bản lần đầu, năm 1938 tại NXB Quan Hải Tùng Thư, Huế, thì con đường phát triển của văn hóa Việt Nam hiện đại là con đường phát triển mang tính bi kịch, theo cách gọi tên của học giả Đào Duy Anh, thì đó chính là “bi kịch của sự phát triển”.

Trước đó, trong phần Tổng luận của Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh đã cho rằng, trong ứng xử xã hội cơ bản của người Việt, họ “luôn lấy cái cảm tình mà đặt lên hàng đầu”. Cho nên, do tiên liệu ngay từ nửa đầu thế kỷ XX, học giả Đào Duy Anh đã cho rằng, muốn giải quyết cái bi kịch văn hóa Việt Nam hiện đại trong giao lưu với văn hóa phương Tây và theo một cách thức thỏa đáng, thì phải dùng nhận thức lý tính từ một phương pháp tư duy duy lý kiểu phương Tây.

Góc nhìn - Triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại từ góc nhìn <a href=văn hóa" src="/uploads/media/v-mai-hng/2020/09/01giao-duc.jpg" width="450" height="263" />

Triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại phải dựa trên tư duy ứng xử văn hóa trong tam giác Gia đình - Nhà trường - Xã hội

Vậy từ cái bi kịch dường như vẫn bao trùm về sự phát triển văn hóa Việt hiện đại này, có thể thấy bao hàm trong đó cả bi kịch về phát triển giáo dục Việt Nam trong sự phát triển văn hóa Việt Nam thế kỷ XXI, hiện đang thiếu vắng một chiến lược phát triển ổn định, bền vững về căn bản, nhất là trong môi trường giáo dục đại học Việt Nam hiện đại.

2. Cách giải quyết bi kịch của sự phát triển văn hóa Việt Nam hiện đại

Câu hỏi lớn đặt ra cho chính văn hóa Việt hiện đại, trong phát triển nội tại và hội nhập quốc tế, phải là: cách nào khả thi nhất để phát triển? Thiết nghĩ và không chỉ tôi, không ít người đã nghĩ đến việc căn bản là phải đổi mới tư duy, nghĩa là đổi mới về cách nghĩ, ngay trong lĩnh vực quan trọng nhất của xã hội Việt hôm nay - đó là GIÁO DỤC. Nghĩ suy về sự đổi mới cách nghĩ trong giáo dục đào tạo đại học, nhất là ở các ngành văn hóa nghệ thuật, cách đây 5 năm, tôi đã chú ý đến ý kiến của GS. Ngô Bảo Châu, mà theo tôi, có lẽ là phát kiến, đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần, 11/5/2014, trong bài viết “Sách giáo khoa, ngân sách và Wikipedia”.

GS. Ngô Bảo Châu nghĩ về mô hình wikipedia (từ điển mở cho sách giáo khoa). Nhưng muốn có mô hình mở kiểu này, cái cần nhất theo ý GS. Ngô Bảo Châu là phải xuất phát từ một “tư duy hiện đại”, mới có thể giải quyết thấu đáo vấn đề này trên cơ sở duy lý kiểu tư duy phương Tây, chứ không phải là kiểu tư duy duy tình, trọng tình, có tính truyền thống của cách nghĩ Việt xưa kia! Tôi đồng thuận với tinh thần triết học vui vẻ trẻ trung của ý kiến này, song có một vấn đề còn lớn hơn việc cải tiến sách giáo khoa, đó là việc cần phải có, hoặc cần phải tư duy theo cách tư duy hiện đại, mới có thể giải quyết vấn đề sách giáo khoa, sách công cụ cho sinh viên đại học và sau đại học, một cách đích đáng và căn bản.

Đối với vấn đề giáo dục đại học ở một khu vực đặc thù mà tôi đã tham gia giảng dạy trong các trường đại học văn hóa - văn học nghệ thuật, thì đây là một kiểu loại tư duy rất hữu ích trong phương pháp dạy và học của hai nhân vật chính của hệ đại học, đó là: Thầy và Trò, hay gọi một cách thông lệ là cán bộ giảng dạy và sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.

Góc nhìn - Triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại từ góc nhìn <a href=văn hóa (Hình 2)." src="/uploads/media/vu-mai-huong/2020/09/01co-giao.jpg" width="450" height="263" />

Phát triển văn hóa Việt Nam hiện đại

Tôi cho rằng các vị giáo sư tiền bối của đại học Việt Nam, trong Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, ngay từ cách đây 6, 7 thập kỉ, đã đưa được một định nghĩa chính xác về sự học đại học: Đại học là tự học.

Về tư duy hiện đại này, cũng phải biến đổi và vận hành theo tính đặc thù của lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Hồi còn là nghiên cứu sinh nghệ thuật ở Học viện Sân khấu Điện ảnh Âm nhạc Quốc gia Leningrad, sau này là Học viện Sân khấu Điện ảnh Âm nhạc Quốc gia St.Petersburg, tôi rất ngưỡng mộ và bái phục bà GS. Knhêben, học trò xuất sắc nhất của C.Xtanhixlavxki, người đã sáng lập hệ thống sân khấu lớn nhất thế giới mang tên ông.

Bà Knhêben đã đưa ra định nghĩa về giáo dục nghệ thuật sân khấu như sau: Sân khấu là một nghề có thể HỌC, còn DẠY thì KHÔNG! Sau này, tôi mang cái triết lý ấy ứng dụng vào việc giảng dạy nghệ thuật ở đại học Việt Nam. Tôi từng nương theo cách ấy mà đưa ra định nghĩa về nghề Báo (sau khi đã ứng vào dạy nghề nghệ thuật): Báo chí là một nghề có thể học, còn dạy thì không. Không ai có thể dạy ai thành nhà báo, trừ phi người đó muốn trở thành. Và chính tôi cũng trở thành nhà báo bình luận văn hóa văn nghệ theo cách tự đào tạo mình như thế.

Về loại tư duy sáng tạo và hiện đại này, tôi đặc biệt chú ý đến cuốn sách ra mắt năm 2018 của TSKH. Phan Dũng, do tác giả tự lo kinh phí 200 triệu, xuất bản tại NXB Trẻ: Đổi mới giáo dục và đào tạo: Xây dựng những người hạnh phúc nhờ sáng tạo. Sau hơn 40 năm, tác giả đã công bố trong sách này “một số kết quả dạy và học Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (TRIZ mở rộng) nhằm xây dựng những người hạnh phúc ở Việt Nam”.

Tôi vẫn cho rằng người Việt Nam và nói chung, phải được đào luyện tử tế về tư duy ứng xử văn hóa trong tam giác: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Thành NHÂN hay không thành NHÂN, hạnh phúc hay không hạnh phúc, hoàn toàn tùy thuộc vào sự đào luyện này, để có thể hình thành và phát triển một phương pháp tư duy hiện đại! Và chẳng phải tư duy hiện đại chính là chìa khóa của sự phát triển văn hóa Việt Nam hiện đại đấy sao?

Nguyễn Thị Minh Thái

Bạn đang đọc bài viết "Triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại từ góc nhìn văn hóa" tại chuyên mục DIỄN ĐÀN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).