Nhà văn Bùi Hiển – “người đánh thức lương tri”

30/09/2020 15:55

(VHNT) - Nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết: “Là một người am hiểu Hán học và Tây học, suốt đời gắn bó với nhân dân, nhà văn Bùi Hiển là tinh hoa của vùng đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học…đem hết tài năng và tâm huyết nhằm “đánh thức cái lương tri, thiên lương sẵn có ở mỗi con người”. Như một “chứng từ” của một đời văn, cuốn sách “Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri” ra mắt, mang đến hình dung chân thực nhất về cuộc đời của nhà văn Bùi Hiển - người được xem là “thế hệ vàng” của văn học Việt Nam.

Một niên biểu về lịch sử văn chương hiện đại

Nói như nhà nghiên cứu văn học Bích Thu, nhà văn Bùi Hiển là “người ẩn mình khiêm nhường”. Điều này đúng khi nhìn lại sự nghiệp văn chương của nhà văn Bùi Hiển. Sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhà văn để lại 32 đầu sách gồm: truyện ngắn, ký, phê bình – tiểu luận. Là một người cẩn trọng, chu toàn trong sáng tác nên số lượng tác phẩm xuất bản của nhà văn Bùi Hiển đưa ra ngoài đời rất ít, khi đã đưa ra ngoài thì mỗi tác phẩm đều có sự kỹ lưỡng.

Tác phẩm mới - Nhà văn Bùi Hiển – “<a href=người đánh thức lương tri”" src="/uploads/media/dam-cong-bac/2020/09/29sach.jpg" width="450" height="337" />

Cuốn sách “Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri”

Bởi vậy cuốn sách “Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri” khi được công bố sẽ là là nguồn tư liệu quý báu để công chúng có được cái nhìn toàn diện nhất về một nhà văn để lại nhiều dấu ấn trong nền văn học hiện đại Việt Nam, sống và viết trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, gắn với sự phát triển của văn học Việt Nam thế kỉ XX. 

Sách “Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri” lần đầu tiên công bố nhật ký và thư từ cá nhân giữa nhà văn Bùi Hiển với bạn bè văn chương và các thành viên trong gia đình. Tất cả khoảng hơn 60 cuốn sổ ghi chép, nhật ký, hàng ngàn trang bản thảo, tư liệu cùng những kỉ niệm trong ký ức các thành viên gia đình nhà văn sẽ xuất hiện trong 4 phần của cuốn sách: Phần 1 - Con đường văn chương và Nhật ký; Phần 2 - Ân tình bạn bè; Phần 3 - Gia đình; Phần 4 - Trong ký ức người thân.

Không sai khi nói, “Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri” là một niên biểu lịch sử văn chương hiện đại. Với tính chất riêng tư, cuốn sách hé lộ góc nhìn vô cùng sống động và hấp dẫn về các diễn biến chính trị - xã hội Việt Nam trải từ những năm 1940 của thế kỷ trước đến những năm đầu thế kỷ XXI. Đọc “Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri” độc giả hôm nay nhận diện được quá khứ thông qua nhãn quan của một nhà văn đã tham gia tích cực vào văn chương, can dự trực tiếp vào nhiều biến cố, những bước ngoặt, những sự kiện định hình diện mạo văn học Việt Nam thế kỷ XX. 

Dù viết nhật ký, nhà văn Bùi Hiển vẫn thể hiện đậm dấu ấn cá nhân thông qua văn phong súc tích, giàu cảm xúc và lối quan sát vô cùng tinh tế. Nhật ký và những trang thư của ông cung cấp nhiều chi tiết đa dạng và sâu sắc về một thế kỷ nhiều chấn động, đi sâu vào những nỗi niềm của đời sống văn chương cũng như tâm trạng và sinh hoạt của con người Việt Nam bình dị. Nhật ký Bùi Hiển là nguồn tư liệu quan trọng, một ấn phẩm cần thiết cho các nghiên cứu văn hóa, văn học, lịch sử xã hội cho những người theo đuổi nghiệp văn chương.

Có thể nói rằng, nhật ký và thư từ của nhà văn Bùi Hiển được trích công bố trong cuốn sách “Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri” có thể được xem như “chứng từ” của một đời văn, đời người. Thông qua từng trang sách không chỉ là những rung cảm nghệ thuật cao đẹp mà còn là công việc lao động của nhà văn, những phẩm chất, lương tri và lương năng của người cầm bút. Cuốn sách là cơ hội để những người yêu văn chương nói chung, yêu quý nhà văn Bùi Hiển và các tác phẩm của ông nói riêng, hồi tưởng và chiêm ngưỡng lại những năm tháng đã qua của một nhà văn sống trọn đời với văn chương, nghệ thuật.

“Nhà văn viết truyện ngắn có nghề”

Bùi Hiển bước chân vào văn chương có phần muộn vài ba năm so với bạn bè cùng thế hệ - thế hệ Tây học (Theo Trịnh Văn Thảo) – được xem là “thế hệ vàng” của văn học Việt Nam. Tác phẩm đầu tay – truyện ngắn “Nằm vạ”, in trên báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn năm 1940, sớm cho thấy phẩm chất và nội lực văn chương của ông. Ngày đó, đánh giá về Bùi Hiển và “Nằm vạ” nhà văn Thạch Lam viết: “Lối viết của công giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo và có nhiều nhận xét tinh ti”. Từ đó, Bùi Hiền trở thành một cái tên được tin tưởng, yêu mến, chiếm cảm tình của các nhà văn danh tiếng cùng thời như: Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài,…

Trong số những thể loại làm nên tên tuổi của nhà văn Bùi Hiển thì truyện ngắn được xem là sở trường của ông. Nhiều truyện ngắn của ông tạo ra dấu ấn đậm nét về phong cách sáng tác có thể kể đến như: truyện ngắn Nằm vạ (1940), truyện ngắn Ma đậu (1940), truyện ngắn Chiều sương (1941),...

Như nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu từng chia sẻ rằng: “Tôi nghĩ Bùi Hiển là nhà văn viết truyện ngắn có nghề. Những truyện ngắn của ông đối với tôi minh họa khá nhiều cho sức mạnh của thể loại. Những truyện mà tôi rất là thích như “Ma đậu”, “Kẻ hô hoán”, “Cái đồng hồ” hay là những truyện viết ở giai đoạn sau của Bùi Hiển như truyện “Cái bóng cọc”, tôi đều thấy những truyện ngắn đó có thể coi là những truyện ngắn tiêu biểu cho mẫu hình của thể loại. 

Cấu trúc rất gọn thường chỉ xoay xung quanh một tình huống nhưng đủ tạo ra những sự  bất ngờ, có những chi tiết gây ra ám ảnh và khắc sâu trong tâm trí của người đọc. Ví dụ chúng ta đọc truyện “Nằm vạ”, chi tiết con chuột chắc chắn là chi tiết nằm rất sâu trong tâm trí của người đọc, tôi nghĩ Bùi Hiển có thể coi như là một trong những nhà văn có thể giúp cho người đọc hình dung được truyện ngắn là một thể loại có quy mô nhỏ nhưng mà nó có khả năng gây ấn tượng như thế nào, gây khoái cảm như thế nào đối với công chúng” – nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu. 

Truyện ngắn vốn là thể loại được xem là vừa khó vừa dễ để viết. Dễ là ở chỗ dung lượng ngắn, khó là ở chỗ làm sao để gói ghém được trọn vẹn tứ truyện trong vài ngàn câu chữ. Theo nhà nghiên cứu văn học Nguyên An để xem xét sự phát triển trong phong cách, văn phong của một nhà văn viết truyện ngắn cần dựa trên công thức hợp thành từ ba yếu tố: đề tài, phương pháp và chi tiết. 

Đánh giá về nhà văn Bùi Hiển, nhà nghiên cứu văn học Nguyên An cho rằng: “Nhà văn Bùi Hiển có sự phát triển về phong cách ở chỗ ông ấy bắt đầu như nhiều người là viết về những gì thân thuộc của mình về làng quê Việt, làng quê của mình nhưng đồng thời cũng là cuộc sống của công chúng, của nhân dân, của đất nước. Nhà văn Bùi Hiển có cảm quan hiện thực của một nhà văn lớn, súi ông, thúc dục ông, đẩy ông viết về những nhân vật của hiện thực đời sống”.

Rõ ràng tính hiện thực là một trong những yếu tố mang tính đặc trưng ở ngòi bút truyện ngắn của nhà văn Bùi Hiển suốt đường văn của ông trải dài qua nhiều thời kỳ: từ trước cách mạng tháng Tám, giai đoạn chiến tranh 1945-1975 và sau 1975 cho đến thời kỳ Đổi mới. Như nhiều nhà văn tiền chiến khác, nhà văn Bùi Hiển đi theo cách mạng, làm công tác văn hóa cứu quốc. Ông luôn dấn thân, bám sát đời sống và gần gũi thực tiễn. Điều đó giúp ông cho ra đời những sáng tác thắm đượm hơi thở thời đại. 

Là một người có nhiều kỉ niệm với nhà văn Bùi Hiển, với nhà văn Lê Minh Khuê: “Nhà văn Bùi Hiển có những truyện ngắn không hay gây sốc, không gây sốc cho ai, không có chi tiết sốc, không có tình huống sốc thế nhưng khiến người ta nhớ rất lâu. Đó là cách cách ông tạo được tình cảm, tạo được ấn tượng đối với nhân vật… Cho đến giờ tôi vẫn nhớ nhà văn Bùi Hiển, có nói với tôi rằng các chi tiết làm nên văn học, chi tiết trong đời sống phải thổi cho nó một cái hồn và viết đừng có sơ lược. Ông kể với tôi, có những lúc ông ngồi quan sát cây cối, quan sát chim chóc để ông tìm ra được các chi tiết phục vụ cho văn học” – nữ nhà văn chia sẻ. 

Nhìn lại di sản của nhà văn Bùi Hiển, có thể thấy ông đã tham dự vào đời sống văn chương trên nhiều lĩnh vực sáng tác, phê bình, tiểu luận, dịch thuật. Các tác phẩm của ông cũng bao quát nhiều đề tài từ nông thôn đến thành thị, từ phong tục tập quán tới các truyện ngắn mang tính luận đề… 

Dù ở lĩnh vực nào, viết về đề tài, đối tượng nào, Bùi Hiển luôn thể hiện sự chắt chiu, chọn lựa chi tiết kỹ lưỡng và tìm tòi cách thức thể hiện gần gũi mà tinh tế. Như nhà nghiên cứu văn học Nguyên An cho rằng: “Bùi Hiển là nhà văn bẩm sinh, không có ai hướng dẫn, không qua trường lớp. Mà nhà văn bẩm sinh là gì? Là rất tỉ mỉ trong cuộc sống, quan sát tỉ mỉ, ghi chép tỉ mỉ, suy nghĩ cẩn trọng rồi mới viết”.

GK

Bạn đang đọc bài viết "Nhà văn Bùi Hiển – “người đánh thức lương tri”" tại chuyên mục DU LỊCH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).