Họa sỹ Nguyễn Sáng: Linh hồn của mỹ thuật cách mạng Việt Nam

01/09/2020 15:30

(VHNT) - Tranh của họa sỹ Nguyễn Sáng gồm nhiều thể loại, ở thể loại nào ông cũng đều thành công và đặc biệt có nhiều đóng góp đối với cách mạng nước ta. Từ những năm 1960, Nguyễn Sáng được xếp vào nhóm “tứ kiệt” của làng hội họa Việt Nam.

Họa sỹ Nguyễn Sáng sinh ngày 1/8/1923 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Năm 1938, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 8/1945, ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Tháng 12/1946, ông tình nguyện lên chiến khu Việt Bắc, phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến kiến quốc của dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là một trong những họa sỹ đầu tiên nhiệt tình tham gia cách mạng, ở đây ông nhận nhiệm vụ vẽ tranh tuyên truyền cổ động, thiết kế tem và vẽ tiền giấy Việt Nam. Ông là một trong những người đầu tiên được cách mạng tin tưởng giao cho thiết kế bộ tem bưu chính đầu tiên của nước Việt Nam, phát hành năm 1946.

Mỹ thuật - Họa sỹ Nguyễn Sáng: Linh hồn của mỹ thuật cách mạng Việt Nam

Họa sỹ Nguyễn Sáng

Bộ tem này có ý nghĩa về nhiều mặt như: văn hóa xã hội, chính trị, kinh tế, nghệ thuật,... đánh dấu một mốc lớn đối với ngành bưu điện nói riêng và đất nước nói chung. Năm 1953, họa sỹ Nguyễn Sáng tham gia cách mạng giảm tô, cải cách ruộng đất, sau đó ông đi chiến trường Lào rồi trở lại chiến trường Điện Biên Phủ cùng với nhiều họa sỹ khác như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sỹ Ngọc, Quang Phòng…

Có thể nói trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, họa sỹ Nguyễn Sáng đã dành hết công sức của mình vào sự nghiệp sáng tác cho cách mạng. Tuy nhiên cũng như nhiều họa sỹ khác trong thời kỳ này, do hoàn cảnh chiến tranh ông không sáng tác được nhiều tác phẩm hoành tráng nhưng bằng tài năng cùng với sự tâm huyết của mình ông đã sáng tác một số tác phẩm hội họa bằng chất liệu sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ như: “Tình quân dân”, khắc gỗ mầu năm 1951 “Giặc đốt làng tôi” sơn dầu năm1954. “Hưởng ứng chiến thắng Điện Biên Phủ” khắc gỗ năm 1954. “Bộ đội nghỉ trưa trên đồi” sơn mài năm 1959. “Kết nạp Đảng ở Điên Biên Phủ” sơn mài năm 1963, “Hành quân đêm mưa”… Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, ông sáng tác bức tranh sơn mài “Thành đồng tổ quốc”... những tác phẩm này được coi là khổ lớn lúc bấy giờ.

Họa sỹ Nguyễn Sáng mấtngày 16/12/1988. Ông được đánh giá là một trong số các họa sỹ đi theo cách mạng ngay từ những ngày đầu tiên, dùng nghệ thuật làm vũ khí trong cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, ông luôn đi đầu trong nghệ thuật, các tác phẩm của ông bao giờ cũng toát lên cái nhìn trung thực, trìu mến, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Nghệ thuật của Nguyễn Sáng gắn liền với lịch sử kháng chiến, chiến tranh cách mạng.

Ông là một trong số những họa sỹ có những tác phẩm sơn dầu, sơn mài đẹp độc đáo sáng tác về chủ đề kháng chiến, chiến tranh cách mạng Việt Nam. Ngôn ngữ hội họa của ông có tầm khái quát cao, tiếp thu nhuần nhuyễn nghệ thuật truyền thống, kết hợp với nghệ thuật tạo hình hiện đại của phương Tây, ông là một trong những người có đóng góp lớn vào việc cách tân hội họa Việt Nam hiện đại.

Mỹ thuật - Họa sỹ Nguyễn Sáng: Linh hồn của mỹ thuật cách mạng Việt Nam (Hình 2).

“Kết nạp Đảng ở Điên Biên Phủ” sơn mài (1963) kích thước 112,3 x180cm) . Ảnh Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Mỗi một tác phẩm của ông là một câu chuyện kể về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, mà trong đó chứa bao nhiêu máu xương của các thế hệ người dân Việt. Ngoài ra những tác phẩm này còn chứa đựng ý nghĩa lịch sử, giá trị nghệ thuật cao của nền nghệ thuật hội họa kháng chiến, chiến tranh cách mạng, trong đó đánh dấu những bước trưởng thành quan trọng của nền mỹ thuật Việt Nam.

Nguyễn Sáng là một trong những họa sỹ lớn của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam, là một đại diện tiêu biểu của trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Những tác phẩm ông sáng tác về chủ đề kháng chiến, chiến tranh cách mạng luôn là một bài ca thiết tha, một bản anh hùng ca hào hùng của một dân tộc yêu nước thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm kiếp nô lệ. Phong cách nghệ thuật của ông mạnh mẽ, khỏe khoắn, thô mộc, nhưng luôn hướng đến trách nhiệm lớn lao của mỗi người trước vận mệnh đất nước.

Ngôn ngữ nghệ thuật của ông được xác định rõ ràng, thể hiện đúng phong cách, đậm cá tính của người Việt Nam, nét vẽ phóng khoáng lúc thô, lúc mảnh mai, lúc lại mềm mại chắc khỏe, thể hiện sự tài ba trong từng đường nét vẽ tạo nên một phong cách nghệ thuật mạnh mẽ giàu năng lượng.

Khi thưởng ngoạn những tác phẩm ông vẽ dưới mảng chủ đề nào đi chăng nữa như phong cảnh, tĩnh vật, chân dung hay đề tài chiến tranh… đều cho người xem thấy có âm hưởng tranh dân gian Việt Nam rất rõ như: mảng bẹt, nét to đậm, cách vẽ màu vụng về ngây ngô như những đứa trẻ học vẽ không khéo tay nhưng càng xem càng thấy hay thấy đẹp với cách tạo hình chắc khỏe, đa dạng và chắt lọc, không gian ít dùng luật phối cảnh mà thường sử dụng không gian ước lệ đậm chất Á Đông, sử dụng các hình mảng phẳng bẹt và khoảng trống tạo không gian ước lệ trong tranh.

Tất cả những nguyên tố tạo hình đó đều có trong tranh dân gian và nghệ thuật người phương Đông… Đó là những nét khám phá đặc sắc đầy tài năng của danh họa Nguyễn Sáng.

Trần Quốc Bình

Bạn đang đọc bài viết "Họa sỹ Nguyễn Sáng: Linh hồn của mỹ thuật cách mạng Việt Nam" tại chuyên mục Y TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).