Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn và chặng đường 21 năm “vương vấn” Truyện Kiều

29/09/2020 15:14

(VHNT) – “Chân dung Thúy Kiều nên giống như nàng Monalisa thời Phục Hưng. Giống ở chỗ trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện sẽ cảm nhận nàng Monalisa khác nhau. Truyện Kiều cũng vậy, một bức chân dung rất đời và giàu tính biểu tượng, nếu vẽ các nhân vật càng hiện thực sẽ càng trở nên trần trụi, áp đặt và mất đi tính biểu tượng của nó.”

Mối nhân duyên từ nhiều năm trước 

Cảm hứng trong nghệ thuật được xem là thứ gì đó vô cùng quan trọng, nhưng với riêng Truyện Kiều, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn không cho đó là cảm hứng, mà là “mối nhân duyên” đặc biệt.

 “Khi còn đi học, tôi thường hay vẽ những cô gái mang tâm trạng buồn hoặc không vui hẳn, kể cả khi họ cười, họ múa cũng không vui. Nhà tôi ở quê, trong một lần về quê lục tủ sách, tôi tìm thấy một vài cuốn Kiều của ông nội, tôi rất thích Truyện Kiều và xem chúng như báu vật. Tôi hình dung hai chị em Kiều rất đẹp, rất tâm trạng, đúng với xu hướng nhân vật của mình, tôi bắt đầu vẽ.

Năm tôi bắt đầu là 1999, tôi vẽ nhiều lắm, từ lúc đi học, đi làm cho đến khi hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp. Hồi bé đọc Kiều không hiểu nhiều, sau này tôi mới nhận ra, Truyện Kiều có ý nghĩa và giá trị to lớn với cuộc đời mình. Ở mỗi giai đoạn thăng trầm, tôi đều đọc Kiều để suy ngẫm và bình tĩnh hơn. ”

Nhân duyên giữa Kiều và Nguyễn Tuấn Sơn, Nguyễn Tuấn Sơn với Kiều cứ thế kéo dài hàng chục năm, dường như trong mỗi tác phẩm minh họa Kiều, họa sĩ đều gửi gắm một sợi dây giao cảm. Sáng tạo chưa bao giờ là dễ dàng, có những tác phẩm anh mất nhiều năm để hoàn thành, ngược lại có nhiều bức họa, anh chỉ cần thời gian 5 phút.

“Có một lần tôi mơ về cụ Nguyễn Du, tôi ngồi bật dậy và nghĩ mình phải phác họa ngay chân dung đó. Tác phẩm được hoàn thiện trong vòng 5 phút, tôi ghi lại những đường nét tiêu biểu và dùng mọi tri giác để cảm nhận, đó là một trong những bức họa không bao giờ quên.”

Tính đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Tuấn Sơn đã tích lũy cho mình “khối gia tài” đồ sộ với hơn 5000 bức tranh minh họa Truyện Kiều (tính cả phác thảo). 30 bức trong số đó được tổ chức triển lãm và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.

Họa sĩ hài hước khẳng định, con số 5000 sẽ tiếp tục nhân lên bởi với anh, Kiều luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật.

Mỹ thuật - Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn và chặng đường 21 năm “vương vấn” Truyện Kiều

Chân dung họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn 

Nều vẽ Kiều theo lối tả thực thì tôi thấy không thỏa mãn 

Minh họa Truyện Kiều ghi nhận sự xuất hiện của nhiều tên tuổi làng mỹ thuật như Nguyễn Tường Lân, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí. Giữa bầu trời đầy tinh tú ấy, cái tên Nguyễn Tuấn Sơn xuất hiện mang theo một phong cách riêng biệt:

“Ngay từ khi còn đi học, tôi luôn ý thức được mình phải xây dựng một bố cục khác, tìm hình ảnh khác, xây dựng những gam màu riêng và phải khiến chúng trở nên khác biệt. Mọi người đều nói tranh của tôi buồn và chứa nhiều tâm trạng, có lẽ điều đó hợp với Truyện Kiều.

Khi tôi đưa ra bộ minh họa Kiều đầu tiên, bên cạnh những người yêu thích, có rất nhiều người cảm thấy hoang mang vì nó quá trừu tượng. Tôi đến gần hơn với khán giả và giải thích rằng đây là lối vẽ biểu tượng, hình ảnh này biểu trưng cho điều gì, chi tiết kia có ý nghĩa như thế nào, họ đều bất ngờ và cảm nhận được. Tôi cho đó là một thành công.

Một vấn đề khi xem tranh biểu tượng tại Việt Nam là khán giả chưa thực sự nắm chắc được lịch sử mỹ thuật, quên đi những chức năng cơ bản, điều này ảnh hưởng khá hiều đến việc thưởng thức và chiêm nghiệm tranh. Khi minh họa Kiều, 100% tôi sử dụng bút pháp Phương Đông, không dùng chì để phác hình, nét bút thường kéo dài, vẽ những nét chính và quan trọng nhất là bắt được cái thần.” – họa sĩ chia sẻ.

Mỹ thuật - Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn và chặng đường 21 năm “vương vấn” Truyện Kiều  (Hình 2).

Một số bức tranh Kiều tiêu biểu (nguồn: Vietnamnet)

Mỹ thuật - Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn và chặng đường 21 năm “vương vấn” Truyện Kiều  (Hình 3).

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn chú trọng vào bút pháp và cách tạo hình (nguồn Vietnamnet)

Điều đặc biệt khi vẽ minh họa Truyện Kiều không phải là tài năng, bút pháp hay thứ gì đó quá mới lạ. Với Nguyễn Tuấn Sơn, ngoài đọc, cảm nhận thì sự va vấp, trải đời chính là chìa khóa để vẽ những nhân vật thành công. Đứng trước tác phẩm mang đậm hơi thở thời đại, người nghệ sĩ cũng cần tích lũy cho mình một hành trang chứa đầy “vốn sống”.

“Từ trước tới nay, có nhiều người vẽ về Truyện Kiều nhưng không hiểu về Nguyễn Du. Truyện Kiều là tiếng khóc của Nguyễn Du, khóc cho bản thân, gia đình và nỗi đau thời thế loạn lạc. Đã có lúc tôi tự hỏi, Kiều là Nguyễn Du hay Nguyễn Du là Kiều chăng? Đây là một thi phẩm thấm đẫm chất đời, vì vậy khi đọc Truyện Kiều, nếu vẽ theo lối tả thực thì tôi thấy không thỏa mãn, đơn giản đó chỉ là một cô gái đẹp thông thường.

“Chân dung Thúy Kiều nên giống như nàng Monalisa thời Phục Hưng. Giống ở chỗ trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện sẽ cảm nhận nàng Monalisa khác nhau. Truyện Kiều cũng vậy, một bức chân dung rất đời và giàu tính biểu tượng, nếu vẽ các nhân vật càng hiện thực sẽ càng trở nên trần trụi, áp đặt và mất đi tính biểu tượng của nó.”

Bên cạnh bộ tranh minh họa riêng nhân vật Thúy Kiều, tác giả Nguyễn Tuấn Sơn  cũng dành rất nhiều bức tranh họa lại Từ Hải, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư hay Sở Khanh. Anh cho biết:

“Có những nhân vật tôi tốn rất nhiều thời gian, thậm chí là nhiều năm mới đủ hiểu và vẽ được. Ví dụ như Mã Giám Sinh, Mã Giám Sinh không hề dễ vẽ, ban đầu tôi vẽ Mã Giám Sinh như thằng hề, sau này tôi thấy là không phải. Nếu đọc kỹ sẽ thấy, bề ngoài của Mã Giám Sinh rất đàng hoàng, là sinh viên, ăn nói dễ nghe, khuôn mặt đầy đặn, đáng tin, thế mới có thể lừa một người sắc sảo như Kiều.

Hay với nhân vật Từ Hải – một vị anh hùng, tôi dùng những nét bút sắc nhọn, mạnh mẽ để mô tả một người đàn ông khỏe khoắn. Có lẽ thành công trong việc minh họa Truyện Kiều là ở chỗ, tôi đã xây dựng được bộ nhận diện nhân vật với những đặc điểm rất riêng.”

Tâm niệm về những tác phẩm mang tính định hướng giáo dục

Không chỉ là một họa sĩ, Nguyễn Tuấn Sơn còn là một nhà giáo, một người truyền cảm hứng nghệ thuật tới các thế hệ học trò. Bởi vậy dù ở bất kỳ tác phẩm nào, anh luôn đặt mục tiêu phải có tính định hướng giáo dục, thiết thực, phát triển năng lực cho học sinh, sinh viên. Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn chia sẻ:

“Tôi tâm niệm rằng, vẽ minh họa Kiều không đơn giản là sự thỏa mãn cá nhân, mà xa hơn, đây là một phương tiện hữu ích cho giáo dục đương thời. Các em học sinh chính là những khán giả thưởng thức tranh Kiều của tôi, các em yêu thích và áp dụng nó trong việc tiếp cận văn bản, hiểu thêm lịch sử dân tộc Việt. Tuyệt vời hơn, rất nhiều em đã bắt đầu vẽ những bộ tranh Kiều và khám phá được năng khiếu, sở trường để có hướng đi đúng đắn.  

Mỹ thuật - Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn và chặng đường 21 năm “vương vấn” Truyện Kiều  (Hình 4).

Những bức tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn được các em học sinh yêu thích 

Tôi luôn mơ ước về một “không gian văn hóa Kiều” tại Hà Nội, nơi mà chúng ta, bạn bè nước ngoài đều có thể đến và cảm nhận. Ở đó sẽ trưng bày các tác phẩm liên quan đến Kiều như tranh, ảnh, tài liệu cổ. Tôi đang cố gắng từng ngày để thực hiện điều đó.”

Trước thực trạng rất nhiều tranh ảnh, ấn phẩm minh họa Truyện Kiều theo phong cách Trung Quốc hiện nay, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đưa ra nhận định:

“Tôi không phán xét việc được hay không được, vì đó là quyền tự do cá nhân. Một phần vì sự giao thoa, ảnh hưởng trong cách vẽ và lối vẽ, phần vì từ sâu trong tiềm thức của nhiều người, Truyện Kiều lấy cốt truyện từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân Trung Hoa.

Nhưng với riêng tôi, Kiều là một thi phẩm đặc sắc của Việt Nam, từ thể thơ lục bát đến 3254 câu thơ đều đậm đà văn hóa Việt. Dù minh họa hay làm một điều gì, chắc chắn không nên đánh mất hồn quê hương trong đó.”

“Tôi vẽ Kiều đến nay chưa bán một bộ tranh nào!” – Lời bộc bạch chân thành của Nguyễn Tuấn Sơn càng làm ta khâm phục và nể trọng hơn một người họa sĩ tài năng. Anh dùng sự hiểu đời, trải đời để sáng tạo những bức tranh Kiều đầy chiêm nghiệm... Và  người họa sĩ ấy vẫn đang nỗ lực từng ngày, gìn giữ , lan tỏa văn hóa Kiều trước những ba động của thời đại mới.

Hiền Lương 

Bạn đang đọc bài viết "Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn và chặng đường 21 năm “vương vấn” Truyện Kiều " tại chuyên mục DU LỊCH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).